backup og meta

Thực phẩm tốt cho não của bé mà bạn nên biết

Thực phẩm tốt cho não của bé mà bạn nên biết

Trí não của bé thường bắt đầu phát triển ngay từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ và tiếp tục sau khi bé chào đời. Trong quá trình phát triển, bạn có thể hỗ trợ bằng cách kết hợp một số thực phẩm tốt cho não vào chế độ ăn hằng ngày của bé.

Những năm đầu của bé (từ 0 đến 3 tuổi) là giai đoạn nền tảng để phát triển trí não. Bất cứ thứ gì bé nhìn, ngửi, nghe, nếm, chạm vào đều là chất liệu để hình thành trí não của trẻ, từ suy nghĩ, cảm xúc, khả năng vận động đến khả năng học tập. Sự phát triển này sẽ tiếp tục cho đến khi bé lớn lên, nhưng quá trình này thường bắt đầu ngay từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ.

Mang thai

Có rất nhiều điều đang xảy ra bên trong cơ thể khi bé còn nằm trong bụng bạn. Não bộ của bé sẽ phát triển thông qua các giai đoạn khác nhau. Vì vậy, một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của bạn và bé trong thời gian mang thai rất là quan trọng. Trong chế độ ăn của bạn nên có đầy đủ những chất béo lành mạnh vì điều này giúp trí não của bé phát triển nhanh và giúp hình thành các kết nối thần kinh khỏe mạnh. Bạn có thể làm được điều này thông qua những loại thực phẩm tốt cho não sau:

  1. Cá béo: Đây là một nguồn cung cấp DHA phong phú, giúp não bé phát triển bình thường. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc bạn có thể ăn bao nhiêu cá mỗi tuần để đảm bảo an toàn nhé.
  2. Các loại rau có màu xanh đậm: Những loại rau này thường có chứa một lượng lớn axit folic, rất cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ.
  3. Sữa giúp cung cấp iốt, rất cần thiết cho não bộ của bé. Ngoài ra, sữa còn cung cấp nhiều lợi ích khác.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng thêm nước cốt gà. Nước cốt gà có chứa carnosine được tìm thấy trong cơ và mô não của trẻ sơ sinh. Dùng nhiều nước cốt gà trong thời gian mang thai sẽ đem đến cho bạn nhiều lợi ích khác nhau.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

Sau khi chào đời, não của bé bắt đầu phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Mỗi ngày, não bé tạo ra khoảng 100.000 kết nối thần kinh. Trong giai đoạn này, việc cho con bú sữa mẹ rất quan trọng vì sữa mẹ rất cần thiết cho sự tăng trưởng của bé.

Bạn có thể ăn các loại thực phẩm để kích thích việc tiết sữa như yến mạch, tỏi, rau có màu xanh đậm… Uống nhiều nước cũng rất tốt cho những bà mẹ đang cho con bú. Việc sử dụng các thực phẩm bổ dưỡng như nước cốt gà cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc tăng sản xuất sữa ở những phụ nữ đang cho bú.

Một số loại thực phẩm tốt cho não trẻ ở giai đoạn này:

  1. Cá hồi: các loại cá béo như cá hồi là nguồn cung cấp axit béo, omega-3, DHA và EPA, rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Khi bé đã bắt đầu ăn bốc, bạn có thể chế biến thêm nhiều món ăn mới cho trẻ như salad cá hồi, súp cá hồi…
  2. Ngũ cốc nguyên hạt: Não cần cung cấp glucose liên tục và đó là những gì mà ngũ cốc nguyên hạt sẽ làm. Bạn có thể sử dụng nhiều loại ngũ cốc trong thức ăn của bé như cháo ngũ cốc, bánh mì ngũ cốc…
  3. Sữa chua: Protein và carbohydrate là nguồn năng lượng được ưu tiên hàng đầu cho não của trẻ. Sữa chua có thể cung cấp cả 2 điều này. Do đó, đây là loại thực phẩm tuyệt vời để tăng cường sự phát triển trí não.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bé dùng thêm thực phẩm bổ sung như nước cốt gà để hỗ trợ phát triển trí não. Bạn có thể cho thêm nước cốt gà vào trong thức ăn của bé sau khi bé được 1 tuổi. Carnosine có trong nước cốt gà giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể. Tuy nhiên, hãy nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho bé dùng nhé.

những thực phẩm tốt cho não bé

Trẻ từ 5 đến 10 tuổi

Mặc dù sự phát triển trí não của trẻ sẽ chậm lại sau khi bé được 5 tuổi nhưng nó vẫn còn nhanh gấp 10 lần so với người lớn. Trong giai đoạn này, mỗi ngày, não trẻ sẽ tạo ra khoảng 10.000 đến 50.000 kết nối thần kinh.

Bạn có thể hỗ trợ sự phát triển trí não của trẻ bằng cách cho trẻ ăn các loại thực phẩm tốt cho não sau:

  1. Trứng chứa nhiều chất đạm. Bạn có thể chế biến món trứng theo nhiều cách khác nhau như luộc, chiên, ốp la ăn với bánh mì hoặc trộn salad… Bạn cũng có thể thêm trứng vào các bữa ăn bằng cách làm món cơm chiên trứng, cháo trứng, mì trứng, canh trứng…
  2. Các loại hạt: Đa số các bậc cha mẹ đều hạn chế cho trẻ nhỏ ăn các loại hạt vì sợ bị dị ứng. Tuy nhiên, khi trẻ đã lớn, bạn có thể thêm loại thực phẩm này vào trong chế độ ăn của trẻ. Hạt thường có chứa các chất dinh dưỡng giúp não trẻ phát trẻ như protein, axit béo, vitamin…
  3. Trái cây: Khi trẻ đã lớn, bạn nên thường xuyên cho trẻ ăn các loại trái cây như táo và mận. Các loại trái cây này thường chứa nhiều chất oxy hóa, giúp não trẻ phát triển tốt hơn.

Hãy nhớ rằng ở lứa tuổi này, bạn không nên cho trẻ dùng các loại thực phẩm chứa nhiều đường hoặc các loại thực phẩm chứa nhiều hóa chất. Bạn có thể thêm nước cốt gà vào chế độ ăn của trẻ để hạn chế sự thiếu hụt dinh dưỡng.

Trẻ hơn 10 tuổi

Sự phát triển trí não ở trẻ nhỏ vẫn sẽ tiếp tục trong giai đoạn dậy thì và kéo dài cho đến khi 25 tuổi. Đây là khoảng thời gian mà tính cách của trẻ được định hình bởi các yếu tố bên ngoài.

Ở lứa tuổi này, bạn nên cho trẻ ăn tất cả thực phẩm tốt cho não như cá, bơ, ngũ cốc nguyên hạt… Sự mệt mỏi và thiếu tập trung có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não cũng như hiệu quả học tập. Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ dùng thêm nước cốt gà để hạn chế tất cả vấn đề này.

Qua những chia sẻ trên, Hello Bacsi hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin về những thực phẩm tốt cho việc phát triển trí não của trẻ. Ngoài những loại thực phẩm này, bạn có thể cho trẻ dùng thêm những loại thực phẩm bổ sung khác để hỗ trợ thêm nhé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

An age-by-age food guide for your little one’s healthy brain development  https://sg.theasianparent.com/brain-development-for-kids/ Ngày truy cập: 5/4/2018

Your baby’s brain: How parents can support healthy development https://www.caringforkids.cps.ca/handouts/your_babys_brain Ngày truy cập: 5/4/2018

Phiên bản hiện tại

16/08/2021

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 16/08/2021

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo