backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhổ răng hàm liệu có nguy hiểm? Chăm sóc sau nhổ răng hàm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 17/06/2021

    Nhổ răng hàm liệu có nguy hiểm? Chăm sóc sau nhổ răng hàm

    Răng hàm là răng ở vị trí quan trọng nằm sâu phía trong miệng, đảm nhiệm vai trò nhai, nghiền nát thức ăn. Chính vì vị trí khuất khỏi tầm nhìn, khó chăm sóc nên răng hàm rất dễ bị sâu và liên quan đến các bệnh răng miệng như bệnh viêm nha chu.

    Vậy khi nào thì cần nhổ răng hàm? Phải xử lý răng hàm bị sâu như thế nào? Liệu nhổ răng hàm ở hàm dưới có nguy hiểm không? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay tất tần tật những thông tin về việc nhổ răng hàm được tổng hợp trong bài viết này nhé!

    Răng hàm là gì?

    Răng hàm chính là những chiếc răng khỏe nhất trong miệng và là những chiếc răng mọc cuối cùng. Người trưởng thành có bộ răng hàm bao gồm 3 răng là răng số 6, 7, 8 và những chiếc răng nhỏ hơn được gọi là răng tiền hàm. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, những chiếc răng hàm đầu tiên thường xuất hiện vào khoảng 6 – 7 tuổi. Răng hàm thứ hai ở mỗi bên thường xuất hiện trong khoảng 11 đến 13 tuổi. Các răng hàm thứ 3 được gọi là răng khôn và xuất hiện khoảng từ 18 tuổi trở đi.

    Trong khi răng nanh và răng cửa có vai trò cắn và xé thức ăn thành nhiều mảnh, thì răng hàm số 6 và số 7 lại đóng vai trò nhai và nghiền nát thức ăn trước khi nuốt. Chúng thường có kích thước lớn và bề mặt rộng, có nhiều góc nhọn và thường là các răng làm việc nhiều nhất.

    Nếu chưa biết người trưởng thành có bao nhiêu chiếc răng, bạn có thể tìm hiểu thêm ngay tại đây.

    Nhổ răng hàm có nguy hiểm hay để lại biến chứng không?

    Răng hàm ở cả hàm dưới và hàm trên có vị trí khá giống nhau và là một nơi có cấu trúc giải phẫu khá nguy hiểm. Nếu ca phẫu thuật lấy răng không được thực hiện đúng quy trình có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: gãy lồi cầu xương hàm, thủng xoang hàm… Vì thế để đảm bảo ca phẫu thuật được an toàn, bạn nên chọn những bệnh viện nha khoa có uy tín với đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao để thực hiện nhổ răng hàm.

    Khi nào thì cần nhổ răng hàm?

    Dù đóng vai trò rất quan trọng, nhưng trong một số trường hợp, bạn buộc phải nhổ bỏ răng hàm, chẳng hạn như:

    1. Răng bị sâu

    Chính vì răng hàm nằm ở vị trí khuất sâu bên trong khoang miệng nên việc giữ vệ sinh cho những chiếc răng này sẽ khá khó khăn, làm gia tăng nguy cơ răng hàm bị sâu. Nếu răng bị sâu nhẹ, bạn có thể tham khảo những cách điều trị như: trám răng, làm mão răng, lấy tủy răng… Tuy nhiên khi răng hàm sâu quá nặng, nha sĩ sẽ khuyên bạn nên nhổ răng sâu đi, tránh vi khuẩn tấn công những chiếc răng xung quanh.

    2. Viêm nha chu

    Viêm nha chu là bệnh nhiễm trùng ở răng gây viêm nướu và xương xung quanh răng. Bệnh này thường xuất hiện khi vi khuẩn từ thức ăn tích tụ trên răng và tạo thành vôi răng. Vôi răng sẽ phát triển dọc đường viền nướu và nếu theo thời gian không được xử lý sẽ dẫn đến tình trạng viêm nha chu. Viêm nha chu thường xuất hiện phía trong răng hàm vì đây là những vị trí rất khó có thể làm sạch răng. Khi răng hàm bị viêm nha chu, các nha sĩ thưởng tư vấn nhổ bỏ răng hàm nhằm tránh lây lan sang những răng khác.

    3. Nhổ răng khôn mọc lệch

    Nhổ răng hàm 1

    Răng khôn hay còn gọi là răng số 8 thường mọc không theo một quy tắc nào cả, chúng có thể mọc thẳng hoặc thậm chí mọc nghiêng. Việc răng khôn mọc lệch sẽ gây áp lực lên răng số 7. Vì thế, nếu phát hiện răng khôn mọc lêch, bạn cần nhổ ngay chiếc răng hàm thứ 3 này nhằm ngăn chặn các rắc rối mà nó có thể gây ra. Bởi nếu không nhổ, răng số 8 mọc lệch có nguy cơ làm vỡ chân răng số 7 và gây ra tình trạng sâu răng.

    4. Niềng răng

    Đối với những bạn có nhu cầu niềng răng nhưng kết cấu hàm không đủ không gian để điều chỉnh răng thì nhổ răng khôn là việc cần thiết. Khi răng khôn được nhổ đi, không gian khung xương sẽ được mở rộng và tạo khoảng cách đủ giúp cho răng điều chỉnh đúng vị trí của chúng.

    Quy trình nhổ răng hàm diễn ra như thế nào?

    Tùy vào vị trí răng được nhổ, quy trình nhổ răng sẽ khác nhau nhưng sự khác biệt này không nhiều. Quy trình nhổ răng hàm nhìn chung được thực hiện trong 3 bước:

    1. Sát khuẩn

    Bước đầu tiên trong việc nhổ răng là sát khuẩn. Nha sĩ sẽ tiến hành sát khuẩn vị trí răng nhổ để giúp làm sạch và đảm bảo vị trí này không bị nhiễm khuẩn.

    2. Gây tê

    Gây tê là bước quan trọng trong quy trình phẫu thuật lấy răng hàm. Lý do là vì răng hàm là vị trí răng liên kết với nhiều mạch máu và có xương răng lớn hơn so với những răng khác. Việc gây tê trước khi phẫu thuật sẽ giúp bạn giảm bớt đau đớn.

    3. Tiến hành lấy răng

    Quy trình nhổ bỏ răng hàm diễn ra tùy vào vị trí răng hàm cần nhổ và tình trạng của răng. Đặc biệt là đối với răng khôn mọc lệch và răng khôn mọc ngầm, quy trình nhổ răng sẽ phức tạp và khó khăn hơn.

    Những lưu ý trong việc chăm sóc sau khi nhổ răng hàm

    Sau khi hoàn tất phẫu thuật, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau để mau khỏi:

    • Ngậm băng gạc để cầm máu sau khi nhổ răng
    • Uống thuốc theo đơn được kê
    • Nghỉ ngơi tối thiểu 1 ngày sau khi nhổ răng
    • Ăn thức ăn mềm, dễ nhai, không nóng hoặc lạnh
    • Không khạc nhổ quá mạnh, không dùng ống hút hoặc hút thuốc tối thiểu 3 ngày sau phẫu thuật
    • Súc miệng bằng nước muối
    • Kê đầu nằm cao hơn cơ thể khi đi ngủ hoặc nghỉ ngơi
    • Nếu tại vị trí nhổ răng xuất hiện các dấu hiệu bất thường như có màng trắng xuất hiện, đau dữ dội, chảy máu… bạn cần đi khám ngay.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 17/06/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo