backup og meta
AI

Chia sẻ

Vắc xin HPV: Chìa khóa phòng ngừa ung thư ở người lớn

1. Hiểu về virus HPV và vắc xin HPV2. Vắc xin HPV - Lá chắn phòng ngừa ung thư và nhiễm trùng3. Liều lượng và lịch tiêm vắc xin HPV4. Tác dụng phụ và độ an toàn của vắc xin HPV5. Tiêm HPV bao nhiêu tiền và ở đâu?6. FAQs - Các câu hỏi thường gặp về vắc xin HPVKết luận

Vắc xin HPV là một trong những vắc xin quan trọng giúp phòng ngừa nhiều loại ung thư nguy hiểm do virus HPV gây ra, điển hình là ung thư cổ tử cung. Đây là loại vắc xin dành cho cả nam và nữ, đặc biệt hiệu quả nếu được tiêm trước khi quan hệ tình dục.

Bạn đã tiêm HPV đầy đủ chưa? Một phác đồ tiêm HPV đầy đủ có thể mang lại khả năng bảo vệ lâu dài cho bạn và những người thân yêu. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ vắc xin HPV là gì, ai nên tiêm, tiêm như thế nào, giá tiêm bao nhiêu và tại sao không nên trì hoãn tiêm chủng.

1. Hiểu về virus HPV và vắc xin HPV

Virus papilloma ở người (HPV) là một trong những virus phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Có hơn 140 loại virus HPV đã được phát hiện ở người, trong đó có khoảng 40 loại có thể gây viêm nhiễm vùng sinh dục và một số bệnh ung thư nhất định như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng…

Thế nhưng, nhận thức về HPV và các rủi ro của nó vẫn còn hạn chế, khiến nhiều ca bệnh lẽ ra có thể phòng ngừa lại trở nên nghiêm trọng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm HPV trên hành trình bảo vệ sức khỏe lâu dài.

Vắc xin HPV giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại các chủng virus HPV nguy cơ cao này, từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng và phát triển ung thư sau này.

Tại Việt Nam, có 2 loại vắc xin giúp phòng ngừa HPV, bao gồm:

  • Gardasil 9 phòng ngừa 9 loại virus HPV (tuýp 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58).
  • Gardasil phòng ngừa 4 loại virus HPV (tuýp 6, 11, 16, 18).

[embed-health-tool-ovulation]

2. Vắc xin HPV – Lá chắn phòng ngừa ung thư và nhiễm trùng

Vắc xin HPV rất quan trọng với sức khỏe cả nam và nữ.
Vắc xin HPV rất quan trọng với sức khỏe cả nam và nữ.

2.1. Tầm quan trọng của vắc xin HPV

Chủng ngừa HPV giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do các chủng virus HPV nguy cơ cao, từ đó giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, hậu môn, hầu họng và các bệnh ung thư liên quan đến HPV khác.

Bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch tạo kháng thể chống lại các chủng có nguy cơ cao, vắc xin giúp ngăn chặn sự xâm nhập và phát triển bệnh lý liên quan đến HPV.

2.2. Vắc xin HPV cho người lớn: Ai cần tiêm và tại sao?

  • Người dưới 26 tuổi chưa từng tiêm HPV nên chủng ngừa càng sớm càng tốt.
  • Người từ 27 đến 45 tuổi có thể cân nhắc tiêm vắc xin HPV cho người lớn sau khi trao đổi với bác sĩ về các lợi ích của chủng ngừa.

Mặc dù chủng ngừa HPV đạt hiệu quả tối ưu khi được tiêm trước khi cơ thể tiếp xúc với virus, nhưng ngay cả khi đã có phơi nhiễm, vắc xin vẫn có thể giúp bảo vệ khỏi những chủng HPV nguy cơ cao khác mà cơ thể chưa từng gặp, từ đó giảm nguy cơ phát triển các bệnh lý nghiêm trọng trong tương lai.

2.3. Khuyến nghị từ Bộ Y tế

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cả nam và nữ nên tiêm vắc xin HPV, lý tưởng nhất là trước khi quan hệ tình dục.

Trước sự gia tăng không ngừng của các bệnh liên quan đến HPV, việc tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế là cần thiết để bảo vệ cơ thể tối đa, phòng ngừa nhiễm trùng và các bệnh ung thư liên quan.

2.4. Hiểu lầm phổ biến và sự thật cần biết: Vắc xin HPV chỉ dành cho phụ nữ?

Thực tế, virus HPV có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ, không chỉ gây ung thư cổ tử cung mà còn dẫn đến các ung thư khác như hầu họng, hậu môn, dương vật… ở nam giới. Việc tiêm phòng HPV giúp giảm nguy cơ lây truyền và bảo vệ sức khỏe toàn diện cho cộng đồng.

3. Liều lượng và lịch tiêm vắc xin HPV

Lịch tiêm vắc xin HPV có thể khác nhau tùy thuộc vào loại vắc xin và theo độ tuổi.
Lịch tiêm HPV có thể khác nhau tùy thuộc vào loại vắc xin và độ tuổi.

3.1. Lịch tiêm HPV khuyến nghị theo độ tuổi

Phác đồ tiêm vắc xin HPV có thể khác nhau tùy thuộc vào loại vắc xin và theo độ tuổi.

3.1.1. Vắc xin Gardasil 4

  • Mũi 1: Mũi tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: 2 tháng sau mũi 1.
  • Mũi 3: 4 tháng sau mũi 2.

3.1.2. Vắc xin Gardasil 9

Người từ 9 tuổi đến dưới 15 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên:

Phác đồ 2 mũi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 từ 6-12 tháng.
  • Nếu mũi 2 tiêm cách mũi 1 ít hơn 5 tháng, cần tiêm mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.

Phác đồ 3 mũi (0-2-6):

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 2 tháng.
  • Mũi 3: Cách mũi 2 ít nhất 4 tháng.

Người từ 15 tuổi đến 45 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên:

Phác đồ 3 mũi (0-2-6):

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 2 tháng.
  • Mũi 3: Cách mũi 2 ít nhất 4 tháng.

Phác đồ tiêm nhanh:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
  • Mũi 3: Cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.

Lưu ý: Việc tiêm đủ liều theo đúng phác đồ là yếu tố quyết định đến hiệu quả bảo vệ lâu dài của chủng ngừa HPV.

3.2. Tiêm HPV như thế nào?

Vắc xin được tiêm vào cánh tay trên hoặc đùi và có thể thực hiện tại bệnh viện, phòng khám, trung tâm tiêm chủng uy tín. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định phác đồ tiêm phù hợp

3.3. Vì sao cần tiêm đủ mũi vắc xin HPV?

Việc bỏ sót mũi tiêm HPV có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin. Vì vậy, bạn cần đảm bảo tiêm đủ số mũi theo phác đồ đã được bác sĩ chỉ định. Điều này vừa giúp tăng khả năng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài, vừa giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HPV và các biến chứng sức khỏe liên quan.

3.4. Tác động thực tế: Thành công của việc tiêm HPV

Chủng ngừa giúp giảm tỷ lệ mắc các loại ung thư liên quan đến HPV.
Chủng ngừa giúp giảm tỷ lệ mắc các loại ung thư liên quan đến HPV.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ), vắc xin HPV có tác dụng phòng ngừa tiền ung thư cổ tử cungsùi mào gà gần như 100%.

Tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng HPV cao, tỷ lệ mắc các loại ung thư liên quan đến HPV đã giảm đáng kể. 

Từ khi chủng ngừa HPV được áp dụng, tỷ lệ nhiễm virus và nguy cơ tiền ung thư cổ tử cung đã giảm rõ rệt. Cụ thể:

  • Ở nhóm bé gái tuổi thiếu niên, tỷ lệ nhiễm các chủng HPV gây ung thư và sùi mào gà đã giảm tới 71%.
  • Ở nữ thanh niên, tỷ lệ nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao giảm 61%.
  • Ở những phụ nữ đã tiêm vắc xin, tỷ lệ mắc tiền ung thư cổ tử cung do HPV cũng giảm 40%.

Những con số này cho thấy hiệu quả rõ rệt của vắc xin trong việc phòng ngừa HPV và các bệnh lý liên quan. Đây là minh chứng cho hiệu quả lâu dài và bền vững của việc tiêm HPV.

4. Tác dụng phụ và độ an toàn của vắc xin HPV

4.1. Tác dụng phụ của vắc xin HPV

Một số người có thể gặp phải một số tác dụng phụ nhẹ sau khi tiêm HPV, chẳng hạn như:

  • Đau, đỏ, sưng tại vị trí tiêm
  • Sốt nhẹ
  • Mệt mỏi, đau đầu

Những phản ứng này thường nhẹ và tự khỏi sau 1-2 ngày.

4.2. Cách xử trí khi gặp tác dụng phụ

Để giảm bớt khó chịu sau khi tiêm, bạn nên:

  • Uống đủ nước và nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Chườm khăn lạnh vào vị trí tiêm.
  • Uống thuốc giảm đau (nếu cần).

4.3. Mức độ an toàn của tiêm chủng HPV

Các nghiên cứu quốc tế quy mô lớn đã khẳng định tiêm HPV an toàn và không liên quan đến rối loạn nghiêm trọng. Cho đến nay, chủng ngừa HPV vẫn là biện pháp phòng ngừa an toàn và hiệu quả, giúp giảm đáng kể các rủi ro sức khỏe liên quan đến HPV.

5. Tiêm HPV bao nhiêu tiền và ở đâu?

Chi phí tiêm HPV tùy thuộc vào từng cơ sở y tế.
Chi phí tiêm HPV tùy thuộc vào từng cơ sở y tế.

Bạn có thể tiêm HPV tại các bệnh viện, phòng khám và trung tâm tiêm chủng uy tín.

Hiện nay, tại Việt Nam, chủng ngừa HPV chưa nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Do đó, giá tiêm HPV có thể thay đổi tùy theo loại vắc xin và cơ sở tiêm chủng. Trung bình, giá tiêm HPV như sau:

  • Vắc xin Gardasil (Hoa Kỳ): 1.790.000 VNĐ/liều, phòng ngừa 4 tuýp HPV (6, 11, 16 và 18).
  • Vắc xin Gardasil 9 (Hoa Kỳ): 2.950.000 VNĐ/liều, phòng ngừa 9 tuýp HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58).

6. FAQs – Các câu hỏi thường gặp về vắc xin HPV

6.1. Ai nên tiêm vắc xin HPV và vào độ tuổi nào?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm HPV cho cả nam và nữ, lý tưởng nhất là trước khi tiếp xúc với virus.

Trước đây, tại Việt Nam, chủng ngừa HPV được chỉ định tiêm cho đối tượng từ 9-26 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế đã mở rộng độ tuổi tiêm vắc xin ngừa HPV cho người 27-45 tuổi.

Như vậy, thay vì giới hạn 9-26 tuổi như trước, Bộ Y tế cho phép người dân từ 9-45 tuổi có thể tiêm HPV.

6.2. Trên 30 tuổi có nên tiêm HPV không?

Nên! Việc tiêm phòng HPV không bao giờ là quá muộn!

Hiện nay, với sự phê duyệt mới từ Bộ Y tế, vắc xin Gardasil 9 ngừa HPV đã có thể sử dụng cho người 27-45 tuổi.

6.3. Vì sao vắc xin HPV giúp ngừa ung thư cổ tử cung?

HPV là nguyên nhân chính gây ra phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung. Tiêm phòng giúp ngăn ngừa nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao, làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung và các loại ung thư liên quan đến HPV khác.

6.4. Vắc xin HPV có tác dụng phụ không?

Các tác dụng phụ sau khi tiêm HPV thường nhẹ và tự hết. Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

  • Đau, đỏ hoặc sưng tại vị trí tiêm.
  • Sốt nhẹ.
  • Mệt mỏi hoặc đau đầu.

Tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm gặp. Vắc xin được chứng minh là an toàn qua nhiều nghiên cứu quốc tế.

6.5. Virus HPV ở nam giới gây bệnh ung thư gì?

HPV có thể gây ra một số loại ung thư ở nam giới, bao gồm:

  • Ung thư dương vật
  • Ung thư hậu môn, nhất là ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.
  • Ung thư hầu họng, ảnh hưởng đến phía sau họng, amidan và gốc lưỡi.
  • Ung thư trực tràng.

Tiêm vắc xin có thể giúp giảm nguy cơ mắc các loại ung thư này.

6.6. Tiêm vắc xin HPV giá bao nhiêu và có được bảo hiểm chi trả không?

Hiện nay, chủng ngừa HPV không nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cũng không được bảo hiểm chi trả.

Giá tiêm HPV có thể thay đổi tùy theo loại vắc xin và cơ sở tiêm chủng, chẳng hạn như:

  • Vắc xin Gardasil : 1.790.000 VNĐ/liều.
  • Vắc xin Gardasil 9: 2.950.000 VNĐ/liều.

6.7. Quan hệ rồi có tiêm HPV được không?

Được. Những người đã quan hệ tình dục vẫn có thể được hưởng lợi từ vắc xin HPV. Mặc dù vắc xin phát huy hiệu quả cao nhất khi được tiêm trước khi phơi nhiễm với virus, nhưng nó vẫn có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các chủng HPV mà cơ thể chưa từng tiếp xúc.

Để xác định liệu chủng ngừa HPV có phù hợp và mang lại lợi ích trong trường hợp đã quan hệ tình dục hay không, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ.

Kết luận

Vắc xin HPV là biện pháp chủ động và cần thiết trong việc phòng ngừa nhiều loại ung thư liên quan đến HPV ở cả nam và nữ. Đừng chần chừ – hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về lịch tiêm phù hợp, góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Bạn đã tiêm đủ liều HPV chưa? Hãy kiểm tra tình trạng tiêm chủng của bản thân ngay hôm nay. Chỉ một phác đồ đầy đủ có thể mang lại hiệu quả bảo vệ lâu dài cho bạn và những người thân yêu. Chủ động hôm nay, an toàn mai sau.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

HPV Vaccination Recommendations | CDC https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/hpv/hcp/recommendations.html Ngày truy cập: 21/04/2025

Human papillomavirus (HPV) vaccine https://www.who.int/southeastasia/activities/human-papillomavirus-%28hpv%29-vaccine Ngày truy cập: 21/04/2025

Cervical cancer https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cervical-cancer Ngày truy cập: 21/04/2025

Myths and fake messages about human papillomavirus (HPV) vaccination: answers from the ESGO Prevention Committee https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC9554067/ Ngày truy cập: 21/04/2025

Epidemiology and pathology of HPV disease in males – PMC https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC4254924/ Ngày truy cập: 21/04/2025

Vaccinations | Communicable Diseases Agency https://www.cda.gov.sg/public/vaccinations Ngày truy cập: 21/04/2025

Cancers Linked with HPV | Human Papillomavirus and Cancer https://www.cancer.org/cancer/risk-prevention/hpv/hpv-and-cancer-info.html Ngày truy cập: 21/04/2025

HPV and Cancer – NCI https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/infectious-agents/hpv-and-cancer Ngày truy cập: 21/04/2025

The human papillomavirus (HPV) vaccination prevents specific types of HPV infections that may lead to cervical cancer. https://vaccine.gov.sg/hpv Ngày truy cập: 21/04/2025

WHO khuyến cáo hiệu quả của tiêm vắc xin HPV đạt mức cao nhất khi tiêm cho trẻ từ 9-15 tuổi https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/who-khuyen-cao-hieu-qua-cua-tiem-vac-xin-hpv-at-muc-cao-nhat-khi-tiem-cho-tre-tu-9-15-tuoi Ngày truy cập: 21/04/2025

Phiên bản hiện tại

21/04/2025

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn

avatar

Được đánh giá bởi: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi, Đa khoa, Hello Bacsi · Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 21/04/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo