backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Công dụng của khoai lang và cách nấu cháo khoai lang ngon cho bé

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 05/06/2023

    Công dụng của khoai lang và cách nấu cháo khoai lang ngon cho bé

    Cho trẻ ăn khoai lang không chỉ tốt cho mắt, hệ thần kinh mà công dụng của khoai lang còn được nhiều người quan tâm bởi việc điều trị và ngăn ngừa táo bón cho bé. Vậy, bạn đã biết cách nấu cháo khoai lang cho bé ăn dặm vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng, lại nhanh gọn, đơn giản chưa?

    Khoai lang là loại rau củ rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A và beta-carotene. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên các bà mẹ nên thêm khoai lang vào chế độ ăn của trẻ nhỏ để giúp bé phát triển khỏe mạnh. Tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được 10 cách nấu cháo khoai lang cho bé ăn dặm phát triển vượt trội.

    Cháo khoai lang nấu với gì cho bé ăn dặm?

    Để chế biến những món cháo khoai lang cho bé có hương vị tuyệt vời, kích thích vị giác và giúp trẻ cảm thấy ngon miệng, bạn có thể kết hợp khoai lang với:

    • Các loại củ như cà rốt…
    • Các loại đậu như đậu xanh…
    • Các loại quả như quả bí đỏ, chuối…
    • Các loại ngũ cốc như lúa mạch, yến mạch…
    • Các loại thịt như thịt heo, thịt gà, thịt bò…
    • Phô mai
    • Trứng

    Hướng dẫn 10 cách nấu cháo khoai lang cho bé ăn dặm thơm ngon, bổ dưỡng

    1. Cách nấu chao khoai lang cho bé ăn dặm đơn giản nhất

    cháo khoai lang cho bé ăn dặm

    Nhiều mẹ bỉm sữa thắc mắc về cách nấu cháo khoai lang cho bé 6 tháng ăn dặm. Hôm nay, Hello Bacsi sẽ hướng dẫn bạn cách nấu cháo khoai lang đơn giản nhất dành cho các bé mới bắt đầu tập ăn dặm.

    Nguyên liệu:

    • Khoai lang
    • Sữa mẹ hoặc sữa công thức

    Cách chế biến:

    • Bước 1: Rửa sạch khoai lang, không bào vỏ
    • Bước 2: Cho khoai lang vào lò, nướng ở nhiệt độ 200 độ C trong 45 phút; hoặc cho vào nồi hấp trong khoảng 30 phút cho đến khi khoai chín mềm.
    • Bước 3: Khi khoai chín thì cắt thành hai nửa, dùng muỗng múc thịt khoai lang ra khỏi vỏ và nghiền nhuyễn rồi dùng rây lọc để khoai mịn.
    • Bước 4: Bắc nồi lên bếp, cho sữa đã chuẩn bị vào nồi, thêm khoai lang rồi vừa đun với lửa nhỏ vừa khuấy đều cho các nguyên liệu hòa quyện thì tắt bếp.
    • Bước 5: Múc ra chén và cho bé thưởng thức.

    Lưu ý

    Khi đun sữa mẹ hoặc sữa công thức để nấu cháo khoai lang cho bé, hãy đảm bảo lửa nhỏ ở mức tối đa. Tránh để sữa sôi sẽ làm mất chất.

    2. Cháo khoai lang cà rốt cho bé ăn dặm

    Đây là cách nấu cháo khoai lang cho bé ăn dặm khá đơn giản, giúp phát huy tối đa công dụng của khoai lang đối với sức khỏe trẻ nhỏ, đồng thời bổ sung thêm chất dinh dưỡng từ cà rốt, tăng hương vị cho món ăn.

    Nguyên liệu:

    • 30g gạo tẻ
    • 20g khoai lang
    • 20g cà rốt
    • Nước

    Cách chế biến:

    • Bước 1: Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, hấp chín rồi cắt thành những miếng nhỏ.
    • Bước 2: Khoai lang hấp chín hoặc nướng cho đến khi chín mềm rồi dùng muỗng múc phần thịt ra khỏi vỏ.
    • Bước 3: Cho cả khoai và cà rốt vào máy xay nhuyễn.
    • Bước 4: Vo gạo rồi đem nấu thành cháo với nước.
    • Bước 5: Cháo chín thì cho cà rốt, khoai lang vào, khuấy đều cho các nguyên liệu hòa quyện.
    • Bước 6: Tắt bếp, múc ra chén và cho bé thưởng thức.

    3. Cháo khoai lang bí đỏ cho bé mắt sáng tinh anh

    cháo khoai lang cho bé

    Nguyên liệu: 

    • 30g gạo tẻ
    • 20g khoai lang
    • 20g bí đỏ
    • Nước

    Cách nấu:

    • Bước 1: Khoai lang, bí đỏ gọt vỏ, cắt miếng nhỏ, sau đó cho vào nồi, thêm chút nước và nấu cho đến khi chín nhừ.
    • Bước 2: Cho khoai và bí vào máy xay, xay nhuyễn.
    • Bước 3: Vo gạo, nấu thành cháo.
    • Bước 4: Cháo chín thì cho khoai và bí đã xay vào, vừa nấu vừa trộn đều trong 5 phút.
    • Bước 5: Tắt bếp, múc ra chén, cho thêm 1 muỗng dầu gấc để món cháo khoai lang cho bé thơm ngon hơn.

    4. Cháo khoai lang đậu xanh giải nhiệt cho trẻ

    Nguyên liệu: 

    • 30g gạo tẻ
    • 20g khoai lang
    • 50g đậu xanh
    • Nước

    Cách nấu:

    • Bước 1: Đậu xanh rửa sạch, ngâm trong nước khoảng 2 giờ.
    • Bước 2: Khoai lang gọt vỏ, cắt hạt lựu
    • Bước 3: Vo gạo rồi cho vào nồi, thêm đậu xanh đã ngâm vào khoai lang rồi nấu thành cháo.
    • Bước 4: Khi cháo chín nhừ thì tắt bếp, đợi cháo nguội bớt rồi múc vào máy, xay nhuyễn.
    • Bước 5: Đổ cháo ra chén và cho bé thưởng thức khi còn ấm.

    5. Cháo trứng gà khoai lang

    Cháo trứng gà khoai lang là món ăn rất bổ dưỡng. Tuy nhiên, với những bé 6 – 7 tháng tuổi, bạn chỉ nên cho bé ăn 2 – 3 lần mỗi tuần để phát huy tối đa công dụng của khoai lang với sức khỏe.

    Nguyên liệu cần chuẩn bị:

    Cách nấu cháo trứng gà khoai lang cho bé:

    • Bước 1: Vo sạch gạo, cho vào nồi và đổ nước ngập gạo và nấu cho đến khi gạo nở bung.
    • Bước 2: Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, hấp chín rồi nghiền nhuyễn và trộn với sữa tươi.
    • Bước 3: Sau đó, cho khoai lang trộn sữa tươi vào nồi cháo đang nấu, khuấy đều.
    • Bước 4: Khi cháo và khoai đã quyện vào nhau thì cho lòng đỏ trứng vào và khuấy đều.
    • Bước 5: Tắt bếp, múc ra chén và cho bé thưởng thức.

    6. Cháo khoai lang thịt gà cho bé 7 tháng ăn dặm

    nấu cháo khoai lang cho bé

    Nguyên liệu:

    • 30g gạo tẻ
    • 20g khoai lang
    • 50g thịt gà
    • Nước

    Cách nấu cháo khoai lang thịt gà cho bé ăn dặm:

    • Bước 1: Vo gạo, ngâm nước khoảng 30 phút cho gạo nở mềm rồi nấu thành cháo.
    • Bước 2: Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, cắt hạt lựu rồi hấp chín.
    • Bước 3: Rửa sạch rồi luộc hoặc hấp thịt gà cho chín mềm.
    • Bước 4: Cho thịt gà và khoai lang vào máy xay nhuyễn.
    • Bước 5: Khi cháo chín, cho khoai lang và thịt gà đã xay vào nồi cháo, khuấy đều.
    • Bước 6: Cháo sôi lại thì tắt bếp, múc ra chén cho bé thưởng thức.

    7. Cháo khoai lang thịt heo giàu chất đạm

    Nguyên liệu:

    • 30g gạo tẻ
    • 30g khoai lang
    • 60g thịt gà
    • Nước

    Cách chế biến cháo khoai lang cho bé với thịt heo:

    • Bước 1: Vo gạo rồi nấu thành cháo.
    • Bước 2: Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín và nghiền mịn.
    • Bước 3: Thịt heo rửa sạch, xay nhuyễn.
    • Bước 4: Cháo gần chín thì cho thịt heo vào nồi.
    • Bước 5: Thịt heo chín thì cho khoai lang vào nồi, khuấy đều.
    • Bước 6: Tắt bếp, múc ra chén cho bé thưởng thức.

    8. Cháo khoai lang thịt bò bổ sung chất sắt cho bé

    Nguyên liệu:

    • 50g gạo tẻ
    • 100g khoai lang
    • 100g thịt bò
    • Nước

    Cách nấu cháo khoai lang thịt bò cho bé:

    • Bước 1: Vo gạo rồi ngâm nước trong khoảng 45 phút cho gạo nở mềm, sau đó nấu thành cháo.
    • Bước 2: Rửa sạch thịt bò, thái lát mỏng rồi băm nhỏ.
    • Bước 3: Gọt vỏ khoai lang rồi rửa sạch, cắt khúc nhỏ và hấp chín, sau đó xay nhuyễn.
    • Bước 4: Cháo nhừ thì cho khoai lang và thịt bò vào nấu cùng.
    • Bước 5: Thịt bò chín thì tắt bếp, múc ra chén cho bé thưởng thức.

    9. Cháo khoai lang tôm giàu dưỡng chất

    cách nấu cháo khoai lang cho bé

    Nguyên liệu:

    • 20g gạo tẻ
    • ½ củ khoai lang
    • 150g tôm
    • Nước

    Cách nấu cháo khoai lang cho bé với tôm tươi:

    • Bước 1: Rửa sạch khoai lang rồi hấp chín, tán nhuyễn.
    • Bước 2: Rửa sạch tôm rồi bóc vỏ, bỏ đầu và băm nhuyễn.
    • Bước 3: Xào tôm với một ít dầu ăn cho tôm săn lại.
    • Bước 4: Vo gạo và nấu thành cháo.
    • Bước 5: Cháo gần chín thì cho khoai và tôm vào nấu đến khi cháo sôi.
    • Bước 6: Tắt bếp, múc ra chén và cho bé thưởng thức.

    10. Cháo khoai lang phô mai bổ sung canxi cho bé

    Nguyên liệu:

    • 20g gạo tẻ
    • 1 củ khoai lang
    • 1 miếng phô mai

    Cách nấu:

    • Bước 1: Gọt vỏ khoai lang, rửa sạch rồ hấp chín và nghiền nhuyễn.
    • Bước 2: Vo gạo rồi nấu thành cháo.
    • Bước 3: Khi cháo chín, cho phô mai và khoai lang nồi, khuấy đều.
    • Bước 4: Tắt bếp, múc ra chén cho bé thưởng thức.

    Trẻ mấy tháng ăn được khoai lang?

    công dụng của khoai lang

    Nhiều phụ huynh thắc mắc trẻ 6 tháng ăn khoai lang được không? Thực tế, bạn có thể bắt đầu cho bé ăn cháo khoai lang trong thời gian đầu tập ăn dặm, thường là khoảng 6 tháng.

    Với hàm lượng dinh dưỡng cao, từ lâu, khoai lang đã nằm trong danh sách những thực phẩm ăn dặm đầu tiên nên giới thiệu cho bé. Khoai lang có vị ngọt đặc trưng cùng kết cấu mềm, dễ ăn, do đó, bạn có thể dùng loại củ này để chế biến thành các món cháo ăn dặm hoặc làm thành món ăn bốc cho trẻ nhỏ. 

    Trẻ nhỏ có thể bị dị ứng với khoai lang không?

    Cũng giống như những loại thực phẩm khác, dù công dụng của khoai lang với sức khỏe rất đáng chú ý nhưng nó cũng có nguy cơ gây dị ứng dù điều này hiếm khi xảy ra. Khi cho bé ăn lần đầu tiên, bạn nên chú ý theo dõi các triệu chứng của bé. Các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện sau khi ăn vài phút hoặc vài giờ:

  • Nổi mề đay: Những nốt nhỏ màu đỏ xuất hiện trên da theo từng mảng
  • Khó thở: Bé sẽ có cảm giác khó thở, thở khò khè hoặc thở hổn hển
  • Đau bụng: Triệu chứng này có thể kèm theo nôn mửa và tiêu chảy
  • Sưng: Môi và lưỡi của trẻ sẽ bị sưng, gây cảm giác khó chịu khi nuốt
  • Suy nhược và chóng mặt: Bé sẽ bị chóng mặt, mệt mỏi do gặp phải các triệu chứng dị ứng.
  • Đây là một số triệu chứng dị ứng khá phổ biến, nếu thấy bé có những triệu chứng này, bạn nên đưa bé đi khám ngay lập tức. Bên cạnh đó, khi bạn cũng chỉ nên cho bé ăn phần thịt, tránh ăn phần vỏ vì phần vỏ này rất khó tiêu hóa.

    Cách chọn và bảo quản khoai lang

    tác dụng của cháo khoai lang cho bé

    Để công dụng của khoai lang phát huy tối đa, khi chọn khoai, bạn nên chọn những củ không bị trầy xước, nứt, sứt mẻ, cầm lên thấy nặng tay, cứng chắc, không bị giập. Tránh mua những củ có màu đen hoặc rỗ vì đây là dấu hiệu cho thấy khoai đã bị sâu, hỏng. Ngoài ra, bạn nên mua khoai lang ở những địa chỉ đáng tin cậy, mua khoai trồng theo chuẩn VietGap để tránh mua phải những củ không đảm bảo chất lượng.

    Bạn không cần phải bảo quản khoai trong tủ lạnh mà có thể để ở nhiệt độ phòng, tuy nhiên bạn nên sử dụng hết trong vòng một tuần. Nếu muốn để lâu hơn, hãy bảo quản khoai ở nơi mát mẻ, tối và khô ráo với nhiệt độ khoảng 15ºC. Tuy nhiên, đừng để khoai hơn một tháng nhé.

    Thành phần dinh dưỡng của khoai lang

    Dưới đây là hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong 100g khoai lang:

    • Năng lượng: 86kcal
    • Tinh bột: 20,12g
    • Đường: 4,18g
    • Chất xơ: 3g
    • Protein: 1,57g
    • Chất béo: 0,05g
    • Canxi: 30mg
    • Sắt: 0,61mg
    • Magie: 25mg
    • Phốt pho: 47mg
    • Kali: 337mg
    • Natri: 55mg
    • Kẽm: 0,3mg
    • Vitamin C: 2,4mg
    • Vitamin B1: 0,078mg
    • Vitamin B2: 0,061mg
    • Vitamin B3: 0,557mg
    • Vitamin B6: 0,209mg
    • Vitamin B9: 11µg
    • Vitamin A: 709 µg
    • Vitamin E: 0,26mg
    • Vitamin K: 1,8 µg

    4 công dụng của khoai lang đối với sức khỏe của bé

    Cho bé ăn nhiều cháo khoai lang có tốt không? Dưới đây là những công dụng của khoai lang với sức khỏe trẻ nhỏ sẽ giúp bạn phần nào tìm ra được lời giải đáp cho câu hỏi trên:

    1. Giàu vitamin A và beta-carotene

    Khoai lang rất tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ bởi nó giàu vitamin A, một dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của mắt. Không những vậy, khoai lang còn giàu beta-caroten, tiền chất của vitamin A, giúp cung cấp một lượng lớn vitamin A cho cơ thể. Có thể nói, khoai lang là loại củ có hàm lượng vitamin A cao nhất trong số các loại rau củ. Thế nên đây là thực phẩm cực kỳ tốt cho bé trong giai đoạn ăn dặm.

    2. Giàu tinh bột và chất xơ

    Trẻ ăn khoai lang có tốt không? Khoai lang rất giàu tinh bột và chất xơ giúp tạo năng lượng cho cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa.

    3. Giàu vitamin

    Ngoài vitamin A, khoai lang còn chứa rất nhiều vitamin tốt cho cơ thể như  C, E, K, B1, B6 và B9. Những vitamin này sẽ giúp các cơ quan trong cơ thể bé phát triển khỏe mạnh để đạt được các cột mốc phát triển đúng thời điểm.

    4. Giàu khoáng chất

    Khoáng chất giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra bình thường. Một trong những công dụng của khoai lang là có thể cung cấp cho cơ thể bé một lượng lớn khoáng chất quan trọng như canxi, sắt, magie, phốt pho, kali, natri và kẽm.

    Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã “bỏ túi” được 10 cách nấu cháo khoai lang cho bé, đồng thời có thêm một số thông tin về công dụng của khoai lang đối với sức khỏe trẻ nhỏ. Với những thông tin này, bạn có thể cân nhắc đến việc thêm loại củ này vào chế độ ăn cho bé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 05/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo