Nhiều mẹ chăm con bệnh thường loay hoay chẳng biết trẻ bị sốt nên ăn gì cho mau khỏi. Đừng lo vì đã có Hello Bacsi “quân sư” cho bạn cách lựa chọn thực đơn tốt nhất cho bé cưng.
Sốt thực chất không phải bệnh mà chỉ là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ tác nhân gây bệnh (chẳng hạn virus, vi khuẩn). Tuy vậy, triệu chứng này nếu kéo dài sẽ khiến trẻ thấy mệt mỏi, suy kiệt. Để trẻ nhanh bình phục thì việc có một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho con là vô cùng cần thiết. Vậy mẹ nên cho trẻ ăn gì khi bị sốt? Mời bạn tham khảo bài viết sau cảu Hello Bacsi để rõ câu trả lời.
Trẻ bị sốt nên ăn gì? Gợi ý những thực phẩm phù hợp theo nhóm tuổi
Trước khi tìm hiểu trẻ bị sốt nên ăn gì, mẹ cần lưu ý thực phẩm được dùng cho bé phải thỏa 4 tiêu chí: giàu dinh dưỡng – nhiều nước – khẩu phần vừa phải và đặc biệt là phải dễ ăn. Cụ thể như sau:
1. Dinh dưỡng cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi
Trẻ trong giai đoạn này khi bị sốt thì nguồn thức ăn tốt nhất vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Bởi chúng cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể trẻ cần để phục hồi. Chưa kể, sữa mẹ còn bao gồm nhiều loại kháng thể đặc hiệu giúp bé chống tại tình trạng sốt do nhiễm trùng. Hành động cho con bú còn mang lại cảm giác ấm áp, dễ chịu cho trẻ.
Ngoài sữa, trẻ từ 7 tháng tuổi trở lên còn có thể dùng thêm súp rau củ hoặc trái cây nghiền nhằm bổ sung thêm những vitamin và khoáng chất khác mà đôi khi trẻ không nhận được từ những loại sữa trên.
2. Trẻ mới biết đi (1 – 3) tuổi và trẻ lớn bị sốt nên ăn gì?
Phụ huynh cần thêm ngay những thực phẩm sau vào chế độ ăn cho trẻ bị sốt để con mau khỏe lại:
- Súp gà: Món ăn này khá dễ tiêu và đặc biệt là thành phần cysteine trong thịt gà có tác dụng chống virus rất tốt
- Cháo: là món ăn ít calo nhưng giàu dinh dưỡng, nhất là khi kết hợp với các gia vị như hạt tiêu, tỏi, thì là sẽ có ích trong trường hợp sốt do cảm cúm. Vậy trẻ bị sốt nên ăn cháo gì? Trả lời bạn đó là: cháo trứng gà tía tô, cháo đậu xanh, cháo thịt bò cà rốt…
- Bột yến mạch nguyên hạt: bởi đây là thực phẩm nhiều vitamin E cùng nhiều hợp chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé
- Quả mọng và nhóm trái cây họ cam chanh: chẳng hạn cam, bưởi, việt quất, mâm xôi đều là những loại hoa quả giàu vitamin C và flavonoid thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây sốt
- Nước gừng: do gừng giúp hạ sốt, chống viêm và giúp bé tỉnh táo hơn. Mẹ pha nước gừng bằng cách đun sôi vài lát gừng tươi khoảng vài phút, lọc lấy nước, để nguội rồi cho bé dùng ngay
- Nước dừa: là nguồn cung cấp chất điện giải (đặc biệt là kali) sẽ bù nước cho cơ thể trẻ bị sốt, giúp bé nhanh lành bệnh
- Chuối: vì bản thân loại quả này khá mềm và dễ tiêu hóa cùng lượng chất xơ dồi dào nên rất tốt trong trường hợp trẻ bị sốt do tiêu chảy.
Trẻ bị sốt nên ăn gì? Những lưu ý quan trọng mẹ cần biết
Trong quá trình chăm con, bạn cần ghi nhớ những điểm sau:
- Trẻ bị sốt thường rất biếng ăn: vì vậy mà bản thân mẹ phải hết sức kiên nhẫn. Lời khuyên là chỉ nên nấu những món bé thích và tránh ép trẻ ăn trong mọi tình huống
- Trẻ bị sốt thường hay đau nhức cơ thể: cơn đau có khi khiến con không thể nhấc mình khỏi giường. Do đó, nếu cho trẻ ăn, hãy kê gối để bé tựa vào giường ở tư thế thoải mái. Tránh trường hợp vừa ăn vừa nằm không tốt cho tiêu hóa
- Trẻ bị sốt kèm nôn mửa: Sau 10 – 15 phút khi trẻ đã nôn hết, bạn hãy cho bé uống nước hoặc ăn nhẹ một món dễ tiêu
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày: ban đầu mẹ có thể cho bé ăn 2 giờ một lần rồi sau đó giãn ra thành 4 giờ một lần khi con đã khỏe hơn.
Quan trọng hơn cả, khi chăm sóc trẻ bị sốt, mẹ tuyệt đối không cho con dùng thực phẩm mới. Đồng thời tránh cho con sử dụng các món cay, nóng, nhiều đường hoặc dầu mỡ vì những thức ăn như vậy chẳng những gây áp lực với hệ tiêu hóa mà còn khiến tình trạng sốt của trẻ thêm nặng hơn.
Vừa rồi là những chia sẻ về trẻ bị sốt nên ăn gì cùng những lưu ý đi kèm. Hy vọng các bà mẹ đã có thêm cho mình những kiến thức bổ ích trong việc chăm sóc con nhỏ.
[embed-health-tool-vaccination-tool]