backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bé mấy tháng ăn được bưởi? 7 tác dụng của bưởi với sức khỏe trẻ em

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 24/11/2023

    Bé mấy tháng ăn được bưởi? 7 tác dụng của bưởi với sức khỏe trẻ em

    Không chỉ giúp làm lành vết thương, đẹp tóc, tốt cho sức khỏe răng miệng, mà tác dụng của bưởi đối với sức khỏe của trẻ còn nhiều hơn thế nữa. 

    Sức khỏe của con cái luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Muốn trẻ khỏe mạnh, điều cần thiết là phải cân đối đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là từ các loại hoa quả khác nhau.

    Bưởi là loại trái cây quen thuộc và thường được dùng làm món tráng miệng sau bữa ăn của nhiều gia đình Việt. Chẳng những thế, bưởi còn được xem là loại thực phẩm “vàng”, bởi lẽ nó mang lại rất nhiều giá trị sức khỏe cho con người. Từng múi bưởi lại hàm chứa vô số loại vitamin và khoáng chất khác nhau. Hơn thế nữa, loại quả này còn có beta-carotene, một dưỡng chất có lợi trong thực vật. Đồng thời, bưởi cũng là một nguồn dồi dào axit folic, chất này rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

    Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu thêm về những tác dụng của bưởi với sức khỏe con trẻ. Thêm vào đó là những lưu ý dành riêng cho các bà mẹ chăm con và độ tuổi thích hợp mà trẻ có thể ăn bưởi. Đừng bỏ lỡ nhé!

    Bé mấy tháng ăn được bưởi?

    tác dụng của bưởi với sức khỏe của bé

    Bưởi là loại trái cây có múi khá được ưa chuộng ở các quốc gia châu Á. Loại quả này bề ngoài có vỏ dày, khi chín có màu xanh hoặc vàng, phần múi màu trắng ngà, hồng hoặc vàng, khi ăn cho cảm giác thanh mát.

    Tác dụng của bưởi đối với sức khỏe rất đa dạng và không thể phủ nhận. Vậy, trẻ mấy tháng ăn bưởi được? Bé 8 tháng ăn bưởi được không?

    Nhiều người cho rằng, cha mẹ có thể thêm bưởi vào thực đơn ăn dặm của trẻ từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, điều này có nhiều rủi ro:

    • Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tiêu hóa: Vốn là trái cây thuộc họ cam, quýt nên bưởi cũng có vị hơi chua. Điều này khiến cho trẻ nhỏ sẽ dễ bị đau dạ dày và tiêu chảy khi dùng. Bởi lẽ, hệ tiêu hóa non nớt của trẻ chưa kịp thích nghi với tính axit này.
    • Dị ứng: Ở một số người, việc tiêu thụ trái cây họ cam, quýt cũng có thể bị dị ứng.

    Do vậy, cha mẹ nên đợi đến khi trẻ được ít nhất 12 tháng tuổi, hoặc đến khi hệ tiêu hóa của con phát triển khỏe mạnh hơn, mới đưa thực phẩm này vào chế độ ăn của bé. Ngoài ra, khi cho trẻ ăn bưởi, bạn chỉ nên cho con ăn từng chút một. Cần thận trọng quan sát xem liệu trẻ có xuất hiện các triệu chứng như nổi mề đay, khò khè hoặc phát ban sau khi ăn hay không.

    Có nên cho trẻ uống nước ép bưởi không?

    Với trẻ dưới 1 tuổi, các bậc cha mẹ không nên cho bé uống nước ép trái cây, bao gồm cả nước ép bưởi. Trẻ từ 1 – 6 tuổi có thể uống nước ép bưởi, nhưng cần chú ý không bổ sung quá 120 – 180 ml nước bưởi mỗi ngày. Lý tưởng nhất là bạn nên đợi đến khi trẻ được 2 tuổi rồi mới cho bé uống nước ép bưởi.

    Khi cho bé uống nước ép bưởi, bạn nên cho trẻ uống bằng ly thay vì cho vào bình sữa hay cốc tập uống cho bé (cốc mỏ vịt). Lý do là vì đường trong nước bưởi có thể lắng đọng vào răng dẫn đến tình trạng sâu răng nếu để trẻ nhấm nháp lâu bằng bình.

    Cách tốt nhất là bạn nên làm loãng đường tự nhiên và tính axit của nước ép bưởi trước khi cho bé uống, bằng cách pha thêm nước theo tỷ lệ phù hợp (khoảng 1 phần nước bưởi và 10 phần nước lọc).

    Điểm mặt những tác dụng của bưởi với sức khỏe trẻ em

    Có thể nói, bưởi một trong những loại trái cây nhiệt đới khá tốt để thêm vào chế độ ăn của trẻ. Hơn nữa, bưởi thường có vị ngọt thanh, hơi chua nhẹ nên khá phù hợp với khẩu vị của các bé. Dưới đây là những tác dụng của bưởi đối với sức khỏe con trẻ mà bạn có thể ngạc nhiên:

    1. Làm lành vết thương mau chóng

    Mở đầu cho một loạt tác dụng thú vị của bưởi là khả năng phục hồi tổn thương. Điều này là nhờ vào các vitamin C trong bưởi hoạt động như một tác nhân thúc đẩy sự tăng sinh collagen và protein, từ đó giúp các vết thương trên da nhanh chóng hồi phục hơn.  Việc phục hồi nhanh rất quan trọng để duy trì cho cơ thể trẻ được khỏe mạnh.

    2. Tác dụng của bưởi: Hỗ trợ cho sự phát triển răng lợi ở trẻ

    tác dụng của bưởi với sức khỏe răng miệng của bé

    Bưởi được cho là rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa tình trạng chảy máu chân răng ở trẻ. Hơn nữa, collagen có trong bưởi cũng góp phần hình thành nên lợi và đảm bảo răng mọc cân đối. Ngoài ra, vitamin C trong bưởi cũng rất cần thiết trong việc điều trị vấn đề chảy máu nướu và răng lung lay ở trẻ.

    3. Ngăn ngừa thiếu máu và các biến chứng liên quan

    Nếu tình trạng thiếu máu ở trẻ kéo dài sẽ dẫn đến việc cơ thể bé tăng nhạy cảm với vi khuẩn và các vấn đề nhiễm trùng hơn.

    Trẻ em cũng là đối tượng dễ bị thiếu máu. Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo trẻ có đủ lượng huyết sắc tố để phòng ngừa các biến chứng liên quan đến thiếu máu như mệt mỏi, kệt sức, xanh xao, khó thở và thậm chí là tim đập nhanh.

    Những vấn đề trên hoàn toàn có thể được giải quyết nhờ tác dụng của bưởi. Lý do là vitamin C trong loại quả này giúp cải thiện quá trình hấp thu và đồng hóa sắt trong cơ thể. Đây là khoáng chất giữ vai trò hình thành nên các tế bào máu. Hơn nữa, trong trường hợp trẻ buộc phải bổ sung sắt, bạn nên cân nhắc cho trẻ dùng kèm bưởi để tăng khả năng hấp thu.

    4. Tác dụng của bưởi giúp tăng cường khả năng miễn dịch

    Tác dụng của bưởi giúp tăng cường khả năng miễn dịch

    Sở dĩ bưởi mang đến tác dụng tuyệt vời này cho sức khỏe chính là nhờ vitamin C có trong thành phần. Loại vitamin này là dưỡng chất chính yếu trong hoạt động của kháng thể, cũng như các tế bào miễn dịch.

    Vitamin C cũng sẽ bảo vệ cơ thể bé khỏi sự xâm hại của virus hoặc vi khuẩn. Việc sở hữu khả năng miễn dịch mạnh mẽ có thể là bước đầu giúp trẻ phòng chống được các loại bệnh cơ hội.

    5. Giúp tóc phát triển khỏe mạnh

    Bạn có biết rằng bưởi là một nguồn dồi dào các chất dinh dưỡng “thân thiện” với tóc như kẽm, vitamin A, B1, C. Tất cả những dưỡng chất trên đều góp phần giúp trẻ mau mọc tóc. Thêm vào đó, các khoáng chất như canxi, lưu huỳnh, sắt cũng rất cần thiết để giữ cho tóc chắc khỏe.

    6. Tác dụng của bưởi giúp cải thiện nhu động ruột, trợ tiêu hóa

    Quả bưởi khá giàu chất xơ giúp duy trì nhu động ruột của trẻ hoạt động tốt. Do vậy mà việc tiêu thụ loại trái cây này thường xuyên sẽ giảm nguy cơ táo bón ở các bé. Hơn nữa, chất xơ cũng là yếu tố cần trong mỗi bữa ăn để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh.

    7. Tác dụng của bưởi: Phòng ngừa béo phì ở trẻ

    Ngày nay, việc tiêu thụ nhiều các loại thức ăn nhanh dễ khiến trẻ bị béo phì. Vấn đề đáng lo ngại này là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng xấu ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ về sau, nổi bật trong đó là các bệnh tim mạch, đái tháo đường…

    Thật may mắn là việc tiêu thụ bưởi sẽ giúp trẻ có cảm giác no lâu hơn. Tác dụng này của bưởi đến từ thành phần chất xơ tự nhiên. Nhờ vào đó, trẻ sẽ hạn chế dùng các thực phẩm có nhiều đường và thức ăn nhanh. Từ đó mà vấn đề béo phì ở trẻ sẽ không còn là nỗi lo của mẹ nữa.

    Những lưu ý khi cho trẻ sử dụng bưởi

    Bưởi mang đến nhiều tác dụng rất tốt cho sức khỏe của trẻ nhưng bạn cũng nên lưu ý khi cho trẻ dùng loại trái cây này. Dưới đây là một số lưu ý:

    1. Không ăn bưởi khi dùng một số loại thuốc

    Với những bé bị ốm và được chỉ định dùng kháng sinh dài ngày, mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ dùng nước bưởi ép sau khi uống thuốc. Bởi lẽ, điều này có thể gây ra sự tương tác thuốc. Hậu quả là trẻ có thể bị đau cơ, chậm phát triển, thậm chí là gặp các vấn đề về thận.

    2. Không cho trẻ ăn bưởi khi bị tiêu chảy

    lưu ý khi cho trẻ ăn bưởi

    Bưởi có tính lạnh nên trẻ bị tiêu chảy ăn bưởi sẽ khiến tình trạng này thêm nghiêm trọng hơn. Do vậy, khi bé không được khỏe, mẹ không nên cho trẻ ăn nhiều bưởi.

    Nếu trẻ từng bị dị ứng với các loại trái cây họ cam quýt, bạn không nên cho con dùng bưởi, vì bé có thể gặp nhiều tác hại nghiêm trọng. Trẻ ăn quá nhiều bưởi đôi khi cũng sẽ gặp phải tình trạng như đau đầu, khó thở, đau dạ dày.

    Mách bạn cách chọn bưởi ngon

    Khi chọn mua bưởi, bạn nên chọn quả cầm lên thấy chắc tay, phần vỏ căng đều, có vẻ mọng nước, tránh chọn loại có vỏ xỉn màu và quá mềm. Bạn nên chọn bưởi có vị ngọt hoặc chua ngọt, tránh chọn mua bưởi chua vì ăn không ngon. Bạn có thể bảo quản bưởi bằng cách để ở nhiệt độ phòng từ 4 – 6 ngày; trong ngăn đựng trái cây, rau quả tủ lạnh lên đến 2 – 3 tuần.

    Bạn có thể cho bé dùng nước ép bưởi khi đã được 2 tuổi. Hoặc nếu con đã biết ăn thực phẩm thô, bạn có thể tách từng múi bưởi và cho bé ăn cả tép. Khi tách, bạn nên cẩn thận bỏ hạt và lớp vỏ ngoài vì chúng có thể khiến cho bé khó nhai và bị nghẹn.

    Hy vọng rằng với những tác dụng của bưởi mà Hello Bacsi đã liệt kê ở trên, bạn có thể cân nhắc thêm loại thực phẩm này vào thực đơn của con mình. Lưu ý trong mọi trường hợp không chắc chắn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 24/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo