backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh và những lưu ý cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 05/07/2022

    Cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh và những lưu ý cần biết

    Cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh cũng là vấn đề được nhiều ba mẹ quan tâm trong quá trình chăm sóc em bé. So với bé trai, vùng kín bé gái thường có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Do đó, việc vệ sinh hoặc chăm sóc vùng kín bé gái đúng cách khi tắm hoặc thay tã cho con là rất quan trọng.

    Nếu bạn cũng đang băn khoăn về vấn đề này thì có thể tham khảo ngay những hướng dẫn về cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh mà Hello Bacsi tổng hợp qua bài viết sau đây.

    Cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh

    Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, việc giữ cho bộ phận sinh dục của bé sạch sẽ là điều cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng. Đối với bé gái mới sinh, kem trị hăm tã, mồ hôi hoặc chất thải của bé (nước tiểu và phân) có thể đọng lại xung quanh môi âm hộ, đặc biệt là ở các nếp gấp. Vì vậy, bạn cần chú ý vệ sinh ở khu vực này để đảm bảo vùng kín của con luôn sạch sẽ. Sau đây là chi tiết cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh:

  • Đầu tiên, mẹ nên rửa sạch tay bằng nước và xà phòng trước khi vệ sinh vùng kín cho em bé. Song song đó, mẹ cần chuẩn một thau nước ấm và bông gòn hoặc khăn xô mềm, sạch.
  • Làm ẩm bông gòn hoặc khăn sạch bằng nước ấm. Tiếp theo, mẹ giữ hai chân của bé và bắt đầu lau nhẹ nhàng khu vực xung quanh vùng kín, mông và phần đùi trong của con theo nguyên tắc từ trước ra sau để tránh vi khuẩn, chất thải từ hậu môn lan qua âm đạo.
  • Sau đó là đến bước làm sạch môi âm hộ cho bé, bạn hãy sử dụng miếng bông hoặc khăn sạch khác đã được làm ẩm để lau dọc các nếp gấp từ trước ra sau. Điều này giúp loại bỏ các chất thải từ tã bẩn còn tồn đọng ở những vùng khó nhìn thấy.
  • Cuối cùng, sau khi đã hoàn thành việc vệ sinh vùng kín cho bé, mẹ dùng khăn mềm sạch để thấm khô vùng kín rồi mới mặc tã mới và quần áo cho con.
  • Có thể bạn quan tâm: Cách vệ sinh vùng kín cho bé trai

    Lưu ý khi vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh

    cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh

    Vệ sinh cơ thể lẫn vùng kín cho trẻ sơ sinh là những “đầu việc” hàng ngày bạn phải thực hiện. Do đó, bạn cần “nằm lòng” những lưu ý sau đây để bảo vệ sức khỏe của con và tránh gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục của bé:

    • Luôn đảm bảo nguyên tắc lau từ trước ra sau để ngăn vi khuẩn từ vùng hậu môn của bé lây lan sang âm đạo và niệu đạo gây nhiễm trùng.
    • Cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh an toàn là không thụt rửa để tránh gây tổn thương bộ phận sinh dục của bé.
    • Không dùng xà phòng, sữa tắm hoặc bất kỳ sản phẩm vệ sinh nào để rửa vùng kín của bé vì có thể gây kích ứng hoặc mất cân bằng độ pH tự nhiên.
    • Mẹ có thể dùng khăn giấy ướt thay bông gòn và khăn vải để lau vùng kín cho bé nhưng cần chọn sản phẩm không chứa cồn và hương liệu.
    • Việc rửa vùng kín cho trẻ bằng nước được đun kèm một số loại lá có thể không an toàn. Vì vậy, mẹ cần tránh tuyệt đối việc áp dụng cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh dựa trên mẹo dân gian không có cơ sở khoa học.
    • Mẹ cần nhớ lau khô vùng kín và mông của bé bằng khăn mềm sau khi tắm hoặc vệ sinh. Bôi kem chống hăm tã cho bé là điều cần thiết nhưng không nên lạm dụng. Thay vào đó, bạn có thể hạn chế lại thời gian mặc tã của con để tránh bị hăm.

    Một số vấn đề liên quan đến vùng kín của bé gái sơ sinh bạn có thể quan tâm

    Ngoài việc tìm hiểu cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh, bạn có thể quan tâm đến một số hiện tượng khác liên quan đến bộ phận sinh dục của bé, bao gồm:

    cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh

    Hiện tượng tiết dịch có lẫn máu

    Trong vài tuần đầu tiên sau sinh, bạn có thể nhận thấy bộ phận sinh dục của bé gái hơi sưng đỏ và nổi rõ. Âm đạo của trẻ cũng tiết dịch trong suốt hoặc màu trắng. Đáng chú ý nhất là khi được 2 – 3 ngày tuổi, bé gái sơ sinh có thể chảy một chút máu từ âm đạo. Đây là những hiện tượng bình thường vì cơ thể bé chịu ảnh hưởng của nội tiết tố từ mẹ truyền qua nhau thai khi còn trong bụng mẹ.

    Bạn có thể quan tâm Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z, cha mẹ đừng bỏ lỡ!

    Dính môi âm hộ ở trẻ sơ sinh

    Bộ phận sinh dục ngoài của nữ giới gồm hai môi lớn và hai môi bé chắn trước âm đạo và lỗ tiểu. Thông thường, hai môi bé sẽ tách rời nhau nhưng đôi khi bạn có thể phát hiện tình trạng dính môi âm hộ ở bé gái sơ sinh. Các mức độ dính có thể diễn ra từ nhẹ (dính một phần, che một phần âm đạo, lỗ tiểu không bị che lấp) đến nặng (dính hoàn toàn, che lấp âm đạo lẫn lỗ tiểu).

    Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến khả năng đi tiểu của bé, gây tích tụ dịch âm đạo và tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu dính ở mức độ nhẹ thì có thể tự khỏi khi trẻ đến tuổi dậy thì do nồng độ estrogen tăng lên. Nếu dính môi âm hộ nghiêm trọng, trẻ sẽ cần được phẫu thuật tách dính.

    Nhìn chung, cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh không quá phức tạp, khó khăn. Bạn chỉ cần “nằm lòng” một số lưu ý được chia sẻ trong bài viết thì đã có thể chăm sóc khu vực nhạy cảm của trẻ đúng cách và đảm bảo an toàn. Trong một số trường hợp, nếu phát hiện những bất thường trong quá trình vệ sinh vùng kín cho bé, chẳng hạn như tiết dịch âm đạo kéo dài hoặc dính môi âm hộ nghiêm trọng, thì bạn cần sớm đưa con đi khám nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 05/07/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo