backup og meta

9 câu hỏi thường gặp khi dùng kháng sinh cho trẻ em

9 câu hỏi thường gặp khi dùng kháng sinh cho trẻ em

Khi bé mắc bệnh, bạn cần biết rằng sử dụng kháng sinh cho trẻ em không đúng mục đích sẽ chẳng hề giúp ích, thậm chí có thể gây hại cho con. Thuốc kháng sinh là thuốc dùng để điều trị nhiễm trùng và chúng nhắm vào vi khuẩn chứ không phải virus.

Dẫu cho thuốc kháng sinh đem lại hiệu quả đáng ngạc nhiên trong việc điều trị bệnh nhưng việc lạm dụng loại thuốc này quá mức cũng khiến khả năng chống lại vi khuẩn trở nên kém hiệu quả hơn hoặc thậm chí là kháng kháng sinh. Do vậy, bạn nên tìm hiểu trường hợp hoặc thời điểm nào thì mới có thể sử dụng kháng sinh cho trẻ em. Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp 10 câu hỏi thường gặp để giúp bạn có thêm thông tin về vấn đề này.

9 câu hỏi thường gặp khi sử dụng kháng sinh cho trẻ

1. Con tôi bị cảm lạnh rất nặng nhưng tại sao bác sĩ lại không kê đơn cho dùng thuốc kháng sinh?

Cảm lạnh là do virus. Thuốc kháng sinh được sử dụng đặc biệt cho nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhìn chung, hầu hết các triệu chứng cảm lạnh thông thường như bệnh sổ mũi, ho hay nghẹt mũi đều được xét vào mức độ nhẹ và bé yêu sẽ đỡ hơn nếu không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Do vậy, bạn có thể tìm hiểu những biện pháp điều trị cảm lạnh tại nhà để giúp con yêu nhanh chóng khỏe lại.

2. Một số loại cảm lạnh sẽ chuyển sang tình trạng nhiễm vi khuẩn, vậy tại sao không dùng kháng sinh càng sớm càng tốt?

Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng do vi khuẩn không hề kèm theo nhiễm virus. Do đó, việc sử dụng kháng sinh cho trẻ em để điều trị tình trạng nhiễm virus có thể dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn bắt đầu kháng thuốc.

Ngoài ra, con bạn có thể bị tiêu chảy hoặc gặp các tác dụng phụ khác của thuốc. Nếu trẻ mắc phải tiêu chảy, phân lỏng có máu hoặc có những tình trạng bất thường nào khác, hãy đưa con đến bệnh viện ngay.

3. Nước mũi màu vàng hoặc màu xanh lá cây có phải là dấu hiệu của nhiễm trùng vi khuẩn không?

kháng sinh cho trẻ em

Khi bị cảm lạnh thông thường, chất nhầy ở mũi sẽ có kết cấu khá đặc và thay đổi từ màu trong suốt sang màu vàng hoặc màu xanh lá cây. Các triệu chứng thường kéo dài trong khoảng 10 ngày. Có một số dấu hiệu cho thấy vi khuẩn có thể liên quan đến bệnh hô hấp của trẻ nhỏ.

Nếu con yêu bị cảm lạnh thông thường kèm theo dịch nhầy mũi màu xanh kéo dài hơn 10 ngày hoặc nếu xuất hiện dịch nhầy màu vàng cũng như màu xanh lá cây đi kèm với hiện tượng sốt cao hơn 39°C trong ít nhất 3 – 4 ngày, đây có thể là dấu hiệu của viêm xoang do vi khuẩn.

Nếu con bị viêm xoang do vi khuẩn, bé có thể cần dùng kháng sinh cho trẻ em. Trước khi kê đơn, bác sĩ sẽ hỏi về các dấu hiệu khác và kiểm tra để chắc chắn rằng trẻ phù hợp để sử dụng loại thuốc này.

4. Nhiễm trùng tai (viêm tai) có dùng kháng sinh được không?

Không phải tất cả các bệnh nhiễm trùng tai đều được điều trị bằng kháng sinh. Ít nhất một nửa tình trạng sẽ tự khỏi mà không cần đến thuốc. Nếu bé yêu không bị sốt cao hoặc không tỏ ra đau tai nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ đưa ra lời khuyên về việc theo dõi cẩn thận cùng cách chăm sóc bé đúng cách mà thôi. Tuy nhiên, do cảm giác đau đớn thường là triệu chứng đầu tiên và khó chịu nhất của nhiễm trùng tai, bác sĩ thường sẽ kê đơn cho trẻ thuốc giảm đau để giúp bé cảm thấy thoải mái hơn.

Ngoài ra, acetaminophenibuprofen đều thuộc danh sách những loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm đau. Nếu muốn sử dụng loại thuốc này, bạn hãy chắc chắn bé được uống đúng liều lượng căn cứ trên độ tuổi và cân nặng. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng đau và sốt sẽ cải thiện trong vòng 1 – 2 ngày đầu tiên.

Thêm vào đó, còn có thuốc nhỏ tai có thể giúp giảm đau trong một thời gian ngắn. Thuốc cảm lạnh không kê đơn (thuốc thông mũi và thuốc kháng histamine) không giúp loại bỏ nhiễm trùng tai và không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh cho trẻ dùng nếu bé sốt không ngừng, có dấu hiệu đau tai nặng hơn và nhiễm trùng ở cả hai màng nhĩ.

5. Thuốc kháng sinh có thể điều trị tất cả các bệnh viêm họng không?

Câu trả lời là không. Nguyên do là bởi 80% trường hợp mắc bệnh thường do virus gây ra. Nếu bé bị đau họng, sổ mũi và ho khan, virus có thể là “thủ phạm’ gây ra các tình trạng này. Thuốc kháng sinh chỉ nên được sử dụng để điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra. Nhiễm trùng do loại vi khuẩn này được gọi là viêm họng liên cầu khuẩn, bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ em trong độ tuổi đến trường và không tác động đến trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bé bị viêm họng do liên cầu khuẩn dựa trên các triệu chứng, trẻ sẽ cần thực hiện xét nghiệm để kết luận có cần phải dùng kháng sinh hay không.

6. Sử dụng kháng sinh cho trẻ em có gây nên tác dụng phụ nào không?

Kháng sinh cho trẻ

Tác dụng phụ có thể xảy ra ở tỷ lệ 1/10, bao gồm phát ban, phản ứng dị ứng, buồn nôn, tiêu chảy và đau dạ dày. Hãy đưa bé đến bệnh viện nếu bạn nghi ngờ bé phản ứng với kháng sinh. Đôi khi phát ban sẽ xảy ra trong thời gian trẻ uống thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, điều này chưa được xem là phản ứng dị ứng. Mặt khác, đưa trẻ đến phòng khám nếu thấy bé bị phát ban gây ngứa, nổi mề đay khiến da sần lên.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Tác hại của thuốc kháng sinh nếu bạn dùng tùy tiện 

7. Mất bao lâu kháng sinh có tác dụng?

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn cải thiện trong vòng 48 – 72 giờ kể từ khi trẻ bắt đầu dùng kháng sinh. Nếu các triệu chứng của bé trở nên nghiêm trọng hơn hoặc tình trạng không cải thiện trong vòng 72 giờ, hãy đưa bé đến phòng khám. Đối với trường hợp bé ngừng dùng kháng sinh quá sớm, tình trạng nhiễm trùng có thể không được điều trị hoàn toàn và các triệu chứng có thể bắt đầu lại.

8. Kháng sinh có thể dẫn đến hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc?

Việc sử dụng nhiều lần và lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến hiện tượng lờn thuốc. Lờn thuốc là tình trạng vi khuẩn không bị tiêu diệt bởi các loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị bệnh. Những vi khuẩn kháng thuốc này cũng có thể lây sang những đứa trẻ khác và người lớn. Do vậy, khi sử dụng kháng sinh cho trẻ em, hãy quan tâm đến loại thuốc đặc hiệu nhất đối với tình trạng của bé chứ không phải là loại kháng sinh sẽ điều trị một loạt các bệnh nhiễm trùng.

Nếu tình trạng nhiễm trùng của bé có dấu hiệu kháng kháng sinh, bé có thể cần phải được điều trị bằng một loại kháng sinh đặc biệt. Đôi khi, những loại thuốc này cần phải được đưa vào cơ thể thông qua hình thức tiêm tĩnh mạch.

9. Thuốc kháng virus là gì?

Cúm là một bệnh nhiễm siêu vi có thể gây ra các triệu chứng cảm lạnh mà thuốc kháng virus sẽ mang đến tác dụng tích cực. Bác sĩ có thể kê toa cho bé sử dụng một loại thuốc chống virus dành cho trẻ em nếu bé có nguy cơ bị bệnh nặng hơn do đang bị cúm. Đối với các loại virus khác gây ra các triệu chứng ho và cảm lạnh, không có loại thuốc chống virus nào có tác dụng hoặc được khuyên dùng.

Lưu ý khi sử dụng kháng sinh

Làm thế nào để sử dụng kháng sinh cho trẻ em một cách an toàn là mối quan tâm của rất nhiều phụ huynh đang nuôi con nhỏ. Việc sử dụng kháng sinh cần tuân theo những lưu ý sau:

  • Thuốc kháng sinh không phải lúc nào cũng là lựa chọn đầu tiên khi trẻ bị ốm
  • Thuốc kháng sinh có tác dụng chống nhiễm khuẩn, không hề chữa được cảm lạnh và cúm
  • Không đưa kháng sinh của trẻ nhỏ cho anh chị em hoặc bạn bè của bé dùng bởi bạn có thể cho sai loại thuốc và gây hại cho trẻ
  • Hỏi bác sĩ nếu kháng sinh được kê đơn là lựa chọn tốt nhất cho loại nhiễm trùng vi khuẩn bé đang mắc phải. Ví dụ, một số kháng sinh như azithromycin không còn hiệu quả đối với vi khuẩn gây ra hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai và xoang.
  • Nếu bé được kê đơn cho sử dụng kháng sinh, bạn cần cho bé dùng đúng liều lượng, thời gian. Tuyệt đối không cho trẻ ngừng dùng thuốc khi thấy các dấu hiệu bệnh thuyên giảm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Phương Uyên/ HELLO BACSI

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Antibiotic Prescriptions for Children: 10 Common Questions Answered https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/at-home/medication-safety/Pages/Antibiotic-Prescriptions-for-Children.aspx ngày truy cập 21/02/2019

Prospective study of antibiotic prescribing for children. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2277846/ ngày truy cập cập 21/02/2019

Antibiotics and kids: Myths and facts https://www.childrens.com/health-wellness/antibiotics-and-kids ngày truy cập 21/02/2019

 

 

Phiên bản hiện tại

28/07/2020

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 28/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo