backup og meta

Có cần phải sử dụng sirô hỗ trợ tiêu hóa cho bé?

Có cần phải sử dụng sirô hỗ trợ tiêu hóa cho bé?

Bé quấy khóc, táo bón hay đầy hơi, mẹ dùng ngay sirô hỗ trợ tiêu hóa cho con. Thế nhưng, sirô này có tốt cho bé? Bài viết sau sẽ làm rõ vấn đề này.

Năm nay, bé Minh lên 5 tuổi và có sức khỏe bình thường. Những ngày gần đây, bé tự nhiên bắt đầu khóc dai dẳng, dỗ hoài không nín khiến ba mẹ rất lo lắng. Chị hàng xóm thấy Minh hay khóc nên mách cho mẹ Minh mua loại thuốc sirô hỗ trợ tiêu hóa dùng thử. Quả thật, sau khi uống sirô, Minh ít khóc hẳn. Thật ra, sirô hỗ trợ tiêu hóa là gì mà lại giúp ích cho trường hợp của Minh?

Sirô hỗ trợ tiêu hóa

Sirô hỗ trợ tiêu hóa là thuốc không kê đơn (OTC) giúp bổ sung chất lỏng natri bicarbonate và thảo dược (thì là, gừng, hoa cúc, bạch đậu khấu, cam thảo, quế, đinh hương, dầu thơm chanh hoặc bạc hà, tùy thuộc vào công thức). Ngoài điều trị đau bụng, nó còn được sử dụng để điều trị đau răng, táo bón, đầy hơi và một số bệnh khác.

Loại sirô này xuất hiện lần đầu tiên ở thế kỷ 19 và được phát minh bởi William Woodward, một dược sĩ người Anh. Năm 1840, dịch bệnh sốt rét bùng nổ ở Anh, trong quá trình nghiên cứu để dập tắt dịch bệnh, các bác sĩ nhận thấy rằng loại thuốc này quả thật có tác dụng làm giảm tình trạng quấy khóc và các chứng đau bụng ở trẻ nhỏ. Từ đó, loại thuốc này bắt đầu được sử dụng đến nay.

Thành phần của sirô hỗ trợ tiêu hóa

Ban đầu, Woodward sử dụng nước, cần tây, natri bicarbonate, đường và cồn 3,6% để pha chế loại sirô này. Ngày nay, đa số các nhà sản xuất thường không bỏ cồn vì các bác sĩ cho rằng nó sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà sản xuất giữ nguyên lượng cồn.

Những thành phần khác vẫn giữ nguyên, nhưng mỗi nhà sản xuất của mỗi quốc gia sẽ có một tỷ lệ khác nhau. Một số thương hiệu lại sử dụng chất làm ngọt nhân tạo, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.

Sirô hỗ trợ tiêu hóa có an toàn không?

Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh sirô hỗ trợ tiêu hóa an toàn hoặc không an toàn cho bé. Một số bà mẹ thấy nó hữu ích, trong khi một số khác lại thấy nó chẳng có lợi nhưng cũng không gây hại.

Tuy nhiên, công thức ban đầu của loại sirô này có chứa 3,6% cồn. Điều này chắc chắn là không tốt đối với sức khỏe của bé. Ngoài ra, loại sirô này được sản xuất vào thế kỷ trước, thời điểm mà ít có các công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của thực phẩm đối với trẻ nhỏ. Đến cuối thế kỷ XX, nhiều người mới nhận thức được thực phẩm an toàn cho bé. Dưới đây là một số phân tích để xác định xem loại sirô hỗ trợ tiêu hóa này tốt hay không:

1. Cồn

Các bác sĩ đều đồng ý rằng cồn không tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Ban đầu, người ta nghĩ rằng hàm lượng cồn có trong loại sirô này rất ít nên nó sẽ không ảnh hưởng gì quá lớn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cồn không phải là một thành phần cần thiết và thực tế, mà có thể khiến bé bị nghiện.

2. Natri bicarbonate

Natri bicarbonate hoặc bột nở (baking soda) là thành phần trong sirô vẫn được giữ nguyên cho đến nay. Chất này không có bất cứ công dụng nào trong việc dỗ bé nín khóc. Natri bicarbonate có thể phản ứng với axít có trong dạ dày, sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé.

Tiêu thụ quá nhiều natri bicarbonate sẽ dễ dẫn đến hội chứng sữa – muối kiềm. Đây là tình trạng lượng canxi trong máu tăng cao do hấp thụ quá nhiều canxi từ sữa và natri bicarbonate. Những bé dưới 6 tháng tuổi dễ gặp phải vấn đề này. Về lâu dài, nó có thể ảnh hưởng đến thận. Natri bicarbonate không được khuyến cáo cho trẻ sinh non và trẻ có các vấn đề về thận.

3. Một số loại thảo mộc hỗ trợ việc tiêu hóa

Cần tây và thì là là hai loại thảo mộc thường được sử dụng để sản xuất sirô hỗ trợ tiêu hóa. Nghiên cứu đã chứng minh rằng thì là có tác dụng trong việc giảm các triệu chứng đau bụng và quấy khóc (nếu bé khóc vì đau bụng). Thì là và cần tây là những phương pháp tự nhiên giúp chữa chứng khó tiêu khá phổ biến nhưng chưa có bằng chứng nào chứng minh nó tốt cho trẻ sơ sinh. Một số bé có những phản ứng tích cực, trong khi một số khác lại bị dị ứng.

4. Đường

siro-ho-tro-tieu-hoa-cho-be-hinh-anh

Nghiên cứu đã cho thấy rằng vị ngọt của đường có thể giúp xoa dịu trẻ nhỏ. Điều này rất dễ dàng nhận thấy trong cuộc sống hằng ngày. Khi bé giận dữ, bạn sẽ cho bé một viên kẹo để bé bình tĩnh lại. Tuy nhiên, ăn nhiều đường sẽ gây hại cho răng miệng, dễ dẫn đến sâu răng. Do đó, trước khi mua sirô, bạn nên đọc kỹ nhãn chai để xác định hàm lượng đường có trong sản phẩm là bao nhiêu.

5. Các thành phần khác của sirô hỗ trợ tiêu hóa có vẻ dư thừa?

Một số thành phần có trong sirô hỗ trợ tiêu hóa không có tác dụng gì đối với bé. Điều này có nghĩa là bạn không cần phải cho bé ăn một hỗn hợp nào đó thì bé mới dừng khóc. Ví dụ, khi bé khóc, bạn chỉ cần cho bé ăn trái cây ngọt hoặc sirô ngọt, không cần phải thêm thì là và natri bicarbonate.

6. Chưa có bằng chứng khoa học chứng minh sirô này có hiệu quả

Chưa có nghiên cứu nào nói rằng uống sirô hỗ trợ tiêu hóa sẽ giúp chữa khỏi chứng khóc dạ đề hay các vấn đề đau bụng. Đây không phải là một loại thuốc chính để điều trị đau bụng mà chỉ là thuốc bổ sung không cần kê toa, giúp giảm đau tạm thời.

7. Sirô hỗ trợ tiêu hóa không gây tiêu chảy và táo bón

Loại sirô này không gây tiêu chảy như nhiều bậc bố mẹ thường nghĩ. Năm 2007, một thương hiệu sản xuất sirô hỗ trợ tiêu hóa bị kiện vì sirô của công ty này khiến bé bị tiêu chảy. Tuy nhiên, cuối cùng, nguyên nhân là do sirô đã bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất chứ không phải là do các thành phần của thuốc. Nhiều bố mẹ cũng chia sẻ con mình bị tiêu chảy sau khi uống sirô, nhưng chưa có bằng chứng khoa học chứng minh điều này.

Nhìn chung, sirô hỗ trợ tiêu hóa không gây ra các tác dụng phụ. Tuy nhiên, bé có thể bị dị ứng với từng thành phần riêng lẻ như chất làm ngọt nhân tạo, natri bicarbonate hoặc cồn.

Sirô hỗ trợ tiêu hóa an toàn hay không phụ thuộc vào thành phần

siro-ho-tro-tieu-hoa-cho-be-hinh-anh-1

Sirô hỗ trợ tiêu hóa được nhiều bố mẹ sử dụng như một loại thuốc bổ cho trẻ mới biết đi. Kể từ khi ra đời đến nay, việc sản xuất loại sirô này đã thay đổi đáng kể. Cồn đã biến mất, các nguyên liệu khác như nước, đường hoặc chất làm ngọt, natri bicarbonate và thì là vẫn giữ nguyên.

Ở Ấn Độ, sirô hỗ trợ tiêu hóa có thể chứa bạc hà, một loại thảo mộc rất tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, vẫn có một số bé bị dị ứng với loại thảo mộc này. Vì vậy, nếu bạn muốn cho bé sử dụng, hãy xem kỹ các thành phần được ghi trên nhãn chai.

Đa số bố mẹ đều nghĩ rằng sirô hỗ trợ tiêu hóa tốt cho trẻ nhỏ. Điều tốt nhất mà bạn thường thấy đó là nó giúp cho bé ngủ ngon hơn do nó có tác dụng giảm đau và giảm các chứng khó chịu. Tuy nhiên, trước khi cho bé dùng, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng. Bé càng nhỏ thì bạn càng phải cẩn thận khi cho uống sirô này.

Công dụng của sirô hỗ trợ tiêu hóa

siro-ho-tro-tieu-hoa-cho-be-hinh-anh-2

Sirô hỗ trợ tiêu hóa được quảng cáo là có công dụng rất tốt cho trẻ sơ sinh và những người gặp phải các vấn đề về đường ruột.

1. Chứng khóc dạ đề: Sirô hỗ trợ tiêu hóa được quảng cáo là giúp chữa khỏi chứng khóc dạ đề ở trẻ nhỏ.

2. Trẻ hay quấy khóc: Những bé thường quấy khóc vì đau thường được xoa dịu bằng một thìa cà phê sirô hỗ trợ tiêu hóa.

3. Đầy hơi: Sirô hỗ trợ tiêu hóa làm giảm chứng đầy hơi.

4. Các vấn đề về đau bụng: Sirô hỗ trợ tiêu hóa thường được dùng cho các bé bị rối loạn dạ dày ruột. Ngoài ra, những bé bị táo bón cũng có thể sử dụng.

5. Giảm đau do mọc răng: Các thương hiệu sản xuất sirô hỗ trợ tiêu hóa thường khuyên bạn nên cho bé uống khi mọc răng. Mọc răng là thời kỳ mà bé thường hay quấy khóc do khó chịu. Việc khóc thường xuyên này sẽ khiến bé nuốt nhiều không khí khi bú, dễ dẫn đến đầy hơi. Do đó, uống sirô hỗ trợ tiêu hóa sẽ giúp bé ngưng quấy khóc và giảm khả năng mắc chứng đầy hơi.

6. Nấc cụt: Nấc là một hiện tượng phản ứng tự nhiên của cơ thể khi dây thần kinh phế vị dẫn truyền thông tin từ bụng lên não bị kích thích. Nguyên nhân gây nấc cụt thường là do các vấn đề về dạ dày. Sirô hỗ trợ tiêu hóa được quảng cáo là giúp bé hết nấc. Tuy nhiên, điều này dường như có vẻ không đúng lắm.

Sirô hỗ trợ tiêu hóa có nên dùng cho trẻ sơ sinh?

Các nhà sản xuất nói rằng sirô hỗ trợ tiêu hóa có thể được sử dụng cho bé từ 2 tuần tuổi trở lên. Tuy nhiên, nếu bé có các vấn đề trên, bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng. Thông thường, ngoài sữa mẹ, trẻ sơ sinh không nên được cho ăn bất cứ thứ gì khác bởi hệ tiêu hóa của bé rất nhạy cảm.

Cho bé uống sirô hỗ trợ tiêu hóa như thế nào?

Bạn có thể cho uống bằng thìa. Trên nhãn chai thường ghi rõ liều lượng bạn nên cho bé uống mỗi ngày. Sirô hỗ trợ tiêu hóa sẽ có tác dụng trong vài phút, nhưng điều này cũng còn phụ thuộc vào tuổi và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Nói chung, bạn nên cho bé uống sirô hỗ trợ tiêu hóa 1 lần/ngày. Đôi khi nhà sản xuất sẽ khuyến cáo bạn nên cho bé uống nhiều hơn. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liều lượng chính xác. Giống như những sản phẩm khác, sirô này cũng có hạn sử dụng và bạn nên bỏ nó ngay khi nó đã hết hạn.

Khi nào nên cho bé uống sirô hỗ trợ tiêu hóa?

Bạn nên cho bé uống khi bé có các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu hoặc đầy hơi. Bạn không nên cho bé uống khi bụng đói vì dạ dày của bé sẽ bị ảnh hưởng natri bicarbonate.

Có nên cho sirô hỗ trợ tiêu hóa vào sữa?

Nhiều bậc phụ huynh thường cho bé uống sirô hỗ trợ tiêu hóa chung với sữa. Tuy nhiên, bạn không nên làm như vậy vì sẽ dễ gây ra các phản ứng hóa học không tốt. Nếu muốn cho bé uống sirô hỗ trợ tiêu hóa, hãy đợi bé bú xong rồi hãy cho uống.

Giải pháp thay thế sirô hỗ trợ tiêu hóa

Có rất nhiều cách để bé cảm thấy thoải mái hơn mà không cần phải sử dụng đến sirô hỗ trợ tiêu hóa:

1. Massage bụng: Đây là một cách tuyệt vời để giảm đau và làm dịu chứng đầy hơi. Bên cạnh đó, massage cũng rất tốt cho cơ, ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của bé.

2. Đổi sữa bột: Kiểm tra xem sữa bột bạn đang sử dụng có phù hợp với bé hay không. Nếu thấy không ổn, có thể chuyển sang một loại sữa khác để giúp bé tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên, trước khi đổi, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhé.

3. Giúp bé ợ hơi: Nguyên nhân khiến bé cáu kỉnh có thể là không khí bị mắc kẹt trong dạ dày. Hãy giữ bé trong vòng tay, nhẹ nhàng vỗ vào lưng để khí thoát ra ngoài. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy tốt hơn.

4. Quấn chăn cho bé: Quấn bé với một tấm chăn và chỉ để đầu lộ ra ngoài. Sự ấm áp của chăn sẽ giúp xoa dịu bé. Bạn cũng có thể bế bé trong tay sau khi đã quấn bé.

5. Cho bé bú mẹ: Bú mẹ cho đến 6 tháng tuổi để đảm bảo sức khỏe của hệ tiêu hóa trẻ. Thực tế, nếu cho bé uống những thứ khác ngoài sữa mẹ trước 6 tháng, bé sẽ rất dễ mắc các bệnh do vi khuẩn gây ra.

Qua những chia sẻ trên đây, hẳn bạn đã hiểu thêm về sirô hỗ trợ tiêu hóa. Nếu bạn vẫn muốn cho bé sử dụng, hãy đọc kỹ các thành phần của thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng nhé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How Safe Is Gripe Water For Babies? http://www.momjunction.com/articles/is-it-safe-to-give-gripe-water-to-your-baby_00386936/ Ngày truy cập 22/10/2017

How to Use Gripe Water to Soothe Your Baby https://www.healthline.com/health/parenting/gripe-water-for-babies Ngày truy cập 22/10/2017

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo