Dấu hiệu viêm phụ khoa nhẹ ở phụ nữ thường bắt đầu với những biểu hiện đơn lẻ như dịch âm đạo bất thường, có mùi hôi, ngứa râm ran vùng kín hoặc những vấn đề khác liên quan đến kinh nguyệt.
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về các triệu chứng có thể xuất hiện khi phụ nữ bị viêm phụ khoa ở mức độ nhẹ. Mời bạn đọc tiếp nội dung dưới đây.
Bệnh phụ khoa là gì?
Bệnh phụ khoa (gynecologic diseases) là các bệnh lý có liên quan đến cơ quan sinh dục của phụ nữ, bao gồm: Âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng, vòi trứng.
5 dấu hiệu bị viêm phụ khoa nhẹ thường gặp
Các dấu hiệu bị viêm phụ khoa nhẹ thông thường bao gồm: Ngứa vùng kín, dịch âm đạo có mùi hôi khó chịu, đau rát khi quan hệ tình dục, đau lưng, đau râm ran vùng bụng dưới nhất là trong những ngày hành kinh, kinh nguyệt không đều, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt…
1. Ngứa vùng kín
Ngứa vùng kín hay ngứa âm đạo/âm hộ là tình trạng ngứa râm ran ở hai bên mép âm hộ, xung quanh âm đạo, khiến chị em cảm thấy khó chịu. Cơn ngứa có thể kéo dài và xuất hiện từng cơn gây bất tiện trong đời sống thường ngày. Do đó, ngứa vùng kín có thể là triệu chứng của viêm phụ khoa nhẹ hoặc bệnh lý ngoài da.
2. Dịch âm đạo có mùi hôi, khó chịu
Khi mắc bệnh phụ khoa, một trong những dấu hiệu phổ biến là dịch âm đạo có mùi hôi, mùi tanh gây khó chịu. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu chung của một số các bệnh lý liên quan đến vùng kín phụ nữ như: Viêm âm đạo do vi khuẩn Chlamydia, mụn rộp sinh dục, bệnh lậu…
3. Đau rát khi quan hệ tình dục
Viêm phụ khoa nhẹ có thể làm vùng kín bị ngứa, bị rát, bị tổn thương; theo phản xạ tự nhiên thì chị em sẽ dùng tay gãi hoặc cọ xát hai mép đùi trong để giảm cơn ngứa. Điều này có thể làm vùng kín bị tổn thương và để lại vết trầy xước nhỏ. Các tổn thương này sẽ càng làm nặng hơn tình trạng viêm ngứa và đau.
4. Kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều là dấu hiệu bất thường ở chu kỳ kinh nguyệt, có thể biểu hiện bằng số ngày hành kinh không ổn định, lượng máu kinh đột nhiên nhiều hơn hoặc ít hơn so với các chu kỳ thông thường.
Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị viêm phụ khoa, nhưng ở mức độ nhẹ hay nặng còn tùy thuộc vào thời gian diễn ra triệu chứng và mức độ nguy hiểm của triệu chứng.
5. Đau lưng và đau vùng bụng dưới trong những ngày hành kinh
Triệu chứng đau lưng, đau bụng dưới, đau vùng chậu là dấu hiệu chung của nhiều bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ như: Ung thư cổ tử cung, viêm vùng chậu, u xơ tử cung… Ban đầu, triệu chứng có thể không nghiêm trọng nhưng nếu chị em chủ quan, không điều trị sớm thì có thể nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Phụ nữ bị viêm phụ khoa nhẹ nên làm gì?
Nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu viêm phụ khoa ở mức độ nhẹ, bạn hãy thực hiện theo các cách sau:
- Đi khám phụ khoa: Để có thể biết chính xác bản thân đang mắc phải vấn đề gì thì cách tốt nhất là bạn nên đi khám phụ khoa để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra cách điều trị sớm, trước khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Giữ vệ sinh và chăm sóc vùng kín: Chủ động thay đồ lót thường xuyên, vệ sinh vùng kín bằng dung dịch dịu nhẹ, thay băng vệ sinh thường xuyên hơn trong những ngày hành kinh.
- Quan hệ tình dục lành mạnh: Tuân thủ các nguyên tắc quan hệ tình dục an toàn và lành mạnh, sử dụng bao cao su khi quan hệ, không tham gia vào các mối quan hệ tình một đêm (ons), quan hệ nhiều người (some), friend with benefit…
- Ăn uống lành mạnh, điều độ: Ưu tiên tiêu thụ các thực phẩm như rau xanh, thịt tươi, các loại hoạt, ngũ cốc, hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chiên trong thời điểm điều trị bệnh.
Các câu hỏi thường gặp
Viêm phụ khoa nhẹ có nguy hiểm không?
Trên thực tế, các triệu chứng bệnh phụ khoa ở giai đoạn đầu thường nhẹ và ít nghiêm trọng. Nhưng với tâm lý e ngại, phần lớn chị em sẽ chủ quan, ngó lơ các triệu chứng và không chủ động đi khám bệnh. Ngoài ra chưa kể đến nhóm phụ nữ ở vùng cao hay dân tộc thiểu số, họ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ khám phụ khoa, bất kể họ có biết cách nhận diện các dấu hiệu bị viêm phụ khoa nhẹ hoặc nặng hay không.
Dấu hiệu viêm phụ khoa nặng là gì?
Viêm phụ khoa nặng là tình trạng các triệu chứng viêm nhiễm phụ khoa trở nên trầm trọng, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe. Về mặt y khoa, không có thuật ngữ gọi là ‘viêm phụ khoa nặng’, thay vào đó các bác sĩ sẽ gọi tên chính xác khu vực hoặc cơ quan bị viêm nhiễm. Ví dụ như: Viêm âm đạo, viêm phần phụ, áp xe phần phụ…
Tuy nhiên, triệu chứng dẫn đến các tình trạng này thì thường là đã ở mức nặng nên mới gọi là viêm phụ khoa nặng; chỉ ra mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Kết luận
Theo khuyến cáo, phụ nữ từ 18 tuổi trở lên hoặc đã quan hệ tình dục nên thực hiện khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm một lần.
Do đó nếu bạn nghi ngờ bản thân có các dấu hiệu viêm phụ khoa thì tốt hơn hết là nên chủ động đi khám bác sĩ. Bạn càng chần chừ thì cơ hội để triệu chứng phát triển là càng cao. Tóm lại, qua bài viết này, Hello Bacsi hy vọng bạn đã biết rõ hơn về các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến viêm phụ khoa là gì, còn mức độ nhẹ hay nặng sẽ còn tùy vào chẩn đoán của bác sĩ dựa trên thời gian kéo dài và tần suất của triệu chứng.
[embed-health-tool-ovulation]