backup og meta

Các bệnh về răng miệng bạn dễ mắc phải

Các bệnh về răng miệng bạn dễ mắc phải

Các bệnh về răng miệng phổ biến mà bạn dễ mắc phải thường là sâu răng, nướu răng, hôi miệng… Bạn nên nhận biết sớm những nguyên nhân gây ra các bệnh về răng miệng để có biện pháp phòng ngừa bệnh đúng cách nhé.

Các bệnh về răng miệng không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn khiến bạn thiếu tự tin khi giao tiếp với mọi người. Mặc dù vậy, các bệnh về răng miệng có thể ngăn ngừa được nếu như bạn đánh răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa, ăn uống đúng cách và kiểm tra răng miệng thường xuyên.

Khi bạn biết được các bệnh về răng miệng thường gặp cùng với những nguyên nhân gây ra bệnh thì sẽ biết cách phòng bệnh tốt hơn. Dưới đây là các bệnh về răng miệng phổ biến mà bạn có thể gặp phải.

1. Hơi thở có mùi

Chứng hôi miệng hay hơi thở có mùi thường gây trở ngại lớn cho bạn trong quá trình giao tiếp và có thể khiến bạn cảm thấy xấu hổ. Theo trang Verywellhealth, khoảng 85% những người bị hôi miệng mắc các bệnh về răng miệng như nướu răng, sâu răng, ung thư miệng, khô miệng và có mảng bám trên lưỡi.

Thói quen sử dụng nước súc miệng chỉ giúp bạn giảm mùi hôi phần nào chứ không giúp chữa khỏi hẳn bệnh. Nếu bạn gặp tình trạng hôi miệng mãn tính thì nên đến nha sĩ để tìm ra đúng nguyên nhân gây hôi miệng và chữa trị tận gốc.

Tìm hiểu thêm: 11 loại hôi miệng cảnh báo những vấn đề sức khỏe liên quan

2. Sâu răng

sâu răng là một trong các bệnh về răng miệng

Ở Hoa Kỳ, sâu răng hay răng có lỗ hổng là bệnh xếp thứ 2 sau bệnh cảm lạnh thông thường (bệnh phổ biến nhất ở Hoa Kỳ). Tình trạng sâu răng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi: sâu răng ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn.

Bạn bị sâu răng là do có sự kết hợp của mảng bám, chất dính hình thành trên răng cùng với đường và tinh bột trong thức ăn tạo ra axit tấn công men răng. Khi có tuổi, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao bị sâu răng khi men răng bị mòn đi. Ngoài ra, tình trạng khô miệng do tuổi tác hoặc uống thuốc cũng có thể dẫn đến sâu răng.

Cách tốt nhất để bạn ngăn ngừa sâu răng là nên đánh răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa và đi khám răng định kỳ khoảng 4 – 6 tháng 1 lần.

Mặt khác, bạn có thể ngăn ngừa sâu răng bằng cách chú ý xây dựng bữa ăn lành mạnh, hạn chế hoặc tốt nhất là không ăn đồ ăn nhẹ hay sử dụng đồ uống có nhiều đường. Bạn cũng cần nghe theo lời khuyên của bác sĩ nha khoa khi đi khám bệnh để điều trị tình trạng sâu răng hiệu quả.

3. Bệnh nướu răng

Nướu răng hay bệnh nha chu là một tình trạng nướu ở xung quanh răng bị nhiễm trùng. Bệnh này là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất răng ở người lớn. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh tim và bệnh nha chu. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người sau 30 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng là do thói quen hút thuốc, bệnh tiểu đường hoặc chứng khô miệng. Các triệu chứng của bệnh thường là hôi miệng, đỏ, sưng, đau hoặc chảy máu ở nướu, răng trở nên nhạy cảm hơn và cảm thấy đau khi nhai thức ăn.

Hai giai đoạn chính của bệnh nướu răng là viêm nướu và viêm nha chu. Thói quen kiểm tra răng miệng thường xuyên, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn ngừa bệnh nướu răng.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh nướu răng, bạn nên đến gặp nha sĩ để điều trị và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh như gây ra tình trạng mất răng.

4. Răng nhạy cảm

răng nhạy cảm là bệnh về răng miệng

Răng nhạy cảm là một vấn đề phổ biến, xảy ra với hàng triệu người. Về cơ bản, bạn có thể cảm thấy mình bị ê buốt, đau hoặc khó chịu khi ăn đồ ngọt, ở trong không khí lạnh, ăn hoặc uống các thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh khi răng nhạy cảm.

Một số người khi gặp vấn đề răng nhạy cảm thậm chí còn cảm thấy khó chịu khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Tuy nhiên, tình trạng bệnh này có thể chữa khỏi được.

Bên cạnh đó, răng nhạy cảm có thể là dấu hiệu cho thấy răng bị nứt hoặc áp xe răng (một tình trạng cần được điều trị bởi nha sĩ để tránh mất răng hoặc bị nhiễm trùng trong xương hàm). Nếu bạn thấy răng của mình nhạy cảm thì nên hẹn gặp nha sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp.

5. Ung thư miệng

Ung thư miệng là một căn bệnh nghiêm trọng và gây tử vong, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Tổ chức Ung thư miệng (The Oral Cancer Foundation) ở Hoa Kỳ ước tính cứ mỗi vài giờ lại có người chết vì ung thư miệng, nhưng bệnh có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị trong giai đoạn đầu. Đây là căn bệnh phổ biến ở những người trên 40 tuổi.

Các yếu tố làm bạn tăng nguy cơ bị ung thư miệng là sử dụng thuốc lá, thói quen uống rượu bia, hoặc mắc bệnh HPV (bệnh lây qua đường tình dục). Các triệu chứng của ung thư cổ họng hoặc ung thư miệng bao gồm lở loét, sưng tấy hoặc cảm thấy thô ráp khu vực quanh miệng. Bạn cũng cảm thấy có sự thay đổi khi nhai thức ăn hoặc khó di chuyển lưỡi và quai hàm của mình.

Bạn nên đến nha sĩ khám bệnh định kỳ để kiểm tra bạn có bị ung thư miệng hay không nếu gặp khó khăn khi nhai, nuốt, di chuyển lưỡi hoặc quai hàm.

6. Tình trạng mòn răng

các bệnh về răng miệng

Tình trạng mòn răng xảy ra khi axit tấn công men răng làm mất cấu trúc răng. Khi có triệu chứng mòn răng, bạn sẽ cảm thấy răng trở nên nhạy cảm, đổi màu, bị sứt mẻ hoặc hình dáng răng thay đổi. Men răng bị mòn xảy ra phổ biến với mọi người nhưng cũng là bệnh có thể dễ dàng ngăn chặn và phòng ngừa được.

Khi bị mòn răng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn trám răng nếu tình trạng bệnh là nghiêm trọng. Trong thói quen sinh hoạt hàng ngày, bạn nên đánh răng 2 lần/ngày, súc miệng sau khi ăn thực phẩm có axit, uống nhiều nước và dùng chỉ nha khoa đúng cách.

Mặc dù thói quen đi đến nha sĩ định kỳ có thể giúp bạn giảm thiểu phần nào rủi ro gặp các vấn đề về răng miệng nhưng sự cố hoặc tai nạn vẫn có thể xảy ra. Nếu răng bạn bị mẻ răng, vỡ, nứt, áp xe hoặc bị gãy khi gặp tai nạn thì bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức. Bạn cũng cần đến bác sĩ khi quai hàm, lưỡi, môi, miệng bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu bạn bị áp xe răng gây khó nuốt, bạn bị sốt hoặc sưng mặt thì cũng cần được cấp cứu khẩn cấp.

7. Loét miệng

Mặc dù chứng loét miệng khiến bạn cảm thấy phiền toái và khó chịu nhưng tình trạng này thông thường sẽ tự biến mất, trừ trường hợp kéo dài hơn 2 tuần.

Chứng loét miệng có thể gồm 3 trường hợp dưới đây:

– Loét miệng phổ biến là lở miệng xảy ra bên trong miệng nhưng không có ở trên môi. Chứng loét miệng không truyền nhiễm và có thể được kích hoạt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

– Loét miệng xuất hiện ở rìa môi ngoài xảy ra khi virus herpes simplex gây ra tình trạng lở môi. Chúng dễ lây lan, dễ biến mất nhưng không chữa khỏi hoàn toàn được.

– Loét miệng do bệnh tưa miệng, nhiễm nấm candia, nhiễm trùng nấm men thường thấy ở trẻ sơ sinh, người đeo răng giả, người mắc bệnh tiểu đường và đang điều trị ung thư.

Khi nhận biết các bệnh về răng miệng, bạn sẽ chủ động phòng ngừa bệnh tật bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt để có nụ cười rạng rỡ và tự tin hơn. Bạn cũng cần định kỳ đến nha sĩ để được chăm sóc răng miệng thường xuyên và kịp thời điều trị các bệnh về răng miệng. Cho dù là bạn trám răng, cạo vôi răng, cấy ghép nha khoa, hay chỉnh nha thì cũng là một cách bạn đang tăng cường sự bảo vệ cho những chiếc răng nhỏ bé của mình đấy!

Hoa Vũ HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

The Most Common Dental Problems
https://www.verywellhealth.com/top-common-dental-problems-1059461
Ngày truy cập: 02.03.2020

Everything You Need to Know About Dental and Oral Health
https://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health
Ngày truy cập: 02.03.2020

Slideshow: 15 Tooth Problems
https://www.webmd.com/oral-health/ss/slideshow-tooth-problems
Ngày truy cập: 02.03.2020

Phiên bản hiện tại

24/06/2020

Tác giả: Hoa Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lộc Tuyệt Mỹ


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | Nắm được khía cạnh khoa học của bệnh sâu răng

Hello Bacsi | Nắm được khía cạnh khoa học của bệnh sâu răng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 24/06/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo