backup og meta

Hội chứng thận hư là gì?

Hội chứng thận hư là gì?

Hội chứng thận hư xảy ra khi có những tổn thương ở thận khiến cho cơ quan này đào thải nhiều protein vào trong nước tiểu hơn bình thường. Hội chứng này không phải là một bệnh lý. Chính những bệnh lý gây tổn thương đến mạch máu ở thận mới là nguyên nhân dẫn đến hội chứng này.

Tìm hiểu chung

Hội chứng thận hư là gì?

Hội chứng thận hư tập hợp một loạt các vấn đề cho thấy thận đã bị tổn thương, bao gồm:

  • Albumin niệu: tình trạng có một lượng lớn protein (albumin) trong nước tiểu
  • Tăng lipid máu: nồng độ chất béo và cholesterol trong máu cao hơn bình thường
  • Phù hoặc sưng: hay thấy ở chân, bàn chân, mắt cá chân, ít gặp ở tay hoặc mặt
  • Albumin máu thấp: hàm lượng albumin trong máu giảm thấp

Bình thường, thận có nhiệm vụ lọc và loại bỏ các chất thải cũng như dịch dư thừa ra khỏi máu qua nước tiểu nhờ vào các bộ lọc được gọi là cầu thận. Khi thận còn khỏe mạnh, cầu thận chỉ lọc bỏ những chất thải và giữ lại các tế bào protein cần thiết trong máu.

Tuy nhiên, khi các đơn vị lọc này bị tổn thương có thể để cho các protein trong máu (thường là albumin) thoát qua và đi vào nước tiểu, dẫn đến hội chứng thận hư. Trong hội chứng này, sự tổn thương ở cầu thận cho phép từ 3g protein trở lên đi vào nước tiểu trong khoảng 24 giờ, gấp hơn 20 lần lượng protein niệu lúc cầu thận khỏe mạnh.

Những ai thường mắc hội chứng thận hư?

hội chứng thận hư ở trẻ em

Hội chứng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em, phần lớn ở độ tuổi từ 1,5–4 tuổi. Một số trường hợp bị hội chứng thận hư bẩm sinh, các triệu chứng xuất hiện từ những năm đầu tiên của trẻ. Ở độ tuổi nhỏ (dưới 8 tuổi), trẻ trai thường mắc phải hội chứng này nhiều hơn bé gái nhưng ở độ tuổi lớn hơn thì cả hai giới đều có nguy cơ như nhau.

Nguyên nhân gây tổn thương cầu thận thay đổi theo độ tuổi và có thể là nguyên phát hay thứ phát.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng thận hư là gì?

Hội chứng thận hư thường không gây đau nhưng sự tích nước trong cơ thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống. Một số dấu hiệu và triệu chứng thận hư thường thấy là:

  • Phù nề nghiêm trọng, nhất là ở quanh mắt và mắt cá chân, bàn chân
  • Nước tiểu có bọt do có quá nhiều protein trong nước tiểu
  • Tăng cân do cơ thể bị giữ nước
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn, mất cảm giác thèm ăn

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ lo lắng nào về sức khỏe của bạn thân, hãy đến gặp bác sĩ sớm để được kiểm tra.

Nguyên nhân

Nguyên nhân hội chứng thận hư là gì?

bạn biết gì về hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư có thể xảy ra do các bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến thận. Đây là những nguyên nhân nguyên phát, bao gồm:

  • Bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu
  • Xơ hóa cầu thận ổ cục bộ
  • Bệnh cầu thận màng
  • Huyết khối tĩnh mạch thận

Ngoài ra, hội chứng thận hư còn có khả năng do nguyên nhân thứ phát gây ra. Những nguyên nhân này hiếm gặp ở trẻ em (<10%) nhưng lại thường gặp ở người lớn (<50%), thường gặp là:

  • Đái tháo đường
  • Tiền sản giật
  • Lupus
  • Thoái hóa tinh bột (hiếm gặp, chưa xác định mối liên hệ rõ ràng)

Một số loại thuốc, bao gồm các thuốc điều trị nhiễm trùng và thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID), cũng có mối liên hệ với hội chứng thận hư.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thận hư?

Các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc hội chứng thận hư bao gồm:

  • Mắc các bệnh lý làm tổn thương thận như: tiểu đường, lupus, thoái hóa dạng bột, bệnh cầu thận sang thương tối thiểu và các bệnh lý thận khác.
  • Một số loại thuốc có thể gây ra hội chứng thận hư như: thuốc chống viêm không steroid và thuốc kháng sinh.
  • Một số bệnh nhiễm làm tăng nguy cơ của hội chứng thận hư bao gồm: HIV, viêm gan B, viêm gan C và bệnh sốt rét.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng thận hư?

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng như: sưng mắt cá chân, sưng chân hoặc thậm chí là sưng mặt. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm được yêu cầu thực hiện để giúp quá trình chẩn đoán hội chứng thận hư có cơ sở, bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm máu
  • Sinh thiết thận

Những phương pháp điều trị hội chứng thận hư

Điều trị hội chứng thận hư

Mục tiêu trong điều trị hội chứng thận hư là điều trị bất kỳ tình trạng bệnh lý nào gây tổn thương đến đơn vị lọc – cầu thận. Bác sĩ sẽ kê cho bạn một số thuốc điều trị tùy theo nguyên nhân và khuyến cáo thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát tốt các triệu chứng, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Các loại thuốc có thể được chỉ định trong điều trị hội chứng này là:

  • Thuốc trị tăng huyết áp. Thuốc ức chế men chuyển sẽ giúp hạ huyếp áp và lượng protein bị đào thải qua nước tiểu. Một số hoạt chất thuốc thường dùng là lisinopril, benazepil, captopril, enalapril.
  • Thuốc lợi tiểu. Nhóm thuốc này giúp giảm bớt sưng, phù bằng cách tăng bài tiết nước tiểu ở thận. Thuốc lợi tiểu thường thấy gồm furosemide, spironolactone, hydrochlorothiazide hay metlazone.
  • Thuốc giảm cholesterol. Các thuốc nhóm statin (atorvastatin, fluvastatin…) có thể giúp giảm mức cholesterol trong máu. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm cholesterol có thể giúp cải thiện các triệu chứng trong hội chứng thận hư và tránh các biến chứng nguy hiểm vẫn chưa được rõ ràng.
  • Thuốc chống đông máu. Các thuốc này giúp hạn chế khả năng tạo thành cục máu đông, nhất là khi bạn từng có tiền sử trước đây.
  • Thuốc ức chế miễn dịch. Những thuốc này dùng để kiểm soát hệ miễn dịch, làm giảm tình trạng viêm kèm theo một số tình trạng khác có thể gây ra hội chứng thận hư. Một số thuốc trong nhóm này là rituximab, cyclosporin, cyclophosphamide.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa hội chứng thận hư?

Thay đổi chế độ ăn uống cũng góp phần hỗ trợ điều trị hội chứng thận hư, thậm chí phòng ngừa bệnh hiệu quả. Cụ thể như sau:

  • Ăn ít chất béo, chế độ ăn uống ít muối.
  • Hỏi bác sĩ về lượng protein nên ăn và lượng nước cần uống mỗi ngày.
  • Đừng nằm nhiều và nên tích cực hoạt động để giúp thải nước và ngăn ngừa máu đông.
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý bỏ thuốc.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Biến chứng

Hội chứng thận hư có nguy hiểm không?

Việc mất một lượng lớn protein trong máu cũng như tổn thương ở thận có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng khác. Người bệnh có khả năng sẽ gặp phải các vấn đề như:

  • Hình thành cục máu đông (huyết khối) trong mạch máu
  • Tăng cholesterol và mỡ máu
  • Tăng huyết áp
  • Kém hấp thu các chất dinh dưỡng, sụt cân
  • Thiếu máu
  • Bệnh thận mạn
  • Suy thận cấp
  • Nhiễm trùng
  • Suy giáp
  • Bệnh mạch vành

Tiên lượng của mỗi người bệnh bị hội chứng thận hư rất khác nhau. Nó phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra thương tổn ở thận và tình trạng sức khỏe chung của người bệnh. Khi nguyên nhân tiềm ẩn được điều trị, các triệu chứng cũng sẽ được cải thiện.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories. Bản in. Trang 274

Nephrotic syndrome. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nephrotic-syndrome/basics/risk-factors/con-20033385. Ngày truy cập: 05/10/2015

Nephrotic Syndrome in Adults. https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/nephrotic-syndrome-adults. Ngày truy cập: 16/3/2021.

Nephrotic syndrome. https://www.kidneyfund.org/kidney-disease/other-kidney-conditions/rare-diseases/nephrotic-syndrome/. Ngày truy cập: 25/05/2021

Phiên bản hiện tại

25/05/2021

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Nước tiểu thấy nóng báo hiệu bệnh gì?

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt ảnh hưởng đến đời sống tình dục như thế nào?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 25/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo