backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Sữa mát tốt cho hệ tiêu hóa của bé cần có thành phần nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 08/12/2023

    Sữa mát tốt cho hệ tiêu hóa của bé cần có thành phần nào?

    Theo quan niệm dân gian, nguyên nhân khiến một em bé không kháu khỉnh, không bụ bẫm, hay bị táo bón, kém hấp thu là do bé uống “sữa nóng”. Vì thế, khi con gặp những vấn đề về hệ tiêu hóa, mẹ luôn mong muốn tìm một loại “sữa mát” để giúp con thoát khỏi tình trạng táo bón, tăng cường hấp thu. Vậy “sữa mát” là gì và có thành phần như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trên thế giới, trong 500 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, 30% trường hợp có nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp do rối loạn tiêu hóa. Còn theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, tỷ lệ trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa chiếm tới 47% trong tổng số trẻ đến đây tư vấn và khám bệnh. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ này lên tới 59% ở trẻ dưới 12 tháng tuổi và 40% ở trẻ từ 1 – 2 tuổi. Điều này cho thấy hệ tiêu hóa của bé trong những năm đầu đời chưa phát triển hoàn thiện nên dễ gặp các bệnh về đường tiêu hóa.

    Đặc điểm của hệ tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

    Đặc điểm của hệ tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

    Hệ tiêu hóa bao gồm ống tiêu hóa đi từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già đến hậu môn và 2 cơ quan tham gia trực tiếp vào tiến trình tiêu hóa – hấp thu thức ăn là gan và tuyến tụy. Cấu trúc và chức năng của hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và có những đặc điểm như sau:

  • Trẻ 3 tháng tuổi mới bắt đầu quá trình tiêu hóa carbohydrate (tinh bột và đường) trong miệng nhờ một loại enzyme có trong nước bọt gọi là amylase.
  • Mọc răng cửa có thể giúp trẻ cắn thức ăn nhưng không thể nghiền nhỏ thức ăn cho đến khi trẻ mọc những chiếc răng hàm đầu tiên vào khoảng 12 – 18 tháng tuổi.
  • Cơ thắt thực quản dưới còn yếu khiến trẻ dễ nôn trớ, trào ngược dạ dày trong những tháng đầu đời. Tình trạng này có thể ngừng khi trẻ được khoảng 12 – 14 tháng tuổi.
  • Dạ dày của bé có dung tích rất nhỏ và tăng dần theo thời gian. Đó là lý do mà bạn phải chia nhỏ cữ bú trong những ngày đầu sau sinh.
  • Một số đặc điểm giải phẫu trong đường tiêu hóa đang phát triển có thể khiến trẻ dễ bị lồng ruột, đặc biệt là ở trẻ 6 đến 18 tháng tuổi.
  • Khả năng sản xuất dịch mật ở trẻ sơ sinh là khá thấp nhưng sữa mẹ có chứa enzym lipase để hỗ trợ trẻ tiêu hóa chất béo.
  • Hệ vi sinh vật trong đường ruột của trẻ sơ sinh ít đa dạng hơn so với người lớn.
  • Nhìn chung, hệ tiêu hóa của bé dần bắt đầu trưởng thành vào khoảng 6 đến 9 tháng tuổi. Đây cũng là thời điểm mà bạn có thể bắt đầu giới thiệu nhiều loại thức ăn đặc khác nhau giúp trẻ làm quen với đa dạng thực phẩm hơn ngoài sữa.

    “Sữa nóng” và “sữa mát” là gì?

    Thực ra, trong y khoa không có định nghĩa “sữa mát” hay “sữa nóng”, nhưng theo quan niệm dân gian, bạn có thể hiểu đơn giản như sau:

    • “Sữa mát” là nguồn sữa giúp bé thích bú, bú no để tăng cân, chóng lớn, bé bụ bẫm và đáng yêu. Quan trọng hơn, “sữa mát” còn giúp bé có sức khỏe tốt và một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
    • “Sữa nóng” là nguồn sữa khiến bé tăng cân chậm hoặc không tăng cân. Ngoài ra, bé còn lười bú và dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như chướng bụng, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy…

    Một dòng sữa mát thường chứa các thành phần dinh dưỡng thích hợp, giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu nhằm phát triển toàn diện. Để hiểu rõ thì mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết hơn ở phần tiếp theo.

    Các thành phần dinh dưỡng có trong “sữa mát” tốt cho hệ tiêu hóa của bé

    Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, tiếp tục cho con bú đến khi bé được 2 tuổi hoặc lâu hơn là điều được nhiều tổ chức y khoa lớn trên thế giới khuyến cáo. Tuy nhiên, nếu gặp khó khăn trong việc cho con bú, bạn vẫn có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ về việc cho bé dặm thêm sữa ngoài để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Trong đó, sữa mẹ hoặc công thức sữa được xem là sữa mát có chứa những thành phần như:

    1. Chất đạm

    Đạm trong sữa mẹ có sự khác biệt về số lượng lẫn chất lượng so với các loại sữa khác. Nồng độ protein trong sữa mẹ là 0,9 g trên 100 ml, bao gồm hai loại protein chính là whey và casein. Các protein này từ sữa mẹ có khả năng giúp bé chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus. 

    Ngoài ra, cấu trúc của đạm sữa mẹ cũng có sự khác biệt so với các loại sữa khác. Theo nghiên cứu, đạm sữa mẹ là loại đạm tốt nhất và phù hợp nhất với chiếc bụng “non nớt” của bé. Bởi đạm trong sữa mẹ là đạm tự nhiên, mềm nhỏ nên rất dễ tiêu hóa và hấp thu. 

    Trong trường hợp mẹ không đủ điều kiện cho bé bú mà phải dùng sữa ngoài thì cần lưu ý kỹ chất lượng đạm trong công thức sữa. Bởi đạm sữa vô cùng nhạy cảm với nhiệt độ nên dưới tác động của nhiệt, đạm rất dễ bị biến đổi cấu trúc trở thành đạm vón cục, khó tiêu. Loại đạm biến tính này thường khó tiêu, khiến thời gian sữa tiêu hóa trong dạ dày lâu hơn, từ đó dễ gây nên các vấn đề về tiêu hóa cho bé. Do đó, mẹ nên ưu tiên chọn những công thức “sữa mát” giúp con dễ tiêu hóa và hấp thu nhờ sở hữu quy trình Xử Lý Nhiệt Chỉ 1 Lần giúp bảo toàn đạm mềm nhỏ tự nhiên trong sữa, tránh tình trạng đạm sữa bị biến tính.

    2. Chất xơ GOS

    Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ thường có hệ vi sinh vật đường ruột chủ yếu gồm Bifidobacteria và Lactobacilli, những lợi khuẩn giúp đường ruột của trẻ khỏe mạnh. Vì vậy, trong trường hợp trẻ không được bú mẹ hoàn toàn, mẹ cần lưu ý chăm sóc đường ruột cho trẻ bằng việc bổ sung thêm chất xơ GOS từ công thức “sữa mát” mà trẻ dùng. GOS là một loại prebiotics đóng vai trò là thức ăn cho các lợi khuẩn trong đường ruột. Các nghiên cứu đã chứng minh bổ sung GOS sẽ giúp số lượng Bifidobacteria và Lactobacilli trong đường ruột của trẻ được tăng lên đáng kể.

    3. Nucleotides

    Nucleotides là thành phần dinh dưỡng được chứng minh là có lợi đối với sự phát triển và duy trì chức năng của hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa. Một nghiên cứu cũng cho thấy bổ sung nucleotides giúp trẻ tăng cân và tăng trưởng vòng đầu. Do đó, nucleotides là dưỡng chất rất cần thiết cho sự phát triển tối ưu của trẻ sơ sinh và là thành phần cần có trong “sữa mát”.

    4. Vitamin và khoáng chất

    “Sữa mát” có hàm lượng vitamin và khoáng chất cao, đa dạng và phù hợp nhu cầu của trẻ theo từng độ tuổi. Trong đó, vitamin A giúp nuôi dưỡng niêm mạc đường tiêu hóa, vitamin nhóm B hỗ trợ chuyển hóa chất dinh dưỡng tạo ra năng lượng. Còn vitamin C cần thiết cho quá trình sản xuất collagen, có ở các mô đường tiêu hóa và hỗ trợ hấp thu sắt.

    “Sữa mát” còn chứa vitamin D và canxi. Vitamin D giúp hấp thu canxi, nhờ đó, răng bé chắc khỏe. Bên cạnh đó, “sữa mát” còn cung cấp magie giúp ngăn ngừa táo bón và mangan tham gia vào sự phân hủy protein, chất béo. Kali giúp loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Selen cần thiết cho tuyến tụy. Kẽm giúp cải thiện tiêu hóa.

    Cách phòng ngừa những vấn đề rắc rối ở đường tiêu hóa của bé

    Theo khuyến cáo, bạn nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì chứa đầy đủ protein, chất béo, carbohydrate, protein, vitamin, khoáng chất… cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, đạm trong sữa mẹ là đạm mềm tự nhiên phù hợp với khả năng tiêu hóa của trẻ sơ sinh. Canxi và sắt trong sữa mẹ cũng dễ hấp thu hơn so với các loại sữa khác. 

    Nếu trẻ không được bú sữa mẹ vì một lý do nào đó như sữa mẹ tiết ra rất ít hoặc mẹ bị bệnh, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia để chọn được công thức sữa giúp con êm bụng, tiêu hóa khỏe, hấp thu nhanh nhằm bảo vệ “chiếc bụng non nớt” của trẻ một cách tốt nhất.

    Khi chọn công thức sữa cho con, yếu tố bạn cần quan tâm hàng đầu là chất lượng đạm sữa. Hãy ưu tiên chọn công thức sữa có quy trình Xử Lý Nhiệt Nhẹ Chỉ 1 Lần để bảo toàn hơn 90% đạm sữa mềm, nhỏ, tự nhiên trong sữa, từ đó giúp con dễ dàng tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất.

    Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý chọn cho con những công thức “sữa mát” giúp bé êm bụng, êm giấc với nguồn sữa mát chất lượng từ giống bò thuần chủng Hà Lan. Cùng với đó là hương vị thanh nhạt, không chứa đường sucrose (đường mía) để giúp bé uống ngon hơn, tránh sâu răng, béo phì từ những năm đầu đời. 

    Ngoài sữa, khi bé đến tuổi ăn dặm, bạn cần cung cấp cho con một chế độ ăn uống hợp lý nữa nhé. Hy vọng qua bài viết này, Hello Bacsi đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết trong hành trình nuôi dạy con những năm tháng đầu đời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 08/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo