backup og meta

Những mẹo giúp bụng không còn khó chịu vào ngày đèn đỏ

Những mẹo giúp bụng không còn khó chịu vào ngày đèn đỏ

Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác khó chịu khi ngày đèn đỏ? Bạn đang băn khoăn làm thế nào để giảm bớt các triệu chứng của chu kỳ kinh nguyệt – đặc biệt là tình trạng chướng bụng?

Tình trạng chướng bụng mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt chính là một trong những “nỗi ám ảnh kinh hoàng” của phái nữ. Dù không phải tất cả phụ nữ đều gặp phải vấn đề này, tuy nhiên một khảo sát cho thấy có đến 70% phụ nữ đều trải qua sự khó chịu trong suốt kỳ kinh nguyệt.

Có một tin vui là từ 2–3 ngày sau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, buồng trứng của bạn sẽ bắt đầu sản sinh lại mức hormone hỗ trợ lại như bình thường. Điều này sẽ khiến chứng chướng bụng dần dần giảm bớt. Song bạn nên làm gì trong 2–3 ngày đó để khắc phục sự khó chịu này?

Hãy để Hello Bacsi mách bạn vài mẹo nhỏ qua bài viết sau.

Tăng cường hấp thu thực phẩm giàu protein và kali

Hãy lấp đầy dạ dày với những món ăn được chế biến từ những thực phẩm không khiến bạn bị đầy hơi hoặc chướng bụng. Isabel Smit, một chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng ở thành phố New York, nói rằng: “Các loại thực phẩm giàu kali như chuối, dưa đỏ, cà chua và măng tây có tác dụng giúp bạn tăng cường sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Các loại chất béo lành mạnh chứa trong hạt chia, quả hạch và cá hồi cũng có hiệu quả tương tự. Những thực phẩm này giúp làm hạ mức prostaglandin – nhóm hormone gây sưng và co thắt cơ”.

Protein là một dưỡng chất cực kỳ tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ vào ngày đèn đỏ. Thịt gà, cá và đậu phụ là những thực phẩm chứa nguồn protein tuyệt vời. Sherry Ross – bác sĩ chuyên sản khoa và phụ khoa, đồng thời là chuyên gia về sức khỏe phụ nữ tại Trung tâm Y tế Providence Saint John ở Santa Monica, cho biết: “Những thực phẩm hoạt động như một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên như cần tây, dưa chuột, dưa hấu, nước cốt chanh, tỏi và gừng sẽ giúp bạn cảm thấy chân đỡ co rút, đau nhức và thoải mái hơn”.

Tránh xa những thực phẩm khiến bụng đầy hơi

Về mặt dinh dưỡng, bông cải là thực phẩm cực kỳ tốt cho sức khỏe. Chúng không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa nhiều loại vitamin giúp nuôi dưỡng cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn đang trong kỳ kinh nguyệt, chúng thực sự không phải là một lựa chọn tuyệt vời. Trong bông cải có chứa một loại đường phức gọi là raffinose. Thông thường, cơ thể của bạn hay thiếu hụt loại enzyme có thể phân hủy loại đường này, từ đó dẫn đến tình trạng đầy hơi và chướng bụng.

Ngoài ra, những loại rau củ khác như các loại đậu, bắp cải, súp lơ và rau diếp cũng thuộc nhóm thực phẩm mà bạn nên tránh xa khi đang trong ngày đèn đỏ.

Kiên trì vận động theo lịch tập thường ngày

Mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ thường hay mệt mỏi và đau nhức, do đó họ sẽ tạm xả hơi mà không tập luyện trong vài ngày. Tuy nhiên, những chuyên gia đã chứng minh rằng việc thúc đẩy nhịp tim tăng lên chính là một trong những cách tốt nhất giúp làm giảm triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm cả tình trạng chướng bụng. Ross nói rằng: “Những người có lối sống thụ động thường có xu hướng tiêu hóa thức ăn chậm hơn so với người thường xuyên vận động”.

Việc đổ mồ hôi thông qua vận động sẽ giúp giữ cho hệ tiêu hóa của bạn hoạt động khỏe mạnh, đồng thời giảm nguy cơ gây táo bón. Những môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội và yoga cũng sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng chướng bụng một cách đáng kể. Tuy nhiên, hãy lưu ý là những bài tập cường độ nặng như Crossfit sẽ thúc đẩy chứng viêm – tác nhân góp phần gây chướng bụng.

Hạn chế uống rượu, bia và các thức uống chứa caffeine

Bitner nói rằng: “Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn sắp đến và bạn lại uống rượu bia thì chúng sẽ khiến những triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt – bao gồm đau thắt ngực, tâm trạng thất thường và chướng bụng, trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, cà phê cũng có thể gây chướng bụng bằng cách kích thích quá mức đường tiêu hóa và làm cho ruột bị kích ứng, từ đó khiến cơ thể của bạn giữ nước lâu hơn”. Vì thế, tốt hơn hết là bạn nên tránh uống rượu, bia và cà phê trong khoảng thời gian này nhé!

Dùng thuốc chống viêm không kê đơn

Ibuprofen and Naprosyn có thể ngăn chặn các chất hóa học gây nên chứng viêm và cả tình trạng chướng bụng. Trong vòng vài ngày trước chu kỳ kinh nguyệt, bạn nên uống khoảng 200–400 mg thuốc chống viêm cách mỗi 6–8 giờ. Bạn nên hỏi qua ý kiến của bác sĩ trước nhé!

Tuyệt đối không uống các loại nước ngọt cũng như thức uống có ga

Những thức uống có ga có thể khiến bạn cảm thấy khá hơn tạm thời, tuy nhiên sau đó chúng chính là nguyên nhân khiến bạn bị chướng bụng. Tương tự như vậy, các loại nước ngọt giải khát cũng là thức uống bạn nên tránh xa. Thay vào đó, hãy chọn nước lọc và uống khoảng 8 ly mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm một ít lá trà xanh, lá bạc hà cay, lá thì là vào nước để giúp loại bỏ những chất trung gian gây viêm, sưng.

Ngủ đủ giấc

Chu kỳ kinh nguyệt, tình trạng chướng bụng và cảm giác khó chịu là những tác nhân thường xuyên ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Tuy nhiên, trong khi ngủ, những chất dịch thừa trong bụng của bạn sẽ được cơ thể chuyển đi và loại bỏ. Vì thế, hãy tập thói quen ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm và bạn sẽ sớm cảm thấy khá hơn.

Cân nhắc việc uống thuốc ngừa thai

Việc uống thuốc ngừa thai không chỉ giúp kiểm soát và tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn mà còn giúp làm giảm cảm giác đau nhức và ổn định các hormone một cách đáng kể. Trên thực tế, các nghiên cứu y khoa đã chứng minh rằng thuốc ngừa thai giúp làm giảm đi 50% triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.

Nếu bạn sắp đến ngày đèn đỏ và phiền muộn về chứng chướng bụng, đừng lo lắng mà hãy thử áp dụng những cách mà Hello Bacsi vừa đề cập. Hello Bacsi mong rằng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

8 Ways to De-Bloat When You Have Your Period https://www.womenshealthmag.com/health/de-bloat-during-period Ngày truy cập 16/10/2017

Your Period Problems Solved: 5 Ways to Beat the Bloat  https://www.healthcentral.com/article/your-period-problems-solved-5-ways-to-beat-the-bloat Ngày truy cập 16/10/2017

Phiên bản hiện tại

02/11/2017

Tác giả: Xuyến Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Bị đau ngực bên trái ở nữ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bạn nên ăn gì để thật thoải mái khi kỳ kinh nguyệt tới?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 02/11/2017

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo