backup og meta

Bệnh cường giáp nên ăn uống như thế nào?

Bệnh cường giáp nên ăn uống như thế nào?

Bệnh cường giáp nên ăn uống như thế nào? Đây là một câu hỏi mà rất nhiều người đang thắc mắc bởi một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp giảm các triệu chứng và hạn chế phần nào những biểu hiện khó chịu do bệnh cường giáp gây ra.

Tuyến giáp giúp tạo ra các hormone quan trọng đối với sự trao đổi chất, năng lượng và sức khỏe của bạn. Nếu bạn bị cường giáp, điều đó có nghĩa là tuyến giáp đang tạo ra quá nhiều hormone. Các triệu chứng cho thấy tuyến giáp đang hoạt động quá mức gồm căng thẳng, nhịp tim bất thường, run rẩy, giảm cân không chủ ý và thay đổi tâm trạng. Bệnh này thường xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Khi mắc phải bệnh này, ngoài việc điều trị y tế, chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bạn.

Tác dụng của một chế độ ăn phù hợp

Một chế độ ăn phù hợp có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu và củng cố các phương thức điều trị mà bạn đang dùng, chẳng hạn như thuốc.

Bệnh cường giáp nên ăn uống như thế nào?

Chế độ ăn cho người bị cường giáp nên chứa các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh.

1. Các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Các nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân cường giáp nên ăn nhiều các loại trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa như kiwi, trái cây họ cam quýt, mận đỏ, cà chua, rau chân vịt, cải xoăn, ớt chuông và bí đỏ. Các chất chống oxy hóa tự nhiên được tìm thấy trong các loại thực phẩm này giúp cải thiện khả năng miễn dịch, hỗ trợ cân bằng hormone tuyến giáp.

2. Có các bữa ăn nhỏ trong ngày

Để đảm bảo rằng bạn không bị mất chất dinh dưỡng và khoáng chất vì sự trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, hãy ăn những bữa ăn nhỏ suốt cả ngày. Hãy nhớ rằng khoảng cách giữa hai bữa ăn không nên vượt quá ba giờ để giúp cơ thể của bạn có đủ sức mạnh và duy trì sự cân bằng dinh dưỡng tối ưu.

3. Chọn rau một cách thông minh

Đối với những người bị suy giáp, rau cải là một sự lựa chọn tồi tệ trong khi đối với cường giáp thì hoàn toàn ngược lại. Ăn nhiều bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, những thực phẩm thuộc nhóm goitrogen này được biết đến là giúp giảm hormone tuyến giáp trong cơ thể. Tuy nhiên, dùng quá nhiều các loại thực phẩm này lại có thể dẫn đến suy giáp. Vì vậy, bạn chỉ ăn vừa đủ các loại thực phẩm này trong chế độ ăn của mình.

4. Các thực phẩm giàu kẽm

Đây là khoáng chất rất cần thiết vì tuyến giáp hoạt động quá mức có thể làm cạn kiệt khoáng chất này. Thiếu kẽm trong chế độ ăn có thể cản trở sự phân chia tế bào, sự tăng trưởng và phân hủy carbohydrate. Thực phẩm giàu protein là nguồn cung cấp kẽm tốt. Ngoài ra, còn có các loại hạt khác như hạnh nhân, quả óc chó, hạt bí ngô, hạt lanh.

5. Các sản phẩm làm từ sữa

Rối loạn chuyển hóa canxi máu là vấn đề thường gặp ở những người bị cường giáp. Để xử lý vấn đề này, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương. Điều này có thể dẫn đến loãng xương. Để ngăn ngừa, bạn hãy ăn các các sản phẩm làm từ sữa để bù đắp. Sữa chua, sữa ít chất béo, phô mai là lựa chọn tốt nhất. Trong trường hợp bạn không dung nạp lactose, hãy ăn những thực phẩm giàu canxi như rau xanh.

6. Các thực phẩm giàu vitamin D

Bạn cần vitamin D để cơ thể hấp thu canxi tốt hơn. Vì vậy, dành 15 phút mỗi ngày để phơi mình dưới ánh nắng mặt trời để có được lượng vitamin D cần thiết. Nếu không, bạn có thể bổ sung vitamin D theo khuyến cáo của bác sĩ. Một số loại thực phẩm như cá hồi, trứng và nấm cũng có rất giàu vitamin D.

7. Các loại thực phẩm giàu protein và axit béo omega-3

Cá rất giàu axit béo omega-3, giúp làm dịu hoạt động của tuyến giáp. Ngoài ra, còn có các nguồn cung cấp axit béo omega-3 khác là quả óc chó, hạt lanh…

Các loại thực phẩm nên tránh khi bị cường giáp

1. Những loại thực phẩm gây dị ứng

hải sản

Ăn nhiều các loại thực phẩm khiến bạn bị dị ứng có thể làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Các triệu chứng này gồm phát ban, khó thở, đau bụng và tiêu chảy. Nếu bạn nghi ngờ mình bị dị ứng thực phẩm thì nguyên nhân có thể là do các sản phẩm làm sữa, bột mì căn, đậu nành, ngô và phụ gia nhân tạo. Nếu bạn bị dị ứng với các sản phẩm làm từ sữa thì hãy thêm các loại thực phẩm giàu canxi khác vào chế độ ăn như hải sản, sữa hạnh nhân… Ngoài ra, thay vì dùng lúa mì, bạn có thể sử dụng các loại tinh bột không chứa gluten như bột yến mạch không chứa gluten, gạo lứt và khoai lang.

2. Những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao

Rối loạn tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến việc chuyển hóa carbohydrate và kiểm soát lượng đường trong máu. Để giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường, bạn nên hạn chế dùng các loại thực phẩm chứa lượng đường cao, có tác động đáng kể lên lượng đường trong máu. Các loại ngũ cốc chế biến, kẹo, nước trái cây, ngũ cốc ít chất xơ, bánh gạo và khoai tây ăn liền có chỉ số đường huyết cao. Thay vì chọn những loại thực phẩm này, bạn nên chọn các nguồn giàu chất xơ như lúa mạch, bột yến mạch, khoai mỡ và đậu lăng.

3. Chất béo không lành mạnh

Chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa có thể làm cho các triệu chứng viêm trở nên trầm trọng và làm hạn chế các loại thuốc điều trị. Ăn ít thịt đỏ, các loại thực phẩm chiên, chế biến, các sản phẩm sữa có chứa chất béo bão hòa. Chất béo chuyển hóa thường dễ tìm thấy trong các loại bánh quy, bánh ngọt và khoai tây chiên.

4. Rượu và caffeine

Rượu và caffeine có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng tâm trạng, giấc ngủ, chức năng tuyến giáp và thuốc điều trị tuyến giáp. Trước khi dùng các sản phẩm có chứa caffeine như nước ngọt, cà phê và trà, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên uống nước hoặc các loại thức uống không chứa cồn như sữa ít chất béo, trà thảo mộc để giữ ẩm cho cơ thể.

Bổ sung vitamin và khoáng chất

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc dung nạp các chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm thì bác sĩ sẽ đề nghị bạn sử dụng các loại vitamin và khoáng chất bổ sung. Một số loại viên uống vitamin tổng hợp có thể chứa vitamin C, A, E, B và các khoáng chất vi lượng như canxi và kẽm, giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng liên quan đến cường giáp. Nếu chế độ ăn của bạn thiếu chất béo omega-3, dầu cá có thể giúp ích. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thực phẩm bổ sung này có thể gây ra tác dụng phụ và tương tác với thuốc chữa bệnh cường giáp. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhé.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

8 types of food to beat hyperthyroidism http://www.thehealthsite.com/diseases-conditions/food-habits-to-help-you-deal-with-hyperthyroidism-better-d915/ Ngày truy cập: 26/4/2018

Foods to Avoid With Hyperthyroidism https://www.livestrong.com/article/410412-foods-to-avoid-with-hyperthyroidism/ Ngày truy cập: 26/4/2018

Foods to Avoid With Hyperthyroidism https://www.livestrong.com/article/410412-foods-to-avoid-with-hyperthyroidism/ Ngày truy cập: 26/4/2018

Phiên bản hiện tại

17/05/2018

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ độ tuổi có kinh nguyệt: Những điều bạn cần biết!

1001 thắc mắc về bệnh tuyến giáp ở phụ nữ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 17/05/2018

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo