Cường giáp là bệnh xảy ra do tuyến giáp hoạt động quá mức. Nó sản xuất quá nhiều hormone giáp (T3, T4) vào máu nên làm tăng tốc các quá trình chuyển hóa trong cơ thể (sản xuất và sử dụng năng lượng). Hậu quả là gây ra các triệu chứng cường giáp.
Một vài nét về cường giáp
Tuyến giáp có hình con bướm ở trước cổ và nằm dưới cằm. Nó sản xuất các hormone hỗ trợ cho các hoạt động sống của cơ thể như nhịp tim, nhiệt độ cơ thể… Quá dư thừa các hormone này có thể khiến chúng ta khó chịu và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bệnh nhân cường giáp cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Ai cũng có thể mắc cường giáp, đặc biệt là người từ 20 – 40 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 10 lần nam giới.
Triệu chứng cường giáp thường gặp
Các triệu chứng cường giáp có thể diễn ra từ từ hoặc đột ngột. Thông thường, triệu chứng cường giáp chỉ bộc phát ở mức trung bình nhưng cũng có trường hợp chúng diễn ra trầm trọng gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người bệnh.
Các triệu chứng cường giáp thường gặp bao gồm:
– Lo lắng, trầm cảm và bứt rứt khó ở.
– Tăng động – bạn thấy khó ngồi yên và tràn đầy năng lượng.
– Tâm trạng bất ổn.
– Khó ngủ, thiếu ngủ, mất ngủ.
– Mệt mỏi suốt ngày.
– Nhạy cảm với nhiệt độ (thấy quá nóng hoặc quá lạnh).
– Yếu nhược cơ.
– Tiêu lỏng.
– Tiểu nhiều lần trong ngày.
– Thường xuyên khát nước dù đã uống nhiều nước.
– Ngứa ngáy.
– Mất hứng thú với hoạt động tình dục.
Các dấu hiệu bệnh cường giáp thường gặp:
Cường giáp có thể gây ra các dấu hiệu quan sát được trên cơ thể, gồm:
– Sưng phù vùng cổ do tuyến giáp phát triển lớn.
– Nhịp tim nhanh bất thường, đánh trống ngực.
– Co giật, run rẩy thấy rõ ở 2 tay.
– Da nóng ẩm và đổ nhiều mồ hôi.
– Lòng bàn tay đỏ rực.
– Móng tay, móng chân tự động gãy.
– Phát ban da gây ngứa ngáy.
– Rụng tóc.
– Sụt cân – mặc dù vẫn ăn nhiều.
– Gặp nhiều vấn đề ở mắt như đỏ mắt, khô mắt hoặc tầm nhìn bị ảnh hưởng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn hãy gặp bác sĩ nếu bị các triệu chứng cường giáp. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra xem tuyến giáp của bạn hoạt động như thế nào.
Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạn bị cường giáp, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm thêm xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
Khi nào cần gọi cấp cứu?
Ở một vài trường hợp, khi cường giáp không được chẩn đoán và điều trị hợp lý, bệnh nhân không tuân thủ điều trị hoặc bị nhiễm trùng sẽ bị khởi phát cơn bão giáp. Đây là tình trạng gây ra do các hormone giáp đột ngột đổ ào ạt vào máu. Việc này gây ra các triệu chứng dữ dội của cơn bão giáp, biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong. Các triệu chứng bao gồm:
– Nhịp tim hơn 140 nhịp/phút và rung nhĩ.
– Sốt cao liên tục.
– Đổ mồ hôi liên tục.
– Run rẩy toàn thân không kiềm được.
– Kích động, hoảng loạn.
– Lơ mơ, lú lẩn.
– Tiêu chảy khó cầm.
– Hôn mê.
Khi gặp một trong những triệu chứng trên, bạn phải được cấp cứu càng nhanh càng tốt.
Các nguyên nhân gây cường giáp
Có nhiều nguyên nhân làm tuyến giáp tăng hoạt động, bao gồm:
– Bệnh Basedow: Khi hệ miễn dịch cơ thể hoạt động nhầm lẫn, thay vì tấn công virus, vi khuẩn thì chúng tấn công tuyến giáp. Nguyên nhân này chiếm khoảng 3/4 trường hợp mắc bệnh cường giáp.
– Các bướu tuyến giáp gây tăng sinh các mô giáp (tế bào sản xuất hormone giáp) làm tăng tốc độ sản xuất hormone giáp.
– Do thuốc: Khi bạn đang chữa trị các loại bệnh khác bằng thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị rối loạn nhịp tim amiodarone, tuyến giáp cũng sẽ bị ảnh hưởng làm bạn có nguy cơ mắc bệnh cường giáp.
Điều trị cường giáp
Bệnh cường giáp hoàn toàn có khả năng điều trị với các phương pháp chính:
– Thuốc ngăn chặn tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp.
– Iốt phóng xạ sẽ gây tổn thương tuyến giáp. Nhờ đó, cơ thể bệnh nhân được giảm bớt khả năng sản xuất hormone.
– Phẫu thuật để loại bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp để nó không sản xuất hormone nữa.
Mỗi biện pháp điều trị có lợi ích và hạn chế riêng. Bạn hãy trao đổi với bác sĩ để cùng tìm ra phương pháp điều trị phù hợp cho mình.
Những hậu quả nghiêm trọng nếu không điều trị cường giáp
Nếu bệnh nhân cường giáp không điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ phải chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
– Những vấn đề ở mắt: khó chịu ở mắt, song thị hoặc lồi mắt.
– Cường giáp trong thai kỳ gây sinh non hoặc sẩy thai.
– Cơn bão giáp: Triệu chứng nghiêm trọng, rầm rộ, đột ngột và có thể tử vong.
Kiều Tuấn Anh / HELLO BACSI
[embed-health-tool-ovulation]