Các bé ganh tỵ khi thấy bạn có đồ chơi đắt hơn, quần áo đẹp hơn hay được điểm cao hơn vốn không phải chuyện quá nghiêm trọng. Thế nhưng, nếu trẻ có hành vi đập đồ chơi đắt tiền của bạn, bôi bẩn lên quần áo đẹp của bạn chỉ vì ganh tỵ thì đây có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ đấy.
Chứng rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ có thể sẽ tác động đến trẻ trong thời gian dài. Đây là một rối loạn tâm lý liên quan đến sự yêu thích vô bờ bến đối với bản thân, tự hâm mộ và coi trọng bản thân cũng như những yêu cầu, mong ước của chính mình.
Trẻ mắc chứng này tin rằng chúng là người quan trọng và xứng đáng được đối xử đặc biệt hơn những người khác. Trẻ có những mong muốn hão huyền trở thành những nhân vật quyền lực như siêu nhân. Trẻ còn không coi trọng cảm xúc của mọi người xung quanh mà chỉ chú ý đến bản thân.
Việc yêu thương bản thân hay ích kỷ không phải là rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ. Bạn hãy đọc thêm để tìm hiểu sự khác biệt của trẻ bị bệnh và trẻ bình thường.
Điểm khác biệt của trẻ bị mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ
Nhận diện sự khác biệt giữa trẻ bình thường và trẻ bị rối loạn nhân cách ái kỷ, bạn sẽ sớm phát hiện ra tình trạng bệnh của con mình.
Trẻ bình thường
- Trẻ bình thường mong muốn sự chú ý của mọi người nhưng thường biểu hiện phù hợp với độ tuổi. Trẻ biết ơn và trân trọng sự chú ý mình được nhận.
- Trẻ thích được là nhân vật lớn, quan trọng như người hùng nhưng trẻ biết đó là những điều không thật.
- Yêu cầu của trẻ thường thực tế và có thể thực hiện được.
- Trẻ có nhiều bạn và có mối quan hệ tốt với mọi người trong gia đình.
Trẻ bị rối loạn nhân cách ái kỷ
- Trẻ tìm kiếm sự chú ý vì cho rằng đây là quyền của trẻ, trẻ xứng đáng được như thế và không thể hiện sự biết ơn khi nhận được quan tâm hay tình cảm từ bố mẹ.
- Trẻ tin rằng chúng rất vĩ đại và những người khác đều thấp kém hơn chúng.
- Trẻ có sự đòi hỏi cao và vô lý với mọi người.
- Trẻ khó kiếm được bạn hay duy trì tình bạn.
Dấu hiệu của rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ
Rất khó phát hiện rối loạn tâm lý ở trẻ. Bạn phải quan sát thật kỹ xem trẻ có những biểu hiện dưới đây không. Nếu trẻ có hầu hết những dấu hiệu này thì có thể con đã mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ.
- Trẻ cho mình là quan trọng nhất
- Trẻ muốn có những thành tựu cũng như quyền lực không thực tế
- Trẻ nghĩ mình có quyền được mọi thứ mà chúng yêu cầu
- Trẻ không nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện mà nhìn chằm chằm ra chỗ khác với ánh mắt hằn học
- Trẻ lo lắng khi ở một mình
- Trẻ có tính cực đoan
- Trẻ tin rằng mình giỏi hơn mọi đứa trẻ khác
- Trẻ muốn được tôn trọng và yêu thương quá lớn
- Trẻ có những hành vi mang tính cơ hội
- Trẻ không quan tâm tới mong muốn của bạn cùng lứa
- Trẻ kiêu căng
- Trẻ thổi phồng năng lực và thành công của bản thân
- Trẻ có tính lợi dụng
- Trẻ ghen tỵ với thành công của người khác
- Trẻ cư xử kiểu cách trong các mối quan hệ gần gũi
- Trẻ không tiếp thu ý kiến đóng góp tích cực, dễ bị tổn thương hay bị sỉ nhục
- Trẻ đổ lỗi cho mọi người.
Nếu bạn nghĩ con mình có phần lớn các biểu hiện trên, trẻ có thể bị rối loạn nhân cách ái kỷ. Nhưng vì sao con lại mắc chứng này?
Nguyên nhân của rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ
Nguyên nhân chính xác của rối loạn trên vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, một vài yếu tố như trải nghiệm thời thơ ấu, môi trường sống và tâm lý được xem là có thể dẫn đến chứng rối loạn này.
- Bố mẹ lơ đãng, không gần gũi, vô trách nhiệm hay bỏ bê con cái
- Bố mẹ quá yêu thương con và bảo bọc con quá mức
- Quá nuông chiều trẻ hay xem trẻ là cái rốn vũ trụ trong gia đình
- Những gì trẻ làm đều được khen ngợi và mọi yêu cầu của trẻ đều được thực hiện
- Bố mẹ bị ái kỷ có thể ảnh hưởng đến trẻ. Những bố mẹ này thường sợ tính độc lập của trẻ và từ đó tìm cách kiểm soát. Những việc trên làm trẻ mắc chứng ái kỷ khi lớn và nghĩ như vậy là bình thường
- Quá nhiều lời phê bình tiêu cực khiến trẻ cảm thấy bất lực và nghĩ xấu về bản thân khiến trẻ phải ái kỷ như một cơ chế bảo vệ bản thân
- Mồ côi hay bố mẹ ly hôn có thể khiến trẻ bị tổn thương và không thấy an toàn. Chúng không cảm thấy được yêu thương
- Những yêu cầu phi lý từ bố mẹ có thể khiến trẻ đánh giá bản thân quá cao hay quá thấp. Cả hai đều có thể khiến trẻ bị rối loạn nhân cách ái kỷ
- Bị lạm dụng có thể khiến trẻ có cảm giác bị hại và không được yêu thương. Điều này vô tình khiến trẻ mắc chứng ái kỷ và chỉ thích thấy những gì tốt đẹp
- Nhạy cảm quá mức có thể là yếu tố khiến trẻ dễ bị rối loạn nhân cách ái kỷ
- Bất thường về di truyền học có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần do sự thay đổi trong não bộ.
Dù rối loạn nhân cách ái kỷ không đe dọa tính mạng nhưng trẻ cần được chẩn đoán và điều trị để có hành vi và đời sống xã hội tốt hơn.
Cách chẩn đoán rối loạn nhân cách ái kỷ
Tiến trình chẩn đoán rối loạn sẽ gồm những bước sau:
- Bác sĩ sẽ đánh giá ban đầu về sức khỏe tâm lý của trẻ
- Họ sẽ nói chuyện với trẻ để hiểu về mức độ tự yêu và tự đề cao bản thân của trẻ
- Bác sĩ sẽ phân tích hành vi của trẻ để xem trẻ có kiêu ngạo không
- Trẻ phải khám thể chất để loại trừ những bệnh về thể chất có thể gây ra các triệu chứng trên
- Nếu trẻ không có bệnh về thể chất, bác sĩ sẽ lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần đặc biệt cho trẻ
- Chẩn đoán rối loạn nhân cách ái kỷ thường cần sự hiểu biết về tâm lý của trẻ, nên bác sĩ sẽ sử dụng các bảng câu hỏi, hoạt động đánh giá và các bài kiểm tra khác để tìm hiểu tâm lý trẻ. Bác sĩ có thể hỏi nhiều câu hỏi về biểu hiện của trẻ trong học tập, bạn bè cũng như mức độ thân thiết…
- Bác sĩ cũng cần chẩn đoán để phân biệt giữa rối loạn nhân cách ái kỷ và các chứng bệnh tâm thần khác như hưng cảm nhẹ.
- Chuyên gia cũng cần theo dõi xem các triệu chứng hay đặc tính của rối loạn nhân cách ái kỷ là dài lâu hay chỉ theo tâm trạng hay theo từng thời kỳ.
Nhiều người tin rằng những rối loạn về tâm thần sẽ theo bệnh nhân suốt đời, nhưng rối loạn nhân cách ái kỷ có thể kiểm soát được bằng các biện pháp can thiệp thích hợp với sự trợ giúp của bác sĩ và cả gia đình.
Cách điều trị rối loạn nhân cách ái kỷ
Biện pháp hiệu quả nhất để điều trị rối loạn trên là liệu pháp tâm lý thay vì chỉ dùng thuốc. Một vài liệu pháp được sử dụng rộng rãi gồm:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi: Liệu pháp này giúp bệnh nhân nhận ra các vấn đề của mình. Trẻ sẽ tự nhận thức được những suy nghĩ tiêu cực, kiêu căng của mình và thay đổi những suy nghĩ đó thành những ý nghĩ tích cực và có tính xây dựng hơn.
- Liệu pháp tâm lý phân tâm học: Liệu pháp giúp xác định mức độ trẻ tự yêu bản thân, cơ chế bảo vệ của trẻ khi thất bại và mối tương tác với bố mẹ và bạn bè. Liệu pháp còn đòi hỏi sự hỗ trợ từ bố mẹ và gia đình những trẻ bị rối loạn.
- Liệu pháp gia đình: Nếu rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ là kết quả của việc đánh giá con quá cao hay yêu con quá nhiều từ bố mẹ, thì bác sĩ tâm lý sẽ nói chuyện với bố mẹ, khắc phục những hành vi trên và điều hòa cảm xúc của họ với con cái.
Chứng bệnh này hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Bác sĩ có thể kê thuốc chống trầm cảm với một số trẻ nếu trẻ có khuynh hướng trầm cảm và hay lo âu. Cả trẻ và bố mẹ đều cần phải tuân theo tiến trình điều trị để tránh các biến chứng sau này.
Biến chứng từ rối loạn nhân cách ái kỷ
Một vài biến chứng có thể xảy ra do rối loạn nhân cách ái kỷ gồm:
- Nghiện rượu hay thuốc khi trẻ lớn lên
- Khủng hoảng trong các mối quan hệ với bạn bè và gia đình
- Vụng về hay thiếu hụt trong quan hệ xã hội
- Khó khăn trong các mối quan hệ gia đình và trường học.
Đi kèm với những trị liệu kể trên, bố mẹ hãy chăm sóc con tại nhà để tránh con bị tổn thương về lâu dài.
Chăm sóc tại nhà cho trẻ rối loạn nhân cách ái kỷ
Nếu con có những triệu chứng rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ, bạn nên giúp trẻ hiểu hơn về cách kiểm soát cảm xúc cũng như các mối quan hệ xã hội bằng các bí quyết sau:
- Kiên định nhưng không bạo lực: Bạo lực hay gây gổ chỉ khiến con bạn xa lánh bạn hơn. Trẻ bị rối loạn này thường có cái tôi lớn, hay để bụng và dễ cảm thấy tổn thương. Bạn hãy hướng trẻ vào nề nếp bằng thái độ mềm mỏng, ân cần.
- Kiểm soát tính tự coi mình là trung tâm của trẻ: Bạn hãy giúp trẻ hiểu rằng chúng cũng giống như mọi người trong gia đình và sẽ không có một sự đối xử đặc biệt nào. Nếu thấy con mình cư xử kiêu căng với anh chị em trong nhà, hãy nhắc con không được thiếu tôn trọng người khác và đòi hỏi người khác phục tùng mình. Bạn nên lưu ý không trêu trọc con nhé.
- Giao tiếp hợp lý: Bạn hãy giúp trẻ hiểu rằng lắng nghe người khác là một việc rất quan trọng khi giao tiếp với mọi người. Trong giao tiếp, cần 50% nói chuyện và 50% lắng nghe. Bạn hãy cho trẻ thực tập trò chuyện với mình trước.
- Công bằng trong mọi mối quan hệ: Bạn hãy giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của các mối quan hệ. Bạn hãy chỉ cho con thấy mọi người đều cùng nhau làm việc nhà, chăm sóc và quan tâm lẫn nhau để hạnh phúc hơn.
- Cho trẻ cảm nhận tình yêu: Bạn không nên đem tình cảm ra làm quà khi con đạt thành tích gì đó. Bạn hãy cho trẻ hiểu bạn yêu thương trẻ dù trẻ thành công hay thất bại.
Chứng rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ không phải là vấn đề về tâm thần hay là một căn bệnh nghiêm trọng. Ai cũng cần yêu thương bản thân dù ít hay nhiều. Chỉ khi nào ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cá nhân, các mối quan hệ và nhân cách, rối loạn này sẽ trở thành bệnh lý và cần được can thiệp y tế. Trẻ cần sự kiên nhẫn, tình yêu thương và quan tâm của bố mẹ cũng như mọi người trong gia đình để giúp trẻ thay đổi và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
[embed-health-tool-vaccination-tool]