backup og meta

Cách xử trí tăng đường huyết bất kỳ người tiểu đường nào cũng nên biết

Cách xử trí tăng đường huyết bất kỳ người tiểu đường nào cũng nên biết

Tăng đường huyết ảnh hưởng đến những người có bệnh tiểu đường. Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu để biết cách xử trí tăng đường huyết để đưa mức đường huyết về như cũ nhé!

Một vài thông tin về tăng đường huyết là gì

  • Tăng đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao hơn so với mức bình thường, cụ thể là chỉ số đường huyết trên 5,6 mmol/l. 5.6 – 7 mmol /l được xem là tiền tiểu đường, trên 7mmol/l và HbA1C ≥ 6,5 mmol.l có thể là tiểu đường tuýp 2.
  • Một số yếu tố có thể góp phần làm đường huyết tăng đột ngột ở những người bị bệnh đái tháo đường bao gồm chế độ dinh dưỡng không phù hợp, ít hoạt động thể chất, bệnh lý đi kèm, dùng thuốc hạ đường huyết không đủ liều lượng hoặc không đúng cách hay sử dụng những thuốc khác gây tăng đường huyết.
  • Việc điều trị tăng đường huyết là rất quan trọng. Bởi vì nếu không được điều trị, tình trạng này có thể nguy hiểm, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng phải cấp cứu, chẳng hạn như hôn mê tăng đường huyết.
  • Về lâu dài, thậm chí ngay cả khi không đến mức tăng đường huyết cấp cứu, việc đường huyết tăng cao lâu ngày sẽ dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến các cơ quan như não, mắt, tim, thận, thần kinh và mạch máu.

Triệu chứng tăng đường huyết là gì?

tăng đường huyết

Các dấu hiệu tăng đường huyết bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên, nhất là hay tiểu đêm
  • Hay khát nước, uống nước nhiều hơn
  • Hay đói bụng, ăn nhiều hơn
  • Sụt cân. 

Nếu tăng đường huyết đột ngột hoặc chỉ số đường huyết cao nghiêm trọng không được phát hiện và xử trí kịp thời người bệnh có thể rơi vào tình trạng nhiễm toan ceton hay tăng áp lực thẩm thấu máu rất nguy hiểm. Khi đó người bệnh sẽ:

  • Có triệu chứng nôn ói, đau bụng, thở nhanh và rối loạn ý thức như lú lẫn, ngủ gà, lơ mơ hay hôn mê.
  • Xét nghiệm thấy lượng đường trong máu cao và lượng đường trong nước tiểu cao
  • Có thể có thể ceton xuất hiện trong máu hay nước tiểu khi đường huyết > 250 mg/dl.

Một lưu ý quan trọng trong việc theo dõi bệnh tiểu đường là hãy kiểm tra đường huyết thường xuyên. Hãy hỏi bác sĩ về khoảng thời gian cần kiểm tra định kỳ và lượng đường trong máu hợp lý.

Việc kiểm tra chỉ số đường huyết và có cách xử trí tăng đường huyết sớm sẽ góp phần giúp bạn tránh được những rủi ro nghiêm trọng kể trên.

Cách xử trí tăng đường huyết

Đường huyết tăng cao phải làm sao?

  • Nếu bạn bị đái tháo đường và phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào sớm về tăng đường huyết đột ngột, hãy nhanh chóng kiểm tra lượng đường trong máu và gọi ngay cho bác sĩ, để được tư vấn cách hạ đường huyết khẩn cấp.
  • Trong trường hợp tăng đường huyết khẩn cấp, nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm toan ceton và tăng áp lực thẩm thấu máu, đặc biệt là các trường hợp đái tháo đường típ 1, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay để được điều trị cấp cứu.

Cách xử trí tăng đường huyết nhẹ tại nhà

Trường hợp các triệu chứng tăng đường huyết nhẹ, người bệnh vẫn tỉnh táo ăn uống được thì cần thực hiện cách xử trí tăng đường huyết sau:

  • Bạn hãy uống nhiều nước hơn. Nước có thể giúp loại bỏ lượng đường thừa trong máu của bạn thông qua nước tiểu, và giúp bạn tránh bị mất nước.
  • Dùng thuốc theo chỉ định. Bạn nên uống thuốc theo đơn thuốc đã kê của bác sĩ. Không nên tự ý thay đổi khi chưa thông qua ý kiến của bác sĩ.
  • Thay đổi thói quen ăn uống của bạn. Bạn nên giảm các thức ăn ngọt, nhiều đường, nhiều tinh bột. Nếu cần, bạn nên đi khám để nhờ bác sĩ điều chỉnh lại thực đơn.
  • Tập thể dục. Vận động nhiều có thể giúp bạn giảm lượng đường trong máu. Nhưng trong điều kiện nhất định, nó có thể làm cho lượng đường trong máu trở nên cao hơn. Hãy hỏi bác sĩ điều trị về các bài tập phù hợp với bạn.
  • Nên đi tái khám sớm để được bác sĩ đánh giá và điều chỉnh liều thuốc.

cách xử trí tăng đường huyết

Khi nào nên đến gặp bác sĩ ngay?

Bạn xuất hiện triệu chứng tăng đường huyết hay thử đường huyết cao và:

  • Bạn đang cảm thấy mệt mỏi, bị ốm hoặc nôn ói, đau bụng.
  • Bạn đang thở nhanh hơn bình thường hoặc tim bạn đập nhanh hơn bình thường.
  • Bạn cảm thấy buồn ngủ hoặc đang cố gắng để tỉnh táo.
  • Hơi thở của bạn có mùi trái cây. 
  • Bạn cảm thấy bối rối hoặc khó tập trung.
  • Bạn có lượng ceton cao trong máu hoặc nước tiểu.

Đây có thể là những dấu hiệu bệnh đang nặng lên.

Cần làm gì để phòng ngừa tăng đường huyết? 

cách xử trí và phòng ngừa tăng đường huyết

Điều tốt nhất bạn nên làm đó là tập quản lý tốt bệnh tiểu đường và học cách xử trí tăng đường huyết kịp thời trước khi nó nặng hơn. Các gợi ý sau đây có thể giúp bạn giữ lượng đường trong máu ở mức phù hợp:

  • Hãy tuân thủ chế độ dinh dưỡng khuyến cáo cho người bệnh tiểu đường, biết người tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì.
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định, hiểu rõ về liều dùng, thời gian dùng và cách dùng. 
  • Theo dõi đường huyết thường xuyên. Tùy theo kế hoạch điều trị, bạn có thể kiểm tra và ghi lại mức độ đường trong máu một vài lần trong một tuần hoặc nhiều lần trong ngày. Điều này giúp đảm bảo rằng mức độ đường trong máu vẫn đang bám sát mục tiêu điều trị và cũng giúp bạn sớm có cách xử trí tăng đường huyết (nếu có). Cần thận trọng ngay khi lượng đường trong máu tăng cao hoặc giảm thấp hơn mức cho phép.
  • Hạn chế uống rượu bia và dùng các chất kích thích
  • Không hút thuốc lá
  • Giảm cân nếu thừa cân. 
Đường huyết tăng cao thường xuyên có thể khiến bệnh đái tháo đường xấu hơn. Hy vọng bài viết đã giúp bạn biết cách xử trí tăng đường huyết để bảo vệ sức khỏe nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hyperglycemia in diabetes.

http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperglycemia/basics/prevention/con-20034795.

Ngày truy cập: 10/2/2023

Managemant of Hyperglycemia in Type 2 Diabetes

https://diabetesjournals.org/care/article/41/12/2669/36544/Management-of-Hyperglycemia-in-Type-2-Diabetes

Ngày truy cập: 10/2/2023

Hyperglycemia (High Blood Sugar)

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9815-hyperglycemia-high-blood-sugar

Ngày truy cập: 10/2/2023

High Blood Sugar (Hyperglycaemia)

https://www.nhs.uk/conditions/high-blood-sugar-hyperglycaemia/#

Ngày truy cập: 10/2/2023

Manage Blood Sugar

https://www.cdc.gov/diabetes/managing/manage-blood-sugar.html

Ngày truy cập: 10/2/2023

Phiên bản hiện tại

19/03/2024

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Bảng chỉ số đường huyết: Biết để kiểm soát bệnh tốt hơn!

Đường huyết tăng cao vào ban đêm thì bạn nên làm gì?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

Khoa nội tiết · Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 19/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo