Khoét chóp cổ tử cung (hay sinh thiết chóp cổ tử cung) là phẫu thuật loại bỏ một mẫu mô bất thường ở cổ tử cung. Mục đích khoét chóp cổ tử cung là để loại bỏ tổn thương ở cổ tử cung và toàn bộ vùng bị biến đổi. Vậy, sau khi khoét chóp cổ tử cung cần kiêng gì?
Phẫu thuật khoét chóp tử cung tương đối an toàn nhưng lại đi kèm với rủi ro hậu phẫu như: Nhiễm trùng, hẹp cổ tử cung, tăng nguy cơ sinh non ở những lần mang thai sau. Mời bạn đọc tiếp bài viết để tìm hiểu cách chăm sóc sức khỏe sau khi khoét chóp cổ tử cung.
Đọc thêm: Khoét chóp cổ tử cung
Cách chăm sóc sức khỏe sau khi khoét chóp tử cung
Sau khi khoét chóp cổ tử cung cần kiêng gì? Sau phẫu thuật cần chú ý những điều gì?
Thông thường, cổ tử cung cần từ 4 đến 6 tuần để hồi phục sau khi thực hiện thủ thuật. Trong khoảng thời gian này, bạn cần lưu ý:
- Trong 24 giờ đầu sau khi làm thủ thuật, bạn hãy cố gắng nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi trong khoảng tuần đầu tiên. Bạn không cần phải nằm cố định trên giường, nhưng cũng không nên hoạt động quá mức.
- Vài ngày đầu tiên sau khi thực hiện thủ thuật, âm đạo của bạn có thể tiết dịch giống như chảy máu kinh nguyệt. Vì vậy, bạn hãy dùng băng vệ sinh và thay băng thường xuyên để giữ vệ sinh vùng kín. Tình trạng này có thể thuyên giảm dần trong khoảng 2-3 tuần tiếp theo.
Gợi ý cho bạn: Những biến chứng sau khi cắt tử cung: Điều cần biết trước khi phẫu thuật
Sau khi khoét chóp cổ tử cung cần kiêng gì?
Bác sĩ thường hướng dẫn bạn cách chăm sóc cơ thể hậu phẫu, trong đó có hướng dẫn sau khi khoét chóp cổ tử cung cần kiêng gì và khoét chóp cổ tử cung nên ăn gì.
Vậy sau khi khoét chóp cổ tử cung cần kiêng gì?
- Không ngâm mình trong bồn tắm, kể cả bồn nước tại nhà hay bể bơi. Thay vào đó, bạn nên tắm vòi sen sau khi khoét chóp cổ tử cung để tránh bị nhiễm trùng.
- Không sử dụng tampon, cốc nguyệt san và thụt rửa âm đạo. Những điều này cần kiêng sau khoét chóp cổ tử cung vì chúng có thể khiến vết thương khó lành, thậm chí là tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu.
- Không quan hệ tình dục, bao gồm sử dụng ngón tay, lưỡi hoặc bất kỳ đồ chơi tình dục nào. Để vết thương mau lành và hạn chế tối đa các rủi ro sức khỏe khác như nhiễm trùng và xuất huyết, bạn phải tránh quan hệ tình dục trong 4 đến 6 tuần sau phẫu thuật.
- Hạn chế xách, nâng, khuân vác vật nặng để tránh trường hợp xuất huyết.
- Hạn chế hoạt động nặng, điều này bao gồm: Tập thể dục cường độ trung bình trở lên, đi bộ, leo cầu thang… Sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể sắp xếp để người thân hoặc bạn bè giúp đỡ bạn trong vài ngày, đặc biệt nếu bạn có con nhỏ cần chăm sóc.
Sau khi khoét chóp cổ tử cung cần kiêng ăn gì?
Không có hướng dẫn chính thức về việc phụ nữ cần kiêng ăn một hay nhóm thực phẩm cụ thể nào sau khi khoét chóp cổ tử cung. Nhìn chung, sau phẫu thuật, bác sĩ thường chỉ định bạn nên tránh những loại thực phẩm gây hại như:
- Thức ăn cay nồng
- Thực phẩm có chất kích thích hoặc gây kích ứng như cafein, cồn, đậu phộng,…
- Thức ăn chứa nhiều đường hoặc chất béo
- Đồ ăn chế biến sẵn, hoặc đồ ăn nhanh
Sau khi khoét chóp cổ tử cung nên ăn gì?
Theo các chuyên gia, bạn nên tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và lành mạnh. Một số lưu ý dinh dưỡng sau khi khoét chóp cổ tử cung là:
- Uống đủ nước
- Thực phẩm dễ tiêu hóa như súp, cháo, canh, đồ nước,…
- Thực đơn ăn uống cân bằng và đủ chất với các nhóm thực phẩm rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein từ thịt gia cầm, cá, đậu và các loại hạt. Điều này để đảm bảo bạn đang cung cấp đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe và phục hồi.
- Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như các loại trái cây và rau cải có thể giúp hạn chế nhiễm trùng và tăng cường quá trình lành vết thương.
Tìm hiểu thêm: Kiêng gì và ăn gì sau phẫu thuật để phục hồi nhanh chóng?
Triệu chứng nguy hiểm sau khi khoét chóp cổ tử cung
- Sốt cao, trên 38,3° C.
- Cảm thấy ớn lạnh, khó thở hoặc bồn chồn.
- Sưng hoặc chuột rút ở chân (vì đây có thể là dấu hiệu của cục máu đông).
- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi, hoặc có mùi rất nồng.
- Âm đạo tiết ra các cục máu đông lớn hoặc chảy máu nhiều. Cụ thể, nếu máu thấm đầy băng vệ sinh sau 1 đến 2 giờ, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra.
- Cơn đau không thuyên giảm, kể cả khi dùng thuốc giảm đau.
Có thể bạn quan tâm: Khí hư có mùi hôi tanh là gì? Nguyên nhân do đâu?
Câu hỏi thường gặp về khoét chóp tử cung
Bên cạnh thắc mắc sau khi khoét chóp cổ tử cung cần kiêng gì, nhiều phụ nữ cũng có những băn khoăn liên quan đến:
1. Sau khoét chóp cổ tử cung có rủi ro gì nên lưu ý?
Lợi ích của việc điều trị khoét chóp tử cung là có thể ngăn ngừa các tổn thương tiền ung thư hay ung thư tại chỗ cổ tử cung phát triển. Tuy nhiên, giống như tất cả các phương pháp điều trị, khoét chóp cổ tử cung cũng có những rủi ro và bạn có thể gặp một số ảnh hưởng về thể chất hoặc tinh thần do điều trị.
Một số rủi ro thường gặp sau khi khoét chóp cổ tử cung là:
- Chảy máu âm đạo
- Cục máu đông
- Nhiễm trùng
- Thu hẹp cổ tử cung
- Tăng nguy cơ sinh non ở những lần mang thai sau
- Tổn thương các cơ quan lân cận như bàng quang hoặc trực tràng.
Có thể bạn quan tâm: Hỏi đáp Bác sĩ: Bị ra máu sau khi khoét chóp cổ tử cung có nguy hiểm không?
2. Khoét chóp tử cung tối đa được bao nhiêu lần?
Số lần khoét chóp cổ tử cung có thể thực hiện tối đa phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, kết quả kiểm tra tế bào, và lý do thực hiện. Trong một số trường hợp, phụ nữ chỉ cần thực hiện một lần để lấy mẫu tế bào hoặc loại bỏ tế bào bất thường.
Tuy nhiên, nếu tái phát ung thư hoặc tình trạng bất thường khác, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện nhiều lần khoét chóp cổ tử cung.
3. Sau khi khoét chóp cổ tử cung có sinh con được không?
Bạn vẫn có thể mang thai sau khi khoét chóp cổ tử cung. Tuy nhiên, nguy cơ sảy thai, sinh non và các biến chứng ở trẻ sinh non sẽ cao hơn.
Vì thế, nếu như bạn mang thai sau khi khoét chóp cổ tử cung, hãy chủ động đề cập với bác sĩ để có những biện pháp an toàn kịp thời.
Có thể bạn quan tâm: 16 cách tăng khả năng thụ thai thật đơn giản, không cần dùng thuốc
Như vậy, bài viết đã lý giải thắc mắc: Sau khi khoét chóp cổ tử cung cần kiêng gì? Bên cạnh những hướng dẫn chung, bạn cũng nên tuân thủ hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ điều trị để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra một cách suôn sẻ và hiệu quả.
[embed-health-tool-ovulation]