backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Chế độ ăn uống và sinh hoạt cho người bệnh sởi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    Chế độ ăn uống và sinh hoạt cho người bệnh sởi

    Chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong việc đối phó với bệnh sởi. Nếu bạn đang không biết người bệnh sởi kiêng ăn gì và chế độ sinh hoạt như thế nào là phù hợp, bài viết sau sẽ giúp ích cho bạn.

    Sởi đã trở thành gánh nặng y tế toàn cầu do sự bùng phát trở lại hiện nay. Mặc dù vaccine bệnh sởi có thể giúp phòng ngừa bệnh, nhưng ở các trẻ dưới 9 tháng tuổi, người mắc bệnh ung thư hay AIDS thì không thể tiêm chủng được.

    Chính vì vậy, người bệnh sởi cần đặc biệt chú ý về cách ăn uống hay sinh hoạt hàng ngày để bệnh không trở nặng hơn và ngăn nguy cơ biến chứng.

    Bệnh sởi là gì?

    Bệnh sởi do virus sởi thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Virus này có thể lây lan qua đường hô hấp và tồn tại được tới 2 giờ ở môi trường bên ngoài. Chính vì vậy, bệnh sởi rất dễ lây và thường gặp nhất ở trẻ em.

    Triệu chứng của bệnh sởi:

    • Sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu
    • Ho khan
    • Chảy nước mũi
    • Phát ban
    • Nổi các đốt trắng bên trong miệng, má và họng

    Chế độ ăn uống cho người bệnh sởi

    Bệnh sởi nên ăn gì?

    Bệnh sởi nên ăn gì

    Người bệnh sởi nên ăn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đặt biệt là sắt và kẽm như thịt đỏ, cá, bông cải và các loại đậu. Ăn những thức ăn giàu kẽm và sắt sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và sức đề kháng.

    Các loại rau quả có màu vàng như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài… rau xanh có chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin A, C không chỉ cung cấp nhiều nước mà còn giúp chống lại nhiễm trùng, làm nhanh lành vết thương, tốt cho mắt và ngăn ngừa mù lòa.

    Khi phát hiện mắc bệnh sởi, người bệnh nên uống bổ sung vitamin A, vì chúng rất tốt cho hệ miễn dịch và mắt, hạn chế biến chứng mù lòa xảy ra.

    Người bệnh nên uống vitamin A theo liều như sau:

    • Trẻ dưới 6 tháng: uống 50mg một ngày, chia làm 2 lần
    • Trẻ 6-12 tháng: uống 100mg một ngày, uống 2 ngày liên tiếp
    • Trẻ trên 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): uống 200mg ngày và uống 2 ngày liên tục.

    Bệnh sởi kiêng ăn gì?

    Các loại thực phẩm người bệnh sởi kiêng ăn là:

    • Các loại gia vị cay nóng, các loại rau kích thích như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi…
    • Thực phẩm nhiều chất béo như đồ chiên xào và có nhiều dầu mỡ, chất bảo quản
    • Thực phẩm đóng hộp, đồ nướng, xông khói, nội tạng động vật
    • Đồ uống có chứa caffeine và nước ngọt

    Khi mắc bệnh sởi cần lưu ý điều gì?

    Tránh tiếp xúc với ánh sáng

    Virus sởi gây ra sự rối loạn hệ thống miễn dịch, làm cơ thể yếu hơn và gây co giãn đồng tử khiến mắt đau nhức và đổ ghèn nhiều. Vì thế, tiếp xúc với ánh sáng sẽ khiến cho người bệnh nhạy cảm và khó chịu hơn người bình thường.

    Cách ly đúng cách

    Cần cách ly người bệnh sởi để tránh lây nhiễm bệnh. Bạn chỉ nên tiếp xúc với bệnh nhân khi đã được tiêm phòng sởi. Khi có người thân trong gia đình bị sởi, bạn và mọi người trong nhà cần lập tức đi tiêm phòng ngay.

    Ngoài ra, người chăm sóc bệnh nhân sởi cũng phải rửa tay sạch sẽ, làm vệ sinh cá nhân cẩn thận trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.

    Giữ vệ sinh sạch sẽ

    Người bệnh sởi cần phải được vệ sinh răng miệng, thân thể sạch sẽ và giữ ấm khi trời lạnh. Nên nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) 3–4 lần một ngày.

    Bạn cũng nên lau dọn nhà cửa, phòng ốc và tiệt trùng đồ dùng cá nhân của người bệnh thường xuyên.

    Tránh quan niệm kiêng tắm, kiêng gió

    Tránh quan niệm kiêng tắm, kiêng gió

    Khi bị sởi, người bệnh sẽ sốt rất cao và đổ nhiều mồ hôi, nếu không được tắm rửa sẽ dẫn đến ngứa ngáy, khó chịu, gây nhiễm trùng nặng hơn.

    Ngoài ra, nhiều người vẫn nghĩ tránh gió sẽ giúp ích cho bệnh nhân sởi, nhưng đây là quan niệm sai lầm.

    Nên để bệnh nhân sởi nằm trong căn phòng thoáng mát, thông gió đầy đủ và phải thường xuyên vệ sinh cho người bệnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo