backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Hoa cúc: Những lợi ích chữa bệnh bất ngờ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 13/12/2023

Hoa cúc: Những lợi ích chữa bệnh bất ngờ

Từ lâu, người ta đã xem hoa cúc như một loại thảo dược giúp giảm viêm và nhiễm trùng. Nhưng bạn có biết toàn bộ tác dụng cũng như lý do vì sao loài hoa này lại phổ biến trong các bài thuốc, thực phẩm chức năng như vậy không?

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về loại thảo dược này nhé!

Tổng quan

Tìm hiểu chung về hoa cúc

Hoa cúc hay cúc hoa có thể được thu hoạch từ cây cúc hoa trắng hoặc cây cúc hoa vàng.

  • Cây cúc hoa trắng (Chrysanthemum sinense) sống hai năm hoặc lâu hơn. Thân thẳng đứng, cao 0,5 – 1,4m, toàn cây phủ lông trắng mềm. Lá mọc so le, cuống dài 1 – 2,5cm, phiến lá hình trứng hay hơi thuôn hai đầu tù. Cụm hoa hình đầu, màu trắng hoặc hơi tía ở mép, vàng ở tâm, mọc ở đầu cành hay kẽ lá.
  • Cây cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum) thẳng đứng, cao 90cm. Phiến lá hình 3 cạnh tròn, thùy xẻ sâu. Cụm hoa hình cầu, nhỏ hơn cúc hoa trắng, đường kính 1 – 1,5cm. Toàn bông màu vàng.

Ngoài ra, hoa cúc cũng có nhiều loại khác như dã cúc, cúc riềng vàng…

Bộ phận dùng của hoa cúc

Cây cúc hoa được trồng nhiều ở nước ta để lấy hoa làm thuốc hay ướp chè, nấu rượu. Hoa sau khi thu hái được phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học

Ngoài việc dùng để trang trí, hoa cúc còn là một nguồn cung cấp dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất dồi dào. Tiêu thụ 51 g hoa cúc sẽ cung cấp 0,481 mg mangan; 17 mg sắt; 0,07 mg đồng; 0,09 mg vitamin B6; 48 mg vitamin A; 289 mg kali và 60 mg canxi.

Bên cạnh đó, loài hoa này có chứa nhiều thành phần hoạt tính có lợi như tinh dầu, tannin, chất nhầy, flavonoid, chất đắng, axit hữu cơ, chất nhựa và inulin,… Những thành phần hoạt tính này được tìm thấy ở tất cả các bộ phận của cây và có nhiều công dụng đối với sức khoẻ.

Tác dụng của cúc hoa

Cúc hoa có tác dụng gì trong y học dân gian

Theo tài liệu cổ, hoa cúc trắng có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn. Hoa cúc vàng có vị đắng cay, tính ôn, quy kinh phế, can và thận. Hiện nay, loại dược liệu này được dùng trong dân gian để làm thuốc chữa các chứng nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, cao huyết áp, sốt.

Ngoài ra, loài hoa này còn được dùng để ướp chè hay ngâm rượu uống.

Hoa cúc - lợi ích chữa bệnh bất ngờ

Tác dụng của hoa cúc trong y học hiện đại

Các tác dụng dược lý của cúc hoa đã được chứng minh bằng y học hiện đại, bao gồm:

  • Làm thuốc trị đau nửa đầu, viêm mũi.
  • Làm nước tonic trị bệnh: có tác dụng lọc máu, chữa sốt, ho và viêm màng phổi, viêm đường sinh sản và chứng sưng tức ngực. Đồng thời, chúng còn giúp kích thích hệ tiêu hóa, gan, túi mật và thận.
  • Trị các bệnh về hô hấp: trị bệnh cảm cúm thông thường, viêm phế quản và viêm đường hô hấp trên,… nhờ tác dụng chống viêm.
  • Trị các bệnh về tiêu hóa: từng được vua Henry VIII của nước Anh sử dụng để trị bệnh loét dạ dày. Ngoài ra còn có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, giảm cơn thèm ăn và điều trị các bệnh đường tiêu hóa như viêm dạ dày, tiêu chảy, rối loạn chức năng gan, túi mật, táo bón nhẹ.
  • Điều hòa kinh nguyệt: điều trị các triệu chứng khi hành kinh, đặc biệt là tình trạng chảy máu nhiều khi hành kinh.
  • Điều trị viêm bàng quang và các chứng viêm đường niệu.
  • Người ta còn dùng bông cúc như một liều thuốc tự nhiên để trị viêm da do dị ứng, bệnh gout (bệnh gút) và các bệnh thấp khớp mãn tính.
  • Giảm viêm, trị mụn: giúp các vết thương nhỏ lành nhanh và giảm đau nhức, sưng tấy hay bầm tím. Rượu ngâm bông cúc có tác dụng trị mụn trứng cá, làm sạch miệng hay dùng như một loại nước súc miệng thảo dược trị chứng đau họng và viêm miệng. Bạn cũng có thể nhai lá hoa cúc tươi để giảm triệu chứng loét miệng.

Cách dùng, liều dùng

Liều dùng và các bài thuốc có chứa hoa cúc

hoa cúc khô

Hoa cúc được dùng với liều 9 – 15g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài rửa, đắp mụn nhọt.

Một số đơn thuốc có chứa bông cúc:

  • Tang cúc ẩm chữa ho và sốt, cảm mạo: Tang diệp, cúc hoa, mỗi vị 6g. Liên kiều, bạc hà, cam thảo, cát cánh, mỗi vị 4g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
  • Cúc hoa trà điều tán chữa chóng mặt, hoa mắt, mắt đỏ, mũi tắc: Cúc hoa, xuyên khung, kinh giới, bạc hà, phòng phong, khương hoạt, hương phụ, cam thảo, bạch chỉ, tế tân, khương tàm. Các vị bằng nhau, trộn đều, tán nhỏ. Sau bữa ăn, dùng nước chè chiêu thuốc, mỗi lần 4 – 6g bột này.

Sử dụng hoa cúc trong đời sống

Thông thường, hoa cúc được sử dụng để làm trà hoa cúc, thức uống thanh tao và mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Có nhiều cách làm trà hoa cúc với những nguyên liệu khác nhau như mật ong, cam thảo, atiso,…

Một trong số đó, cách pha trà hoa cúc đơn giản nhất là dùng hai muỗng hoa cúc khô cho vào một tách nước nóng, ngâm khoảng 10 phút, sau đó vớt ra. Thế là bạn đã có một tách trà thơm ngon. Bạn nên uống 3 tách nhỏ mỗi ngày để nhận được tối đa tác dụng của trà hoa cúc đối với sức khỏe.

Ngoài ra, bạn có thể ăn lá cúc tươi để kích thích sự hấp thụ chất dinh dưỡng nhờ vào vị đắng của nó. Lá, hoa, nụ và cánh hoa đều có vị khá ngon và có thể dùng để ăn kèm với nhiều món khác.

Lá của chúng có thể dùng làm món xà lách trộn và ăn kèm với các loại thực phẩm khác như lá bồ công anh và lá cây me đất.

Bạn cũng có thể chế biến hoa cúc với rau củ và thịt. Ở nhiều nơi, cụm hoa được dùng làm giấm hoặc chế biến nước sốt. Không những vậy, nhiều đầu bếp còn dùng hoa cúc để trang trí các món ăn như bánh mì hoa cúc,…

trang trí món ăn bánh mì hoa cúc

Lưu ý, thận trọng

Hoa cúc là loại thảo mộc an toàn cho sức khỏe, tuy nhiên, những người có cơ địa dị ứng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Cúc hoa là một vị thuốc với nhiều công dụng tuyệt vời. Có thể sử dụng tươi hoặc phơi khô, pha trà hoặc ngâm rượu. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích để sử dụng đúng cách dược liệu này.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 13/12/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo