Ở tuổi tứ tuần, phụ nữ sẽ trải qua những thay đổi đáng kể về cả ngoại hình lẫn sức khỏe. Việc trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 40 sẽ giúp bạn làm chậm quá trình lão hóa và luôn sống vui khỏe, hạnh phúc.
Phụ nữ tuổi 40 được ví như người đang đứng tại đỉnh của một ngọn đồi mà sườn dốc bên kia chính là tuổi già và lão hóa. Vậy, làm sao để bạn đứng thật hiên ngang trên đỉnh đồi ấy, thật tỏa sáng và tự hào với “phiên bản” tốt nhất của chính mình? Nắm ngay những lưu ý mà Hello Bacsi chia sẻ trong bài viết sau nhé!
3 thay đổi nổi bật trên cơ thể phụ nữ tuổi 40
Khi chạm ngưỡng 40, phụ nữ sẽ dễ dàng nhận ra những thay đổi trên cơ thể. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm nồng độ hormone estrogen. Bên cạnh đó, phái đẹp cũng có nhiều nguy cơ đối mặt với các căn bệnh nguy hiểm khác như u xơ tử cung, ung thư hay các vấn đề liên quan đến vùng chậu.
1. Ảnh hưởng của sự thay đổi nồng độ estrogen
Phụ nữ tuổi 40 đang ở giai đoạn tiền mãn kinh. Khi đó, sự thay đổi của nồng độ estrogen gây rối loạn kinh nguyệt. Kỳ kinh của bạn có thể sớm hơn, muộn hơn, kéo dài ngắn hơn hoặc lâu hơn bình thường. Điều này cũng khiến bạn khó mang thai hơn.
Bạn có thể quan tâm: 16 triệu chứng tiền mãn kinh mà bạn có thể gặp phải
Có đến 2/3 phụ nữ trên 40 tuổi gặp các vấn đề về khả năng sinh sản. Những người có thể mang thai cũng phải đối mặt với nguy cơ cao bị các biến chứng như tiểu đường thai kỳ, sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh ở trẻ…
Ngoài ra, sự sụt giảm nội tiết tố nữ cũng gây ra các vấn đề sức khỏe sau:
- Các triệu chứng liên quan đến mãn kinh, bao gồm bốc hỏa và khó ngủ (có thể kèm theo đổ mồ hôi đêm)
- Thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh và trầm cảm
- Giảm tiết dịch nhờn âm đạo, gây đau khi quan hệ tình dục
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và âm đạo
- Tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp và tim mạch.
2. Dấu hiệu lão hóa trở nên rõ ràng
Ở độ tuổi 40, các “vết hằn” thời gian sẽ xuất hiện trên khuôn mặt và cơ thể bạn ngày càng rõ.
Làn da của bạn không còn mơn mởn như tuổi 20 mà thay vào đó là sự thô ráp, thiếu sức sống. Các nếp nhăn, vết chân chim xuất hiện ngày một dày, vùng da quanh cổ và da tay dần chùng nhão. Mái tóc bóng khỏe của bạn giờ đây mỏng hơn, rụng nhiều và dần chuyển sắc bạc.
Tỉ lệ trao đổi chất cơ bản trong cơ thể phụ nữ 40 tuổi cũng giảm đi. Điều này khiến việc đốt cháy chất béo và duy trì vóc dáng cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Bên cạnh đó, phụ nữ tuổi 40 cũng sẽ nhận thấy hình dáng khuôn ngực mình thay đổi. Các dây chằng hỗ trợ mô vú sẽ lão hóa theo thời gian, khiến ngực chảy xệ.
3. Các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khác ở phụ nữ tuổi 40
Ngoài sự thay đổi hormone và dấu hiệu lão hóa, phụ nữ độ tuổi 40 cũng dễ mắc phải các vấn đề sức khỏe sau:
- Viêm xương khớp: Đây là chứng rối loạn khớp ảnh hưởng đến hông, đầu gối, bàn chân và cột sống của người bệnh. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh thường có xu hướng xuất hiện ở phụ nữ độ tuổi 40 và 50.
- Ung thư: Nguy cơ ung thư vú, buồng trứng và tử cung cũng tăng lên khi phụ nữ bước sang tuổi tứ tuần.
- Các vấn đề vùng chậu: Cơ vùng chậu suy yếu có thể khiến bạn són tiểu, đặc biệt là ở những người thừa cân hoặc đã từng sinh nở. Ngoài ra, cơ thể “phì nhiêu”, mất cân đối cũng là yếu tố rủi ro dẫn đến u xơ tử cung ở phụ nữ sau 40.
4 điều quan trọng khi chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 40
Việc xây dựng lối sống lành mạnh sẽ giúp phụ nữ tuổi 40 chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật tốt hơn. Dưới đây là 4 điều cần nắm để bạn luôn khỏe mạnh và dẻo dai:
1. Có chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý
Vào độ tuổi 40, cơ thể phụ nữ cần ít calo hơn, đồng thời quá trình trao đổi chất cũng sẽ chậm lại. Do đó, bạn nên xem xét lại khẩu phần ăn hàng ngày để cắt giảm lượng calo dư thừa. Điều này giúp bạn duy trì cân nặng hiệu quả hơn, tránh tình trạng thừa cân, béo phì gây hại cho sức khỏe.
Thêm vào đó, khi xây dựng chế độ ăn, bạn cũng nên bổ sung các loại trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm giàu canxi, vitamin D và chất xơ để hỗ trợ sức khỏe xương khớp, tim mạch và tiêu hóa. Bạn có thể tham khảo lượng chất khuyến nghị cho cơ thể phụ nữ độ tuổi 40 như sau:
- Canxi và vitamin D: Lượng canxi bạn cần bổ sung là 1000mg/ngày và lượng vitamin D là 400 – 1000IU/ngày.
- Chất béo: Không nên chiếm quá 30% tổng lượng calo hàng ngày. Hãy chọn thực phẩm chứa chất béo tốt, bao gồm chất béo không bão hòa và axit béo omega-3 (có trong cá, quả hạch, dầu ô liu…).
- Protein: Dao động từ 10% đến 35% lượng calo tiêu thụ hàng ngày.
- Chất xơ: Một người trưởng thành khỏe mạnh cần 21 – 38g chất xơ mỗi ngày. Bạn có thể bổ sung chất xơ từ nhiều loại thực phẩm như táo, cà rốt, bắp rang, bột yến mạch, bánh mì lúa mạch, khoai lang, các loại đậu…
Bạn có thể quan tâm: 10 loại thực phẩm giàu canxi mà bạn nên biết
Bạn có thể quan tâm: 10 thực phẩm giàu chất béo lành mạnh
2. Chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 40: Vận động mỗi ngày
Luyện tập điều độ, vừa sức là “liều thuốc” tốt nhất để bạn chăm sóc sức khỏe của mình mỗi ngày. Các hoạt động thể chất sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn, quản lý căng thẳng tốt hơn, tích cực hơn, tập trung hơn và trên hết là giúp bạn phòng ngừa bệnh tật.
Do đó, bạn hãy lựa chọn một bộ môn phù hợp để tập luyện. Bạn có thể bắt đầu các bài tập nhẹ nhàng như chạy bộ, yoga, đạp xe, bơi lội…
Bạn có thể quan tâm: 10 tư thế yoga cơ bản quan trọng nhất cho người mới tập
3. Dành thời gian cho bản thân
Cuối 30, đầu 40 là khoảng thời gian nhiều phụ nữ bị mắc kẹt giữa việc nuôi dạy con cái và chăm sóc bố mẹ già. Điều này khiến họ thường xuyên phải gồng gánh những trách nhiệm chồng chất và chịu căng thẳng trong thời gian dài.
Nếu bạn cũng rơi vào hoàn cảnh này thì việc đầu tiên là … hãy hít thở thật sâu và bình tĩnh lại. Cân nhắc thời gian biểu và dành ra vài giờ trong tuần để tập trung vào bản thân. Sử dụng khoảng thời gian này để cơ thể và tinh thần của bạn được thư giãn và tái tạo.
4. Cải thiện vẻ ngoài để luôn tự tin và tỏa sáng
Bạn lo sợ vết chân chim ở khóe mắt hay nếp nhăn quanh miệng sẽ khiến bạn trông kém thu hút? Nếu nghĩ theo hướng tích cực, đó lại chính là những điều phản ánh cuộc sống đầy màu sắc và niềm vui mà bạn đã trải qua.
Do đó, bạn đừng tự ti mà hãy làm nổi bật vẻ đẹp của mình bằng cách:
Uống nhiều nước và bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để giữ làn da căng bóng, đẩy lùi nếp nhăn
Thoa kem dưỡng ẩm và tẩy tế bào chết thường xuyên để loại bỏ làn da khô và xỉn màu
- Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác hại của mặt trời
- Bổ sung các sản phẩm chăm sóc da có chứa chất chống oxy hóa để giúp phục hồi làn da bị sạm do nắng hoặc căng thẳng
- Hỏi ý kiến bác sĩ về các biện pháp chăm sóc giúp làm giảm sự xuất hiện của các đốm nâu hoặc các tổn thương da do lão hóa và các vấn đề khác.
Chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 40: 8 xét nghiệm cần thiết
Một trong những điều quan trọng không thể thiếu khi chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 40 là thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra cần thiết. Điều này giúp bạn sớm nhận biết những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn để lên kế hoạch phòng ngừa và chữa trị kịp thời.
Các xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ độ tuổi 40 bao gồm:
1. Tầm soát tiểu đường
Phụ nữ trên tuổi 40 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Bác sĩ có thể tầm soát nguy cơ của bạn bằng xét nghiệm HbA1c hoặc các bài kiểm tra mức đường huyết khác. Thời gian tầm soát tiểu đường định kỳ phụ thuộc vào nguy cơ mắc bệnh của bạn. Nếu bạn thừa cân, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sẽ cao hơn. Do đó, bạn cần đi xét nghiệm sớm hơn và thường xuyên hơn.
2. Huyết áp và cholesterol
Bạn cần kiểm tra huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi có nguy cơ bị huyết áp cao hoặc huyết áp thấp. Bên cạnh đó, bạn nên kiểm tra lượng cholesterol vài năm một lần để sớm nhận biết các vấn đề về tim mạch.
3. Xét nghiệm cổ tử cung (Pap) và khám vùng chậu
Phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm cổ tử cung 2 – 3 năm/lần để tầm soát ung thư cổ tử cung.
4. Khám vú và chụp quang tuyến vú
Ung thư vú là căn bệnh ung thư rất phổ biến ở phụ nữ. Bạn nên thực hiện các bài kiểm tra vú tại nhà thường xuyên và tham khảo ý kiến bác sĩ về việc khám vú lâm sàng. Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao bị ung thư vú, bác sĩ có thể đề nghị bạn chụp X-quang tuyến vú ở độ tuổi 40. Nếu không, bạn nên chụp quang tuyến vú 2 hoặc 3 năm một lần từ 50 đến 74 tuổi.
5. Kiểm tra da
Ung thư da có thể phát triển ở mọi độ tuổi. Do đó, bạn nên kiểm tra kỹ lưỡng các nốt ruồi hoặc các thay đổi bất thường trên da. Hãy gặp bác sĩ ngay nếu có bất kỳ điểm đáng nghi nào.
6. Khám nha khoa
Bạn nên đi khám nha khoa để phòng ngừa bệnh răng miệng và làm sạch định kỳ ít nhất 1 hoặc 2 lần một năm.
7. Khám mắt
Ngay cả khi thị lực của bạn là 20/20, bạn vẫn nên khám mắt 1 đến 2 năm/lần. Nếu bạn bị tiểu đường, huyết áp cao hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh về mắt, bạn có thể phải cần khám mắt thường xuyên hơn.
8. Chích ngừa
Hỏi bác sĩ xem bạn có cần tiêm nhắc lại uốn ván, bạch hầu, ho gà hoặc vắc xin viêm phổi hay không. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêm phòng cúm cũng như các bệnh lý khác như viêm não nhật bản, viêm gan virus… tùy trường hợp cụ thể của bạn.
Lão hóa là quy luật tự nhiên của cuộc sống, cũng là điều mà tất cả chúng ta đều phải trải qua. Thay vì lo lắng về sức khỏe phụ nữ tuổi 40, bạn nên nên nắm những lưu ý quan trọng khi chăm lo bản thân để có một cơ thể khỏe mạnh và cuộc sống hạnh phúc.
[embed-health-tool-ovulation]