backup og meta

Đĩa nguyệt san là gì? Cách sử dụng đĩa nguyệt san như thế nào?

Đĩa nguyệt san là gì? Cách sử dụng đĩa nguyệt san như thế nào?

Tương tự như tampon hay cốc nguyệt san, đĩa nguyệt san cũng là sản phẩm đặc biệt và tiện lợi dùng để thay thế băng vệ sinh dạng miếng mà bạn sử dụng từ trước đến nay. Tuy nhiên, một số chị em vẫn chưa hiểu rõ được đĩa nguyệt san là gì? Sản phẩm này có gì khác so với cốc nguyệt san? Cách sử dụng đĩa nguyệt san như thế nào?

Vì vậy, bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin giúp bạn trả lời những vấn đề trên. Từ đó giúp chị em cân nhắc để chọn được loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Đĩa nguyệt san là gì và có gì khác biệt so với cốc nguyệt san?

Đĩa nguyệt san còn gọi là đĩa kinh nguyệt, đây là sản phẩm tương tự với cốc nguyệt san ở điểm là đều được đưa vào âm đạo để hứng máu kinh nguyệt thay vì thấm hút như tampon hay băng vệ sinh dạng miếng. Tuy nhiên, hai sản phẩm này vẫn có những điểm khác biệt sau đây mà có thể bạn cần biết:

  • Cốc nguyệt san có hình dạng như một chiếc phễu trong khi đĩa nguyệt san có hình tròn, dẹt hơn trông như một chiếc gáo hoặc đĩa.
  • Cốc nguyệt san khi đưa vào trong âm đạo thường đặt ở vị trí đứng, dưới cổ tử cung và chiếm một phần độ dài của âm đạo. Trong khi đó, đĩa kinh nguyệt thường được đẩy vào nằm ở đáy cổ tử cung và bao trọn phần vị trí mà ống âm đạo tiếp xúc với cổ tử cung.
  • Cốc nguyệt san có thể tái sử dụng nhiều lần trong khi đĩa kinh nguyệt có 2 loại bao gồm loại sử dụng 1 lần và hiện nay có thêm đĩa được sử dụng nhiều lần.

Nhìn chung, vì đĩa nguyệt san không chiếm nhiều chỗ trong âm đạo và có túi đựng mềm nên có thể giúp phụ nữ quan hệ tình dục trong “ngày đèn đỏ” mà không lo gây ảnh hưởng đến đối tác. Đây có thể là điểm tối ưu hơn so với cốc nguyệt san. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bị rò rỉ kinh nguyệt khi sử dụng đĩa nguyệt san trong lúc “yêu” nên bạn hãy cân nhắc trước khi thử nhé!

Cách sử dụng đĩa nguyệt san – Hướng dẫn bạn từng bước đưa đĩa vào và lấy ra

cách dùng đĩa nguyệt san

Nếu bạn đã từng sử dụng cốc nguyệt san thì có thể không cần quá lo lắng khi sử dụng đĩa nguyệt san. Tuy nhiên, cách đưa đĩa nguyệt san vào âm đạo và lấy ra vẫn có chút khác biệt so với khi dùng cốc. Sau đây là hướng dẫn chi tiết để bạn tham khảo.

Cách đưa đĩa nguyệt san vào âm đạo

  • Bước 1: Rửa sạch tay và đĩa nguyệt san trước khi đưa vào âm đạo
  • Bước 2: Lựa chọn tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái, có thể ngồi trên bồn vệ sinh, đứng gác một chân trên bồn hoặc ngồi xổm
  • Bước 3: Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp hai bên đĩa kinh nguyệt để tạo thành hình dẹt như số 8
  • Bước 4: Chèn vành sau của đĩa nguyệt san vào bên trong âm đạo trước tiên và dùng ngón trỏ đẩy đĩa vào sâu hơn. Tiếp theo, nghiêng đĩa nguyệt san về phía sau và hơi thấp xuống để vành đĩa dịch chuyển ra phía sau cổ tử cung
  • Bước 5: Bạn cần đẩy đĩa nguyệt san qua xương mu hết mức có thể để vành đĩa nằm phía trên xương, đảm bảo không bị rò rỉ kinh nguyệt ra ngoài. Như vậy là đã hoàn thành việc đưa đĩa kinh nguyệt vào bên trong.

Cách lấy đĩa ra khỏi âm đạo

So với cốc nguyệt san, việc lấy đĩa nguyệt san ra khỏi âm đạo thường dễ làm đổ lượng máu bên trong ra ngoài hơn nên bạn cần lưu ý. Sau đây là hướng dẫn chi tiết:

  • Bước 1: Rửa tay thật sạch để tránh gây viêm nhiễm cho “cô bé”
  • Bước 2: Chọn một tư thế thoải mái, thường là ngồi trên bồn vệ sinh sẽ giúp bạn dễ lấy đĩa kinh nguyệt ra hơn
  • Bước 3: Đưa ngón trỏ vào âm đạo, tiếp theo là dùng ngón tay móc vào dưới vành đĩa để kéo đĩa từ từ ra ngoài. Trong trường hợp gặp khó khăn với việc tiếp cận đĩa kinh nguyệt, bạn hãy thử dùng sức rặn như khi đi ngoài để giúp “tháo” vành đĩa từ phía sau xương mu rồi mới kéo đĩa ra
  • Bước 4: Đổ hết máu kinh nguyệt vào bồn cầu và bỏ đĩa kinh nguyệt vào thùng rác. Sau đó rửa tay sạch sẽ trước khi thay đĩa kinh nguyệt mới.

Có thể bạn quan tâm: Cách lấy cốc nguyệt san ra khỏi cơ thể dễ dàng, không gây đau

Những thắc mắc phổ biến khi dùng đĩa nguyệt san

Kinh nguyệt nhiều có dùng đĩa nguyệt san được không?

đĩa nguyệt san

Đối với những chị em ra kinh nguyệt nhiều và nặng, thể hiện qua việc thay băng vệ sinh liên tục khoảng 2 giờ một lần, thì vẫn có thể dùng đĩa nguyệt san. Tuy nhiên, nhược điểm là bạn có thể phải thay đĩa nhiều lần trong ngày có phần bất tiện và tốn kém về chi phí vì sản phẩm có giá đắt hơn băng vệ sinh khá nhiều.

Tùy thuộc vào thương hiệu và kích cỡ, một chiếc đĩa kinh nguyệt sẽ có sức chứa tương đương với khoảng 5 miếng băng vệ sinh thông thường hoặc 3 miếng băng loại lớn. Bạn nên dựa trên tình trạng hành kinh của mình để chọn được loại sản phẩm phù hợp.

Bạn có thể mang loại đĩa này trong bao lâu?

Đĩa kinh nguyệt có thể được giữ trong âm đạo tối đa 12 tiếng nhưng không nên để quá lâu. Bạn nên thay thường xuyên nếu lưu lượng kinh nguyệt ra nhiều.

Sử dụng đĩa nguyệt san có rủi ro nào không?

Hiện nay chưa có bằng chứng cụ thể nào về các trường hợp gặp rủi ro khi sử dụng đĩa nguyệt san. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan vì sản phẩm này vẫn có điểm tương đồng với cốc nguyệt san, loại cốc đã được báo cáo là có nguy cơ gây hội chứng sốc nhiễm độc (TSS) nếu được giữ trong âm đạo quá lâu.

Vì vậy, để hạn chế rủi ro này cũng như các nguy cơ viêm nhiễm âm đạo khác thì cách tốt nhất là bạn nên thay đĩa nguyệt san thường xuyên và luôn rửa sạch tay trước khi đưa đĩa vào hoặc lấy ra khỏi cơ thể.

Sử dụng đĩa kinh nguyệt có giúp bạn thoải mái chơi thể thao trong “ngày đèn đỏ”?

Đĩa nguyệt san được quảng cáo là không cản trở “chuyện ấy” trong khi phụ nữ hành kinh. Vậy còn các hoạt động thể chất hoặc chơi thể thao khác như bơi lội, chạy bộ, leo núi… thì sao? Tin vui là bạn vẫn có thể vận động và chơi thể thao thoải mái khi dùng sản phẩm này trong “ngày đèn đỏ” mà không cần lo lắng kinh nguyệt bị rò rỉ ra ngoài nhé!

Nhìn chung, đĩa nguyệt san mang đến nhiều tiện ích cho chị em và dễ tìm mua ở siêu thị hoặc mua online. Thế nhưng, sản phẩm này không hoàn toàn phù hợp với tất cả phụ nữ, đặc biệt là ở tuổi dậy thì. Hơn nữa, khi muốn sử dụng đĩa nguyệt san, bạn sẽ phải tốn thời gian để làm quen với việc đeo vào hoặc lấy ra. Vì vậy, hãy tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn loại băng vệ sinh đặc biệt này nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Period Products: The Good, the Bad, and the Ugly

https://uthealthaustin.org/blog/period-products Truy cập ngày 07/03/2022

Menstrual Cup-Associated Toxic Shock Syndrome

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7546563/ Truy cập ngày 07/03/2022

Tired of Tampons? Here Are Pros and Cons of Menstrual Cups

https://health.clevelandclinic.org/tired-of-tampons-here-are-pros-and-cons-of-menstrual-cups/ Truy cập ngày 07/03/2022

Are Menstrual Discs the Period Product We’ve Been Waiting For?

https://www.healthline.com/health/menstrual-disc Truy cập ngày 07/03/2022

Be Your Body’s DJ: Manage Your Flow with a Period Disc

https://greatist.com/health/period-disc#menstrual-cup-vs-period-disc Truy cập ngày 07/03/2022

Phiên bản hiện tại

07/03/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

[Infographic] Bật mí cách sử dụng tampon để “ngày dâu” không ẩm ướt

Cốc nguyệt san có mấy size? Tổng hợp 6 nhãn hiệu có cốc nguyệt san size nhỏ, phù hợp cho người Việt


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 07/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo