backup og meta

Sử dụng thuốc kích sữa mẹ: Bạn cần hết sức thận trọng!

Sử dụng thuốc kích sữa mẹ: Bạn cần hết sức thận trọng!

Thuốc kích sữa mẹ đang là giải pháp được nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ tìm đến. Mặc dù loại thuốc này mang đến nhiều hiệu quả tích cực nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu của con mà phải cần đến sự hỗ trợ của thuốc kích sữa mẹ. Vậy thuốc kích sữa mẹ là gì, có nên sử dụng thuốc kích sữa mẹ không?

Hãy cùng Hello Bacsi theo dõi tiếp những chia sẻ dưới đây để có lời giải đáp cho tất cả những thắc mắc mà bạn đang băn khoăn nhé.

Thuốc kích sữa mẹ là gì?

Thuốc kích sữa mẹ thực chất là loại thuốc có khả năng kích thích cơ thể tiết ra hai loại hormone là prolactin và oxytocin. Đây là hai hormone có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất sữa. Prolactin giúp sản xuất sữa, oxytocin giúp giải phóng sữa.

Sau khi sinh, mỗi khi bạn cho con bú hay hút sữa, cơ thể sẽ tiết ra prolactin. Lúc này sữa sẽ được sản xuất và tích trữ trong các nang sữa. Nếu hàm lượng prolactin quá thấp, lượng sữa mẹ sẽ giảm.

Trong khi đó, hormone oxytocin sẽ được giải phóng khi em bé (hoặc máy hút sữa) bắt đầu hút và kéo núm vú vào miệng. Oxytocin sẽ làm co bóp các cơ quanh nang, đẩy sữa ra khỏi nang, đi vào các ống dẫn sữa và di chuyển tới núm vú rồi vào miệng bé.

Các loại thuốc kích sữa mẹ phổ biến và rủi ro khi sử dụng

thuốc kích sữa mẹ

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc kích sữa mẹ khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là hai loại thuốc sau:

Thuốc kích sữa mẹ Metoclopramide (Reglan)

Metoclopramide là loại thuốc dùng để điều trị các bệnh về dạ dày như trào ngược thực quản hoặc dùng để chống buồn nôn, nôn sau phẫu thuật.

Ngoài tác dụng này, metoclopramide còn có tác dụng ngăn chặn sự giải phóng dopamin ở hệ thần kinh trung ương, từ đó làm tăng nồng độ prolactin trong máu, giúp tăng bài tiết sữa.

Nhìn chung, đây là loại thuốc tăng tiết sữa mẹ được sử dụng khá phổ biến, thường có tác dụng sau vài ngày và tác dụng này sẽ kéo dài cho đến khi bạn ngưng dùng thuốc.

Tác dụng phụ thường gặp

Metoclopramide là thuốc kích sữa cho mẹ cần được sử dụng hết sức thận trọng. Khi dùng metoclopramide, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ, đau đầu hoặc bồn chồn. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng hiếm gặp hơn như trầm cảm, rối loạn vận động nếu dùng với liều cao trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, khi dùng, bạn cũng không nên uống lâu hơn 12 tuần. Đặc biệt, nếu bạn bị trầm cảm, rối loạn co giật, hen suyễn hoặc huyết áp cao thì cũng nên tránh sử dụng.

Thuốc kích sữa mẹ Domperidone (Motilium)

Domperidone từng được xem an toàn và ít gây ra tác dụng phụ hơn so với metolclopramide vì không qua hàng rào máu não, do đó không có tác dụng phụ của hệ thần kinh.

Cũng giống như metoclopramide, đây cũng là một loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh về dạ dày. Bên cạnh đó, domperidone cũng có tác dụng làm tăng nồng độ prolactin trong máu, giúp tăng tiết sữa mẹ.

Tác dụng phụ thường gặp

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng loại thuốc này thường là đau đầu, co thắt dạ dày và khô miệng. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu gần đây còn cho thấy domperidone có thể gây tác dụng phụ cho tim mạch.

Thuốc kích sữa mẹ oxytocin

Oxytocin là một dạng thuốc xịt mũi có tác dụng giúp tăng tiết sữa mẹ ở phụ nữ sau sinh. Các nghiên cứu cho thấy, loại thuốc này có thể làm tăng 3 – 5 lần lượng sữa ở các bà mẹ sinh con đầu lòng và tăng 2 lần lượng sữa ở các bà mẹ sinh con thứ. Tuy nhiên, tác dụng phụ của loại thuốc này hiện vẫn chưa được nghiên cứu rộng rãi, do đó, bạn vẫn nên hạn chế sử dụng.

Các loại thuốc kích sữa mẹ khác

Các loại thuốc an thần như chlorpromazine (Thorazine), haloperidol (Haldol) và thuốc huyết áp methyldopa (Aldomet) cũng có thể được sử dụng để kích thích cơ thể sản xuất sữa mẹ. Tuy nhiên, những loại thuốc này thường có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Do đó, bạn cần cân nhắc thật kỹ và hỏi bác sĩ trước khi dùng.

Nhìn chung, các loại thuốc kích sữa mẹ đều tiềm ẩn một vài tác dụng phụ và có thể gây nguy hiểm. Thế nên, bạn đừng bao giờ tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ, đặc biệt là nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.

Thuốc kích sữa mẹ được sử dụng trong những trường hợp nào?

Nếu bạn sử dụng dưới sự theo dõi của bác sĩ, thuốc kích sữa mẹ sẽ giúp bạn tái lập lại nguồn sữa hoặc làm tăng lượng sữa tiết ra. Đa phần, những loại thuốc này thể được sử dụng trong những tình huống sau:

  • Bạn muốn nuôi con bằng sữa mẹ
  • Bạn đã cai sữa cho bé và muốn cho bé bú lại
  • Bé nhà bạn đang được chăm sóc trong bệnh viện nhưng lượng sữa mẹ tiết ra lại quá ít.

Nếu bạn đã thử nhiều cách để tăng lượng sữa nhưng vẫn không thành công, bạn có thể thử nói chuyện với bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc kích sữa phù hợp.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo cách tăng lượng sữa mẹ bằng ngũ cốc qua bài viết Ngũ cốc lợi sữa giúp mẹ gọi sữa về nhiều cho bé bú no.

Cách tăng tiết sữa mẹ tự nhiên

Thuốc kích sữa mẹ

Trước khi sử dụng thuốc kích sữa mẹ, bạn có thể thử một số cách tăng tiết sữa mẹ dưới đây:

Uống nhiều nước mỗi ngày

Thành phần của sữa mẹ có đến 88% là nước, vì vậy nếu bạn không bổ sung nước thường xuyên, lượng sữa mẹ tiết ra cũng sẽ giảm. Nếu người bình thường mỗi ngày chỉ cần uống 2 lít nước thì với những bà mẹ đang cho con bú, mỗi ngày phải uống 3 lít nước. 

Nghỉ ngơi nhiều, tránh căng thẳng

Các nghiên cứu đã chỉ ra căng thẳng có thể làm giảm lượng sữa mẹ. Vì vậy, để cải thiện nguồn sữa, việc ngủ đủ giấc mỗi ngày là điều vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, với những người mới làm mẹ, việc này rất khó thực hiện bởi bạn sẽ cần có thời gian để thích ứng và thay đổi nhiều thói quen khi chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.

6 tuần đầu sau sinh là khoảng thời gian để bạn phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn rất quan trọng để thiết lập nguồn sữa của bạn. Do đó, trong thời gian này, hãy đảm bảo rằng bạn nghỉ ngơi đầy đủ, thư giãn, tránh căng thẳng cũng như làm việc quá sức.

Tích cực cho con bú

Thông thường, lượng sữa mẹ được sản xuất ra nhiều hay ít phụ thuộc vào nguyên lý cung – cầu. Mẹ càng cho bé bú nhiều thì sữa sẽ càng tiết ra nhiều.

Chính vì vậy, bạn cứ thoải mái cho bé bú mỗi khi bé cảm thấy đói mà không cần phải tuân theo bất cứ thời gian biểu nào. Việc tích cực cho con bú không chỉ giúp nhanh chóng ổn định nguồn sữa, kích thích lượng sữa được tiết ra nhiều mà còn giúp bạn giảm cân sau sinh

Tích cực kích sữa

Để kích thích cơ thể sản xuất nhiều sữa hơn, ngoài việc dùng thuốc kích sữa mẹ, bạn có thể vắt sữa giữa những cữ bú hoặc vắt sau khi bé đã bú no. Sữa vắt ra có thể được bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông để cho bé bú khi cần thiết.

Việc kích sữa đều đặn, đủ số lần từ 8 – 10 lần/ngày sẽ giúp sữa về đều đặn hơn. Để vắt sữa, bạn có thể dùng tay hoặc máy vắt. Máy vắt sữa là một lựa chọn tốt, tuy nhiên, bạn nên tránh lạm dụng quá nhiều. Ngoài ra, khi sử dụng, bạn cũng nên chọn những loại máy có chất lượng tốt và phù hợp với bản thân.

Duy trì chế độ ăn khoa học

Trong thời gian cho con bú, để sữa về nhiều và ổn định, bạn cũng cần phải chú ý đến chế độ ăn của bản thân. Bạn nên ăn nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, có tác dụng kích thích sữa về như cà rốt, củ cải, các loại rau có màu xanh đậm, các loại ngũ cốc (yến mạch, lúa mạch), các loại đậu (đậu xanh, đậu lăng, hạnh nhân, hạt điều)…

Gần gũi với bé

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng có mối liên hệ giữa hành vi chăm sóc của mẹ với lượng sữa được tiết ra. Theo đó, việc vuốt ve, âu yếm bé thường xuyên sẽ kích thích cơ thể người mẹ tiết ra hormone oxytocin và prolactin, tốt cho việc sản xuất sữa mẹ.

Cẩn trọng với viên uống lợi sữa, trà lợi sữa, cốm lợi sữa

Ngoài thuốc kích sữa mẹ, hiện trên thị trường có khá nhiều sản phẩm lợi sữa, vừa có thực phẩm chức năng và vừa có các loại thảo mộc đã qua chế biến. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng, bạn cũng cần phải tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả bạn và bé.

Trà lợi sữa, cốm lợi sữa là những sản phẩm được khá nhiều bà mẹ yêu thích. Thành phần chính của các sản phẩm này thường là các loại thảo dược tự nhiên như: cây kế sữa, xạ đen, sâm rừng, trà cỏ máu, trà hoa cúc, trà đinh lăng, trà bồ công anh… giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc, kích thích tiêu hóa, chuyển hóa năng lượng.

Tuy những sản phẩm này có thể giúp sữa về nhanh nhưng nếu uống trong thời gian dài cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, hạ huyết áp, thậm chí là có thể gây mất sữa hoàn toàn. Ngoài ra, vấn đề về nguồn gốc, xuất xứ của các loại trà này cũng cần được quan tâm.

Hiện có một số sản phẩm lợi sữa được bán rộng rãi trên thị trường mà không có sự kiểm định chặt chẽ về chất lượng. Vì vậy, khi lựa chọn, bạn cần phải hết sức cẩn thận.

Hầu hết các loại thuốc kích sữa mẹ đều tiềm ẩn một số tác dụng phụ nhất định, do đó bạn nên thử các phương pháp kích sữa tự nhiên trước, nếu không hiệu quả mới chuyển sang sử dụng các loại thuốc này nhé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Domperidone for improving breast milk supply fact sheet https://www.childrens.health.qld.gov.au/medicines-fact-sheet-domperidone-for-improving-breast-milk-supply/ Ngày truy cập: 26/2/2019

Medications to Increase the Supply of Breast Milk https://www.verywellfamily.com/breast-milk-supply-medications-431843 Ngày truy cập: 26/2/2019

Medication to Increase Breast Milk Supply: Is It Safe for the Baby? https://parentinghealthybabies.com/medication-breastmilk/ Ngày truy cập: 26/2/2019

9 natural ways to boost your milk supply https://www.mother.ly/life/natural-ways-to-boost-milk-supply Ngày truy cập: 26/2/2019

8 Proven Tips To Increase Milk Supply Fast https://realmomhelp.com/increase-milk-supply/ Ngày truy cập: 26/2/2019

Phiên bản hiện tại

29/07/2021

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 29/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo