backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thói quen nghiến răng khi ngủ gây hại như thế nào? Làm sao để cải thiện?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 25/09/2022

    Thói quen nghiến răng khi ngủ gây hại như thế nào? Làm sao để cải thiện?

    Hầu hết nhiều người có thói quen nghiến răng khi ngủ hoặc ghì hai hàm răng lại với nhau trong vô thức. Thông thường, chứng nghiến răng đôi khi không gây hại và không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn mắc chứng nghiến răng liên tục – đặc biệt là trong mỗi đêm, hàm răng có thể bị tổn thương và tình trạng này cũng sẽ gây ra các biến chứng về sức khỏe răng miệng khác.

    Vì sao thói quen nghiến răng lại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé.

    Nguyên nhân nghiến răng khi ngủ

    Mặc dù chứng căng thẳng và lo âu là những tác nhân khiến bạn nghiến răng, tuy nhiên tình trạng này cũng có thể xảy ra một cách vô thức trong khi bạn đang ngủ và có nhiều khả năng là do thói quen cắn không bình thường, răng mọc lệch hoặc bị gãy gây ra. Ngoài ra, các chứng rối loạn giấc ngủ như hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể là nguyên nhân gây nên chứng bệnh này.

    Nhận biết bạn có nghiến răng khi ngủ

    Bạn chỉ thường nghiến răng trong khi ngủ, vì thế rất khó để bạn nhận thức được rằng bạn đang mắc phải thói quen xấu này. Tuy nhiên, cơn đau đầu liên tục hoặc tình trạng viêm loét hàm sau khi thức dậy có thể là dấu hiệu cho thấy bạn nghiến răng khi ngủ. Ngoài ra, bạn cũng có thể biết bản thân bị chứng bệnh này nếu người thân thường ngủ chung với bạn nhận thấy được và nói cho bạn biết.

    Ngoài ra, nếu nghi ngờ mình mắc chứng nghiến răng, bạn hãy đến bác sĩ nha khoa để được tư vấn và thăm khám. Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm tra khoang miệng và hàm để xem liệu có dấu hiệu của chứng nghiến răng hay không – như hàm bị đau, ê buốt hoặc răng bị mòn quá nhiều.

    Chứng nghiến răng có tác động xấu đến sức khỏe hay không?

    Trong một số trường hợp, chứng nghiến răng mạn tính xảy ra là do tình trạng răng bị yếu, mòn, lung lay hoặc gãy. Tình trạng mạn tính này có thể khiến răng của bạn bị mòn đi nhanh chóng, dẫn đến việc hình thành các vết lõm trên răng. Khi điều này không may xảy ra, bạn sẽ cần đến các biện pháp điều trị như cầu răng, bịt răng, rút tủy răng, cấy răng, trồng răng giả từng phần hoặc thậm chí toàn bộ hàm.

    Trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng nghiến răng không chỉ gây tổn thương và làm suy yếu răng mà còn ảnh hưởng xấu đến các hàm – gây ra hội chứng rối loạn thái dương – hàm (TMD/TMJ) hoặc thậm chí là khiến khuôn mặt biến dạng.

    Bạn có thể làm gì để ngăn ngừa chứng nghiến răng?

    Bác sĩ nha khoa có thể yêu cầu bạn mang dụng cụ chống nghiến răng nhằm mục đích bảo vệ răng tránh nghiến vào nhau trong khi ngủ. Nếu tình trạng căng thẳng là nguyên nhân gây chứng nghiến răng của bạn, hãy hỏi bác sĩ hoặc nha sĩ về những biện pháp giúp làm giảm căng thẳng. Việc tham gia một buổi tư vấn điều trị stress, bắt đầu thực hiện chương trình luyện tập, đến gặp bác sĩ trị liệu vật lý để được thăm khám hoặc kê toa thuốc giãn cơ đều là một số lựa chọn có thể phù hợp với bạn. Hoặc, khi chứng rối loạn giấc ngủ là nguyên nhân gây chứng nghiến răng của bạn, việc điều trị nguồn gốc gây bệnh (chứng rối loạn) có thể giúp làm giảm hoặc cải thiện thói quen nghiến răng.

    Bên cạnh những biện pháp điều trị, bạn có thể làm theo những mẹo nhỏ sau để ngăn ngừa chứng nghiến răng, bao gồm:

    • Tránh hoặc hạn chế hoàn toàn việc ăn các thực phẩm và thức uống có chứa caffeim – như coca, sô cô la và cà phê.
    • Hạn chế uống rượu bia, bởi vì chứng nghiến răng thường có xu hướng tăng lên sau khi uống rượu.
    • Bỏ thói quen cắn bút hoặc tất cả những thứ không phải là thức ăn (như cắn móng tay, cắn ống hút). Ngoài ra, tránh nhai kẹo cao su bởi vì nó khiến cho các cơ hàm của bạn cần phải ghì siết nhiều lần và tăng nguy cơ gây chứng nghiến răng.
    • Tập thói quen không nghiến, ghì hai hàm răng. Nếu bạn nhận thức được bạn hay nghiến răng trong ngày, hãy tập đặt lưỡi ở giữa hai hàm răng. Bài tập đơn giản này cho phép các cơ hàm thư giãn.
    • Giúp cơ hàm thư giãn vào ban đêm bằng cách đắp một chiếc khăn ấm lên trên vùng hai bên má trước hai tai.

    Trẻ em chính là đối tượng thường mắc chứng nghiến răng

    Chứng nghiến răng không chỉ là tình trạng xuất hiện ở người trưởng thành mà còn ở cả trẻ em. Khoảng gần 15–33% trẻ em có thói quen nghiến răng. Việc trẻ nghiến răng thường có xu hướng xảy ra ở hai mốc thời gian quan trọng – khi bắt đầu mọc răng sữa và khi mọc răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em sẽ không còn nghiến răng sau khi răng hai hàm đã mọc đầy đủ.

    Trên thực tế, trẻ nghiến răng khi ngủ nhiều hơn là khi thức. Không ai biết chính xác tại sao trẻ em lại có thói quen này. Tuy nhiên, có một số vấn đề được cho là nguyên nhân gây bệnh, bao gồm: răng mọc lệch hoặc hai hàm răng không mọc khớp nhau, các bệnh tật và tình trạng bệnh lý khác (như thiếu hụt dinh dưỡng, bệnh giun kim, các dạng dị ứng và chứng rối loạn nội tiết) cùng các tác nhân tâm thần như chứng lo âu và căng thẳng.

    Bạn không nên quá lo lắng vì thói quen nghiến răng ở trẻ thường không gây ra các triệu chứng đáng kể. Trong một số trường hợp hiếm gặp, chứng nghiến răng có thể khiến trẻ tăng nguy cơ bị đau nhức hàm, đau đầu, mòn men răng hay thậm chí là gây hội chứng rối loạn khớp thái dương – hàm (TMD). Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa nếu như răng của trẻ có dấu hiệu bị mòn đi hoặc nếu trẻ phàn nàn về các cơn đau nhức răng không rõ nguyên do.

    Ngoài ra, bạn có thể giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc chứng nghiến răng bằng cách:

  • Giảm bớt căng thẳng của con trẻ, đặc biệt là vào khoảng thời gian trước khi ngủ (bạn có thể cùng con trò chuyện, cho con đọc sách hoặc nghe nhạc)
  • Giúp trẻ mát xa và tập các bài tập giãn cơ để cơ bắp của trẻ thư giãn
  • Đảm bảo rằng trẻ luôn uống đủ nước trong ngày. Tình trạng mất nước đã được chứng minh là có liên quan đến chứng nghiến răng ở trẻ em
  • Đến gặp nha sĩ để bác sĩ khám răng cho trẻ nếu con trẻ có dấu hiệu hay nghiến răng.
  • Có thể bạn quan tâm: Trẻ nghiến răng khi ngủ có phải bị bệnh? Cần được chữa trị như thế nào?

    Đối với trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, bạn có lẽ không cần can thiệp vào các sinh hoạt hằng ngày của con bởi vì chứng nghiến răng sẽ dần biến mất sau khi răng sữa của trẻ mọc hết. Tuy nhiên, đối với những trẻ em có độ tuổi lớn hơn, bạn có lẽ cần cho trẻ tiến hành bịt răng tạm thời hoặc áp dụng các biện pháp khác như mang miếng bảo vệ hàm vào ban đêm nhằm giúp ngăn ngừa chứng nghiến răng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 25/09/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo