backup og meta

Có nên nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không?

Có nên nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không?

Nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh được nhiều cha mẹ xem là “thần dược” giúp ngăn ngừa một số bệnh liên quan đến mắt, mũi, họng. Thế nhưng, không phải cứ dùng nhiều là tốt. Phụ huynh nên tuân thủ liều dùng để vừa đạt hiệu quả điều trị, vừa giảm nguy cơ biến chứng cho bé.

Việc sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh có thể giúp bảo vệ bé tránh khỏi một số căn bệnh về mắt, mũi, miệng thông thường. Dù an toàn, khi sử dụng loại dung dịch này, bạn vẫn nên lưu ý một số vấn đề. Nhằm giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về cách nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh, bạn hãy tham khảo những chia sẻ sau của Hello Bacsi nhé.

Nước muối sinh lý là gì?

Nước muối sinh lý là dung dịch được pha chế từ nước và muối theo một tỷ lệ thích hợp. Việc nhỏ một vài giọt nước muối sinh lý vào mũi của trẻ em có thể giúp làm giảm nghẹt mũi, hỗ trợ làm sạch mũi hiệu quả.

Với những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị cảm lạnh dẫn đến nghẹt mũi, sổ mũi, nước muối sinh lý giúp thông mũi và hỗ trợ bé thở bình thường.

Tác dụng của nước muối sinh lý đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Nước muối sinh lý khá an toàn cho bé và thường được sử dụng để làm thuốc nhỏ rửa mắt, mũi và tai.

  • Chăm sóc mũi: Nhỏ một vài giọt vào mũi để vệ sinh mũi cho bé. Nếu bé bị cảm, nghẹt mũi, phương pháp này còn có tác dụng loại bỏ chất nhầy, giúp thông đường thở cho bé để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Chăm sóc mắt: Trong những ngày đầu sau sinh, trẻ sơ sinh rất dễ bị chảy nước mắt và đổ ghèn. Nếu không vệ sinh cẩn thận, bé sẽ dễ bị viêm kết mạc. Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt có thể làm trôi đi mầm bệnh, đẩy ghèn ra ngoài, đồng thời làm ẩm và làm dịu bề mặt nhãn cầu của bé.
  • Chăm sóc tai: Bạn có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ vài giọt vào vành tai của bé rồi dùng tăm bông lau nhẹ nhàng các ngóc ngách trong tai.

Cách vệ sinh mắt, mũi cho bé bằng nước muối sinh lý

nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh

1. Cách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý

Để vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi vệ sinh mũi cho bé.
  • Bước 2: Chuẩn bị ống nhỏ nước muối sinh lý và khăn sạch. Bạn nên chọn loại ống có đầu tròn nhỏ để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
  • Bước 3: Cho trẻ nằm nghiêng, đầu thấp, mông cao để khi nhỏ, nước muối không chảy xuống họng. Nếu không, bạn cũng có thể bế bé theo cách ôm bóng và nhỏ mũi cho bé.
  • Bước 4: Nhỏ từng giọt nước muối vào lỗ mũi, để bé nằm yên khoảng 1 – 2 phút rồi bế bé ngồi dậy, nâng đầu và lấy khăn thấm dịch chảy ra.

Lưu ý

Trường hợp mũi đặc có gỉ, bạn nên dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi 2 – 3 giọt vào mỗi bên mũi của bé để làm mềm gỉ mũi, rồi dùng tăm bông kích thích bé hắt hơi nhằm tống hết chất bẩn ra ngoài.

2. Cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh

Để vệ sinh mắt cho bé sơ sinh bằng nước muối sinh lý, bạn có thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Rửa tay sạch trước khi vệ sinh mắt cho trẻ
  • Bước 2: Chuẩn bị nước muối sinh lý, 2 miếng gạc vô trùng để vệ sinh riêng từng mắt.
  • Bước 3: Thấm ướt gạc vô trùng bằng nước muối sinh lý rồi lau nhẹ nhàng từ khóe đến đuôi mắt.

Đọc thêm

Mỗi ngày, bạn có thể vệ sinh mắt 3 lần cho bé vào buổi sáng khi ngủ dậy, sau khi tắm và buổi tối trước khi đi ngủ.

Lợi ích của nước muối sinh lý đối với trẻ sơ sinh

Sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh để vệ sinh tai, mũi, mắt và điều trị nghẹt mũi là phương pháp khá hiệu quả và an toàn bởi:

  • Nước muối sinh lý không chứa bất kỳ hóa chất nào có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
  • Việc dùng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh khá đơn giản và không đòi hỏi nhiều kỹ năng.
  • Bạn có thể dễ dàng mua nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh ở các hiệu thuốc mà không cần toa thuốc của bác sĩ hoặc bạn cũng có thể pha tại nhà, cách thức pha chế rất đơn giản.

Tác dụng phụ khi lạm dụng nước muối sinh lý

nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh

Dù có nhiều ưu điểm và đơn giản nhưng nếu mẹ dùng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh không đúng, đôi khi lợi có thể biến thành hại.

Vậy, có nên nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày? Thực tế, nếu mẹ rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho bé quá thường xuyên sẽ khiến:

  • Các chức năng của lớp niêm mạc mũi xoang bị suy yếu, làm mất phản xạ bài tiết chất nhầy ngay từ những ngày mới chào đời. Chất nhầy do lớp niêm mạc mũi xoang bài tiết ra có thể làm ấm, làm ẩm luồng không khí hít vào và làm sạch bề mặt. Lớp nhầy này cũng có vai trò miễn dịch, giúp tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa bệnh.
  • Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng dễ tấn công nếu sau một thời gian rửa mũi họng chủ động liên tục mà ngưng dùng đột ngột do lớp niêm mạc giảm độ ẩm, khô rát, dễ kích ứng.
  • Khô mũi, chảy mũi nhiều hơn, khó thở, quấy khóc, buồn nôn, đổ mồ hôi nếu sử dụng nước muối sinh lý quá nhiều hoặc nước muối được pha với tỷ lệ không chính xác.
  • Bé dễ bị nhiễm trùng nếu dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi, tai cho bé không đúng cách khiến vi khuẩn từ tay dễ dàng lây nhiễm sang bé.

Thực tế, nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh chỉ thực sự được phát huy khi trẻ gặp vấn đề về đường hô hấp như cảm cúm, viêm nhiễm, tăng bài tiết chất nhầy, mũi họng bị nhiễm trùng, chất nhầy đục, quánh đặc, khó dẫn lưu ra ngoài.

Việc dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt cho bé chỉ nên làm khi có dấu hiệu viêm nhiễm, có ghèn vàng, đau… Nếu mắt bé bình thường, bạn nên tránh dùng bởi nếu lạm dụng có thể khiến mắt bị khô, viêm giác mạc, ảnh hưởng tới chức năng của mắt khi lớn lên.

Trẻ sơ sinh nhỏ nước muối sinh lý ngày mấy lần?

Nhiều phụ huynh thắc mắc nên nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh ngày mấy lần? Thực tế, câu trả lời cho vấn đề trẻ sơ sinh nhỏ mũi ngày mấy lần còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bé:

  • Trẻ khỏe mạnh: Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý cho bé 3 – 4 lần mỗi tuần.
  • Trẻ bị viêm mũi, hong, viêm đường hô hấp: Vệ sinh từ 2-4 lần trong một ngày để dịch tiết loãng đi và tuôn ra ngoài
  • Trẻ bị viêm mũi mãn tính (viêm xoang, viêm mũi dị ứng): Vệ sinh từ 3-4 lần trong ngày để loại bỏ dịch nhầy, giúp trẻ dễ thở hơn.

Lưu ý khi sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh

Khi chọn mua và sử dụng nước muối sinh lý cho bé, bạn cần nhớ một số điều sau:

  • Nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hiện có 3 loại: loại để nhỏ mắt, mũi (chai 10ml); loại để súc miệng, rửa vết thương (chai 500ml) và loại để tiêm truyền. Tùy vào mục đích sử dụng mà bạn nên chọn loại phù hợp.
  • Khi rửa mũi cho bé, bạn không nên mua những lọ nước muối sinh lý chai 500ml (loại dùng để súc miệng) về rồi dùng xilanh bơm trực tiếp vào mũi bé để vệ sinh. Bởi dù phương pháp có hiệu quả nhưng nếu dùng không đúng cách thì có thể làm hỏng niêm mạc mũi của bé.
  • Bạn không nên nhỏ nước muối quá 4 lần/ngày vì điều này sẽ khiến tình trạng của bé trở nên nghiêm trọng hơn.

Cách làm nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh tại nhà

nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh

Nước muối sinh lý là sản phẩm khá phổ biến, bạn có thể mua dễ dàng ở các hiệu thuốc uy tín. Ngoài ra, nếu không thích, bạn cũng có thể tự pha ở nhà với vài bước đơn giản.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 1 lít nước cất hoặc nước máy sạch
  • 9g muối không chứa iốt (Tránh sử dụng các loại muối khoáng không biết rõ thành phần vì những loại muối này có thể gây kích ứng cho bé).

Cách làm:

  • Bước 1: Trước khi pha nước muối sinh lý cho bé, bạn hãy nhớ rửa tay thật sạch nhé. Ngoài ra, các dụng cụ mà bạn dùng để đựng và pha nước muối (lọ, nắp, bình đong, thìa quấy…) cũng cần rửa sạch, tiệt trùng với nước sôi và để ráo nước.
  • Bước 2: Đổ 1 lít nước vào nồi và đun sôi khoảng 10 phút để tiêu diệt hết các vi khuẩn có trong nước. Sau đó, hòa tan 9g muối để có được dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Bạn cần phải chú ý đến tỷ lệ nước và muối vì nếu không bé sẽ dễ bị kích ứng.
  • Bước 3: Sau khi pha xong, để nguội và vệ sinh mũi cho bé khi nước còn ấm. Phần còn lại bạn hãy đựng trong các lọ nhỏ đã được tiệt trùng và đậy nắp lại. Mỗi lọ bạn chỉ nên sử dụng trong 2 ngày sau khi mở nắp.

Khi pha nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh, bạn cần cẩn thận với tỷ lệ nước và muối bởi nếu không, loại dung dịch này có thể gây kích thích cho bé.

Lưu ý

Để đảm bảo an toàn, với các loại dung dịch nước muối pha tại nhà, bạn không nên dùng để nhỏ mắt cho bé vì mắt của bé rất nhạy cảm, nếu pha không đúng tỷ lệ sẽ rất nguy hiểm. Bạn chỉ nên dùng nước muối sinh lý pha tại nhà để vệ sinh mũi cho bé.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết cách nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh đúng và an toàn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Saline nasal irrigation for acute upper respiratory tract infections in infants and children: A systematic review and meta-analysis https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32312677/ Ngày truy cập: 15/05/2023

Take Care with Nasal Sprays https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=56&contentid=2914 Ngày truy cập: 15/05/2023

https://familydoctor.org/nasal-sprays-how-to-use-them-correctly/

Suctioning the Nose with a Bulb Syringe https://www.nationwidechildrens.org/family-resources-education/health-wellness-and-safety-resources/helping-hands/suctioning-the-nose-with-a-bulb-syringe Ngày truy cập: 15/3/2019

Saline nasal sprays, drops and rinses https://www.healthnavigator.org.nz/medicines/s/saline-nasal-sprays-drops-rinses/ Ngày truy cập: 15/3/2019

Saline Nasal Drops for Infants – Benefits and Side Effects https://parenting.firstcry.com/articles/saline-nasal-drops-for-infants-how-to-use-benefits-and-side-effects/ Ngày truy cập: 15/3/2019

How to Correctly Put Saline Drops in a Baby’s Nose https://www.verywellhealth.com/how-to-use-saline-nose-drops-in-babies-770597 Ngày truy cập: 15/3/2019

Phiên bản hiện tại

15/05/2023

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 15/05/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo