backup og meta

Suy tuyến cận giáp

Suy tuyến cận giáp

Suy tuyến cận giáp không phải là một căn bệnh phổ biến, thường gây ra những triệu chứng liên quan đến tình trạng hạ canxi máu. Do đó, người bệnh cần phải theo dõi nồng độ canxi và các khoáng chất khác thường xuyên.

Tìm hiểu chung

Suy tuyến cận giáp là gì?

Suy tuyến cận giáp là một bệnh lý hiếm gặp, xảy ra khi tuyến cận giáp ở cổ không sản xuất đủ lượng hormone tuyến cận giáp (PTH) cần.

Mỗi người có bốn tuyến cận giáp nằm ở gần hoặc phía sau tuyến giáp. Mỗi tuyến có kích thước nhỏ bằng hạt gạo.

Chức năng của hormone tuyến cận giáp là điều chỉnh nồng độ canxi trong cơ thể. Chúng cũng giúp kiểm soát nồng độ phospho và có vai trò trong việc sản xuất vitamin D ở dạng hoạt động. Tất cả đều giúp duy trì trạng thái cân bằng canxi.

Khi lượng hormone này không được sản xuất đủ sẽ dẫn đến hạ thấp nồng độ canxi và làm tăng lượng phospho trong cơ thể. Suy tuyến cận giáp có khi không gây ra bất kỳ vấn đề y tế nghiêm trọng nào ở giai đoạn đầu nhưng đòi hỏi phải theo dõi và điều trị bệnh suốt đời.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh suy tuyến cận giáp

Các triệu chứng của căn bệnh này đều do tình trạng nồng độ canxi thấp gây ra, bao gồm:

  • Đau nhức cơ hoặc chuột rút
  • Ngứa ran, nóng hoặc tê ở đầu ngón tay, ngón chân và môi
  • Co thắt các cơ, nhất là ở xung quanh miệng
  • Tóc rụng theo từng mảng
  • Da khô
  • Móng tay dễ gãy
  • Mệt mỏi
  • Cảm thấy lo âu hoặc buồn phiền
  • Đau bụng kinh
  • Co giật, động kinh

Trẻ em bị suy tuyến cận giáp cũng có thể bị đau đầu, nôn hoặc có các vấn đề về răng như men răng yếu, răng phát triển kém.

Nguyên nhân

Nguyên nhân bệnh suy tuyến cận giáp là gì?

Những tác nhân có thể gây ra suy tuyến cận giáp có thể là:

  • Sau phẫu thuật. Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh suy tuyến cận giáp là tổn thương do tai nạn hoặc cắt bỏ tuyến cận giáp trong khi phẫu thuật. Phẫu thuật đó có thể là một phương pháp điều trị các bệnh về tuyến giáp hoặc ung thư cổ họng, cổ.
  • Bệnh tự miễn. Hệ thống miễn dịch đôi khi tạo ra các kháng thể chống lại các mô tuyến cận giáp như những tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Khi đó, các tuyến cận giáp sẽ ngừng sản xuất hormone PTH.
  • Di truyền. Trong trường hợp này, bạn có thể không có tuyến cận giáp bẩm sinh hoặc có nhưng không hoạt động hiệu quả. Một số dạng suy tuyến cận giáp di truyền có liên quan đến sự vắng mặt của các tuyến nội tiết khác.
  • Xạ trị ung thư mở rộng trên mặt hay cổ. Tia phóng xạ có thể gây phá hủy tuyến cận giáp, như trường hợp dùng i-ốt phóng xạ điều trị bệnh cường giáp.
  • Nồng độ magie trong máu thấp có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến cận giáp. Nồng độ magie bình thường là yếu tố cần thiết để hormone tuyến cận giáp tiết ra đủ theo nhu cầu.

Các yếu tố nguy cơ gây suy tuyến cận giáp

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lý suy tuyến cận giáp bao gồm:

  • Phẫu thuật ở cổ gần đây, đặc biệt khi có liên quan đến tuyến giáp
  • Có tiền sử gia đình bị suy tuyến cận giáp
  • Mắc phải một số bệnh tự miễn hay bệnh nội tiết, chẳng hạn như bệnh Addison khiến tuyến thượng thận sản xuất không đủ hormone.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán suy tuyến cận giáp?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử của bạn và gia đình. Sau đó, họ tiến hành kiểm tra thể chất để kiểm tra các triệu chứng lâm sàng như da khô, co thắt cơ và rụng tóc.

Bác sĩ cũng yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ các chất sau đây trong máu:

Một số xét nghiệm bổ sung khác bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: xác định xem lượng canxi dư thừa có được đào thải vào nước tiểu hay không.
  • Điện tâm đồ (EKG): theo dõi nhịp tim có dấu hiệu bất thường do thiếu canxi hay không.
  • Chụp X-quang và kiểm tra mật độ xương: giúp bác sĩ xác định những ảnh hưởng của nồng độ canxi đến xương.

Bác sĩ cũng kiểm tra tình trạng răng phát triển bất thường và theo dõi các giai đoạn tăng trưởng để chẩn đoán bệnh lý này ở trẻ em.

Những phương pháp điều trị bệnh suy tuyến cận giáp

Điều trị suy tuyến cận giáp thường có chung mục đích là khôi phục lại nồng độ canxi và các khoáng chất ở mức cân bằng trong cơ thể.

Điều trị ban đầu thường liên quan đến việc bổ sung canxi carbonate và vitamin D ở dạng thuốc viên. Bạn cần bổ sung thêm vitamin D vì loại vitamin này giúp cơ thể hấp thu canxi và loại bỏ phospho ra ngoài.

Bác sĩ sẽ là người xác định lượng canxi và vitamin D mà bạn cần dùng. Họ cũng sẽ theo dõi định kỳ nồng độ các chất sau để giữ chúng luôn trong mức bình thường:

  • Canxi
  • Phospho
  • Magie
  • Hormone tuyến cận giáp (PTH)

Hầu hết người bệnh đều cần dùng sản phẩm bổ sung canxi suốt đời để điều trị căn bệnh này.

Nếu nồng độ canxi hạ thấp đến mức đe dọa tính mạng hoặc bạn bị co thắt cơ bắp, bác sĩ có thể truyền canxi qua đường tĩnh mạch. Cách này giúp làm giảm các triệu chứng nhanh chóng vì canxi đi thẳng trực tiếp vào máu.

Bạn cũng có khả năng cần uống thêm thuốc lợi tiểu để giảm lượng canxi bị bài tiết qua đường nước tiểu.

Chế độ ăn cho người bệnh suy tuyến cận giáp

Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng để có thể xây dựng một chế độ ăn phù hợp khi mắc phải căn bệnh này. Nhìn chung, người bệnh suy tuyến cận giáp nên:

  • Ăn thực phẩm giàu canxi. Các thực phẩm như sữa, rau lá xanh, bông cải xanh và thực phẩm có bổ sung thêm canxi (như sữa đậu nành hay ngũ cốc ăn sáng) sẽ giúp duy trì nồng độ khoáng chất này trong máu không hạ quá thấp.
  • Ăn ít phospho. Bạn nên tránh uống các loại nước ngọt có gas vì chúng chứa phospho dưới dạng axit phosphoric và hạn chế các loại thịt, phô mai cứng, ngũ cốc nguyên hạt.

Biến chứng

Những biến chứng có thể xảy ra khi suy tuyến cận giáp là gì?

Chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm giảm đáng kể nguy cơ xuất hiện biến chứng do suy tuyến cận giáp. Các biến chứng do nồng độ canxi trong máu vẫn có thể xảy ra nhưng thường được cải thiện khi điều trị.

Các biến chứng có thể hồi phục bao gồm:

  • Tetany, cơn co thắt cơ kéo dài giống như chuột rút ở tay và ngón tay
  • Dị hình răng
  • Rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều
  • Dị cảm hoặc có cảm giác ngứa ran ở môi, lưỡi, ngón tay và bàn chân

Nếu vẫn không được chẩn đoán kịp thời, một số biến chứng không để hồi phục có khả năng xảy ra, bao gồm:

  • Đục thủy tinh thể, một tình trạng gây mờ mắt
  • Tích tụ canxi trong não
  • Tăng trưởng chậm ở trẻ em
  • Chậm phát triển tâm thần ở trẻ em

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hypoparathyroidism. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypoparathyroidism/symptoms-causes/syc-20355375. Ngày truy cập 26/12/2019.

Hypoparathyroidism. https://www.healthline.com/health/hypoparathyroidism. Ngày truy cập 26/12/2019.

Hypoparathyroidism. https://rarediseases.org/rare-diseases/hypoparathyroidism/. Ngày truy cập 26/12/2019.

Phiên bản hiện tại

16/03/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ độ tuổi có kinh nguyệt: Những điều bạn cần biết!

Mách bạn cách bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 16/03/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo