Phụ nữ mắc bệnh phụ khoa về da ở âm hộ có thể sử dụng liệu pháp hormone dưới dạng dụng cụ đặt âm đạo, thuốc viên, kem hoặc thuốc bôi trực tiếp vào âm hộ. Liệu pháp hormone có thể giúp giảm viêm âm hộ và nguy cơ kích ứng da.
Hãy đọc thêm: Hướng dẫn cách dùng thuốc đặt âm đạo
Rủi ro khi bạn tự điều trị bệnh phụ khoa

Việc điều trị bệnh lý phụ khoa cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu tự điều trị bệnh phụ khoa tại nhà, bạn sẽ dễ gặp phải các nguy cơ khiến bệnh ngày càng trở nặng hơn:
Rủi ro khi tự ý sử dụng kem kháng nấm
Khi vùng kín bị khô bong da kèm các dấu hiệu như bị ngứa, đỏ, nứt da… nhiều chị em cho rằng mình bị nhiễm nấm và tự điều trị bằng các loại thuốc không kê đơn như kem kháng nấm. Cách điều trị này có thể phát huy hiệu quả trong một số trường hợp nhưng không phải lúc nào cũng như vậy.
Nguyên nhân gây ngứa âm hộ rất đa dạng: khô da, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (bệnh xã hội), nhiễm khuẩn hoặc nhiễm chủng nấm không phổ biến… Những trường hợp này yêu cầu phải được điều trị đặc hiệu. Tình trạng vùng kín bị khô bong da, ngứa, rát… còn có thể do kích ứng hoặc phản ứng dị ứng với các sản phẩm như xà bông, kem, lotion…
Nếu bạn không bị nhiễm nấm, việc bôi kem nhiễm nấm sẽ không phát huy hiệu quả. Trường hợp bạn dùng các chất như alcohol hay propylene glycol hoặc các thành phần khác chứa trong kem kháng nấm sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Cách tốt nhất là bạn hãy đi khám phụ khoa hoặc da liễu nếu tình trạng vùng kín bị khô bong da kéo dài và không có dấu hiệu cải thiện.
Rủi ro khi vệ sinh vùng kín quá mức
Một vấn đề thường gặp khác là cách vệ sinh vùng kín không đúng. Nhiều chị em thấy dịch âm đạo bất thường hoặc có cảm giác ngứa ngáy thì sẽ nghĩ cần vệ sinh vùng kín kỹ hơn và thụt rửa nhiều để rửa sạch các chất gây kích ứng. Tuy nhiên cách này có thể làm mất cân bằng pH vùng kín hoặc làm tăng kích ứng da có thể khiến vùng kín bị khô bong da hay ngứa ngáy.
Thế nên, khi da vùng kín bị khô nứt thì việc chăm sóc và vệ sinh nhẹ nhàng là điều cần thiết. Bạn nên nhẹ nhàng rửa âm hộ với tay sạch, lau khô với một chiếc khăn mềm.
Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu cho thấy âm hộ không khỏe, bạn không nên tự ý điều trị mà cần sớm đến bác sĩ để được chẩn đoán.
Nếu da vùng kín bị khô nứt, đau rát hoặc nghi ngờ mình mắc các vấn đề viêm nhiễm, bạn cần đến gặp bác sĩ phụ khoa hoặc da liễu để được chẩn đoán và điều trị sớm. Bạn cũng nên chú ý đến cách vệ sinh vùng kín mỗi ngày để giữ âm hộ khỏe mạnh nhé.
Lưu ý khi khám phụ khoa

Khi vùng kín bị khô bong da hay khi mắc các bệnh ngoài da ở vùng kín nữ giới, việc đi khám phụ khoa là cần thiết. Tuy nhiên, để việc khám phụ khoa và chẩn đoán bệnh chính xác, bạn nên lưu ý đến một số vấn đề bên dưới đây:
Vai trò của người bệnh
Các triệu chứng da vùng kín bị khô nứt (hay vùng kín bị khô bong da), ngứa, đau rát hầu hết đều có thể chữa khỏi, nhưng hiệu quả và thời gian điều trị ngắn hay dài còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chúng. Ngoài ra, việc phát hiện bệnh phụ khoa ở âm hộ thường không dễ dàng. Khi khám phụ khoa, bạn nên cung cấp thông tin đầy đủ nhất cho bác sĩ, đặc biệt là các thông tin về:
- Loại thuốc đang sử dụng: Bạn nên đưa ra thông tin về loại thuốc mình đang dùng để bác sĩ xem xét khả năng nếu có tương tác thuốc xảy ra. Đặc biệt là việc dùng các loại thuốc điều trị các vấn đề về tiêu hóa và bàng quang thì cũng có khả năng gây ra các bệnh lý phụ khoa.
- Các vấn đề về da khác trên cơ thể: Nếu bạn bị vảy nến ở các vùng da khác trên cơ thể, bạn có thể dễ bị bệnh lichen xơ hóa ở âm hộ. Bệnh Crohn – một bệnh viêm ruột mạn tính có thể gây viêm da vùng âm hộ. Lichen phẳng ở miệng cũng có thể gây lichen phẳng âm hộ.
- Cách vệ sinh và chăm sóc vùng kín hàng ngày: Nếu bạn thường mặc đồ lót bó sát, đạp xe, tập thể thao… có thể khiến vùng âm hộ ra nhiều mồ hôi và ẩm ướt gây kích ứng khiến vùng kín bị khô bong da. Một số chất tẩy rửa hoặc xà phòng có nguy cơ gây kích ứng da vùng âm hộ, gây các vấn đề phụ khoa.
Bạn nên ghi nhớ và nói cho bác sĩ về tất cả các triệu chứng, ví dụ như da vùng kín bị khô nứt, ngứa, nóng rát, chảy dịch âm đạo, phát ban… Ngoài ra, bạn đừng quên nói rõ tiến triển của triệu chứng, theo thời gian triệu chứng nào được cải thiện, triệu chứng nào trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này là rất hữu ích cho quá trình điều trị.
Vai trò của bác sĩ
Bác sĩ sẽ khám âm hộ, trong một số trường hợp sẽ sử dụng một chiếc kính lúp và chèn mỏ vịt để kiểm tra âm đạo. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra pH của âm đạo và lấy dịch tiết từ âm đạo để kiểm tra dưới kính hiển vi hoặc nuôi cấy nấm.
Việc chẩn đoán bệnh phụ khoa ở âm hộ là điều không dễ dàng. Kể cả đối với các bác sĩ phụ khoa giàu kinh nghiệm cũng cần tới một hoặc vài lần khám để có thể chẩn đoán chính xác và đưa ra điều trị phù hợp giúp cải thiện bệnh.
Nếu các liệu pháp điều trị ban đầu không phát huy hiệu quả nhanh và cải thiện triệu chứng, các bác sĩ có thể phải làm sinh thiết để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!