backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em được điều trị, phòng ngừa như thế nào?

Tham vấn y khoa: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình · Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 14/03/2023

    Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em được điều trị, phòng ngừa như thế nào?

    Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em là tình trạng phổ biến. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn có thể gặp khó khăn trong việc nhận biết các triệu chứng để đưa trẻ đi khám.

    Trên thực tế, nhiễm trùng đường tiểu thường phổ biến ở bé gái do trẻ có niệu đạo ngắn hơn bé trai nên bạn cần lưu ý. Trong bài viết sau, bạn có thể tham khảo một số thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp để tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ.

    Tìm hiểu chung về bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em

    Nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu (urinary tract infection – UTI) là tình trạng nhiễm trùng bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiết niệu, bao gồm hai thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Nhiễm trùng tiết niệu được phân loại như sau:

    • Nhiễm trùng tiết niệu trên: viêm thận – bể thận cấp 
    • Nhiễm trùng tiết niệu dưới: bao gồm nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang) hoặc niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể). Trên thực tế, nhiễm trùng tiết niệu thường phổ biến ở phần dưới hơn so với phần trên và phổ biến ở bé gái nhiều hơn bé trai.

    Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ

    nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu ở trẻ em

    Bình thường trong niệu đạo, bàng quang của trẻ vẫn tồn tại vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, nhờ hoạt động đi tiểu nhiều lần mỗi ngày và cơ chế bảo vệ cơ thể của niêm mạc đường tiểu, kháng thể IgA bề mặt niêm mạc, tế bào bạch cầu mà những vi khuẩn này không có cơ hội nhân lên để gây bệnh.

    Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiểu ở người lớn hoặc trẻ nhỏ đều do vi khuẩn từ đường tiêu hóa là Escherichia coli (E. coli) gây ra. Đối với trẻ em, tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu có thể xảy ra theo những cách sau đây:

  • Sau khi dùng giấy vệ sinh lau hậu môn, tầng sinh môn cho trẻ, giấy bẩn vô tình tiếp xúc với bộ phận sinh dục của trẻ có thể giúp vi khuẩn xâm nhập vào niệm đạo và gây nhiễm trùng tiểu.
  • Đối với trẻ nhỏ còn mang tã, những hạt phân nhỏ từ tã có thể vô tình dính vào niệu đạo để gây nhiễm khuẩn. Điều này thường dễ xảy ra khi trẻ ngọ nguậy, vặn vẹo nhiều trong lúc bạn thay tã cho bé.
  • Trên thực tế, việc một số trẻ dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn những trẻ khác không phải lúc nào cũng được lý giải rõ ràng. Tuy nhiên, nhìn chung thì trẻ có vấn đề với việc làm trống bàng quang thường dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn. Trong đó, một số yếu tố nguy cơ sau đây có thể góp phần phát triển bệnh nên bạn cần lưu ý:

    • Trẻ có dị tật, bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ đường tiết niệu.
    • Bé gái thường có nguy cơ nhiễm trùng tiểu hơn do niệu đạo ngắn và gần hậu môn. Thế nhưng, một số bé trai hẹp bao quy đầu hoặc không cắt bao quy đầu vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
    • Trẻ bị rối loạn tiểu tiện do thói quen nhịn tiểu cũng dễ mắc nhiễm trùng tiết niệu hơn.
    • Trẻ mắc trào ngược bàng quang niệu quản (VUR). Đây là tình trạng hiếm gặp, xảy ra khi có luồng nước tiểu rò rỉ, trào ngược lên niệu quản và thận.
    • Trẻ bị táo bón. Tình trạng này đôi khi có thể khiến một phần ruột già sưng lên, gây áp lực cho bàng quang và chặn dòng nước tiểu. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng.

    Triệu chứng nhiễm trùng tiểu ở trẻ em

    triệu chứng nhiễm trùng tiểu ở trẻ em

    Trẻ bị nhiễm trùng tiểu có thể không dễ dàng nhận biết được như người lớn. Bởi vì các triệu chứng ở trẻ có thể mơ hồ. Thêm vào đó, nếu trẻ quá nhỏ thì thường không thể mô tả hoặc diễn đạt cảm giác mà trẻ đang phải trải qua để ba mẹ hiểu. Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên chủ động quan sát các biểu hiện, triệu chứng bất thường khi trẻ cảm thấy không khỏe.

    Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi

    Nếu trẻ bị nhiễm trùng tiểu, trẻ không thể diễn đạt hoặc thông báo cho ba mẹ. Vì vậy, bạn nên chú ý đến các triệu chứng như:

    • Sốt, đôi khi có thể là triệu chứng duy nhất
    • Nôn mửa, có thể kèm tiêu chảy
    • Quấy khóc, khó chịu
    • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
    • Bú kém, chậm tăng cân
    • Một số trường hợp, trẻ có thể bị vàng da và vàng ở lòng trắng của mắt.

    Đối với trẻ lớn hơn

    Các triệu chứng nhiễm trùng tiểu ở trẻ em trên 2 tuổi có thể bao gồm:

    • Trẻ bị sốt, ớn lạnh, mệt mỏi.
    • Trẻ nói với bạn trẻ cảm thấy đau rát khi đi tiểu. Nếu chú ý quan sát, bạn cũng có thể phát hiện việc trẻ sợ đi tiểu.
    • Nước tiểu của trẻ đục, sẫm màu, có máu và có mùi hôi.
    • Trẻ có thể mắc tiểu thường xuyên hơn nhưng thường cố gắng nhịn tiểu.
    • Đau bụng dưới, đau bên hông hoặc đau lưng.
    • Trẻ tiểu són trong quần, đái dầm bất thường vào ban đêm.

    Trên thực tế, các triệu chứng nhiễm trùng tiểu có thể khác nhau ở mỗi trẻ. Hơn nữa, các triệu chứng này cũng dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán chính xác bệnh (nếu có).

    Phương pháp chẩn đoán nhiễm trùng tiểu ở trẻ em

    Trước tiên, bác sĩ thường hỏi về tiền sử bệnh lý của trẻ cũng như các triệu chứng mà trẻ đang gặp phải. Sau đó, trẻ có thể được bác sĩ đề xuất thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán nhiễm trùng tiểu như:

    Xét nghiệm nước tiểu

    xét nghiệm nhiễm trùng tiểu ở trẻ em

    Đây là phương pháp xét nghiệm phổ biến giúp chẩn đoán nhiễm trùng tiết niệu. Cách bác sĩ lấy mẫu nước tiểu như thế nào sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa được tập đi vệ sinh, bác sĩ có thể đặt ống dẫn lưu từ niệu đạo vào bàng quang để lấy được mẫu nước tiểu sạch của trẻ. Điều này là cần thiết vì mẫu nước tiểu nhiễm bẩn có thể cho kết quả xét nghiệm không chính xác. Đối với trẻ lớn hơn, trẻ có thể tự đi tiểu bên ngoài và dùng lọ vô trùng để đựng mẫu nước tiểu.

    Sau đó, mẫu nước tiểu của trẻ được xem xét dưới kính hiển vi để xác định vi khuẩn và tế bào bạch cầu mà cơ thể tạo ra để chống lại nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị nuôi cấy nước tiểu để tìm ra loại vi khuẩn gây nhiễm trùng tiết niệu ở trẻ. Đây là cách giúp bác sĩ, nhân viên y tế theo dõi cách thức vi khuẩn phát triển và sinh sôi. Việc xác định được loại vi khuẩn sẽ giúp bác sĩ lựa chọn kháng sinh điều trị phù hợp, hiệu quả.

    Siêu âm thận

    Trong một số trường hợp ít hơn, chẳng hạn như nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em gây tổn thương thận, bác sĩ có thể đề nghị siêu âm thận để chẩn đoán cụ thể. Đây là kỹ thuật sử dụng các sóng âm để tạo ra hình ảnh chân thực của toàn bộ đường tiết niệu. Siêu âm thận là phương pháp không xâm lấn và không gây đau. Trẻ thường được đề nghị siêu âm thận trong những trường hợp sau đây:

    • Trẻ dưới 2 tuổi bị nhiễm trùng bàng quang kèm theo sốt
    • Trẻ (ở mọi lứa tuổi) bị nhiễm trùng bàng quang nhiều lần
    • Trẻ bị cao huyết áp, tăng trưởng kém, gia đình có tiền sử mắc bệnh về thận hoặc bàng quang
    • Nhiễm trùng tiểu ở trẻ em không cải thiện sau điều trị.

    Chụp X-quang bàng quang và niệu đạo

    Đây là thủ thuật sử dụng tia X để chụp đường tiết niệu của bệnh nhân. Đầu tiên, một ống thông đường tiểu được đưa qua niệu đạo để bơm thuốc cản quang vào bàng quang của trẻ. Sau đó hình ảnh sẽ được chụp lại trước và sau khi trẻ đi tiểu.

    Các hình ảnh sẽ hiển thị nếu có bất kỳ dòng chảy nào của nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào niệu quản hoặc thận. Vì vậy, phương pháp này cũng giúp chẩn đoán tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản (VUR).

    Điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em

    điều trị nhiễm trùng tiểu ở trẻ em

    Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em tuy phổ biến nhưng ít khi nghiêm trọng và có thể điều trị bằng kháng sinh. Sau đây là những thông tin chính bạn cần quan tâm về việc điều trị nhiễm trùng tiểu ở trẻ:

    Sử dụng thuốc điều trị

    Việc lựa chọn kháng sinh đường uống hay đường tiêm phụ thuộc vào thể bệnh của Nhiễm trùng đường tiểu. Đối với nhiễm khuẩn đường tiểu dưới (viêm bàng quang, niệu đạo) sử dụng kháng sinh đường uống, đối với nhiễm khuẩn đường tiểu trên (viêm thận – bể thận cấp) bắt buộc phải sử dụng kháng sinh đường tiêm theo phác đồ để tránh biến chứng thận ứ nước, ứ mủ, áp xe thận.

    Trẻ thường bắt đầu cảm thấy khỏe hơn trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi dùng thuốc điều trị. Lưu ý quan trọng là bạn cần đảm bảo trẻ uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Bởi vì thời gian dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường tiểu dài hơn so với các nhiễm trùng thông thường khác. Thời gian dùng kháng sinh đối với nhiễm trùng đường tiểu dưới là 7-10 ngày, thời gian dùng kháng sinh đối với nhiễm trùng đường tiểu trên là 10-14 ngày. Riêng đối với nhiễm trùng đường tiểu trên, sau khi trẻ hết sốt, bệnh ổn định bác sĩ có thể chuyển sang kháng sinh đường uống và thời gian dùng kháng sinh cả tiêm và uống vẫn phải đảm bảo đủ 10-14 ngày.

    Lưu ý khi chăm sóc trẻ tại nhà

    Song song với việc dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng tiểu, trẻ cũng nên uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên để giúp bệnh nhanh khỏi. Bạn có thể hỏi bác sĩ về việc trẻ cần được uống bao nhiêu nước mỗi ngày để hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho trẻ chườm ấm lưng, bụng hoặc dùng thuốc giảm đau nếu cần thiết.

    Cách phòng ngừa nhiễm trùng tiểu ở trẻ em

    phòng ngừa nhiễm trùng tiểu ở trẻ em

    Thông thường, không có phương pháp ngăn ngừa tuyệt đối bệnh nhiễm trùng tiểu ở trẻ em. Thế nhưng, bạn vẫn có thể giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh bằng một số cách. Sau đây là những lời khuyên hữu ích bạn nên tham khảo:

    • Ưu tiên việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Điều này có thể giúp hệ thống miễn dịch của trẻ được cải thiện tốt và giảm nguy cơ táo bón.
    • Khi vệ sinh vùng kín cho trẻ, đặc biệt là bé gái, bạn cần đảm bảo luôn lau từ trước ra sau để ngăn vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào niệu đạo và gây nhiễm trùng tiểu.
    • Đảm bảo trẻ được bổ sung đủ lượng chất lỏng và đi vệ sinh thường xuyên. Đối với trẻ lớn hơn, bạn nên nhắc nhở trẻ không được nhịn tiểu. Bởi việc giữ nước tiểu trong bàng quang quá lâu cũng có thể tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng.
    • Đảm bảo trẻ mặc quần áo, đồ lót rộng rãi, thoải mái để giữ cho khu vực xung quanh niệu đạo luôn khô ráo.
    • Nếu trẻ gặp phải các vấn đề về đường tiết niệu như trào ngược bàng quang niệu quản, tắc nghẽn đường tiết niệu… Trẻ cần được điều trị những tình trạng này càng sớm càng tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu xảy ra hoặc tái đi tái lại.

    Nhìn chung, nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em là bệnh có thể điều trị được nhưng dễ tái phát nếu bạn không chú ý phòng ngừa cho con. Vì vậy,  nếu trẻ từng bị nhiễm trùng tiểu thì bạn cần theo dõi quan sát sự quay trở lại của bất kỳ triệu chứng nào để đưa trẻ đi khám kịp thời nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình

    Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 14/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo