backup og meta

Động kinh

Động kinh

Khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới mắc phải bệnh động kinh, khiến cho chúng trở thành một trong những bệnh lý thần kinh phổ biến nhất thế giới. May mắn thay, ước tính có đến 70% người bệnh có thể sống bình thường mà không lên cơn động kinh trong thời gian dài nếu được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Vậy động kinh là gì? Bạn có biết về các dấu hiệu và triệu chứng của căn bệnh này chưa? Làm sao để chẩn đoán và điều trị hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu tất cả thông tin cơ bản xoay quanh bệnh động kinh qua bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Bệnh động kinh là gì?

Động kinh là một bệnh lý xảy ra do hệ thống thần kinh trung ương bị rối loạn. Khi đó, hoạt động của não bộ trở nên bất thường, gây ra các cơn co giật (cơn động kinh) hay các đợt bất thường trong hành vi, cảm giác và có thể khiến người bệnh mất ý thức.

Bất kỳ ai cũng đều có khả năng mắc phải căn bệnh này. Động kinh ảnh hưởng cả nam và nữ, mọi dân tộc và mọi lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát ngay từ nhỏ hoặc bắt đầu xuất hiện ở những người trên 60 tuổi.

Căn bệnh này có thể diễn biến suốt đời. Tuy nhiên, có một tỉ lệ người bệnh tự khỏi, thuyên giảm hoặc cải thiện triệu chứng bệnh nếu điều trị đúng.

Triệu chứng

Dấu hiệu động kinh là gì?

Cơn động kinh xảy ra khi có sự phóng quá mức và nhất thời của một nhóm neuron trong não nên gây ra các triệu chứng tương ứng với vùng não bị kích thích. Người bệnh có thể biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Cơn lú lẫn thoáng qua
  • Co giật không kiểm soát được ở tay, chân và/hoặc toàn bộ cơ thể
  • Co cứng
  • Mất ý thức hoặc nhận thức, nhìn chằm chằm vào khoảng không
  • Cảm giác sợ hãi, lo lắng hay thấy hiện tượng Deja vu (cảm giác lạ hoặc mùi vị khác lạ)
  • Té ngã hay ngã quỵ xuống
  • Bất tỉnh và không nhớ chuyện gì đã xảy ra sau cơn động kinh.

cơn động kinh 4

Tùy vào từng loại động kinh mà triệu chứng động kinh khác nhau ở từng người. Hầu hết trường hợp, với mỗi người bệnh các triệu chứng sẽ tương tự nhau ở mỗi lần lên cơn.

Dựa trên vị trí hoạt động bất thường của não, triệu chứng cụ thể, bác sĩ sẽ phân loại cơn động kinh. Bao gồm:

Động kinh cục bộ (focal seizures)

Khi các cơn động kinh xuất hiện do hoạt động bất thường của một vùng não bộ thì được xếp vào nhóm động kinh cục bộ. Những cơn động kinh này tiếp tục được phân chia thành hai kiểu:

  • Động kinh cục bộ không mất ý thức (Động kinh cục bộ đơn giản). Người bệnh khi có những cơn động kinh đơn giản do một phần não bộ bị kích thích thường sẽ không mất ý thức. Bạn có thể có những thay đổi trong cảm xúc hay giác quan (nhìn, ngửi, nếm, nghe hoặc cảm nhận những thứ xung quanh). Triệu chứng khác là co giật không kiểm soát ở một bộ phận cơ thể, như tay, chân và các triệu chứng cảm giác như ngứa ran, chóng mặt, kim châm,…
  • Động kinh cục bộ có vắng ý thức (Động kinh cục bộ phức tạp). Khi cơn động kinh cục bộ phức tạp hơn, người bệnh có thể bị thay đổi hoặc mất ý thức hay sự thức tỉnh. Người bệnh khi lên cơn động kinh loại này có thể sẽ nhìn chằm chằm vào khoảng không và không có phản ứng lại với môi trường như bình thường. Đôi khi thực hiện những động tác lặp đi lặp lại (như chà hai tay vào nhau, nhai, nuốt hay đi theo vòng tròn).

Các triệu chứng của cơn động kinh cục bộ có khi bị nhầm lẫn với một rối loạn thần kinh khác, như chứng đau nửa đầu, chứng ngủ rũ hay bệnh tâm thần. Do đó, khi thấy có các triệu chứng trên, bạn cần đến cơ sở y tế kiểm tra để được chẩn đoán chính xác.

Động kinh toàn thể (generalized seizures)

Cơn động kinh xảy ra có liên quan đến tất cả khu vực não bộ được gọi là động kinh toàn thể. Trong nhóm này, các cơn động kinh được phân thành 6 kiểu:

  • Cơn động kinh vắng ý thức. Kiểu động kinh này còn được gọi là động kinh cơn nhỏ (petit mal seizures), thường xảy ra ở trẻ em với triệu chứng đặc trưng là nhìn chằm chằm vào một khoảng không hoặc có những chuyển động nhỏ như chớp mắt, máy môi kéo dài 5 – 10 giây. Cơn động kinh vắng ý thức có thể xuất hiện theo chuỗi, tới 100 lần mỗi ngày và gây mất nhận thức tạm thời.
  • Cơn động kinh co cứng. Kiểu động kinh này khiến cho các cơ bắp bị căng cứng và có thể ảnh hưởng đến ý thức. Vị trí thường bị ảnh hưởng là các cơ ở lưng, cánh tay và chân khiến cho người bệnh có thể té ngã xuống đất.
  • Cơn động kinh mất trương lực cơ. Người bệnh lên cơn động kinh này sẽ mất kiểm soát cơ bắp, dễ bị ngã đột ngột.
  • Cơn động kinh co giật. Cơn động kinh co giật sẽ gây ra các chuyển động lặp đi lặp lại hoặc theo nhịp của toàn bộ cơ thể. Những chuyển động bất thường này thường ảnh hưởng đến cổ, mặt và cánh tay.
  • Cơn động kinh giật cơ. Người bệnh sẽ lên cơn ở dạng các đợt giật ngắn, đột ngột hoặc giật mạnh; thường ở phần trên cơ thể, cánh tay, chân.
  • Cơn động kinh co cứng – co giật toàn thân (Động kinh cơn lớn). Kiểu động kinh là loại nguy hiểm nhất. Chúng gây mất ý thức đột ngột, cơ thể bị co cứng và co giật, đôi khi mất khả năng kiểm soát bàng quang hoặc tự cắn lưỡi.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên gọi đến số điện thoại cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu thấy:

  • Cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút
  • Sau khi hết cơn, người bệnh vẫn mất ý thức hoặc không thở được
  • Xuất hiện cơn động kinh thứ hai ngay sau đó
  • Sốt cao
  • Đang mang thai
  • Mắc bệnh đái tháo đường
  • Tự làm bản thân bị thương trong lúc lên cơn động kinh
  • Tần suất cơn không giảm dù đã uống thuốc đầy đủ.

Nếu bạn vừa trải qua một cơn động kinh lần đầu, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh động kinh là gì?

Khoảng 50% người mắc bệnh động kinh không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Các trường hợp còn lại, động kinh có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như:

  • Do ảnh hưởng từ yếu tố di truyền. Một số loại động kinh có thể được di truyền qua các thế hệ. Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, gen chỉ là một phần nguyên nhân gây ra chứng bệnh này. Một số gen nhất định có thể làm cho bạn nhạy cảm hơn với các điều kiện môi trường gây ra cơn động kinh.
  • Chấn thương đầu. Sau một tai nạn gây chấn thương ở đầu có thể dẫn đến tình trạng động kinh trong tương lai.
  • Các bệnh lý ở não bộ. Các bệnh lý gây tổn thương não như có khối u trong não, đột quỵ, dị dạng động mạch, dị dạng xoang hang có thể gây ra động kinh. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây động kinh ở người trưởng thành trên 35 tuổi.
  • Bệnh nhiễm trùng. Tình trạng viêm màng não, HIV, viêm não do virus và một số bệnh nhiễm kí sinh trùng đều có khả năng gây ra bệnh động kinh.
  • Tổn thương trước khi sinh. Trước khi chào đời, thai nhi rất nhạy cảm với các yếu tố có khả năng gây tổn thương não, như nhiễm trùng ở người mẹ, thiếu dinh dưỡng hay thiếu oxy. Tổn thương ở não sẽ làm tăng khả năng bị động kinh hoặc bại não ở trẻ.
  • Rối loạn phát triển. Bệnh động kinh đôi khi có liên quan đến các rối loạn phát triển, chẳng hạn như bệnh tự kỷ.

nguyên nhân bệnh động kinh

Các yếu tố nguy cơ của bệnh động kinh là gì?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh là:

  • Càng già đi, nguy cơ động kinh càng cao hơn. Dù vậy, mọi người ở bất kỳ lứa tuổi nào đều có thể bị động kinh.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh.
  • Chấn thương ở đầu.
  • Đột quỵ và các bệnh mạch máu khác.
  • Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.
  • Nhiễm trùng thần kinh như viêm màng não.
  • Sốt cao co giật.

Chẩn đoán và điều trị

Phương pháp dùng chẩn đoán bệnh động kinh là gì?

Khi mới chỉ trải qua một cơn động kinh không có nghĩa là bạn mắc bệnh động kinh.

Sau khi xem xét tiền sử bệnh và nghe về các triệu chứng mà bạn gặp phải, bác sĩ có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm trước khi đưa ra chẩn đoán động kinh, đồng thời giúp xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bạn có thể cần làm:

  • Kiểm tra thần kinh gồm hành vi, khả năng vận động, chức năng tâm thần và các lĩnh vực khác
  • Xét nghiệm máu giúp kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng, tình trạng di truyền,…
  • Điện não đồ (EEG) là xét nghiệm phổ biến nhất dùng trong chẩn đoán bệnh động kinh. EEG ghi lại hoạt động điện trong não để bác sĩ quan sát sự thay đổi trong và ngoài cơn động kinh xảy ra.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) nhằm phát hiện những bất thường trong cấu trúc não như khối u, chảy máu,…
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp phát hiện tổn thương hay cấu trúc bất thường ở não bộ.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) kiểm tra hoạt động trao đổi chất của não. Nơi có hoạt động trao đổi chất thấp có thể là vùng não bất thường khởi phát cơn động kinh.
  • Một số xét nghiệm khác nếu cần thiết.

Để điều trị hiệu quả, bác sĩ cần phải xác định đúng cơn động kinh ở bệnh nhân thuộc loại nào.

Các phương pháp điều trị động kinh là gì?

Bệnh động kinh hoàn toàn có thể được kiểm soát tốt. Thực tế, có đến 70% người bệnh vẫn chung sống với căn bệnh này mà không lên cơn động kinh trong thời gian dài khi sử dụng các loại thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu như việc sử dụng thuốc chống động kinh không có hiệu quả thì bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành phẫu thuật hoặc chuyển sang một phương pháp điều trị khác.

Thuốc điều trị động kinh

Phần lớn người bệnh có thể không còn lên cơn động kinh sau khi dùng thuốc chống động kinh. Một vài người có thể giảm tần suất và cường độ cơn động kinh sau khi dùng phối hợp một số thuốc.

Nhiều trẻ em mắc bệnh sau một thời gian không tái phát các cơn động kinh có thể dừng thuốc và sống một cuộc sống bình thường. Người trưởng thành nếu mắc bệnh cũng có khả năng không cần dùng thuốc nữa nếu hơn hai năm không lên cơn động kinh. Tuy nhiên, bạn không được tự ý ngưng dùng thuốc mà cần có sự tư vấn từ bác sĩ điều trị.

thuốc trị động kinh

Để tìm ra loại thuốc với liều lượng phù hợp, bác sĩ sẽ cần đánh giá nhiều yếu tố trước khi kê đơn. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị để có thể kiểm soát tốt bệnh động kinh. Hãy nhớ:

  • Luôn dùng thuốc theo đúng chỉ định
  • Nếu muốn thay đổi hay sử dụng thêm một loại thuốc khác, kể cả thuốc không kê đơn hay thuốc từ dược liệu, hãy thông báo và hỏi ý kiến bác sĩ trước
  • Không tự ý dừng thuốc mà chưa được sự đồng ý của bác sĩ
  • Thông báo ngay với bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện trầm cảm hoặc trầm cảm nặng hơn, có suy nghĩ tự tử hay những thay đổi bất thường trong tâm trạng hoặc hành vi
  • Thông báo cho bác sĩ nếu cảm thấy đau nửa đầu
  • Thăm khám định kỳ theo lời dặn của bác sĩ

Phẫu thuật

Khi sử dụng thuốc không mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát động kinh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ vùng não có hoạt động bất thường gây ra các cơn động kinh.

Phẫu thuật động kinh có thể là lựa chọn tốt khi bác sĩ nhận thấy:

  • Cơn động kinh bắt nguồn từ một khu vực nhỏ được xác định rõ ràng trong não
  • Vùng não bị ảnh hưởng không đảm nhận các vai trò quan trọng như lời nói, ngôn ngữ, chức năng vận động, thị giác hay thính giác

Một số ít trường hợp, rủi ro trong lúc phẫu thuật có thể xảy ra và gây biến chứng như ảnh hưởng vĩnh viễn đến khả năng suy nghĩ (nhận thức) của bạn.

Các liệu pháp khác

Ngoài thuốc và phẫu thuật, một số liệu pháp cho thấy tiềm năng trong điều trị bệnh động kinh. Ví dụ như:

  • Kích thích thần kinh phế vị
  • Chế độ ăn kiêng keto (chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt với nhiều chất béo và ít carbohydrate)
  • Kích thích não sâu (deep brain stimulation)

Biến chứng

Bệnh động kinh có nguy hiểm không?

Khi lên cơn động kinh tại một số thời điểm có thể khiến người bệnh rơi vào tình huống nguy hiểm, chẳng hạn như:

  • Té ngã. Nếu bạn té ngã trong khi lên cơn động kinh, chấn thương ở đầu hoặc gãy xương có thể xảy ra.
  • Đuối nước. Bạn sẽ có khả năng bị đuối nước cao hơn 13–19 lần nếu như lên cơn co giật, động kinh khi đang bơi hoặc tắm.
  • Tai nạn giao thông. Khi có cơn động kinh cùng suy giảm ý thức hoặc gây mất kiểm soát các cơ ở tay chân, bạn sẽ gặp nguy hiểm nếu như đang điều khiển phương tiện giao thông.
  • Động kinh khi đang mang thai. Nếu tình trạng này xảy ra sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Không những thế, một số thuốc chống động kinh có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Do đó, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ khi có dự định mang thai trong khi có bệnh động kinh.

Nhiều bệnh nhân động kinh gặp phải những vấn đề về cảm xúc, tâm lý, đặc biệt là trầm cảm, lo âu và hay có hành vi hay suy nghĩ muốn tự tử. Đó có khi là kết quả do những khó khăn trong việc đối diện với căn bệnh này trong cuộc sống hoặc do tác dụng phụ của thuốc sử dụng.

Ngoài ra, những tác hại của bệnh động kinh có thể đe dọa tính mạng nhưng ít phổ biến hơn gồm:

  • Trạng thái động kinh (status epilepticus). Tình trạng này xảy ra khi bạn ở trong trạng thái co giật, động kinh liên tục và kéo dài hơn 5 phút hoặc có các cơn động kinh tái phát thường xuyên nhưng mất ý thức giữa các cơn. Người bệnh rơi vào trạng thái động kinh có nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn và tử vong.
  • Đột tử trong bệnh động kinh. Người bệnh cũng có 1% nguy cơ bị đột tử. Nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ nhưng một số nghiên cứu cho thấy có liên quan đến bệnh tim hoặc bệnh lý đường hô hấp.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Epilepsy. https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Epilepsy Ngày truy cập 13/01/2022

Epilepsy. https://kidshealth.org/en/teens/epilepsy.html Ngày truy cập 13/01/2022

Epilepsy. https://medlineplus.gov/epilepsy.html Ngày truy cập 13/01/2022

Epilepsy. http://www.nhs.uk/conditions/Epilepsy/Pages/Introduction.aspx. Ngày truy cập 18/06/2019

Epilepsy. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/epilepsy/home/ovc-20117206. Ngày truy cập 18/06/2019

Epilepsy. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/epilepsy. Ngày truy cập 01/07/2020

Phiên bản hiện tại

24/01/2022

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hồ Văn Hùng

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Người bệnh động kinh nên ăn gì, kiêng gì để hạn chế co giật?

Nên và không nên làm gì khi chứng kiến một cơn động kinh?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Hồ Văn Hùng

Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 24/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo