Cường giáp được biết đến là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức và làm tăng quá trình trao đổi chất. Hầu hết các trường hợp mắc cường giáp là do di truyền và thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn. Vậy các nguyên nhân cường giáp chủ yếu là gì? Không điều trị cường giáp có sao không?
Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ làm sáng tỏ những vấn đề này, giúp bạn hiểu rõ hơn về triệu chứng và nguyên nhân gây cường giáp. Đây sẽ là những thông tin có ích cho quá trình thăm khám và điều trị bệnh của bạn.
Cường giáp là gì? Triệu chứng của cường giáp
Cường giáp là một tình trạng mà tuyến giáp đang hoạt động bất thường. Tuyến giáp của bạn là một tuyến có hình con bướm nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp tạo ra tetraiodothyronine (T4) và triiodothyronine (T3). Đây là hai hormone có vai trò kiểm soát cách mà những tế bào của bạn sử dụng năng lượng. Vì vậy, thông qua việc giải phóng hai hormone này thì tuyến giáp của bạn sẽ điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể.
Tuy nhiên, khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone T4, T3 hoặc cả hai thì tình trạng này được gọi là cường giáp. Lúc này, tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể sẽ tăng cao quá mức, còn được gọi là trạng thái siêu trao đổi chất. Tình trạng này sẽ gây ra những triệu chứng sau đây cho cơ thể của bạn:
- Giảm cân đột ngột ngay cả khi bạn thèm ăn và ăn uống bình thường hoặc ăn nhiều.
- Nhịp tim nhanh thường hơn 100 nhịp/phút
- Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim)
- Trao đổi chất quá mức sẽ khiến tim bạn đập mạnh (đánh trống ngực)
- Tăng khẩu vị
- Thường run nhẹ ở bàn tay và ngón tay
- Đổ mồ hôi
- Nhạy cảm với nhiệt độ
- Khó ngủ, mệt mỏi, yếu cơ
- Da và tóc mỏng hơn, móng tay dễ gãy
- Đi ngoài nhiều hơn
- Tuyến giáp phát triển quá mức sẽ khiến cổ của bạn bị sưng, còn được gọi là bướu cổ
- Đối với phụ nữ, cường giáp có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt rối loạn và không đều.
Nguyên nhân cường giáp là gì?
Những nguyên nhân nào gây ra cường giáp? Nguyên nhân cường giáp thường do di truyền nhiều hơn là do lối sống. Sau đây là lý giải cụ thể về những điều kiện hoặc tình trạng khiến bạn mắc cường giáp:
1. Bệnh Graves là nguyên nhân cường giáp chủ yếu
Bệnh Graves, một rối loạn tự miễn dịch, là nguyên nhân gây cường giáp phổ biến nhất và chiếm khoảng 85% các trường hợp. Khi mắc bệnh Graves, hệ miễn dịch của bạn sẽ tự tạo ra các kháng thể tấn công tuyến giáp và kích thích tuyến này sản xuất nhiều hormone T4 hơn nên gây ra cường giáp.
Không những vậy, đây còn là một rối loạn có tính di truyền và thường xảy ra chủ yếu đối với phụ nữ. Vì vậy, nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh Graves, bạn cần cho bác sĩ biết điều này khi đi khám và làm xét nghiệm chẩn đoán cường giáp.
2. Phình giáp đa hạt có thể là nguyên nhân cường giáp
Phình giáp đa hạt là một tình trạng mà tuyến giáp quá phát triển và tạo ra các nhân giáp (còn gọi là u tuyến, hạt giáp, nốt tuyến giáp). Các u tuyến này sẽ tự tách ra khỏi phần còn lại của tuyến giáp và tạo thành các cục u (lành tính, không gây ung thư) có thể gây mở rộng tuyến giáp. Vì vậy, khi tuyến giáp có nhiều u tuyến thì chúng sẽ góp phần sản xuất hormone T4 nhiều hơn và gây ra cường giáp.
3. Viêm tuyến giáp
Đôi khi tuyến giáp của bạn có thể bị viêm sau khi mang thai, viêm do rối loạn miễn dịch hoặc thậm chí là không rõ nguyên nhân. Khi bị viêm tuyến giáp, bạn có thể cảm thấy đau hoặc không. Bên cạnh đó, tình trạng này còn có thể khiến lượng hormone do tuyến giáp sản xuất bị lưu trữ dư thừa và “rò rỉ” vào máu. Vì vậy mà viêm tuyến giáp cũng có thể là một trong những nguyên nhân cường giáp.
4. Tiêu thụ quá nhiều i-ốt
I-ốt là một khoáng chất mà tuyến giáp sử dụng để tạo ra các hormone. Vì vậy, nguyên nhân cường giáp xảy ra còn có thể do bạn tiêu thụ quá nhiều i-ốt từ chế độ ăn uống hoặc thuốc men. Trong đó, việc dùng thuốc chứa lượng i-ốt cao như Amiodarone cũng có thể gây ra cường giáp.
Cường giáp không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng nào?
Nếu phát hiện những triệu chứng bất thường do cường giáp hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám ngay. Bởi vì bệnh cường giáp không được điều trị có thể gây ra những biến chứng sau:
- Vấn đề tim mạch: Cường giáp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bạn. Chẳng hạn như việc tăng trao đổi chất khiến tim đập quá nhanh, rối loạn nhịp tim… thường làm tăng nguy cơ đột ngụy và suy tim sung huyết. Đây là tình trạng mà tim không thể lưu thông đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Loãng xương: Độ chắc khỏe của xương phụ thuộc một phần vào lượng canxi và các khoáng chất khác được chứa bên trong xương. Thế nhưng, khi cơ thể có quá nhiều hormone tuyến giáp sẽ cản trở khả năng kết hợp giữa canxi và xương của bạn. Điều này có nghĩa là cường giáp có thể khiến xương của bạn yếu hơn và dễ dẫn đến loãng xương.
- Vấn đề thị giác: Nguyên nhân cường giáp thường là do mắc bệnh Graves. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến mắt của bạn và gây ra những vấn đề như mắt lồi, đỏ hoặc sưng, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ hoặc song thị (nhìn thấy 2 hình của cùng 1 vật). Các vấn đề liên quan đến mắt nếu không được điều trị sẽ trở nên nghiêm trọng và có thể dẫn đến mất thị lực.
- Da đỏ, sưng tấy: Trong một số trường hợp hiếm gặp, người bị cường giáp có thể mắc các vấn đề về da, gây mẩn đỏ và sưng tấy ở nhiều vị trí như cẳng chân và bàn chân.
- Nhiễm độc giáp: Cường giáp khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm độc giáp. Tình trạng này xảy ra khi các triệu chứng của cường giáp trở nên nghiêm trọng hơn dẫn đến sốt, mạch nhanh và có thể mê sảng. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được đưa vào bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.
Bệnh cường giáp nếu không được điều trị có thể gây khá nhiều rủi ro cho sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Do đó, nếu bạn đã biết được nguyên nhân cường giáp (thường là do di truyền) hoặc nhận thấy mình đang bị sụt cân không rõ lý do, tim đập nhanh, đổ mồ hôi bất thường, sưng tấy ở cổ… thì hãy đi khám để được chữa trị kịp thời nhé!
[embed-health-tool-ovulation]