Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hoạt động cần thiết để tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ trước các mầm bệnh. Đó là lý do ngay sau khi chào đời thì em bé đã được tiêm phòng và lịch chủng ngừa của trẻ kéo dài trong suốt quá trình lớn lên. Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giải đáp chi tiết đối với riêng thắc mắc trẻ 2 tháng tiêm mũi gì để bạn tham khảo.
Song song với lợi ích của tiêm phòng thì trẻ cũng có thể gặp tác dụng phụ sau khi tiêm như sốt, phát ban… Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng vì những phản ứng này là bình thường. Nếu có thắc mắc về bất kỳ loại vaccine nào và tác dụng phụ của thuốc thì bạn hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nhé!
Trẻ 2 tháng tiêm mũi gì? Những thông tin bạn cần biết
Khi trẻ được 2 tháng tuổi, em bé sẽ cần được tiêm những loại vaccine sau đây để giúp trẻ phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm:
Tiêm mũi 2 phòng bệnh viêm gan B (HepB)
Viêm gan B (HepB) là một bệnh gan do virus gây ra. Trẻ sơ sinh thường được tiêm vaccine phòng viêm gan B ngay sau khi chào đời. Khi trẻ được 2 tháng tuổi thì sẽ được tiêm nhắc lại mũi 2 và liều cuối cùng là tiêm vào giữa giai đoạn trẻ được 6 – 18 tháng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), thuốc chủng ngừa HepB là an toàn đối với trẻ sơ sinh. Sau khi tiêm, bé có thể bị đau tại chỗ tiêm và sốt nhẹ là điều bình thường.
Trẻ 2 tháng tiêm mũi gì? Trẻ cần tiêm vaccine chủng ngừa DTaP
Vaccine chủng ngừa DTaP giúp trẻ phòng ngừa các bệnh khác nhau chỉ trong một mũi tiêm. Trong đó bao gồm các bệnh như:
- Bệnh bạch hầu: Đây là bệnh nhiễm trùng cổ họng nghiêm trọng do vi khuẩn gây ra, có thể gây khó thở và suy tim. Trước khi có vaccine phòng ngừa, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong ở trẻ em với tỷ lệ 1/5 trường hợp nhiễm bệnh.
- Uốn ván: Căn bệnh này do một loại vi khuẩn nguy hiểm gây ra. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua vết cắt trên da và sau đó tiết ra một loại độc tố gây tê liệt cơ, thậm chí có thể gây tử vong.
- Ho gà: Đây là một loại bệnh ho nghiêm trọng khiến người nhiễm bệnh có thể ho dữ dội không kiểm soát, thậm chí là khó thở. Ho gà rất dễ lây lan và có thể gây tử vong, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh.
Chủng ngừa DTaP được tiêm liều đầu tiên khi trẻ được 2 tháng tuổi. Các liều tiêm nhắc lại sau đó có thể được tiến hành khi:
- Trẻ 4 tháng tuổi: Tiêm mũi 2
- Trẻ 6 tháng tuổi: Tiêm mũi 3
- Trẻ từ 15 đến 18 tháng tuổi: Tiêm mũi 4
- Trẻ từ 4 đến 6 tuổi: Tiêm mũi 5
Vaccine phế cầu khuẩn (PCV13)
Vaccine phế cầu ngừa bệnh do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae gây ra. Khi những vi khuẩn này xâm nhập vào phổi sẽ gây ra viêm phổi. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết và xâm nhập vào não gây viêm màng não rất nguy hiểm.
Ngoài ra, vi khuẩn phế cầu cũng có thể gây nhiễm trùng tai (viêm tai giữa) ở trẻ khiến em bé cảm thấy đau đớn. Vì vậy, trẻ sơ sinh cần được chủng ngừa phế cầu để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh. Thuốc chủng ngừa PCV13 bảo vệ trẻ chống lại 13 chủng phế cầu khuẩn gây bệnh. Trong đó, liều vaccine phế cầu khuẩn đầu tiên cần được tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi. Các mũi nhắc lại cần thực hiện theo thứ tự:
- Trẻ 4 tháng tuổi: Tiêm mũi 2
- Trẻ 6 tháng tuổi: Tiêm mũi 3
- Trẻ 12 – 15 tháng tuổi: Tiêm mũi 4.
Vaccine Haemophilus influenzae loại b (Hib)
Vi khuẩn Haemophilus influenzae loại b (Hib) là loại vi khuẩn thường gây bệnh nghiêm trọng bao gồm nhiễm trùng tai, viêm phổi và viêm màng não. Hơn nữa, trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng do vi khuẩn Hib. Bệnh có thể gây tử vong ở 1/20 trẻ nhiễm và phát triển bệnh nên việc tiêm phòng là rất quan trọng. Lịch chủng ngừa Hib cho trẻ diễn ra như sau:
- Trẻ 2 tháng tuổi: Tiêm mũi 1
- Trẻ 4 tháng tuổi: Tiêm mũi 2
- Trẻ 6 tháng tuổi: Tiêm mũi 3
- Trẻ 12 – 15 tháng tuổi: Tiêm mũi 4
Trẻ 2 tháng tiêm mũi gì? Vaccine phòng bại liệt (IPV)
Bệnh bại liệt là bệnh do virus tấn công hệ thần kinh gây ra. Khi tủy sống bị ảnh hưởng có thể gây tê liệt tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong một số trường hợp, bại liệt cũng có thể gây tử vong. Hơn nữa, trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus gây bại liệt nên cần tiêm phòng đầy đủ theo lịch trình:
- Trẻ 2 tháng tuổi: Tiêm mũi 1
- Trẻ 4 tháng tuổi: Tiêm mũi 2
- Trẻ 6 – 18 tháng tuổi: Tiêm mũi 3
- Trẻ 4 – 6 tuổi: Tiêm mũi 4.
Vaccine phòng ngừa tiêu chảy do Rotavirus
Rotavirus là một loại virus phổ biến thường gây tiêu chảy và nôn mửa ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị tiêu chảy nghiêm trọng sẽ dẫn đến mất nước, thậm chí là đe dọa tính mạng. Hơn nữa, loại virus này cũng rất dễ lây lan thông qua tã bẩn, đồ chơi, trẻ mút tay nhiễm khuẩn… Vì vậy, trẻ nhỏ cần được sớm chủng ngừa Rotavirus để ngăn chặn nguy cơ tiêu chảy.
Vaccine phòng bệnh do Rotavirus là dạng thuốc dùng bằng đường uống thay vì tiêm chích. Tùy thuộc vào nhãn hiệu thuốc mà vaccine có thể gồm 2 hoặc 3 liều. Trong đó:
- Trẻ 2 tháng tuổi: Chủng ngừa Rotavirus lần 1
- Trẻ 4 tháng tuổi: Chủng ngừa Rotavirus lần 2
- Trẻ 6 tháng tuổi: Chủng ngừa Rotavirus lần 3.
Có thể bạn quan tâm: Lịch tiêm chủng mới nhất năm 2022 cho trẻ em dưới 1 tuổi theo khuyến cáo của WHO
Trẻ 2 tháng tuổi gặp tác dụng phụ sau tiêm vaccine mẹ nên làm gì?
Bên cạnh thắc mắc về vấn đề trẻ 2 tháng tiêm mũi gì để ngừa bệnh? Nhiều mẹ cũng quan tâm đến việc trẻ gặp tác dụng phụ sau tiêm phòng nên làm thế nào? Thực tế là hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không gặp tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi chủng ngừa các loại vaccine kể trên. Đôi khi, trẻ có phản ứng nhẹ với vaccine như đau tại chỗ tiêm, phát ban, mệt mỏi, sốt nhẹ… Nhưng phản ứng này là bình thường và sẽ sớm hết. Mẹ có thể giúp em bé cảm thấy đỡ khó chịu bằng những cách sau đây:
- Cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên hơn để giúp cơ thể trẻ luôn nhận đủ nước, giảm đau, giảm khó chịu.
- Dùng khăn sạch ẩm và mát để đắp lên chỗ tiêm giúp giảm sưng tấy vết tiêm.
- Tắm rửa cho trẻ bằng nước âm ấm, không quá nóng không quá lạnh.
- Nếu trẻ sốt cao, quấy khóc, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc cho bé dùng thuốc giảm đau hạ sốt.
- Sau khi trẻ tiêm vaccine, bạn nên quan sát theo dõi phản ứng của trẻ trong vài ngày. Nếu trẻ có triệu chứng bất thường thì nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
Hy vọng qua bài viết trên đã cung cấp cho bạn thông tin cần thiết về vấn đề trẻ 2 tháng tiêm mũi gì? Có thể nói, chủng ngừa là hoạt động quan trọng để giúp bé được bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm trùng và phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, bạn không nên bỏ qua việc cho trẻ tiêm phòng theo lịch tiêm chủng được khuyến cáo nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]