backup og meta

Giãn ống dẫn sữa

Giãn ống dẫn sữa

Giãn ống dẫn sữa không phải là bệnh thường gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trung niên. Thông thường, bệnh không gây ra vấn đề đáng lo ngại gì, nhưng nếu ống dẫn sữa bị tắc nghẽn có thể làm cho phần vú bị sưng, đau và nhiễm trùng.

Tìm hiểu chung

Giãn ống dẫn sữa là bệnh gì?

Giãn ống dẫn sữa xảy ra khi ống dẫn sữa bên dưới núm vú bị mở rộng, thành ống bị dày và chứa nhiều dịch trong lòng ống. Ống dẫn sữa có thể bị tắc nghẽn do những dịch tiết đặc, dính. Tình trạng này thường không gây triệu chứng nhưng một vài phụ nữ sẽ bị đau, đỏ núm vú hoặc bị viêm tắc ống dẫn sữa.

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thường gặp của giãn ống dẫn sữa là gì?

Triệu chứng thường gặp của giãn ống dẫn sữa là:

  • Núm vú đổi màu thành màu trắng đục, xanh hoặc đen ở một hoặc hai bên vú
  • Đau núm vú hoặc mô quanh vú
  • Đỏ núm vú hoặc mô quanh vú
  • Sờ thấy khối u cứng cạnh ống dẫn bị tắc
  • Núm vú bị tụt vào trong
  • Nhiễm trùng vi khuẩn hay viêm quầng cũng có thể xảy ra trên vùng ống dẫn sữa bị giãn, làm cho vú bị sưng đau, viêm vùng xung quanh núm vú và sốt.

Những triệu chứng bệnh có thể tự cải thiện mà không cần được điều trị.

Có thể có những triệu chứng không đề cập ở trên. Nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào, hãy thảo luận thêm với bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ khi có bất cứ thay đổi nào dưới đây:

  • Thay đổi trong vú, ví dụ có một khối u mới
  • Núm vú không còn màu tự nhiên
  • Tụt núm vú trong thời gian dài

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào kể trên hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, hãy đi gặp bác sĩ. Mỗi người sẽ có biểu hiện riêng khác nhau. Tốt nhất là nên thảo luận với bác sĩ những gì tốt nhất trong tình huống của bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân giãn ống dẫn sữa là gì?

Vú được tạo thành từ mô liên kết bao gồm một hệ thống ống dẫn sữa – những ống nhỏ mang sữa ra núm vú. Giãn ống dẫn sữa xảy ra khi ống dẫn sữa bên dưới núm vú giãn rộng và bị viêm, tắc nghẽn bởi chất tiết đặc, dính.

Các chuyên gia chưa biết chính xác nguyên nhân gây giãn ống dẫn sữa. Vài nguyên nhân đặc biệt liên quan với:

  • Thay đổi mô vú do tuổi. Khi bạn già đi, thành phần mô vú thay đổi từ dạng tuyến sang tích lũy mô mỡ. Những thay đổi bình thường này đôi khi có thể dẫn đến tắc ống dẫn sữa và viêm do giãn ống dẫn.
  • Thuốc lá. Hút thuốc lá có thể liên quan đến việc ống dẫn sữa bị rộng và có thể dẫn dến viêm và giãn thực sự.
  • Tụt núm vú. Tình trạng núm vú bị tụt mới xuất hiện có thể làm tắc nghẽn ống dẫn sữa, gây viêm và nhiễm trùng. Núm vú bị tụt mới xuất hiện cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn như ung thư.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải giãn ống dẫn sữa?

Giãn ống dẫn sữa thường xảy ra ở những phụ nữ gần mãn kinh – khoảng 45 đến 55 tuổi – nhưng cũng có thể xảy ra sau mãn kinh. Bệnh nhiều khi có thể tự hết mà không cần điều trị. Nếu triệu chứng còn kéo dài, bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật để cắt bỏ phần ống tuyến sữa bị ảnh hưởng.

Việc bạn lo lắng vì bất kỳ thay đổi nào của tuyến vú là bình thường, nhưng giãn ống dẫn sữa hoặc viêm vùng quanh ống không phải là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú. Hãy hỏi bác sĩ để có thêm thông tin.

Yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị giãn ống dẫn sữa?

Có nhiều yếu tố nguy cơ làm giãn ống dẫn sữa, như thuốc lá.

Một nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá có khả năng bị bệnh cao gấp 3 lần người không hút thuốc lá và tần suất nguy cơ xuất hiện bệnh tỷ lệ thuận với thời gian hút thuốc.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin cung cấp không thay thế được những lời khuyên của bác sĩ. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để có thêm thông tin.

Giãn ống dẫn sữa được chẩn đoán như thế nào?

Việc chẩn đoán dựa trên những thông tin bạn cung cấp cho bác sĩ và kết quả khám lâm sàng, bạn có thể cần thêm một vài xét nghiệm, bao gồm:

  • Siêu âm chẩn đoán núm vú và quầng vú. Siêu âm là phương tiện chẩn đoán dùng một đầu thu và phát sóng để tái tạo lại hình ảnh mô vú. Nó cho phép bác sĩ đánh giá ống dẫn sữa bên dưới núm vú. Siêu âm giúp bác sĩ khu trú vị trí tổn thương.
  • Nhũ ảnh. Nhũ ảnh là phương pháp chụp tia X tại vú, hỗ trợ bác sĩ đánh giá nhu mô vú. Một nhũ ảnh chẩn đoán sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn tại những vùng đặc biệt trong vú so với nhũ ảnh tầm soát bình thường.

Giãn ống dẫn sữa được điều trị như thế nào?

Giãn ống dẫn sữa không nhất thiết phải luôn được điều trị nếu triệu chứng không gây trở ngại gì, ngược lại, những lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Kháng sinh: Bác sĩ có thể kê toa kháng sinh trong 10–14 ngày để điều trị nhiễm trùng gây ra do giãn ống dẫn sữa. Thậm chí khi triệu chứng giảm hoặc hết hoàn toàn sau khi dùng kháng sinh, bạn cũng phải uống thuốc tuân thủ theo toa của bác sĩ.
  • Thuốc giảm đau: Bạn có thể dùng một vài thuốc giảm đau nhẹ như acetaminophen (Tylenol®…) hoặc ibuprofen (Advil®, Motrin® IB…), khi bị đau vú. Uống thuốc giảm đau theo những hướng dẫn của bác sĩ sẽ tốt hơn cho bạn.
  • Phẫu thuật: Nếu kháng sinh và theo dõi tại nhà không hiệu quả, bạn nên được phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn sữa bị giãn. Phẫu thuật này thông qua một vết rạch nhỏ ở ranh giới quầng vú. Tuy nhiên, những trường hợp cần phẫu thuật không nhiều.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh?

Một số lối sống và thói quen sinh hoạt sau đây có thể giúp bạn xử trí bệnh giãn ống dẫn sữa.

  • Chườm nóng. Chườm nóng lên đầu vú và xung quanh có thể làm giảm đau.
  • Dùng miếng dán đầu vú hoặc băng vú giúp hút bớt dịch tiết, tránh dính vào quần áo. Những miếng dán này có bán sẵn tại nhà thuốc hoặc siêu thị dành cho mẹ và bé.
  • Mặc áo lót hỗ trợ. Chọn áo lót nâng đỡ tốt để giảm khó chịu. Một áo lót vừa vặn cũng có thể giúp miếng dán ngực ở đúng vị trí cần hút dịch.
  • Ngủ nằm nghiêng phía đối diện vú đau, tránh ngủ đè lên vú bị tổn thương để ngăn sưng và đau vú.
  • Ngừng hút thuốc. Thuốc lá có thể làm việc điều trị nhiễm trùng khó khăn hơn, hút thuốc lá liên tục có thể làm nhiễm trùng tái phát hoặc áp xe vú.

Giãn ống dẫn sữa không phải là bệnh nguy hiểm nhưng khi phát hiện bất thường trong núm vú, quầng vú hoặc xung quanh vú, bạn nên đi kiểm tra để các bác sĩ loại trừ các bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư. Bệnh thường không cần điều trị đặc hiệu gì trừ khi có hiện tượng sưng đỏ, nhiễm trùng. Để bảo vệ sức khỏe của mình, mỗi phụ nữ cũng nên thường xuyên tự kiểm tra vú và đi khám ngay khi phát hiện những bất thường mới xuất hiện.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mammary duct ectasia http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mammary-duct-ectasia/basics/definition/con-20025073 Ngày truy cập 23/06/2017

Mammary Duct Ectasia and Periductal Mastitis https://patient.info/doctor/mammary-duct-ectasia-and-periductal-mastitis Ngày truy cập 23/06/2017

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: hellobacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Chu kỳ kinh nguyệt: Thủ phạm làm tăng nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ

Hay bị đau đầu, khó tập trung trước và trong khi hành kinh: Liệu có phải do thiếu máu, thiếu sắt?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: hellobacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo