Bạn đọc hỏi
Chào bác sĩ,
Con em 2 tuổi 7 tháng, rất nhỏ con, đi khám dinh dưỡng, bác sĩ kết luận bé bị bệnh còi xương nên có kê toa cho thuốc bổ và tư vấn về chế độ ăn. Em cho con uống thuốc và ăn theo tư vấn đã 3 tháng mà không thấy có biểu hiện cải thiện.
Nhờ bác sĩ cho em hỏi, trẻ bị còi xương nên ăn gì để mau hết bệnh? Làm thế nào để khắc phục bệnh còi xương của bé một cách nhanh chóng ạ?
Hòa An Nguyễn, Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương
Bác sĩ trả lời
Chào bạn Hòa An Nguyễn,
Với câu hỏi trẻ bị còi xương nên ăn gì và cách khắc phục bệnh của bé, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm hiện đang công tác tại khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương, từng công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 giải đáp như sau:
1. Trẻ bị còi xương nên ăn gì? Nguyên tắc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ còi xương
Để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ còi xương và phòng còi xương nói chung cho trẻ nhỏ, cha mẹ cần:
- Với trẻ còn bú mẹ: Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn.
- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm: Cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi và vitamin D (sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh, gan động vật, dầu cá, lòng đỏ trứng…) và dầu mỡ. Cần xóa bỏ quan niệm cho trẻ ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được bệnh còi xương. Ngoài ra, một số thức ăn khác như bột dinh dưỡng cho trẻ em, thức ăn chế biến sẵn, bột mì cũng được tăng cường thêm vitamin D. Nhưng lưu ý nguồn thức ăn này chỉ cung cấp rất ít vitamin D, khoảng 20-40UI/ngày.
- Bổ sung dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ: Vì Vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D đầy đủ, trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương.
2. Trẻ bị còi xương nên ăn gì? Gợi ý các món ăn phù hợp cho trẻ còi xương
Trở lại với thắc mắc của bạn Hòa An Nguyễn về việc “trẻ bị còi xương nên ăn gì?”, bác sĩ xin trả lời là đối với trẻ từ 2 – 3 tuổi, cha mẹ nên cho trẻ ăn 4 bữa mỗi ngày để đảm bảo đủ năng lượng. Nguyên do là bởi trẻ thường ham chơi, ít chú ý đến ăn nên mỗi bữa thường ăn rất ít. Số bữa ăn trong ngày của trẻ:
- 2 bữa cơm mềm ăn với các loại thức ăn chế biến từ thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu đỗ, rau xanh và dầu mỡ.
- 2 bữa: cháo hoặc súp, bún, phở, mì, sữa.
- Ăn hoa quả chín sau các bữa ăn theo nhu cầu của trẻ. Không cho trẻ ăn vặt (bánh kẹo…) trước bữa ăn.
Trẻ bị còi xương nên ăn gì? Lượng thực phẩm trong ngày dành cho trẻ cần đảm bảo:
- Cơm gạo: 150 – 200g, nếu ăn bún, mì, phở thì giảm bớt lượng gạo
- Thịt 40g, cá, tôm, cua: 120 – 150g
- Rau xanh: 150 – 200g
- Sữa: 400 – 500 ml
- Dầu mỡ: 1 muỗng (5g) mỗi bữa
Trẻ bị còi xương nên ăn gì? Gợi ý thực đơn trong ngày cho trẻ:
- Bữa sáng:
- Sữa đậu nành (hoặc sữa bò): 200-250ml + Bánh mì: 1/2 cái
- Cháo thịt heo (thêm gan heo): 1 chén + quýt ngọt: 1 quả
- Súp thịt bò khoai tây
- Bữa trưa/tối:
- Cơm: 1 chén, trứng trộn thịt gà rán, rau muống xào, canh cua mồng tơi rau đay, dưa hấu 1 miếng (200g)
- Cơm: 1 chén, cá sốt cà chua, canh cải nấu tôm, xoài chín: 200g
- Cháo tôm
- Phở thịt bò: 1 chén, đu đủ: 200g
3. Hướng dẫn cách phòng ngừa và biện pháp khắc phục tình trạng còi xương ở trẻ
Để phòng ngừa và khắc phục tình trạng còi xương ở trẻ nhỏ, cha mẹ hãy:
- Với mẹ: Để phòng bệnh cho trẻ nhỏ hiệu quả, các bà mẹ nên phòng từ khi có thai bằng cách:
- Mẹ nên tiếp xúc ánh nắng hàng ngày, không kiêng nắng, kiêng ăn, đảm bảo chế độ ăn đa dạng và cân bằng
- Mẹ nên bổ sung vitamin D ở 3 tháng cuối của thời kỳ thai kỳ.
- Với bé:
- Ăn uống: Tốt nhất là cho bú mẹ hoàn toàn. Sau giai đoạn cai sữa cần tiếp tục cho trẻ uống sữa công thức theo nhu cầu lứa tuổi, tăng các loại đạm từ tôm cua cá trong các cữ bột cháo hàng ngày. Tránh cho trẻ ăn dặm quá sớm khi trẻ mới 3, 4 tháng tuổi rất dễ gây còi xương. Không dùng sữa bò tươi cho trẻ dưới 1 tuổi .
- Tắm nắng, chơi ngoài trời với thời gian thích hợp 10-15 phút mỗi ngày.
- Bổ sung thêm vitamin D 400UI/ngày ở những trẻ bú mẹ. Nhu cầu vitamin D là 600UI/ngày cho trẻ trên 12 tháng. Đối với trẻ bú sữa công thức, cần chú ý lượng vitamin D trong thành phần sữa để bổ sung thêm liều phù hợp. Những trường hợp trẻ sanh non và nhẹ cân, nên bổ sung thêm canxi và phốt pho.
Việc điều trị còi xương cần biết nguyên nhân do thiếu chất gì, thông thường do thiếu vitamin D. Ngoài ra , trẻ bị còi xương có thể do thiếu canxi hay photpho. Việc thực hiện các xét nghiệm máu đơn giản có thể xác định nguyên nhân còi xương. Bạn nên cho trẻ tái khám đúng lịch để bác sĩ kiểm tra và đánh giá diễn tiến bệnh của trẻ, có thể cân nhắc tìm thêm những nguyên nhân khác.
Bạn có thể xem thêm các bài viết:
Dinh dưỡng cho bé 3 tuổi – Mách bạn cách xây dựng chế độ ăn cho bé
Thực đơn cho bé tập ăn cơm với món cơ bản và phù hợp với tiêu hóa của trẻ
Hỏi đáp Bác sĩ: Có nên xay cơm cho bé ăn dặm? Cho trẻ ăn cơm xay có tốt không?
Trân trọng!
Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
[embed-health-tool-vaccination-tool]