backup og meta

Gợi ý 8 món finger food cho trẻ 8 tháng chưa mọc răng

Gợi ý 8 món finger food cho trẻ 8 tháng chưa mọc răng

Có không ít mẹ lo lắng khi thấy trẻ 8 tháng chưa mọc răng vì nghĩ rằng bé khó có thể ăn thức ăn dặm. Tuy nhiên, nếu bé vẫn tăng cân đều đặn thì mẹ không phải lo ngại.

Với các bé 8 tháng, ngoài cháo, súp và các loại thực phẩm nghiền thì các bé cũng khá thích thú với các món finger food đấy! Finger foood là tên gọi chung cho những món trực tiếp dùng tay bốc ăn. Điểm thú vị là nếu biết cách chế biến và thêm chút sáng tạo trong khâu trình bày, đảm bảo đến trẻ kén ăn cũng phải thích mê.

Dưới đây là một vài ý tưởng về cách làm một vài món finger food thơm ngon, bổ dưỡng cho trẻ 8 tháng chưa mọc răng. Mời bạn cùng tham khảo qua nhé!

Finger food là gì, liệu có phù hợp cho trẻ 8 tháng chưa mọc răng hay không?

trẻ 8 tháng chưa mọc răng ăn finger food

Finger food là loại hình mới chỉ du nhập vào nước ta gần đây và được khá nhiều người ưa chuộng. Với trẻ nhỏ các món finger food phải thỏa tiêu chí có kích thước phù hợp và thân thiện với hệ tiêu hóa của bé.

Theo đó, những món ăn này được khá nhiều mẹ Tây đưa vào thực đơn ăn dặm cho trẻ với mục đích giúp bé phát triển kỹ năng ăn uống một cách chủ động và tự nhiên. Thông qua phương pháp này, trẻ có thể tự chọn cho mình món ăn yêu thích. Do vậy mà bữa ăn hằng ngày sẽ trở nên thú vị hơn bao giờ hết và mẹ cũng không phải “nhọc công” để dỗ trẻ ăn.

Không những thế, các món ăn bốc này còn giúp bé phát triển thêm về kỹ năng nhai, cách dùng lưỡi và tay một cách linh động. Điều này rất có lợi cho sự tăng trưởng của trẻ về mặt thể chất.

Thời điểm thích hợp để mẹ giới thiệu finger food cho con là khoảng từ 7–9 tháng tuổi. Lúc này, mẹ có thể dễ dàng nhận ra các dấu hiệu con đã sẵn sàng cho việc này như tự cầm lấy thìa, hay bốc thức ăn cho vào miệng.

Những lưu ý khi chuẩn bị finger food cho con

Để đảm bảo an toàn cho bé, bạn có thể tham khảo qua những lời khuyên sau đây:

  • Trường hợp nếu cho con dùng loại thực phẩm mới, đặc biệt là các món như trứng, hải sản hoặc các loại hạt. Bạn nên theo dõi liên tục trong 24 giờ sau lần cho ăn đầu tiên để quan sát xem liệu trẻ có gặp bất kỳ dấu hiệu dị ứng thực phẩm nào hay không nhé!
  • Thức ăn trong thực đơn nên là loại phù hợp với lứa tuổi của bé. Cần cân nhắc thật kỹ khi dùng các món có thể khiến trẻ bị mắc nghẹn như các loại hạt, trái cây như nho… Ngoài ra, bạn cũng cần tránh chọn thực phẩm có kết cấu cứng hay cắt, thái thực phẩm thành miếng quá to sẽ làm tổn thương lợi của bé.

Tuyển tập những món ăn bốc phù hợp với trẻ 8 tháng chưa mọc răng

Lưu ý rằng những món ăn bốc hoàn toàn không thể thay thế bữa chính mà chỉ thích hợp trong thực đơn ăn nhẹ của bé để bổ sung thêm những dưỡng chất thiết yếu. Nếu vẫn chưa có ý tưởng vào bếp nào hay ho, hãy để Hello Bacsi gợi ý cho bạn một vài món sau đây:

1. Mì ống (Spaghetti)

mì ống cho trẻ 8 tháng tuổi

Thay vì đóng khung những món cháo ăn dặm ngán ngẩm, mẹ có thể đổi vị cho con bằng món mì ống thơm ngon, lạ miệng. Thêm vào đó, mì ống khi nấu chín thường rất mềm, trẻ 8 tháng chưa mọc răng vẫn ăn được dễ dàng.

Mì ống có nhiều loại với kích cỡ hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên trong tình huống này, mẹ nên chọn mì sợi to hoặc dẹt để con cầm nắm dễ dàng.

Nguyên liệu

  • Mì ống: 30g
  • Dầu ô liu
  • Cà chua: 1/2 quả
  • Thịt bò băm nhuyễn: 30g

Thực hiện

Đun sôi nước, sau đó cho mì vào luộc tới khi chín và mềm hẳn, vớt ra để cho ráo nước.

Cà chua khứa làm 4, trụng nước sôi để dễ dàng lột vỏ, bỏ hột. Dùng khoảng 1/2 quả, thái nhuyễn.

Bắc chảo lên bếp cho nóng rồi cho một ít dầu oliu vào, lắc chảo cho dầu trải khắp mặt chảo, cho cà chua vào, đảo đều một lúc rồi mới cho thịt bò vào xào đến khi thịt chín tới, nêm chút muối cho vừa ăn.

Cho mì vào chảo đảo đều là xong. Lưu ý: Mẹ nên để món ăn nguội hẳn rồi mới cho trẻ dùng nhé!

2. Bánh quy

làm bánh quy cho trẻ ăn dặm

Bánh quy là một lựa chọn vô cùng thích hợp với trẻ 8 tháng chưa mọc răng. Món ăn này vừa giúp cân bằng dưỡng chất, vừa kích thích bé tập nhai. Điều này vô cùng có lợi cho sự phát triển của con yêu.

Thay vì bỏ tiền mua bánh cho trẻ, mẹ hãy tự tay vào bếp để làm ra các mẫu bánh quy thơm ngon với hình dáng mà con yêu thích mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguyên liệu

  • Bột mì (loại để làm bánh mì): 1 bát
  • Ngũ cốc khô dành cho trẻ nhỏ: 1 bát
  • Dầu ăn: 3 thìa cà phê
  • Nước đun sôi để nguội

Thực hiện

Cho toàn bộ bột mì và ngũ cốc vào thố, thêm chút dầu ăn rồi trộn đều. Sau đó, từ từ cho nước nguội vào, tiếp tục trộn sao cho bột kết dính với nhau thành khối mềm, dẻo.

Kết thúc công đoạn này, lấy bột ra, cán thành miếng dày khoảng 1,5cm rồi dùng khuôn cắt bánh để tạo hình theo ý thích. Xếp bánh lên khay đã lót sẵn giấy nến, cho vào lò và nướng ở nhiệt độ 175°C. Bạn nên bật lò nướng trước khoảng 5 phút để nhiệt độ được ổn định.

Trên đây là cách thực hiện bánh quy nguyên bản, bạn có thể kết hợp nhiều thành phần khác nhau vào công thức, miễn là chúng không gây dị ứng với trẻ. Bánh dùng không hết mẹ nên bỏ vào lọ kín và để ở nơi thoáng mát là được.

3. Bánh quiche cho bé

bánh quiche cho bé ăn dặm

Khái niệm về loại bánh này hẳn còn khá mới lạ với không ít mẹ Việt. Có thể hiểu ngắn gọn đây là món ăn có sự kết hợp thêm một số loại rau củ. Điểm thú vị là bánh quiche có thể được bảo quản trong hộp kín khá lâu (3 ngày trong tủ lạnh) nếu mẹ làm theo đúng công thức.

Cách thực hiện món finger food này cũng vô cùng đơn giản, bạn cần:

Nguyên liệu 

  • Bột mì: 2–3 bát
  • Dầu ô liu: ¼ bát
  • Rau củ thái hạt lựu (cà rốt, bông cải xanh, đậu Hà Lan, cải bó xôi…): 3–5 bát
  • Chuối nghiền: 4 quả
  • Phô mai nghiền: 1 bát
  • Sữa chua: 1 cốc
  • Bột nở (Baking soda): 1 thìa súp
  • Trứng gà
  • Muối (Tùy chọn)

Thực hiện

Các loại rau củ cần đảm bảo hấp chín rồi mới thái hạt lựu. Việc chọn cách hấp sẽ giúp bảo toàn nguyên vẹn các vitamin và khoáng chất.

Phần bột bánh mẹ chuẩn bị bằng cách trộn đều toàn bộ các nguyên liệu như bột mì, sữa chua, bột nở, trứng, phô mai, dầu ô liu lại với nhau. Để bánh đậm vị, bạn có thể cho vào một chút xíu muối.

Thêm toàn bộ rau củ vào bột đã chuẩn bị rồi trộn đều, sau đó đổ bột vào khay nướng cupcake có phết sẵn một lớp dầu để bánh không dính chặt vào khay. Cho bánh vào lò, nướng trong khoảng 20 phút đến khi quan sát thấy bánh có màu vàng nâu là được. Đợi cho bánh nguội thì mẹ cắt hoặc bẻ thành từng mẩu nhỏ hơn cho trẻ dùng.

4. Khoai lang nướng

trẻ 8 tháng chưa mọc răng ăn khoai lang nướng

Khoai lang được xem là nguồn dinh dưỡng phong phú rất thích hợp cho trẻ. Theo đó, việc thường xuyên ăn loại thực phẩm này không những tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón mà còn giúp trẻ sáng mắt, phát triển trí não tốt hơn.

Với món ăn này, mẹ không mất quá nhiều thời gian để thực hiện. Chỉ với vỏn vẹn 3 nguyên liệu cơ bản, đây hứa hẹn sẽ là công thức nấu ăn “chữa cháy” cho những ngày bận rộn đấy.

Nguyên liệu

  • Củ khoai lang cỡ vừa: 1 củ
  • Dầu ô liu: 1/4 bát
  • Bột quế (tùy chọn): 1 nhúm

Thực hiện

Bạn cần làm nóng lò nướng trước 5–7 phút ở nhiệt độ khoảng 200°C. Trong khi chờ lò đạt nhiệt độ ổn định, mẹ rửa sạch và gọt vỏ khoai và sau đó cắt thành từng lát mỏng vừa ăn.

Để thêm hương vị, bạn có thể rắc lên bề mặt khoai một ít bột quế. Cho khoai vào lò và nướng trong thời gian từ 30–45 phút đến khi khoai mềm. Phải đảm bảo khoai lang đã nguội hẳn trước khi cho trẻ dùng.

5. Bánh kếp chuối

bánh kếp chuối finger food cho trẻ 8 tháng tuổi

Chuối là một trong những loại hoa quả khá phổ biến và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Với hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu, chuối chiếm trọn “cảm tình” của các bé nhỏ, đặc biệt nhờ vào đặc tính mềm, dễ tiêu hóa nên mẹ có thể dùng cho trẻ 8 tháng chưa mọc răng.

Việc bổ sung chuối vào thực đơn sẽ giúp bé yêu phòng tránh được chứng táo bón, tiêu chảy hay các vấn đề về tiêu hóa khác. Tuy nhiên, mẹ cũng cần thận trọng vì một số bé vẫn có thể gặp tình trạng dị ứng chuối.

Nguyên liệu

  • Bột mì: 1 bát
  • Sữa tươi không đường: 1/2 cốc
  • Chuối chín: 1 quả
  • Đường hoặc siro tạo độ ngọt cho trẻ (bé dưới 1 tuổi không nên dùng mật ong vì dễ gây ngộ độc)
  • Nước tinh khiết

Thực hiện

Chuối lột vỏ sau đó cho vào một chiếc bát sạch, dùng rây nghiền mịn. Bột mì và sữa đem trộn đều với nhau, thêm chuối nghiền vào, nếu thấy hỗn hợp quá đặc bạn có thể cho thêm chút nước.

Chuẩn bị một chiếc chảo vừa, bật bếp, đặt chảo lên cho nóng rồi tráng chảo với một chút dầu thực vật. Đợi đến khi chảo nóng già, bạn múc lấy khoảng một thìa súp hỗn hợp bột chuối ở trên cho vào chảo. Khi thấy bánh chuyển sang màu vàng thì lấy bánh ra. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi hết bột. Bánh nguội, bạn cắt thành từng miếng nhỏ để trẻ dễ cầm nắm.

Để tạo vị ngọt cho bánh, bạn hãy thêm đường vào bước khuấy trộn hỗn hợp bột hoặc cho bé ăn kèm với siro nhé!

6. Rau củ nấu chín món finger food không thể thiếu trong thực đơn ăn dặm

trẻ 8 tháng tuổi ăn finger food rau củ

Cho con ăn rau quả là bài toán nan giải với nhiều mẹ. Tuy nhiên nếu bé nhà mình không chê các loại thực phẩm này thì đây quả là một tin vui cho bạn. Khi đó, mẹ có thể chuẩn bị các loại rau củ nấu chín như một món finger food cho bé.

Nhìn chung các loại rau đều mang lại nhiều vitamin và khoáng chất, cùng lượng chất xơ dồi dào giúp bé khỏe mạnh và ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa. Theo các chuyên gia, việc tiêu thụ rau quả thường xuyên sẽ hạn chế nguy cơ béo phì, cũng như các vấn đề nguy hiểm khác như đái tháo đường tuýp 2, cao huyết áp…

Nguyên liệu

  • Khoai lang, cà rốt: mỗi loại một củ đã rửa sạch, gọt vỏ và thái thành từng miếng nhỏ
  • Bông cải xanh: 4–5 nhánh

Thực hiện

Để làm chín rau củ, mẹ có thể hấp hoặc nướng trong lò đến khi mềm, để nguội rồi cho bé dùng.

Thời điểm tốt nhất để mẹ cho trẻ ăn món này là vào giấc chiều, sau khi bé thức dậy hoặc giữa hai bữa ăn chính. Nếu ăn gần bữa chính thì nên dùng trước đó khoảng 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ mẹ nhé!

7. Salad hoa quả

trẻ 8 tháng chưa mọc răng ăn salad hoa quả

Nghe có vẻ lạ nhưng đây là món ăn bốc khá lý tưởng cho bé 8 tháng chưa mọc răng đấy! Bởi lẽ, bên cạnh rau củ, bạn cũng nên cân đối dưỡng chất cho con thông qua việc cho trẻ dùng đa dạng các loại trái cây khác nhau.

Mẹ có thể cân nhắc bỏ qua một số loại nếu chúng có nguy cơ khiến trẻ bị mắc nghẹn hoặc dị ứng (nho, nhãn, vải…). Để rõ hơn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa về vấn đề này.

Nguyên liệu

  • Các loại trái cây như táo, dưa hấu, chuối, thanh long, đu đủ…

Thực hiện

Bạn cần đảm đảo đã rửa sạch, gọt vỏ và cắt hoa quả thành miếng vừa ăn. Mẹ nên chọn trái cây tươi, theo mùa, tránh cho bé dùng loại đông lạnh.

Với món finger food này, mẹ nên để trẻ tập làm quen với hương vị tự nhiên của thực phẩm, không nên cho thêm đường, sữa vì có thể gây tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Điều quan trọng mẹ cần xác định rõ loại hoa quả nào phù hợp, không gây dị ứng cho trẻ. Nếu cần thiết, nên để con ăn từng loại để theo dõi biểu hiện của con trước khi phối hợp chung trong món salad.

8. Bí ngòi đút lò

Bí ngòi đút lò

Bí ngòi được ví như “kho dinh dưỡng” tự nhiên rất tốt cho sức khỏe tổng thể. Bạn có thể cho con những lợi ích từ loại thực phẩm này thông qua món bí ngòi đút lò.

Nguyên liệu

  • Bí ngòi: 1 quả cỡ vừa đã cắt thành từng lát mỏng
  • Dầu ô liu: 1 thìa súp

Thực hiện

Làm nóng lò nướng trước ở nhiệt độ 100–110°C. Xếp bí ngòi lên khay nướng và rưới qua một lớp dầu ô liu cho thấm. Cho bí ngòi vào lò, nướng khoảng tầm 30 phút sau đó lấy khay ra trở mặt bí rồi nướng tiếp 30 phút nữa. Mẹ nên để thức ăn nguội trước khi cho bé dùng mẹ nhé!

Trên đây là các món finger food dành riêng cho trẻ 8 tháng chưa mọc răng. Hy vọng mẹ đã có thêm cho mình kiến thức trên hành trình nuôi dạy con của mình.

Minh Phú/HELLO BACSI

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Finger Foods for Babies

https://kidshealth.org/en/parents/finger-foods.html

Ngày truy cập 05/06/2020

Baby Self-Feeding: Tips, Tricks and Finger Foods to Try

https://www.whattoexpect.com/first-year/feeding-baby/baby-self-feeding/

Ngày truy cập 05/06/2020

Introducing Finger Foods to Your Baby – When Baby is Ready for Finger Food?

https://wholesomebabyfood.momtastic.com/introducing-baby-finger-foods.htm

Ngày truy cập 05/06/2020

 

Phiên bản hiện tại

14/07/2020

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 14/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo