backup og meta

Ba mẹ nuông chiều con có ảnh hưởng thế nào đến trẻ?

Ba mẹ nuông chiều con có ảnh hưởng thế nào đến trẻ?

Làm ba mẹ, ai cũng sẽ thương yêu con cái hết mình và có khi nuông chiều con quá mức. Điều này là thói quen không tốt và có khi dẫn đến những hậu quả không tốt về tâm lý của bé. Thương con là một lẽ nhưng bạn còn cần biết thương con theo cách thông minh nữa nhé.

Đã có bao giờ bạn tự hỏi mình có nuông chiều con quá mức không hay chỉ lấy cớ rằng vì bé còn nhỏ nên cần nhẹ nhàng? Thật ra, đôi khi một vài lần phạt hay la rầy sẽ giúp trẻ đi vào nề nếp cũng như biết tự kiểm soát bản thân hơn.

1. Nuông chiều con là như thế nào?

Ba mẹ nuông chiều con thường sẽ đáp ứng lại mọi yêu cầu, luôn khen ngợi sự tài năng và tốt đẹp ở bé. Thế nhưng, họ lại ít khi yêu cầu con làm gì cũng như không có tính kỷ luật và thiếu đi việc rèn luyện thói quen tự điều chỉnh của bé khi còn nhỏ. Bạn có thể hiểu rõ hơn với vài ví dụ sau:

Ví dụ 1: Bạn đang ở cửa hàng hay siêu thị, con muốn ăn kem trong khi bé đã ăn 2 cây trong hôm nay. Bạn không muốn con buồn nên đã đồng ý và nói: “Hôm nay con rất giỏi, vì thế ba/mẹ sẽ mua cho con thêm một cây kem nữa’.

Ví dụ 2: Bạn không quy định thời gian chơi, học tập và ngủ cho con. Dù bạn biết rằng con phải dậy sớm vào hôm sau để đi học, bạn vẫn không nhắc nhở con nên ngủ sớm.

Ví dụ 3: Bạn đang tiết kiệm tiền để mua di động cho mình nhưng con lại đang thích một máy chơi game. Con không nghe lời bạn hay không hiểu rằng bạn đang cần điện thoại. Vì thế, bạn ưu tiên cho mong muốn của con hơn và mua cho con bất cứ thứ gì con muốn.

Ví dụ 4: Bạn nhắc con phải học bài vì kỳ thi sắp đến nhưng con có cuộc hẹn đi chơi trong 2 ngày tới. Bạn không ủng hộ nhưng không ngăn cản con đi chơi và trì hoãn việc học tập.

Ví dụ 5: Bạn nói: “Con có thể dọn đồ chơi sau khi chơi xong không? Ồ con không cần dọn nếu mệt quá”.

Vậy bạn có phải là ba mẹ nuông chiều con như vậy không?

2. Đặc điểm của ba mẹ nuông chiều con

nuông chiều con

Một vài đặc tính của ba mẹ nuông chiều và dễ dãi có thể là:

  • Yêu thương và luôn khen ngợi con không giới hạn
  • Ủng hộ vô điều kiện, chiều theo mong muốn của con, ít yêu cầu bé điều gì
  • Giống bạn bè hơn là bố mẹ của con
  • Không yêu cầu tính kỷ luật, thời gian biểu cụ thể với con
  • Tránh né việc tranh cãi với con
  • Muốn được bé yêu quý thay vì làm con buồn phiền
  • Không kiểm soát con
  • Không cho con thấy hậu quả về những hành vi của mình
  • Không có thời khóa biểu cho con hay có nhưng thường xuyên bị bỏ lỡ vì mong muốn của con
  • Dụ dỗ con làm gì đó bằng nhiều phần thưởng
  • Bao bọc con quá nhiều
  • Đưa bé đồ chơi và quà tặng để con có hành vi tốt
  • Cho con nhiều tự do hơn là tập con có tính trách nhiệm.

3. Ảnh hưởng lên con khi được ba mẹ cưng chiều

Con có thể sẽ yêu thích sự nuông chiều của người lớn cũng như được trao cho nhiều tự do và không ràng buộc nhưng về lâu dài sẽ có tác động xấu. Dưới đây là những ảnh hưởng đến bé:

  • Thiếu hụt cảm xúc
  • Chống đối khi mong muốn của trẻ không được đáp lại
  • Không biết tự kiềm chế hay tự kiểm soát chính mình
  • Khó khăn khi phải theo luật lệ hay quy định
  • Thiếu kỷ luật, trở nên ích kỷ và chống đối quyền lực
  • Thiếu trách nhiệm với hành vi của mình
  • Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa ba mẹ nuông chiều con và những rối loạn về hành vi cũng như ham mê vật chất của trẻ vị thành niên
  • Trẻ ích kỉ và ham muốn cao, không thích chia sẻ
  • Trẻ thiếu tự tin
  • Thiếu kỹ năng xã hội.

Ba mẹ nuông chiều con sẽ gây hại cho bé nhiều hơn là mang lại điều tốt. Tuy nhiên, việc này cũng có những lợi ích nhất định.

4. Điểm lợi và hại khi nuông chiều con

Lợi ích

Vì nuông chiều con, bạn sẽ sinh ra cảm giác bé là trung tâm, dành cho con nhiều quan tâm hơn là bản thân mình nên họ sẽ hiểu trẻ nhiều hơn, đồng thời sự liên kết giữa ba mẹ và con cái tăng lên. Sau đây là những lợi ích của hành động này:

  • Nuôi dưỡng và yêu thương con tốt hơn: Ba mẹ luôn đặt con lên vị trí ưu tiên và có thể làm nhiều điều để bé hạnh phúc. Điều này có thể là do tuổi thơ họ đã trải qua mối quan hệ trong gia đình không tốt nên muốn con mình sẽ không có cùng trải nghiệm như thế.
  • Tránh xung đột với con: Vì ba mẹ không muốn làm thiên thần nhỏ buồn lòng, nên họ thường thỏa mãn yêu cầu của bé. Cho nên ba mẹ thường sẽ không tranh cãi và mối quan hệ ba mẹ và con cái luôn hòa bình.
  • Con có nhiều tính sáng tạo: Ba mẹ luôn tạo cho con không gian tự do và không giới hạn nên con có thể tự do khám phá và thể hiện tính sáng tạo của bản thân.

Hạn chế

Bất cứ thứ gì quá nhiều cũng có tác động ngược lại. Cho con sự cưng chiều quá mức sẽ gây hại cho con. Hãy tìm hiểu những tiêu cực và hạn chế mà con bạn sẽ gặp phải nếu bạn cưng chiều con:

  • Xung đột giữa điều cần thiết và mong muốn: Khi lớn dần lên, trẻ sẽ yêu cầu nhiều hơn. Là ba mẹ, bạn cần quyết định thứ gì là đúng và phù hợp với con. Ba mẹ khoan dung sẽ không muốn con phải buồn nên thường sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của con, như thế sẽ khó xác định thứ gì cần và không cần thiết với con.
  • Thiếu sự quản lý thời gian: Khi không có những quy định và nguyên tắc tại nhà, con cái sẽ không học được giá trị của thời gian. Chúng sẽ lười biếng và dành thời gian để xem phim hay chơi game trong thời gian dài.
  • Không có sự kiểm soát của ba mẹ: Khi ba mẹ quá dễ dãi, con cái sẽ là ba mẹ của bản thân chúng vì chúng có thể tự quyết định mọi việc cho mình. Con sẽ nhận ra rằng ba mẹ không muốn chúng buồn nên sẽ yêu cầu quá độ với ba mẹ.
  • Mất cân bằng cảm xúc: Trẻ không thể tự điều hòa hay kiểm soát cảm xúc của bản thân, đặc biệt là khi những nhu cầu của chúng không được đáp ứng.
  • Thiếu kỷ luật: Ba mẹ nuông chiều con sẽ khiến con mất kỷ luật vì chúng không được dạy tính này từ nhỏ.

Những tác hại này sẽ có ảnh hưởng trong thời gian dài đến tâm lý của trẻ.

5. Ảnh hưởng khi ba mẹ nuông chiều con

Trẻ con thích được tự do nhưng khi chúng tận dụng điều đó không thích hợp hay không có giới hạn, những tác hại có thể sẽ không nhỏ. Những rối loạn hành vi ở trẻ khi được ba mẹ cưng chiều là:

  • Bốc đồng: Bé sẽ xử lý mọi việc vội vã thiếu suy nghĩ. Hơn nữa, con còn từ chối nhận trách nhiệm về những hành vi của mình.
  • Bắt nạt: Vì thường không phải theo quy tắc nào ở nhà nên chúng sẽ không sợ bị phạt. Điều này khiến bé thích bắt nạt bạn khác trong trường và thường phá vỡ quy định tại trường học hay những nơi công cộng khác.
  • Rối loạn hành vi: Ba mẹ chiều con cái thường sẽ xem những hành vi nghịch ngợm là biểu hiện của tuổi nhỏ. Vì thế, trẻ sẽ dần trưởng thành mà không phải chịu trách nhiệm gì và khó có thể nhận ra sai lầm của bản thân.
  • Biểu hiện không tốt tại trường: Nghiên cứu cho thấy rằng nuông chiều con có liên quan đến những thành tích không tốt ở trường. Nhiều bố mẹ thường ít đòi hỏi ở bé nên chúng không có mục tiêu để phấn đấu.
  • Thiếu quyết đoán: Khi cần phải đưa ra quyết định quan trọng liên quan đến nghề nghiệp hay các vấn đề gặp phải trong cuộc sống, chúng có thể trở nên yếu đuối vì chưa từng gặp phải tình huống này trước đây. Bạn đã quá bao bọc và che chở cho con, khiến bé không đủ bản lĩnh để đương đầu với khó khăn trong cuộc sống.
  • Hành vi công kích: Những đứa bé này không biết cách chấp nhận vì chúng chưa từng làm điều này trước đây. Trẻ không thể im lặng hay kiềm chế bản thân trước những phản ứng tiêu cực của xã hội và trở nên gây gổ và công kích khi gặp phải trở ngại.
  • Thiếu kỹ năng xã hội: Khi ba mẹ không dạy cho con về những hành vi đúng đắn, trẻ sẽ thiếu nhiều kỹ năng xã hội như chia sẻ, chăm sóc và cảm thông.
  • Cảm xúc bất thường: Một trong những hiểu lầm thường gặp của những ba mẹ hay nuông chiều con là họ sợ làm tổn thương và buồn lòng bé. Do đó, họ sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của bé để bày tỏ lòng yêu thương.

6. Bạn nên làm gì nếu đã quá nuông chiều con?

Nếu tự thú nhận mình là người nuông chiều con và giờ đây bạn muốn thay đổi hành vi của mình, thì không gì là quá trễ. Đã đến lúc kết hợp các kế hoạch sau cũng như đưa chúng vào lối sống hằng ngày để thay đổi dần mọi thứ:

  • Đặt ra quy tắc trong gia đình: Bạn cần phải cho trẻ biết những yêu cầu của bạn bằng cách cho bé biết những quy tắc cần thiết.
  • Cho con biết hậu quả: Để con tuân theo những quy tắc mà bạn đã đặt ra một cách hiệu quả, bạn cần phải cho con biết những trừng phạt và hậu quả của việc không nghe lời. Bạn có thể đưa ra một vài hình phạt đơn giản hay khó khăn tùy theo từng hành vi sai phạm của trẻ.
  • Hãy kiên định: Đây sẽ là thử thách với nhiều ba mẹ đặc biệt là khi họ đã quá dễ dãi với con của mình. Bạn nên kiên định trước những sai lầm của con nhưng vẫn yêu thương chúng. Hãy cho trẻ biết tầm quan trọng của việc nghe lời và luôn đưa ra các trừng phạt thích hợp khi bé sai phạm.
  • Phần thưởng: Khi trẻ nghe lời và thực hiện đúng, hãy thưởng cho con nhé. Việc này sẽ thúc đẩy trẻ có những hành vi đúng đắn hơn.

Không có gì sai khi bạn cho con mọi điều tốt nhất nhưng điều quan trọng là phải có giới hạn nhất định. Bạn cũng yêu cầu con khi bạn đáp ứng những mong muốn của con. Những điều trên giúp con có trách nhiệm hơn, vì chúng biết cần phải bỏ ra công sức mới có thể nhận được điều mình muốn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Permissive parenting: A guide for the science-minded parent https://www.parentingscience.com/permissive-parenting.html Ngày truy cập 16/5/2018

Permissive Parenting: Its Characteristics And Effect On Children http://www.momjunction.com/articles/permissive-parenting_00376708/ Ngày truy cập 16/5/2018

 

Phiên bản hiện tại

06/07/2020

Tác giả: Thanh Thảo

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thanh Thảo · Ngày cập nhật: 06/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo