backup og meta

Vì sao trẻ sốt cao không hạ dù đã uống thuốc? Cha mẹ nên làm gì?

Vì sao trẻ sốt cao không hạ dù đã uống thuốc? Cha mẹ nên làm gì?

Khi thấy trẻ bị sốt, cha mẹ thường cho bé uống thuốc hạ sốt để giảm thân nhiệt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp trẻ sốt cao không hạ dù đã uống thuốc hạ sốt đầy đủ.

Ở trẻ em, sốt là một trong những triệu chứng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Phần lớn các trường hợp trẻ sẽ hết sốt sau khi được chăm sóc và dùng thuốc hạ sốt đúng cách. Thế nhưng, vẫn có nhiều trẻ sốt đi sốt lại nhiều lần trong ngày mà không hạ sốt dù đã được uống thuốc trước đó. Điều này là do đâu? Cha mẹ nên làm gì? Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân và cách xử trí khi trẻ sốt cao không hạ.

Sốt cao không hạ ở trẻ em là như thế nào?

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị sốt có thể do nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus, tác dụng phụ của viẹc chủng ngừa, thời tiết nóng bức…

Thông thường, nhiệt độ cơ thể của trẻ khoảng 37°C. Trẻ được xem là bị sốt nếu:

  • Thân nhiệt của bé dưới 3 tháng tuổi từ 38°C trở lên
  • Thân nhiệt trẻ lớn hơn từ 38,5°C trở lên
  • Nếu thân nhiệt từ 39°C trở lên, bé được xem là bị sốt cao.

Sốt cao không hạ ở trẻ em là tình trạng trẻ sốt cao liên tục hoặc trẻ sốt đi sốt lại nhiều lần trong ngày dù cha mẹ đã cho bé uống thuốc hạ sốt cũng như áp dụng các biện pháp chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà. Hiện tượng này khiến nhiều cha mẹ lo lắng không biết cơn sốt cao có ảnh hưởng tiêu cực đến não, hệ thần kinh và sức khỏe tổng thể của bé hay không.

Thực tế, sốt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Chỉ khi trẻ bị sốt trên 42°C mới có thể có nguy cơ cao bị tổn thương não.

Vì sao trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ?

3 nguyên nhân khiến trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ
3 nguyên nhân khiến trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ sốt cao không hạ, phổ biến nhất là do những lý do sau:

1. Sử dụng thuốc hạ sốt không đúng cách

Thuốc hạ sốt giúp giảm nhiệt độ cơ thể, từ đó làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng không có tác dụng ngăn ngừa sốt co giật. Tùy vào dạng thuốc hạ sốt mà thời gian phát huy tác dụng sẽ khác nhau, chẳng hạn:

  • Thuốc hạ sốt dạng viên uống thường có tác dụng sau khi uống với bụng đói khoảng 45 phút.
  • Thuốc hạ sốt dạng siro lỏng thường phát huy tác dụng sau 20 phút.
  • Thuốc hạ sốt tiêm tĩnh mạch cần 5-10 phút mới có tác dụng.

Các loại thuốc hạ sốt thường được các bậc cha mẹ sử dụng cho trẻ bao gồm:

  • Acetaminophen (hay Paracetamol): Liều dùng khuyến cáo cho trẻ từ 1 tháng đến 12 tuổi là 15 mg/kg thể trọng/lần, uống 3-4 lần/ngày hoặc cứ sau 4-6 giờ.
  • Ibuprofen: Liều dùng khuyến cáo cho trẻ từ 3 tháng đến 12 tuổi là 5-10 mg/kg thể trọng/lần, uống không quá 3 lần/24 giờ hoặc uống theo cữ sau 6-8 giờ.
  • Không hạ sốt cho trẻ bằng aspirin để phòng ngừa hội chứng Reye ở trẻ em.

Đa số các trường hợp trẻ bị sốt đáp ứng rất tốt với các thuốc đã đề cập. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bé sốt 39 độ uống thuốc không hạ. Vì sao lại như vậy? Theo các chuyên gia sức khỏe, nếu cha mẹ sử dụng thuốc hạ sốt không đúng cách, tác dụng của thuốc có thể không được phát huy tối đa, dẫn đến trẻ sốt cao không hạ.

2. Nguyên nhân gây sốt chưa được khắc phục

Nếu bạn cũng đang băn khoăn vì sao trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ, hãy lưu ý đến nguyên nhân gây ra cơn sốt ở trẻ em.

Sốt không phải là một căn bệnh mà là triệu chứng của tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng trong cơ thể. Do đó, bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt, trẻ cũng cần được điều trị bệnh lý gốc rễ gây ra cơn sốt, chẳng hạn như sốt siêu vi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm phổi…

Nếu bệnh không được điều trị triệt để, cơn sốt sẽ quay trở lại sau khi thuốc hết tác dụng. Chỉ đến khi bệnh đã dứt hoặc hệ miễn dịch của trẻ “học” được cách chế ngự tác nhân gây bệnh thì cơn sốt mới bị đẩy lui.

3. Cha mẹ chăm sóc trẻ bị sốt sai cách

Trong một số trường hợp, nếu trẻ bị sốt mà không được chăm sóc đúng cách, thì tình trạng trẻ uống thuốc hạ sốt mà vẫn sốt cao không hạ hoặc có hạ nhưng không đáng kể có thể xảy ra. Thậm chí, trẻ có thể sốt cao hơn sau đó.

Trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ phải làm sao?

trẻ sốt cao không hạ phải làm sao

Khi thấy trẻ sốt cao liên tục không hạ, ngoài việc điều trị y tế, cha mẹ có thể áp dụng những biện pháp sau để hạ sốt cho trẻ:

  • Tăng cường bổ sung chất lỏng: Sốt sẽ khiến trẻ mất nước nhiều và nhanh hơn. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ bị sốt uống nhiều nước (với trẻ đã lớn) hoặc sữa (với trẻ nhỏ) để vừa đảm bảo không thiếu nước vừa hỗ trợ làm mát cơ thể khi thân nhiệt tăng cao.
  • Mặc quần áo thoải mái: Khi trẻ sốt cao không hạ, cha mẹ nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi để cơ thể dễ dàng thoát nhiệt qua da. Không nên quấn khăn, đeo vớ, mặc quần áo dày cho trẻ. Nếu trẻ cảm thấy lạnh hoặc run rẩy, hãy đắp một tấm chăn mỏng cho bé.
  • Lau mình: Biện pháp này thường được các bậc cha mẹ áp dụng khi trẻ sốt cao không hạ hoặc thân nhiệt trên 40°C. Nhiều cha mẹ thường tiến hành lau mát cho bé bằng khăn ấm trong 10-15 phút, nhất là tại các vị trí nếp gấp như nách, háng (bẹn). Kinh nghiệm mà các bậc cha mẹ chia sẻ là cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt trước khi lau mình thì mới mang lại hiệu quả tích cực. Lưu ý: Tuyệt đối không dùng nước lạnh hoặc thêm rượu vào nước lau mình của bé vì có thể gây co mạch, tăng thân nhiệt, hạ đường huyết và hôn mê.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám?

trẻ sốt cao không hạ: khi nào cần đi khám?

Không phải lúc nào trẻ bị sốt cũng cần đi khám. Việc này tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và các triệu chứng khác kèm theo. Nhìn chung, nếu trẻ sốt cao không hạ trong 3 ngày liên tục dù đã uống thuốc hạ sốt thì bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán nguyên nhân và hỗ trợ điều trị.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám trong những trường hợp sau:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt từ 38°C trở lên.
  • Trẻ từ 3-6 tháng bị sốt trên 38,9°C hoặc kèm theo các triệu chứng như cáu kỉnh, thờ ơ, khó chịu bất thường…
  • Trẻ 6-24 tháng bị sốt trên 38,9°C không đáp ứng với thuốc hoặc kéo dài hơn 1 ngày.
  • Trẻ 2-17 tuổi bị sốt trên 38,9°C hoặc có các triệu chứng như cáu kỉnh, thờ ơ, khó chịu đáng kể. Ngoài ra, hãy đưa bé đi khám nếu cơn sốt không đáp ứng với thuốc hoặc kéo dài hơn 3 ngày.

Như vậy là ccác nội dung trong bài viết đã giải thích rõ ràng về tình trạng trẻ sốt cao không hạ dù đã uống thuốc hạ sốt. Hi vọng rằng với những hướng dẫn trên, bạn đã có thể xác định được nguyên nhân và cách xử trí khi trẻ bị sốt cao liên tục.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Fever treatment: Quick guide to treating a fever – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/in-depth/fever/art-20050997 Ngày truy cập: 17/06/2024

High temperature (fever) in children – NHS https://www.nhs.uk/conditions/fever-in-children/ Ngày truy cập: 17/06/2024

What to Do About a Fever (High Temperature) (for Parents) | Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/parents/fever-sheet.html Ngày truy cập: 17/06/2024

Fever Without Fear: Information for Parents – HealthyChildren.org https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/fever/Pages/Fever-Without-Fear.aspx Ngày truy cập: 17/06/2024

Overview: Fever in children – InformedHealth.org – NCBI Bookshelf https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279455/ Ngày truy cập: 17/06/2024

Phiên bản hiện tại

29/07/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 29/07/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo