Buồng trứng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Vậy buồng trứng nằm ở đâu, cấu tạo như thế nào hoặc chức năng cụ thể là gì… là điều mà không phải ai cũng biết.
Vì vậy, nếu bạn đang muốn khám phá nhiều hơn về cơ quan nhỏ này thì có thể tìm hiểu chi tiết qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp sau đây.
Tổng quan buồng trứng là gì?
Mỗi phụ nữ thường có hai buồng trứng. Đây là các tuyến nhỏ có hình bầu dục, nơi trứng (còn gọi là noãn) được sản xuất và lưu trữ. Buồng trứng cũng tạo ra các hormone (nội tiết tố) kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt lẫn quá trình mang thai là estrogen và progesterone. Những hormone này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các đặc điểm của giới tính nữ khi dậy thì như nở ngực mông, thay đổi vóc dáng, phát triển lông trên cơ thể…
Buồng trứng nằm ở đâu?
Nếu bạn chưa biết thì vị trí buồng trứng nằm ở thành bên của chậu hông trong hố buồng trứng. Chi tiết hơn thì cơ quan này nằm ở thành chậu hông bé, dính vào phần lá sau của dây chằng rộng, dưới eo chậu trên khoảng 10 mm, ngay phía sau vòi tử cung. Buồng trứng được giữ cố định bởi một số cơ và dây chằng trong xương chậu, kết nối với tử cung qua các ống dẫn trứng.
Buồng trứng trông như thế nào?
Buồng trứng có hình bầu dục và có màu xám nhạt đến trắng. Bề mặt buồng trứng thường nhẵn nhụi cho đến tuổi dậy thì hoặc sau tuổi dậy thì.
Nguyên nhân là vì khi dậy thì và rụng trứng, vỏ buồng trứng sẽ bị rách tạo ra những “vết sẹo” ở mặt buồng trứng gây ra tình trạng sần sùi. Sau khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, bề mặt của buồng trứng mới có thể nhẵn nhụi trở lại.
Kích thước của buồng trứng
Buồng trứng của bạn có kích thước dài x rộng x dày tương ứng với con số là 1.5 – 3 cm x 1.5 – 3 cm x 1 – 2 cm. Một buồng trứng thường nặng từ 2 – 8 gram.
Kích thước buồng trứng sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời và tăng gấp đôi khi bạn mang thai. Tuy nhiên, khi số lượng trứng cạn kiệt và cơ thể bắt đầu bước vào thời kỳ mãn kinh, kích thước buồng trứng sẽ nhỏ dần.
Cấu tạo của buồng trứng
Buồng trứng của bạn gồm hai mặt (mặt trong và mặt ngoài), hai bờ (bờ tự do và bờ mạc treo) và hai đầu (đầu vòi và đầu tử cung). Về cấu tạo, buồng trứng gồm 3 lớp. Trong đó, lớp ngoài cùng như một “lớp áo” bao phủ bề mặt buồng trứng, lớp giữa là vỏ buồng trứng và lớp trong cùng là tủy chứa máu, mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh.
Chức năng của buồng trứng
Ngoài việc tìm hiểu buồng trứng nằm ở đâu thì chức năng của cơ quan này cũng là vấn đề được quan tâm. Nếu bạn chưa biết thì buồng trứng có vai trò rất quan trọng đối với chu kỳ kinh nguyệt và sự thụ thai. Cơ quan này có hai chức năng chính, bao gồm:
Sản xuất trứng để thụ tinh
Mỗi buồng trứng có hàng ngàn nang noãn. Đây là những túi nhỏ trong buồng trứng có chức năng chứa những quả trứng chưa trưởng thành. Mỗi tháng, từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt, hormone FSH làm cho cho các nang trứng ở một trong 2 buồng trứng của bạn trưởng thành.
Vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ kinh 28 ngày, lượng hormone hoàng thể LH tăng “đột biến’, kích thích buồng trứng giải phóng trứng. Hiện tượng này được gọi là quá trình rụng trứng. Sau đó, trứng bắt đầu di chuyển qua ống dẫn trứng để đến tử cung. Nếu không gặp tinh trùng để thụ thai, trứng sẽ phân hủy và được đẩy ra ngoài cùng lớp niêm mạc tử cung tạo thành kinh nguyệt.
Sản xuất hormone estrogen và progesterone
Buồng trứng tiết ra hai hormone quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của nữ giới là estrogen và progesterone. Trong đó:
- Estrogen được tiết ra nhiều nhất vào nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt trước khi rụng trứng. Đây cũng là hormone giúp hình thành và duy trì đặc tính sinh dục nữ như giọng nói trong trẻo, vai hẹp hông nở, dáng đi mềm mại uyển chuyển…
- Progesterone được tiết ra nhiều vào nửa sau của chu kỳ, giúp lớp niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho quá trình thụ thai. Hormone này còn có tác động đối với các cơ quan khác như tuyến vú, vòi trứng, cổ tử cung…
Những vấn đề sức khỏe liên quan đến buồng trứng
Nếu buồng trứng có những vấn đề bất thường, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Do đó, ngoài việc tìm hiểu buồng trứng nằm ở đâu và chức năng của buồng trứng là gì thì bạn cũng nên chú ý đến sức khỏe của buồng trứng. Một số tình trạng hoặc bệnh lý liên quan đến buồng trứng phổ biến nhất cần được quan tâm đó là:
- U nang buồng trứng
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Ung thư buồng trứng
- Suy buồng trứng nguyên phát
- Bệnh viêm vùng chậu
- U tế bào mầm buồng trứng
- Lạc nội mạc tử cung buồng trứng.
Tìm hiểu thêm Tất tần tật thông tin về nang lạc nội mạc tử cung buồng trứng
Nếu buồng trứng gặp vấn đề, bạn có thể nhận biết qua những triệu chứng nào?
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bạn có thể gặp phải các triệu chứng khác nhau. Nếu có vấn đề bất thường với buồng trứng, bạn có thể nhận biết qua một số triệu chứng như:
- Đau vùng chậu
- Áp lực hoặc đau bụng
- Buồn nôn, tiêu chảy
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Đau bụng kinh dữ dội
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Quá trình rụng trứng không diễn ra.
Buồng trứng là một cơ quan quan trọng của hệ sinh sản nữ. Vì vậy, việc ý thức được buồng trứng nằm ở đâu, có chức năng gì và dễ gặp những vấn đề sức khỏe nào có thể giúp bạn chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn. Thực tế thì phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thường có nguy cơ mắc bệnh phụ khoa, bao gồm cả các vấn đề buồng trứng. Do đó, nếu có những triệu chứng bất thường kể trên gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống thì bạn nên sớm đi khám nhé!
[embed-health-tool-ovulation]