Bệnh Kawasaki là bệnh lý nguy hiểm bởi các triệu chứng rất dễ gây nhầm lẫn. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ bị viêm tắc và giãn tĩnh mạch vành, dẫn đến trụy tim và thậm chí tử vong.
Bệnh Kawasaki là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tim ở trẻ em. Bệnh này thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ từ 1-2 tuổi. Hiệp hội Bệnh Kawasaki tại Mỹ ước tính có khoảng 4.200 trẻ em mắc phải căn bệnh này mỗi năm. Dù có thể ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên thuộc mọi vùng miền trên thế giới nhưng trẻ có gốc châu Á và Thái Bình Dương có nhiều nguy cơ hơn. Bé trai cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bé gái.
Bệnh Kawasaki là gì?
Kawasaki còn gọi là hội chứng hạch bạch huyết niêm mạc. Đây là tình trạng sưng, viêm ở động mạch, tĩnh mạch và mao mạch, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho tim. Nó cũng ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết và gây ra các triệu chứng bất thường ở mũi, miệng và cổ họng.
Bệnh Kawasaki có nguy hiểm không?
Bệnh Kawasaki có khỏi được không? Đa phần, bệnh Kawasaki ở trẻ sẽ hồi phục trong vài ngày điều trị mà không gặp phải bất kỳ vấn đề nào. Song nếu không được chữa trị, khoảng 25% trẻ mắc bệnh Kawasaki có thể gặp phải các biến chứng liên quan đến tim như suy tim, loạn nhịp, phình động mạch vành và 2 – 3% trong số đó có thể tử vong.
Trẻ dưới 1 tuổi sẽ có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, trong tương lai, trẻ bị mắc bệnh Kawasaki cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Triệu chứng của bệnh Kawasaki ở trẻ em
Triệu chứng ở giai đoạn đầu
Trong giai đoạn đầu, những dấu hiệu bệnh Kawasaki có thể kéo dài đến 2 tuần:
- Sốt dai dẳng từ 5 ngày trở lên
- Phát ban toàn thân
- Mắt đỏ
- Môi sưng đỏ
- Lưỡi giống như bị phồng rộp, màu đỏ giống màu quả dâu chín
- Sưng hạch bạch huyết
- Sưng phù tay, chân
- Lòng bàn tay, lòng bàn chân nổi nhiều mẩn đỏ
- Những vấn đề về tim cũng có thể xuất hiện trong thời gian này.
Triệu chứng ở giai đoạn muộn
Triệu chứng bệnh trong giai đoạn muộn sẽ bắt đầu trong vòng 2 tuần sau khi bị sốt. Da trên bàn tay và bàn chân có thể sẽ bị bong tróc. Một số trẻ còn có thể bị đau khớp hoặc viêm khớp cấp tính.
Những dấu hiệu khác bao gồm:
- Đau bụng
- Nôn
- Tiêu chảy
- Giãn túi mật
- Mất thính giác tạm thời.
Triệu chứng bệnh có thể xuất hiện không đầy đủ. Vì thế, bạn hãy đưa trẻ đi khám ngay khi nhận thấy một trong những dấu hiệu bất thường vừa nêu.
Điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ như thế nào?
Các triệu chứng của bệnh Kawasaki rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như trẻ sốt mọc răng, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ. Do đó, bạn cần hiểu rõ về bệnh và cẩn thận theo dõi khi con bị sốt kéo dài. Nếu trẻ sốt 2 – 3 ngày chưa khỏi, bạn cần đưa trẻ đi khám.
Ngay khi có kết quả chẩn đoán, trẻ cần được điều trị càng nhanh càng tốt để ngăn ngừa khả năng bệnh tác động đến tim:
- Bác sĩ sẽ cho trẻ truyền kháng thể qua đường tiêm tĩnh mạch trong vòng 10 ngày sau khi bị sốt. Thời gian truyền mất khoảng 12 giờ. Sau đó, trẻ sẽ được dùng một liều aspirin mỗi ngày trong 4 ngày tiếp theo.
- Trẻ em mắc bệnh Kawasaki cần tiếp tục dùng aspirin để ngăn ngừa khả năng hình thành cục máu đông trong khoảng 6-8 tuần sau khi hết sốt.
Điều trị bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các vấn đề về tim. Các chuyên gia y tế cũng cho rằng nếu được chẩn đoán và chữa bệnh trước ngày sốt thứ 5, thời gian điều trị bệnh sẽ rút ngắn và trẻ cũng sẽ có sức đề kháng với căn bệnh này cao hơn.
Với những trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn, thời gian điều trị có thể lâu hơn để ngăn chặn nguy cơ tắc nghẽn động mạch hoặc đau tim. Trong trường hợp này, quá trình điều trị đòi hỏi phải sử dụng kháng sinh và aspirin mỗi ngày cho đến khi kết quả siêu âm tim cho thấy không có dấu hiệu bất thường. Khoảng thời gian này có thể mất từ 6-8 tuần hoặc lâu hơn tùy vào khả năng đáp ứng điều trị.
Bệnh Kawasaki có tái phát không cũng là câu hỏi rất thường gặp. Theo thống kê, sau khi được điều trị, tỷ lệ tái phát bệnh (cả người lớn và trẻ em) là 2 – 3%. Do đó, một khi đã mắc phải và được điều trị khỏi, trẻ cần được tái khám suốt đời.
Chẩn đoán bệnh Kawasaki ở trẻ em
Không có phương pháp xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán căn bệnh này. Bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng và dùng phương pháp loại trừ với các bệnh có dấu hiệu tương tự như:
- Sốt nhiễm trùng do vi khuẩn
- Sốt phát ban
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh sởi
- Ngộ độc thực phẩm
- Dị ứng
Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm bổ sung để kiểm tra xem bệnh có gây ảnh hưởng đến tim hay không và ảnh hưởng ở mức độ nào:
- Siêu âm tim: Thủ thuật y tế sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim và các động mạch trong cơ thể. Thủ thuật này có thể cần được thực hiện nhiều lần để kiểm tra xem bệnh Kawasaki đã ảnh hưởng đến tim như thế nào.
- Xét nghiệm máu: Mục tiêu của xét nghiệm này là để bác sĩ có thêm cơ sở loại trừ những bệnh khác gây ra triệu chứng tương tự. Với bệnh Kawasaki, số lượng bạch cầu tăng cao. Trong khi đó, số lượng tế bào hồng cầu lại hạ thấp bất thường.
- Chụp X-quang ngực cho thấy hình ảnh của tim và phổi để kiểm tra dấu hiệu viêm phổi hoặc suy tim
- Điện tâm đồ: Ghi lại hoạt động điện tim để bác sĩ nhận thấy những dấu hiệu bất thường.
Nếu trẻ sốt cao dai dẳng từ 5 ngày trở lên kèm với dấu hiệu bong tróc da ở bàn tay và bàn chân thì có rất nhiều khả năng đã mắc bệnh Kawasaki.
Dù là căn bệnh hiếm gặp nhưng nếu không điều trị, bệnh Kawasaki sẽ gây ra những tác động không hề nhỏ đến hệ tim mạch. Thậm chí, những tác động này còn có thể khiến trẻ tử vong. Ngược lại, nếu được chữa bệnh theo đúng phác đồ của bác sĩ, trong khoảng 48 giờ sau khi điều trị, trẻ sẽ hết sốt và có thể tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà.
[embed-health-tool-vaccination-tool]