backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Massage trị liệu là gì? Tác dụng và những lưu ý khi áp dụng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền · Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Thanh Tùng · Ngày cập nhật: 20/05/2023

    Massage trị liệu là gì? Tác dụng và những lưu ý khi áp dụng

    Rất nhiều người cho rằng massage trị liệu chỉ là một loại hình dịch vụ thư giãn ở các spa. Thật ra, đây cũng là một cách hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như đau đầu, huyết áp, tiêu hóa, đau cơ, viêm khớp… Nếu biết cách áp dụng liệu pháp này, bạn có thể sẽ hồi phục nhanh hơn.

    Liệu pháp massage trị liệu là gì?

    liệu pháp massage trị liệu

    Liệu pháp massage trị liệu là dùng tay và các dụng cụ khác để xoa bóp các cơ và mô liên kết nhằm giải phóng căng thẳng, giảm đau và cân bằng cơ thể.

    Các loại liệu pháp mát xa trị liệu phổ biến nhất

    Liệu pháp massage có nhiều loại hình nhằm giải quyết các vấn đề khác nhau, sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của từng người bệnh. Nhìn chung, có hai lĩnh vực massage chính là để trị liệu và thư giãn.

    • Massage trị liệu được tin rằng sẽ giúp giải quyết các triệu chứng bệnh ở bệnh nhân bằng cách sử dụng các kỹ thuật đặc biệt kết hợp với các liệu pháp khác như vật lý trị liệu.
    • Massage thư giãn toàn bộ cơ thể, thường thấy ở các khu nghỉ mát, spa và các chuỗi trung tâm massage lớn.

    Cả hai lĩnh vực massage trị liệu và thư giãn đều sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau như:

    • Massage Thụy Điển: Một trong những loại massage nổi tiếng và phổ biến nhất. Đây là một hình thức trị liệu bằng xoa bóp bao gồm các động tác vuốt dài và ma sát để cải thiện lưu thông máu, thúc đẩy sự thư giãn.
    • Massage mô sâu: Tác dụng vào lớp cơ sâu để giải phóng dây chằng và gân nhằm phục hồi chuyển động cơ tối ưu.
    • Massage thể thao: Một kỹ thuật được thiết kế đặc biệt cho các vận động viên để thúc đẩy phục hồi và tăng cường hiệu suất cơ bắp.
    • Massage chỉnh hình: Một sự kết hợp của massage thể thao và y tế để giúp tăng cường cơ bắp, gân và dây chằng yếu cũng như các chấn thương.
    • Điều trị điểm kích thích: Ấn trực tiếp các điểm cực căng trong các nhóm cơ căng cứng.
    • Massage lưu thông bạch huyết: Tác động vào các mô xung quanh các hạch bạch huyết giúp lưu thông tránh tình trạng tắc nghẽn gây viêm  và phòng ngừa bệnh.
    • Massage thai kỳ: Massage trước và sau khi sinh để giảm đau và thư giãn nhằm thúc đẩy sự hồi phục về thể chất và tinh thần.
    • Bấm huyệt: Sử dụng áp lực và chuyển động của ngón tay cái để kích thích một số vùng nhất định của bàn chân. 
    • Shiatsu: Sử dụng áp lực ngón tay lên các bộ phận cụ thể của cơ thể, vào các điểm tương tự như bấm huyệt. 
    • Massage đá nóng: Đặt đá ấm lên các khu vực căng đau trên cơ thể   để làm dịu và thư giãn cơ bắp.

    Liệu pháp massage trị liệu cũng có thể đi kèm với các liệu pháp khác như:

    Tác dụng của liệu pháp massage trị liệu

    mát xa trị liệu

    Các kỹ thuật được liệt kê phía trên mang lại lợi ích sâu sắc trong cơ thể và tinh thần bằng cách điều chỉnh sự mất cân bằng, chăm sóc thích hợp và phối hợp với phương pháp chăm sóc sức khỏe khác.

    Massage trị liệu giúp giải quyết và giảm bớt nhiều vấn đề về sức khỏe như:

    • Đau và căng cơ
    • Đau và viêm khớp
    • Đau đầu và đau nửa đầu
    • Lưu thông máu kém
    • Huyết áp cao
    • Các bệnh về tiêu hóa
    • Căng thẳng và lo lắng
    • Mất ngủ   
    • Suy nhược cơ thể
    • Hội chứng ống cổ tay
    • Đau thần kinh toạ

    Nếu massage trị liệu thường xuyên, bệnh nhân thường có nhiều thay đổi tích cực đáng chú ý trong cơ thể và tinh thần như:

    • Giảm căng thẳng và thư giãn
    • Giảm hoặc chấm dứt những cơn đau nhức mạn tính
    • Thúc đẩy phục hồi sau phẫu thuật hoặc chấn thương
    • Cải thiện khả năng suy nghĩ và vận động
    • Cải thiện thần kinh và nhận thức giác quan
    • Giảm thiểu đau đầu và đau nửa đầu
    • Sức khỏe tinh thần và cảm xúc tốt hơn
    • Cải thiện hệ thống miễn dịch
    • Giảm táo bón, đầy bụng
    • Hỗ trợ giảm đau do ung thư
    • Cải thiện giấc ngủ 
    • Lưu thông máu tốt hơn và huyết áp ổn định hơn
    • Giảm đau cơ và căng cơ
    • Giảm các triệu chứng do đau cơ xơ hóa.

    Ai không nên massage?

    Đôi khi, massage sẽ không phù hợp nếu bạn có một trong số các tình trạng sau:

  • cục máu đông
  • Bị bỏng
  • Bị bầm tím
  • Phát ban, nhiễm trùng da, chẳng hạn như mụn cóc, loét
  • Loãng xương hoặc nghi ngờ gãy xương
  • Tổn thương thần kinh.
  • Những quan niệm sai lầm về liệu pháp massage trị liệu

    liệu pháp massage trị liệu

    Liệu pháp massage trị liệu có nhiều lợi ích là vậy nhưng nhiều người vẫn có một số quan niệm sai lầm phổ biến về liệu pháp này.

    1. Massage chỉ để thư giãn

    Dĩ nhiên massage là để thư giãn nhưng đó không phải là mục đích duy nhất. Massage trị liệu còn có nhiều công dụng cho sức khỏe như đã liệt kê ở trên.

    2. Massage quá nhạy cảm

    Bạn có quyền quyết định mức độ riêng tư khi massage. Bạn hoàn toàn có thể mặc quần áo hoặc hạn chế các khu vực mà bác sĩ trị liệu tác động vào khi massage.

    Tuy massage trị liệu là một hình thức điều trị hơi nhạy cảm một chút nhưng các nhà trị liệu là những chuyên gia có trình độ và sẽ đảm bảo sự riêng tư và sự thoải mái của bạn. 

    3. Massage quá đắt

    Đúng là liệu pháp massage trị liệu được xem là xa xỉ với hầu hết mọi người. Nhưng đây lại là cách chữa bệnh tiết kiệm và đáng giá bởi hiệu quả tuyệt vời mà nó mang lại.

    Chữa bệnh bằng liệu pháp massage hỗ trợ rất nhiều cho quá trình hồi phục của bạn, thậm chí đôi khi giảm thiểu được việc dùng thuốc và phẫu thuật.

    Nếu bạn không có vấn đề về sức khỏe, massage vẫn được đánh giá là liệu pháp giúp bạn thư giãn, giảm căng thẳng và cảm thấy hạnh phúc hơn.

    4. Massage quá đau

    Dù một số kỹ thuật massage không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng nhưng sẽ giúp bạn có được sự thư giãn mong muốn.

    Đôi khi liệu pháp massage trị liệu có thể gây cảm giác khó chịu ở một số người. Điều này là không tránh khỏi nếu bạn muốn giãn các cơ đang căng. Nhưng nếu một kỹ thuật khiến bạn quá đau đớn, hãy cho bác sĩ chuyên khoa biết để điều chỉnh sự tác động sao cho phù hợp.

    5. Massage chữa hết bệnh

    Mặc dù có thể bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn, giảm đau và giảm căng thẳng đáng kể chỉ sau một đợt massage. Tuy nhiên, những người tìm đến massage trị liệu hầu như đều có bệnh mạn tính, vì vậy cần kiên trì và thực hiện đều đặn trong thời gian dài mới thấy được hiệu quả cải thiện.

    Những lưu ý khi thử liệu pháp massage trị liệu lần đầu

    kết hợp ánh sáng và hương thơm khi massage trị liệu

    Nếu bạn quyết định thử liệu pháp massage trị liệu lần đầu, chắc chắn bạn sẽ thấy bỡ ngỡ và không quen khi có người hỏi han và đụng chạm cơ thể mình. Những lưu ý sau có thể giúp bạn chuẩn bị tâm lý trước:

    Trước khi massage

    Hầu hết các cơ sở đều bắt đầu bằng cách hỏi chi tiết lịch sử sức khỏe, dị ứng và các thông tin sức khỏe khác có liên quan. Họ cũng có thể hỏi về mức độ đụng chạm và kiểu massage bạn thích.

    Ngoài ra, bác sĩ trị liệu massage hoặc nhân viên hỗ trợ có thể hỏi thêm vài câu hỏi về mục đích của bạn như massage trị liệu để chữa bệnh, để thư giãn… nhằm lên kế hoạch hợp lý nhất cho các đợt massage.

    Các chuyên gia massage cũng sẽ hỏi xem bạn có thoải mái với ánh sáng, nhiệt độ, âm nhạc, hương thơm dầu massage… hay không. Nếu bạn không hài lòng với bất kỳ yếu tố nào thì hãy cho người massage biết nhé.

    Các chuyên gia massage trị liệu sẽ rời khỏi phòng khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng và chỉ quay trở lại khi bạn đã che chắn các vị trí nhạy cảm xong.

    Trong khi massage

    Các chuyên gia sẽ để bạn quyết định mức độ nhẹ, mạnh của các thao tác massage. Bạn có thể hoàn toàn im lặng để tận hưởng quá trình điều trị hay tán gẫu với người massage cho mình trong suốt buổi.

    Bạn có thể sẽ thấy hơi đau khi chuyên gia massage dùng các kỹ thuật như massage mô sâu hay điều trị điểm kích thích. Một chút khó chịu này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, bạn có thể yêu cầu người massage nhẹ tay hơn nếu thấy quá đau.

    Sau buổi massage

    Sau khi massage, bạn hãy uống nước đầy đủ và tránh vận động mạnh trong vòng 24 giờ. Bạn chỉ cần đi bộ, tập yoga hoặc giãn cơ nhẹ nhàng để kéo dài các ảnh hưởng tích cực của massage.

    Bạn có thể cảm thấy ê ẩm trong 1–2 ngày sau khi massage vì cơ thể vẫn đang trong quá trình điều chỉnh. Ngoài ra, những cơn đau mạn tính trước đây cũng sẽ dần trở lại khi buổi massage hết hiệu lực. Để duy trì hiệu quả của liệu pháp massage, bạn hãy tiếp tục tham gia thêm các buổi massage khác.

    Một tuần sau buổi massage, bạn hãy lắng nghe cơ thể xem có bất kỳ cải thiện nào không. Nếu có, bạn hãy tiếp tục thực hiện liệu pháp massage với chuyên gia cũ. Nếu chưa cải thiện, bạn có thể chọn một chuyên gia massage khác.

    Cách tiết kiệm tiền khi thử liệu pháp massage trị liệu

    Giá của liệu pháp massage trị liệu có thể là điều khó khăn với nhiều người. Bởi bạn cũng phải có kinh tế tương đối mới thực hiện được lâu dài. Để tiết kiệm chi phí hơn, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau đây:

    • Mua kèm dịch vụ spa: Bạn có thể tiết kiệm tiền massage bằng cách mua kèm buổi massage với các dịch vụ khác tại spa như làm móng hay chăm sóc da mặt. Một số spa sẽ giảm giá nếu bạn mua nhiều dịch vụ hoặc đăng kí theo gói liệu trìn.
    • Đi học massage: Một số lớp dạy massage có khuyến mãi các buổi massage miễn phí đấy. Bạn cũng có thể tham gia học và tự massage cho mình cùng người thân ngay tại nhà.
    • Rủ bạn bè cùng đi: Bạn có thể rủ thêm bạn bè đi massage để có được giá ưu đãi hơn. Một số spa sẽ có dạng khuyến mại theo số lượng người tham gia. Đôi khi, đi càng nhiều thì chi phí chia ra càng thấp.

    Liệu pháp massage dù trị liệu hay thư giãn đều giúp bạn cân bằng cơ thể để xua tan đau đớn và mệt mỏi. Hãy thử nếu bạn thấy muốn và có đủ điều kiện, vì đây cũng là một cách để lắng nghe cơ thể và tự chăm sóc bản thân mình. Sau mỗi buổi thực hiện, bạn sẽ nhận được lợi ích không chỉ về thể chất mà còn giúp tinh thần thoải mái và căng tràn sức sống hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

    Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


    Tác giả: Thanh Tùng · Ngày cập nhật: 20/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo