Chào bác sĩ,
Em 32 tuổi, bị viêm lộ tuyến cổ tử cung và được chỉ định điều trị bằng phương pháp đốt lộ tuyến. Bác sĩ cho em hỏi bị ra máu sau khi đốt lộ tuyến cổ tử cung liên tục gần 2 tuần có nguy hiểm không, có cần đi khám ngay không? Máu ra không nhiều nhưng có khi đủ thấm ướt băng vệ sinh hằng ngày ạ.
Ngọc Mai, Bình Đại, Bến Tre
Bác sĩ trả lời
Chào bạn Ngọc Mai,
Với câu hỏi bị ra máu sau khi đốt lộ tuyến cổ tử cung liên tục gần 2 tuần có nguy hiểm không, có cần đi khám ngay không?, ThS–BS Huỳnh Kim Dung hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ) giải đáp như sau:
Trước khi trả lời bạn Ngọc Mai về băn khoăn “bị ra máu sau khi đốt lộ tuyến cổ tử cung liên tục gần 2 tuần có nguy hiểm không, có cần đi khám ngay không?’, bác sĩ xin nói qua về bệnh viêm lộ tuyến và phương pháp đốt lộ tuyến để bạn rõ:
1. Sơ lược về bệnh viêm lộ tuyến và phương pháp đốt lộ tuyến
1.1. Sơ lược về bệnh lộ tuyến?
Cổ tử cung bình thường có cấu trúc gồm: biểu mô lát phía ngoài và biểu mô tuyến phía trong. Các tế bào tuyến có chức năng tiết dịch nhờn bên trong cổ tử cung. Lộ tuyến là tình trạng các tế bào tuyến nằm bên trong lộn ngược ra mặt ngoài cổ tử cung.
Lộ tuyến cũng có thể hiểu là sự xói mòn. Tức là tế bào lát bị xói mòn nên để lộ ra tế bào tuyến.
Nguyên nhân nào gây lộ tuyến cổ tử cung?
Lộ tuyến cổ tử cung là một hiện tượng sinh lý bình thường, đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân thật sự nhưng người ta nhận thấy nó có liên quan đến hormone estrogen. Cho nên những đối tượng sau có sự tăng lượng estrogen trong cơ thể hay gặp lộ tuyến:
- Phụ nữ trẻ trong thời kỳ rụng trứng
- Phụ nữ mang thai
- Người sử dụng viên tránh thai kết hợp.
- Ở người già, biểu mô tuyến có khuynh hướng đi vào trong nên ít khi thấy lộ tuyến.
Lộ tuyến bẩm sinh ở bé gái mới sinh rất hiếm gặp, thường do mẹ dùng nhiều estrogen khi có thai. Ngoài ra, giao hợp đường âm đạo quá mạnh bạo gây nên sẹo trầy xước cổ tử cung âm đạo cũng là tác nhân gây nên lộ tuyến.
Viêm cổ tử cung nhầy mủ (do lậu cầu hoặc Chlamydia trachomatis) làm tăng kích thước vùng lộ tuyến.
Lộ tuyến cổ tử cung rất phổ biến, chiếm 85 – 90% các tổn thương ở cổ tử cung.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?
Các tế bào tuyến lộ ra ngoài vẫn tiết dịch nhầy nên lộ tuyến càng rộng thì sự tiết dịch âm đạo càng nhiều. Dịch nhầy này là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên người bị lộ tuyến dễ bị viêm âm đạo hơn, từ đó gây viêm cổ tử cung, nên ta gọi là viêm lộ tuyến cổ tử cung.
Biểu hiện viêm là khí hư nhiều gây ngứa ngáy khó chịu, khi dịch âm đạo có mùi hôi, màu vàng có thể kèm ngứa thì khả năng là bị bội nhiễm nấm, vi khuẩn.
Tình trạng viêm lộ tuyến sẽ gây khó chịu cho cả hai người khi làm “chuyện ấy’. Vì cổ tử cung viêm sẽ tiết dịch nhiều kèm theo xung huyết âm đạo nên người nữ sẽ cảm thấy đau rát lúc quan hệ (có khi chảy máu sau giao hợp). Còn người nam thì khó chịu vì dịch nhầy viêm tiết ra, đôi khi bị lây viêm nhiễm từ dịch đó.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung có mang thai được không? Nếu viêm lộ tuyến rộng để lâu ngày kéo dài không điều trị, viêm nhiễm này có thể lan lên phía trên gây viêm vòi trứng, dính buồng tử cung gây khó thụ thai hoặc thậm chí vô sinh.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Khi nào cần điều trị?
Lộ tuyến ít không gây triệu chứng không cần điều trị. Nếu lộ tuyến gây ra triệu chứng chẳng hạn như chảy máu sau giao hợp… hay có biểu hiện viêm thì cần được điều trị. Các phương pháp điều trị viêm lộ tuyến bao gồm:
- Sát khuẩn tại chỗ bằng các viên kháng sinh đặt âm đạo
- Kháng sinh uống
- Thuốc chống viêm
- Ngừng dùng thuốc tránh thai kết hợp nếu đang sử dụng, chuyển sang dùng biện pháp tránh thai khác: bao cao su, thuốc diệt tinh trùng…
Trường hợp tái phát sau điều trị, hay lộ tuyến rất rộng (>2cm), có thể dùng các phương pháp loại bỏ lớp tế bào tuyến trên cùng, tạo điều kiện cho các tế bào lát bên trong phát triển như: áp lạnh, đốt điện, cắt đốt bằng laser, leep (khoét chóp cổ tử cung). Trong đó áp lạnh là phương pháp đơn giản mà hiệu quả rất tốt, ít gây xơ chai cổ tử cung sau này. Tùy mức độ và đặc điểm tổn thương, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp tốt nhất cho bạn.
Các phương pháp xâm lấn kể trên (trừ phương pháp uống thuốc và đặt thuốc) dù ít hay nhiều cũng có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến cổ tử cung cho việc sinh đẻ sau này. Cho nên theo khuyến cáo mới, các phương pháp này thường chỉ được sử dụng cho phụ nữ sau 24 tuổi và đã có ít nhất 1 con.
1.2. Sơ lược về phương pháp đốt
Nhiều bạn nữ băn khoăn không biết đốt lộ tuyến cổ tử cung được thực hiện như thế nào? Đây là một thủ thuật nhằm loại bỏ tế bào tuyến bất thường ở cổ tử cung, được chỉ định trong các trường hợp:
- Viêm cổ tử cung mạn tính, điều trị bằng kháng sinh thất bại
- Các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản cổ tử cung nhẹ
- Tổn thương do virus HPV
Các phương pháp đốt lộ tuyến bao gồm:
- Đốt điện
- Đốt laser
- Áp lạnh
Mình không biết bạn được điều trị bằng phương pháp nào, đốt điện hay đốt laser?
2. Bị ra máu sau khi đốt lộ tuyến cổ tử cung liên tục gần 2 tuần có nguy hiểm không? Làm thế nào để khắc phục?
Bị ra máu sau khi đốt lộ tuyến cổ tử cung liên tục gần 2 tuần có nguy hiểm không? Để có được câu trả lời này, chúng ta cùng điểm qua các triệu chứng thường gặp sau khi đốt lộ tuyến cổ tử cung:
- Chảy máu âm đạo. Do đó, người bệnh nên thực hiện đốt ngay sau khi vừa sạch kinh để vết thương được khô lâu hơn lành tốt hơn và để phân biệt chảy máu vết thương với chảy máu kinh.
- Tăng tiết dịch âm đạo rất nhiều.
- Đau bụng.
Vậy đốt viêm lộ tuyến cổ tử cung bao lâu thì khỏi? Câu trả lời là thường mất khoảng 4 tuần để cổ tử cung tái tạo sau khi đốt lộ tuyến. Vết thương thường rất nhỏ.
Sau khi đốt lộ tuyến cổ tử cung bị ra máu bao lâu? Thường sau khi đốt, bạn sẽ bị ra máu khoảng 1 tuần đầu, nhưng lượng ít.
Trở lại với thắc mắc của bạn Ngọc Mai, bị ra máu sau khi đốt lộ tuyến cổ tử cung liên tục gần 2 tuần có nguy hiểm không? Làm thế nào để khắc phục? Bác sĩ xin trả lời bạn cụ thể như sau: Nếu bạn bị ra máu liên tục 2 tuần sau đốt, nhưng lượng rất ít, chỉ thấm băng vệ sinh vài giọt, thì có thể theo dõi tiếp. Còn nếu ra máu lượng nhiều, khiến bạn phải thay băng thường xuyên, thì đây là điều bất thường, bạn cần đi khám lại.
Ngoài ra, bạn cũng cần đến bệnh viện kiểm tra nếu gặp một trong các dấu hiệu sau: sốt, dịch tiết âm đạo hôi…
Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ chảy máu kéo dài sau khi đốt lộ tuyến cổ tử cung, bạn cần:
- Kiêng giao hợp 30-40 ngày
- Không đặt tampon hay cốc nguyệt san, không đưa ngón tay hay bất cứ thuốc, dung dịch gì vào bên trong âm đạo trong khoảng 1 tháng
- Luôn giữ vùng âm đạo được khô ráo, tránh ẩm ướt
- Không tập thể dục cường độ mạnh
– Bạn có thể xem thêm các bài viết:
Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 2 có phải là bệnh lý nguy hiểm?
Trân trọng!
Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
[embed-health-tool-ovulation]