backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Đường huyết tăng cao vào ban đêm thì bạn nên làm gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 15/12/2021

Đường huyết tăng cao vào ban đêm thì bạn nên làm gì?

Đường huyết tăng cao vào ban đêm không phải là tình trạng hiếm gặp ở người bệnh tiểu đường. Tại sao lượng đường trong máu của bạn lại tăng vào ban đêm, và bạn có thể làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Đường huyết tăng cao vào ban đêm là tình trạng như thế nào?

Đường huyết tăng cao vào ban đêm là tình trạng thường xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường.

Những người mắc bệnh tiểu đường đang cố gắng duy trì mức độ ổn định, nhưng đôi khi rất khó để tránh mức đường huyết tăng đột ngột vào những thời điểm nhất định trong ngày, mà đặc biệt là vào ban đêm. 

Mức đường huyết tăng cao khi đạt trên 126 mg/dL (7,0 mmol/L) lúc đói hoặc trên 200 mg/dL (11,1 mmol/L) vào khoảng 2 giờ sau khi ăn. Tình trạng tăng đường huyết đột ngột vào ban đêm xảy ra khi bạn đang thư giãn, nghỉ ngơi hoặc thậm chí trong khi ngủ và có thể kéo dài cho đến tận sáng hôm sau khi bạn thức dậy.

Việc giữ mức đường huyết ổn định qua đêm sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn, sức khỏe tốt hơn và góp phần kiểm soát bệnh tiểu đường.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng đường huyết tăng cao vào ban đêm

triệu chứng đường huyết tăng cao vào ban đêm

Nếu lượng đường huyết tăng cao vào ban đêm, bạn có thể gặp phải các triệu chứng của tăng đường huyết, bao gồm: 

  • Ngủ không ngon giấc
  • Thức giấc thường xuyên để đi tiểu hoặc uống nước
  • Đau đầu
  • Khô miệng
  • Khát nước
  • Nhìn mờ
  • Mệt mỏi, khó chịu
  • Hụt hơi
  • Buồn nôn và ói mửa.

Nếu bị tăng đường huyết vào ban đêm khi đang ngủ, bạn có thể bị tỉnh giấc với một số triệu chứng được đề cập ở trên.

Biến chứng

Đường huyết tăng cao vào ban đêm có nguy hiểm không?

Thỉnh thoảng đường huyết tăng cao vào ban đêm thường không gây ra mối lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe. Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường không thể tránh khỏi có mức đường huyết cao vào một số thời điểm trong ngày. 

Tuy nhiên, đường huyết tăng cao thường xuyên trong thời gian dài, đặc biệt là ở mức cực cao (trên 250 mg/dl) có thể gây nguy hiểm. Tăng đường huyết kéo dài có thể gây tổn thương mạch máu và các dây thần kinh, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ở mắt, tim, thận và các cơ quan khác trên cơ thể.

Ngoài ra, mức đường huyết rất cao có thể dẫn tới nhiễm toan ceton do tiểu đường. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và có thể đe dọa đến tính mạng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân khiến đường huyết tăng cao vào ban đêm là gì?

Tại sao đường huyết tăng đột ngột vào ban đêm? Có nhiều yếu tố có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng lên vào ban đêm. Chẳng hạn như: những loại thức ăn đã ăn trong ngày, lượng thức ăn nạp vào, thời gian tập thể dục, có ăn đồ ăn nhẹ trước khi đi ngủ hay không, cũng như thời gian sử dụng liều insulin và mức độ căng thẳng thần kinh.

nguyên nhân khiến đường huyết tăng cao vào ban đêm

Cụ thể như sau:

  • Ăn quá gần giờ đi ngủ: Khi bạn ăn vặt hay ăn tối muộn quá gần giờ đi ngủ thì lượng đường huyết sẽ tăng đột biến sau bữa ăn và có thể dẫn đến mức đường huyết cao qua đêm. Đặc biệt, nếu bạn nạp vào cơ thể các loại thực phẩm giàu chất béo, nhiều bột đường.
  • Điều trị bệnh tiểu đường type 2 chưa hợp lý: Nếu bạn bị tiểu đường type 2, việc điều trị không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng kháng insulin vào ban đêm; hoặc bạn đã bỏ lỡ liều thuốc hạ đường huyết có thể gây ra mức đường huyết cao vào ban đêm, thậm chí cả ban ngày.
  • Liều lượng insulin dùng không đủ để ổn định mức đường huyết qua đêm: Một nguyên nhân nữa khiến đường huyết tăng cao vào ban đêm là do liều dùng insulin trước khi đi ngủ không còn đủ để duy trì mức đường huyết ổn định cho đến sáng hôm sau. Hoặc do bạn đã dùng liều insulin trước khi đi ngủ ít hơn quy định.
  • Hiện tượng bình minh: Đây là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao xảy ra từ 2h – 8h sáng. Khi chuẩn bị thức dậy, cơ thể sẽ phát tín hiệu cho gan giải phóng glucose dự trữ để có đủ năng lượng cho ngày mới. Cơ thể cũng sẽ tiết ra những hormone (hormone tăng trưởng, cortisol, glucagon và epinephrine) làm giảm tính nhạy cảm của insulin với tế bào. Cuối cùng, đường huyết sẽ tăng lên.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đường huyết tăng cao vào ban đêm?

Bạn có thể có lượng đường huyết cao trước khi đi ngủ, hoặc vài giờ sau khi ngủ, hoặc đường huyết tăng cao suốt đêm cho đến vài giờ ngay trước khi thức dậy.

Vì vậy, trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi thăm các triệu chứng và đề nghị bạn:

  • Kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ.
  • Kiểm tra lượng đường trong máu trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến 3 giờ sáng.
  • Kiểm tra lượng đường trong máu ngay sau khi bạn thức dậy. 

Lượng đường trong máu có thể tăng cao vào nhiều thời điểm khác nhau trong một đêm. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần phải kiểm tra mức đường huyết thường xuyên để cung cấp những thông tin chính xác cho bác sĩ nhằm tìm ra phương pháp ổn định đường huyết tốt nhất.

Những phương pháp điều trị tình trạng đường huyết tăng cao vào ban đêm

điều trị đường huyết tăng cao

Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào thời gian mà đường huyết tăng cao trong đêm. Cụ thể như sau:

  • Nếu lượng đường huyết trước khi đi ngủ đã cao và kéo dài trong suốt cả đêm: Bác sĩ có thể đề nghị bạn tránh ăn quá gần giờ đi ngủ, ăn tối ít bột đường và ngừng ăn vặt sau bữa tối; tăng liều insulin.
  • Nếu đường huyết tăng cao trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến 3 giờ sáng: Lúc này, bạn có thể cần điều chỉnh liều lượng và thời gian sử dụng insulin. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có liều dùng insulin trước khi đi ngủ hợp lý nhất, tránh tình trạng hạ đường huyết ban đầu nhưng lại tăng cao đột ngột về sau.
  • Nếu đường huyết tăng cao sau 3 giờ sáng khi bạn chuẩn bị thức dậy: Trong trường hợp này, bạn có thể cần dùng insulin càng gần giờ đi ngủ càng tốt để duy trì ổn định đường huyết cho đến sáng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc hạ đường huyết để giải quyết tình trạng đường huyết tăng cao qua đêm.

Đối với một số người mắc bệnh tiểu đường, một bữa ăn nhẹ lành mạnh có ít chất bột đường, giàu protein và chất béo lành mạnh trước khi đi ngủ có thể giúp ổn định lượng đường trong suốt đêm và tránh tình trạng tăng cao vào buổi sáng sớm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 15/12/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo