Sau khi niềng răng móm, bạn không chỉ có gương mặt ưa nhìn hơn mà sức khỏe răng miệng cũng được cải thiện. Vậy quy trình niềng răng móm giá bao nhiêu và có phức tạp không?
Tình trạng răng móm có thể khiến gương mặt mất cân đối và sức khỏe răng miệng cũng bị ảnh hưởng. Bạn có thể cải thiện tình hình bằng cách niềng răng móm và luôn giữ vệ sinh răng miệng thật tốt.
Tình trạng răng móm là gì?
Tình trạng răng móm là khi răng hàm dưới nhô ra ngoài nhiều hơn răng hàm trên. Thông thường, các răng sẽ khít với nhau để giúp bạn không phải cắn má, môi hoặc lưỡi khi ăn. Tuy nhiên, có một số lý do có thể khiến răng hàm dưới nhô ra nhiều hơn hàm trên và dẫn tới tình trạng răng móm.
Ảnh hưởng của răng móm
Có một số trường hợp hàm dưới nhô ra rất ít so với hàm trên và gần như không đáng chú ý. Thế nhưng, một số trường hợp khác hàm dưới nhô ra quá nhiều lại có thể ảnh hưởng tới cấu trúc gương mặt.
Ngoài vấn đề thẩm mỹ, tình trạng răng móm cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng. Một số trường hợp bị móm răng nặng có thể dẫn đến các bệnh về răng miệng như:
- Khó nói chuyện
- Khó cắn và nhai thức ăn
- Đau miệng và mặt do hàm bị lệch
Nguyên nhân khiến răng móm
Có nhiều nguyên nhân khiến răng móm như sau:
• Thói quen xấu khi nhỏ: Một số thói quen khi còn nhỏ có thể làm tăng nguy cơ móm răng. Một số thói quen xấu có thể kể đến là:
– Mút ngón tay
– Dùng lưỡi đẩy răng
– Hay dùng núm vú giả dù đã trên 3 tuổi
– Bú bình trong thời gian dài dù đã qua tuổi sơ sinh
• Di truyền: Tình trạng móm răng thường do di truyền trong gia đình. Bạn có nhiều khả năng bị móm răng nếu trong gia đình có một thành viên bị móm. Bên cạnh đó, một số người có thể mắc các dị tật bẩm sinh như sứt môi và hở hàm ếch cũng có nguy cơ bị móm răng cao.
• Chấn thương: Các chấn thương nghiêm trọng ở mặt có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho xương hàm. Tuy bác sĩ có thể giúp bạn chữa các chấn thương ở xương hàm nhưng hàm thường khó quay lại vị trí bình thường như trước. Điều này có thể dẫn đến tình trạng răng móm.
• Khối u: Các khối u trên xương hàm hoặc trong miệng có thể làm cho hàm nhô ra và gây móm răng.
Thường tình trạng răng móm nhẹ không gây ảnh hưởng nhiều nên bạn sẽ không cần can thiệp. Tuy nhiên, bạn cần tìm cách điều chỉnh nếu tình trạng răng móm quá nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc chỉnh răng móm sẽ mang đến nhiều lợi ích như:
– Dễ vệ sinh răng miệng hơn.
– Giảm nguy cơ sâu răng và mắc các bệnh nướu răng.
– Răng, hàm và cơ mặt bớt bị căng. Điều này có thể giúp bạn giảm nguy cơ gãy răng và viêm khớp thái dương hàm.
Tìm hiểu về niềng răng móm
Để chỉnh răng móm hiệu quả, bạn cần thực hiện một số thủ thuật y tế như phẫu thuật hàm hay niềng răng. Tuy nhiên, trong những trường hợp tình trạng móm không nặng thì niềng răng sẽ thích hợp hơn.
Trước khi đến phòng khám nha khoa, bạn nên tìm hiểu kỹ về quy trình niềng răng, các loại niềng răng và niềng răng móm giá bao nhiêu.
1. Quy trình niềng răng móm
Quy trình niềng răng móm ở từng phòng khám nha có thể khác nhau đôi chút. Nhìn chung, một quy trình niềng răng móm đầy đủ sẽ bao gồm các bước sau:
• Khám lâm sàng và chụp X – quang: Nha sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe răng miệng và chụp X – quang cả hàm răng rồi đưa dữ liệu vào máy để phân tích tình trạng móm. Sau khi đã có hình ảnh về tình trạng răng miệng của bạn, nha sĩ sẽ phân tích và giúp bạn lên kế hoạch niềng răng cũng như hình dung kết quả sau khi niềng.
• Tư vấn niềng răng móm: Nha sĩ sẽ tư vấn sâu hơn về phác đồ chỉnh răng móm như nên dùng loại niềng nào, giá cả bao nhiêu, niềng trong bao lâu…
• Làm sạch răng miệng: Sau khi bạn đã đồng ý với phác đồ chỉnh răng móm, nha sĩ sẽ giúp bạn vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh các bệnh nha khoa sau này. Ở bước này, nha sĩ cũng sẽ giúp bạn xử lý các vấn đề về răng miệng như sâu răng, mẻ răng…
• Lắp mắc cài: Đây là bước nha sĩ lắp mắc cài và dây cung bạn đã chọn vào răng. Sau khi đeo niềng răng khoảng vài tiếng, bạn sẽ cảm thấy đau nhức và khó chịu ở răng và nướu. Cảm giác khó chịu này thường kéo dài một tuần và sẽ bớt dần khi bạn đã quen với việc đeo niềng răng. Trong quãng thời gian đeo niềng, dây cung tạo áp lực lên răng và dần dần kéo răng vào đúng vị trí.
Tùy theo chỉ định của nha sĩ, bạn sẽ cần tái khám định kỳ sau mỗi 1 tuần, 2 tuần hay 1 tháng… Mỗi lần tái khám, nha sĩ sẽ chỉnh mắc cài cũng như chụp X-quang răng và hàm để theo dõi hiệu quả của quá trình niềng răng móm.
• Tháo niềng răng: Sau khi đã kết thúc phác đồ, nha sĩ sẽ giúp bạn tháo niềng răng và theo dõi sức khỏe răng miệng trong một thời gian để kịp thời can thiệp khi răng có vấn đề. Bạn cũng cần chăm sóc răng miệng thật kỹ ở giai đoạn này bằng cách ăn thức ăn mềm và vệ sinh răng miệng kỹ càng. Ngoài ra, bạn cũng cần có dụng cụ bảo vệ răng phù hợp khi tham gia các hoạt động mạnh có nguy cơ ảnh hưởng tới răng như chơi thể thao.
2. Các loại niềng răng móm
Có rất nhiều loại niềng răng với độ thẩm mỹ và thoải mái khác nhau mà bạn có thể lựa chọn dựa theo tình trạng móm của răng, sức khỏe răng miệng và điều kiện kinh tế của mình.
- Niềng răng mắc cài kim loại: Đây là loại niềng răng khá phổ biến với giá cả phải chăng và hiệu quả cao. Tuy nhiên, niềng răng mắc cài kim loại lại không có tính thẩm mỹ cao và cũng có thể gây khó chịu cho người đeo.
- Niềng răng mắc cài bằng sứ: Niềng răng mắc cài bằng sứ có cùng hình dạng và kích thước như niềng răng mắc cài kim loại. Điểm khác biệt là mắc cài của loại niềng này làm bằng sứ có màu sắc gần giống răng chứ không phải làm bằng kim loại. Loại niềng răng này tuy có tính thẩm mỹ cao hơn nhưng cũng mắc hơn và đòi hỏi bạn chăm sóc kỹ hơn.
- Niềng răng mắc cài tự buộc: Đây là phương pháp niềng răng khá mới với phần mắc cài có hệ thống nắp trượt hoặc cánh kim loại để đậy và cố định phần dây cung. Bạn sẽ không cần đến nha sĩ quá thường xuyên để chỉnh dây cung và thời gian niềng răng móm cũng rút ngắn đáng kể.
- Niềng răng mặt lưỡi: Niềng răng mặt lưỡi khá giống niềng răng kim loại nhưng mắc cài và dây cung được gắn vào mặt trong của răng. Loại niềng răng này có tính thẩm mỹ cao nhưng lại lâu có hiệu quả và chỉ dùng cho các trường hợp răng móm không nhiều. Ngoài ra, việc vệ sinh răng miệng cũng sẽ khó khăn hơn nếu bạn chọn cách chỉnh răng móm này.
- Niềng răng không mắc cài: Niềng răng không mắc cài hay còn gọi là Invisalign là cách chỉnh răng móm bằng một loại khay trong suốt. Đây là cách niềng răng thẩm mỹ nhất và bạn có thể tháo niềng bất cứ khi nào một cách dễ dàng. Tuy nhiên, niềng răng không mắc cài khá tốn kém và cũng mất nhiều thời gian hơn.
3. Niềng răng móm giá bao nhiêu?
Mức giá niềng răng móm rất đa dạng tùy vào loại mắc cài, tay nghề nha sĩ và mức độ móm của răng. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số mức giá cho từng loại niềng răng như sau:
- Niềng răng mắc cài kim loại: 14.000.000 – 20.000.000 đồng/hàm
- Niềng răng mắc cài tự buộc: 20.000.000 – 25.000.000 đồng/hàm
- Niềng răng mắc cài bằng sứ: 23.000.000 – 25.000.000 đồng/hàm
- Niềng răng mặt lưỡi: 55.000.000 đồng/hàm
- Niềng răng không mắc cài: 60.000.000 đồng/hàm
Niềng răng móm vừa là cách giúp bạn có gương mặt thanh thoát và hài hòa hơn vừa giúp cải thiện sức khỏe răng miệng. Một nụ cười tỏa sáng luôn xứng đáng với thời gian và tiền bạc bạn bỏ ra để chỉnh răng đấy!
[embed-health-tool-bmi]