Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng khá phổ biến ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên do virus Epstein Barr gây ra. Để bảo vệ trẻ, tốt nhất bạn nên hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị căn bệnh này nhé.
Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn còn được gọi là bệnh sốt viêm tuyến bạch cầu hoặc bệnh của những nụ hôn. Bệnh được gọi là căn bệnh của những nụ hôn vì nó thường lây lan qua nước bọt. Do đó, nó rất phổ biến ở trẻ vị thành niên. Ở các nước đang phát triển, bệnh này thường gặp ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, trong khi ở những nước phát triển, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ vị thành niên.
Khoảng 95% người trưởng thành bị nhiễm virus này và nó ẩn giấu trong cơ thể họ. Đôi khi, virus này sẽ hoạt động một lần nữa và lây lan sang mọi người xung quanh.
Triệu chứng của bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn
Các triệu chứng của bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn rất mơ hồ và giống với những triệu chứng của các bệnh nhiễm virus thông thường khác. Vì vậy, để chẩn đoán được bệnh này không phải là một việc dễ dàng. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài khoảng 6 tuần. Điều đó có nghĩa là các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 6 tuần trẻ bị nhiễm virus.
Những triệu chứng này bao gồm sốt cao hơn 40°C kéo dài trong 1 – 2 tuần, đau họng nghiêm trọng (triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn). Ngoài sốt, các hạch ở cổ, gan và lá lách cũng sẽ bị sưng. Điều này có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nuốt và hít thở. Nếu triệu chứng này trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Các hạch bạch huyết khác trong cơ thể, ví dụ như ở háng, nách… cũng có thể bị sưng to. Bạn nên đảm bảo rằng trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ.
Ngoài các triệu chứng trên, còn có các triệu chứng khác như buồn nôn, đau cơ, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi… Các triệu chứng này có thể kéo dài trong khoảng 2 tháng và thậm chí lên đến 4 tháng. Sau đó, các triệu chứng sẽ biến mất và virus sẽ rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Virus này có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nhưng điều này hiếm gặp. Hai biến chứng thường gặp của bệnh này là ung thư biểu mô vòm họng và bệnh lymphôm Burkitt. Cả hai bệnh này đều là do virus Epstein Barr gây ra nhưng nó không phổ biến.
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn chủ yếu dựa trên sự nghi ngờ. Nếu các triệu chứng rất nhẹ, thậm chí bác sĩ cũng không thể chẩn đoán được bệnh này.
Thường có sự nhầm lẫn giữa bệnh viêm họng liên cầu khuẩn và bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Nếu rơi vào trường hợp này, để xác định chắc chắn, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vòm họng.
Xét nghiệm công thức máu cũng được thực hiện để kiểm tra sự hiện diện của tế bào bạch huyết không điển hình trong máu. Nếu trẻ có khả năng mắc bệnh này thì số lượng tế bào bạch cầu sẽ tăng lên. Số lượng bạch cầu trung tính (neutrophil) và tiểu cầu cũng thấp hơn bình thường. Ngoài ra, gan cũng có thể không hoạt động bình thường.
Xét nghiệm monospot là một xét nghiệm tầm soát nhanh để xác định một loại kháng thể (kháng thể heterophil) được hình thành trong một số nhiễm trùng nhất định. Xét nghiệm monospot thường phát hiện được kháng thể trong 2 đến 9 tuần sau khi bạn bị nhiễm. Do đó, khi mới bắt đầu có triệu chứng, xét nghiệm này sẽ không có tác dụng.
Phương pháp điều trị
Đây là bệnh do virus gây ra nên không thể dùng kháng sinh để điều trị. Nếu bệnh này bị nhầm lẫn với bệnh do vi khuẩn gây ra và được điều trị bằng kháng sinh thì nó có thể gây ra những phản ứng phụ không tốt. Mặc dù có một số loại thuốc chống virus nhưng nhìn chung, chúng cũng không thực sự có hiệu quả.
Để giảm sốt, bạn có thể dùng paracetamol (liều lượng cần phải được theo dõi kỹ lưỡng và phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống). Không nên dùng aspirin trong bất kỳ trường hợp nào vì nó có thể dẫn tới một biến chứng rất nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye. Đau họng được điều trị bằng Benadryl hoặc một số loại thuốc giảm đau khác. Bạn nên cho trẻ uống nhiều nước để hạn chế mất nước.
Nếu amiđan bị sưng to thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ, sau đó sẽ kiểm soát bằng thuốc steroid. Tuy nhiên, đây không phải là tình trạng phổ biến.
Biến chứng có thể xảy ra
Thông thường các triệu chứng của bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn khá nhẹ và nó không gây nguy hiểm cho cuộc sống. Thế nhưng, bệnh này vẫn có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Amiđan sưng to nghiêm trọng gây khó nuốt và khó thở cũng là một biến chứng nguy hiểm. Tình trạng mất nước nghiêm trọng cũng có thể xảy ra.
Không có bằng chứng nào cho thấy thai nhi được sinh ra từ một người mẹ mắc phải chứng bệnh này có các biểu hiện dị dạng hay dấu hiệu nào của bệnh. Trẻ sinh ra khỏe mạnh.
Các biến chứng hiếm gặp khác của bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn là viêm màng não, viêm cơ tim, hội chứng Guillian Barre (hội chứng hệ miễn dịch tấn công vào một phần hệ thần kinh ngoại biên, gây liệt hoặc yếu cơ nếu không được chữa trị kịp thời).
Phòng ngừa bệnh
Hiện vẫn chưa có thuốc chủng ngừa cho các trường hợp nhiễm Epstein Barr. Bệnh lan truyền qua nước bọt, do đó nó phổ biến ở trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, nó cũng có thể lây truyền nếu bạn để cho trẻ dùng chung các loại vật dụng như ống hút, bàn chải đánh răng…
Cách ngăn ngừa tốt nhất căn bệnh này là để trẻ tránh xa những người đang bị bệnh. Ngoài ra, vệ sinh các vật dụng cá nhân của trẻ sạch sẽ.
Cần phải lưu ý rằng trẻ nên được bảo vệ khỏi căn bệnh này vì khi bị nhiễm bệnh, virus sẽ ẩn nấp trong cơ thể trẻ đến suốt cuộc đời.
Nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm khi bị bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn
Chế độ ăn là một trong những điều đầu tiên mà bạn nên thay đổi khi trẻ bị nhiễm virus Epstein Barr để ngăn ngừa các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Dưới đây là một số gợi ý mà bạn có thể cân nhắc:
- Ăn các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh. Các thực phẩm có axit béo omega-3 nên được bổ sung vào chế độ ăn của trẻ để giúp giảm viêm. Các loại thực phẩm giàu chất béo omega-3 cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp tăng tốc độ hồi phục. Một số thực phẩm có lượng chất béo cao là bơ, các loại hạt, cá hồi…
- Uống nhiều nước. Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh này. Sốt có thể dẫn đến mất nước và khiến các triệu chứng khác trở nên tồi tệ hơn. Hãy chắc chắn rằng bạn cho trẻ uống đủ nước để ngăn cơ thể mất chất lỏng. Uống nước chanh cũng có thể giúp giảm đau họng, một triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh.
- Ăn trái cây và rau củ. Trái cây và rau củ có chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa, có thể giúp hệ miễn dịch đối phó với virus. Ngoài ra, rau và trái cây cũng giúp loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể.
- Thêm các loại thức ăn giàu đạm vào chế độ ăn của trẻ. Thực phẩm giàu chất đạm giúp duy trì sức khỏe của tế bào và thúc đẩy sự phục hồi của cơ thể. Protein cũng giúp hệ miễn dịch của bạn phát triển tốt hơn. Các thực phẩm chứa nhiều protein là gà, cá, trứng… Tuy nhiên, không nên cho trẻ ăn quá nhiều protein vì bổ sung quá mức có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
[embed-health-tool-vaccination-tool]