Thiếu máu là bệnh thường gặp, nhất là ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tình trạng thiếu máu nhẹ thường không có triệu chứng nhưng thiếu máu nặng, nghiêm trọng sẽ gây ra những triệu chứng như mệt mỏi, mất tập trung, da xanh xao, nhợt nhạt, thậm chí khó có thể thụ thai.
Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về chu kỳ kinh nguyệt, các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt cùng những vấn đề liên quan. Điều này giúp bạn có được các thông tin hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ thiếu máu, đặc biệt là trường hợp thiếu máu nặng.
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là chuỗi thay đổi diễn ra định kỳ mà cơ thể người phụ nữ trải qua để chuẩn bị cho khả năng thụ thai và mang thai. Thông thường, mỗi tháng, một trong hai buồng trứng sẽ giải phóng một quả trứng vào ống dẫn trứng. Trước khi quá trình rụng trứng diễn ra, nội tiết tố trong cơ thể sẽ thay đổi làm cho niêm mạc tử cung dày lên, chuẩn bị cho trứng được thụ tinh làm tổ.
Nếu quá trình rụng trứng diễn ra nhưng trứng không được thụ tinh, kinh nguyệt sẽ xuất hiện khoảng 2 tuần sau đó. Lúc này, niêm mạc tử cung sẽ bong ra cùng với một ít máu, dịch nhầy và thoát ra ngoài qua đường âm đạo, gọi là kinh nguyệt. Độ dài của một chu kỳ kinh nguyệt thường khoảng từ 28 – 35 ngày.
4 giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt: hiểu để ngừa thiếu máu nặng
Giai đoạn kinh nguyệt (Hành kinh)
Giai đoạn kinh nguyệt là giai đoạn lớp niêm mạc của tử cung (nội mạc tử cung) được loại bỏ ra khỏi cơ thể qua ngả âm đạo. Dịch kinh nguyệt chứa máu, tế bào từ niêm mạc tử cung và dịch nhầy. Một kỳ hành kinh thường kéo dài trung bình khoảng từ 3 – 5 ngày.
Giai đoạn nang trứng
Giai đoạn nang trứng bắt đầu diễn ra vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt và kết thúc bằng sự rụng trứng. Dưới tác động của vùng dưới đồi (hypothalamus), tuyến yên tiết ra hormone kích thích nang trứng (FSH). Hormone này kích thích buồng trứng sản xuất khoảng 5 đến 20 nang trứng.
Mỗi nang trứng chứa một quả trứng chưa trưởng thành. Thông thường chỉ có một nang trứng phát triển thành trứng trưởng thành. Sự phát triển của các nang trứng kích thích niêm mạc tử cung dày lên tạo điều kiện thuận lợi cho trứng đã thụ tinh làm tổ.
Rụng trứng
Trong giai đoạn nang trứng, nang trứng phát triển dẫn đến sự gia tăng nồng độ estrogen trong cơ thể. Vùng dưới đồi trong não nhận ra sự gia tăng này và tiết ra một chất hóa học gọi là hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). Hormone này thúc đẩy tuyến yên sản xuất ra hormone luteinising (LH) và FSH nhiều hơn trước.
Trong vòng hai ngày, nồng độ LH cao trong cơ thể sẽ kích hoạt sự rụng trứng. Trứng được phóng vào ống dẫn trứng và đưa về phía tử cung bởi những sợi lông nhỏ trong lòng ống. Sau khi rụng, trứng chỉ tồn tại trong khoảng 24 giờ. Nếu không được thụ tinh trong khoảng thời gian này, trứng sẽ chết.
Nếu muốn gia tăng cơ hội thụ thai, bạn nên tìm hiểu về dấu hiệu rụng trứng, cách tính ngày rụng trứng hay dùng que thử rụng trứng để mau có tin vui.
Giai đoạn hoàng thể
Trong quá trình rụng trứng, trứng thoát ra từ nang trứng, nhưng nang trứng bị vỡ vẫn nằm trên bề mặt buồng trứng. Trong hai tuần tới hoặc có thể lâu hơn, nang trứng biến đổi thành một cấu trúc được gọi là hoàng thể. Cấu trúc này bắt đầu giải phóng progesterone cùng với một lượng nhỏ estrogen. Sự kết hợp của các hormone này giúp lớp niêm mạc tử cung dày lên, chờ trứng được thụ tinh làm tổ.
Trứng sau được thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung sẽ tạo ra các hormone cần thiết để duy trì hoàng thể bao gồm gonadotropin màng đệm ở người (HCG). Hormone này chỉ được phát hiện khi tiến hành xét nghiệm nước tiểu thai kỳ. Hoàng thể tiếp tục gia tăng việc sản xuất progesterone ở mức cần thiết để duy trì niêm mạc tử cung dày lên nhằm phục vụ cho quá trình mang thai.
Nếu quá trình làm tổ không diễn ra, hoàng thể sẽ teo và chết đi, dẫn đến sự sụt giảm nồng độ progesterone. Điều này khiến niêm mạc tử cung bị bong ra, thoát ra cùng cùng dịch nhầy và máu. Hiện tượng này được gọi là kinh nguyệt.
5 vấn đề kinh nguyệt cần biết để ngừa thiếu máu nặng
Dưới đây là một số vấn đề kinh nguyệt phổ biến thường gặp, có thể đi kèm với thiếu máu nặng gồm:
1. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Việc thay đổi nồng độ nội tiết tố trước kỳ kinh có thể gây ra một loạt các vấn đề như giữ nước, đau đầu, mệt mỏi và khó chịu, tính khí thay đổi thất thường…
Giải pháp
Tập thể dục đều đặn, thay đổi chế độ ăn uống theo hướng lành mạnh hơn là những giải pháp hiệu quả giúp giảm nhẹ các triệu chứng này.
2. Đau bụng kinh
Vào kỳ kinh nguyệt, một số hormone sẽ tác động làm cho tử cung co bóp mạnh hơn mức cần thiết nhằm tống xuất lớp niêm mạc, máu và dịch nhầy ra ngoài. Điều này dẫn tới các cơn đau bụng kinh làm ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống, sinh hoạt của không ít người.
Giải pháp
Để giảm đau bụng kinh, bạn có thể dùng thuốc giảm đau, massage, chườm ấm hay dùng một số loại thảo mộc…
3. Vô kinh (không có kinh nguyệt)
Tình trạng này được coi là bất thường nếu bạn đang không ở trong các giai đoạn tiền dậy thì, mang thai, cho con bú hay đã mãn kinh. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị vô kinh bao gồm: stress, tập luyện thể dục thể thao quá mức, sử dụng thuốc làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt hoặc mắc một số bệnh (đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, u nang buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang…).
Giải pháp
Bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra, xác định nguyên nhân. Khi đã xác định được nguyên nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra được phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, để chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn, bạn nên thay đổi chế độ ăn uống, kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
4. Chu kỳ kinh nguyệt không đều
Đây là tình trạng kỳ hành kinh diễn ra không theo một chu kỳ nhất định (kinh sớm, kinh trễ hay vô kinh). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều như: sử dụng thuốc, mất cân bằng hormone, có vấn đề về sức khỏe, thai ngoài tử cung, không rụng trứng…
Giải pháp
Bạn nên đi khám sớm để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.
5. Chảy máu kinh nguyệt nặng
Tình trạng chảy máu kinh nguyệt nặng hoặc kỳ kinh kéo dài trên 7 ngày (trước đây thường được gọi là rong kinh) kéo dài và không được điều trị có thể gây thiếu máu nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Các biểu hiện của tình trạng thiếu máu thường là mệt mỏi, xanh xao, ăn ngủ kém.
Các bác sĩ thường khai thác tiền sử bệnh kết hợp với thăm khám, xét nghiệm máu để đánh giá bạn có bị thiếu máu hay không, tình trạng thiếu máu nặng hay nhẹ.
Giải pháp
Căn cứ vào nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng của tình trạng rong kinh, bác sĩ sẽ đề ra phương pháp điều trị cụ thể. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng thuốc hoặc tiến hành phẫu thuật. Các loại thuốc được chỉ định thường là thuốc ngừa thai, thuốc bổ sung hormone (như progesterone) và viên uống bổ sung sắt. Nếu việc dùng thuốc không đem lại hiệu quả, bác sĩ thường sẽ chỉ định bạn phẫu thuật (nong nạo tử cung, soi tử cung).
[embed-health-tool-ovulation]