backup og meta

Sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu để không mất đi các dưỡng chất quý giá?

Sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu để không mất đi các dưỡng chất quý giá?

Sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu là thắc mắc của nhiều ba mẹ khi muốn hâm sữa đã trữ đông cho bé dùng nhưng lo lắng sữa có thể bị hỏng hay mất dưỡng chất. Thật ra, nếu bảo quản và hâm sữa mẹ đúng cách, sữa sẽ vẫn giữ nguyên chất dinh dưỡng và rất an toàn cho bé đấy. 

Vắt hoặc hút sữa mẹ rồi trữ đông là cách tiện lợi để bé luôn có nguồn dinh dưỡng vàng từ sữa mẹ dù mẹ không thể cho con bú trực tiếp. Thế nhưng, chất lượng sữa mẹ có thể bị ảnh hưởng nếu bạn bảo quản và hâm sữa không đúng cách. Vậy bạn phải bảo quản sữa mẹ đã vắt ra sao và sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu thì an toàn và giữ được dưỡng chất cho bé? Nếu đang có những băn khoăn này, các bố mẹ đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết sau của Hello Bacsi nhé! 

Sữa mẹ – nguồn dinh dưỡng vàng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất vô cùng quý báu cho bé trong những năm tháng đầu đời vì mang lại nhiều lợi ích như:

  • Dưỡng chất trong sữa mẹ đáp ứng nhu cầu riêng của từng bé
  • Sữa mẹ dễ hấp thu và tốt cho hệ tiêu hóa của bé
  • Sữa mẹ hầu như không bao giờ nhiễm độc tố (trừ khi người mẹ mắc bệnh lý gây ảnh hưởng đến sữa) nên rất an toàn cho bé
  • Sữa mẹ giúp giảm nguy cơ dị ứng cho bé
  • Sữa mẹ hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho bé
  • Sữa mẹ giúp cân bằng chất béo, từ đó hạn chế nguy cơ bé bị béo phì trong tương lai
  •  Sữa mẹ hỗ trợ quá trình phát triển trí não toàn diện của bé

Do đó, các mẹ sau sinh thường luôn ưu tiên việc cho bé bú mẹ để con nhận được những lợi ích tuyệt vời kể trên. Thế nhưng có một số trường hợp mẹ không thể trực tiếp cho bé bú vì lý do sức khỏe hoặc lịch trình bận rộn, chẳng hạn như: 

  • Bé sinh non hoặc bú mẹ không tốt
  • Người mẹ hoặc bé đang nằm viện và mẹ không thể luôn ở bên cạnh để cho bé bú
  • Mẹ phải quay trở lại với công việc 
  • Người cha, người thân hay người giúp việc hỗ trợ chăm sóc bé trong những lúc người mẹ bận rộn hay không khỏe
  • Ngực bạn cảm thấy quá căng tức và khó chịu khi cho bé bú hoặc gặp khó khăn trong việc cho con bú (núm vú thụt, nứt cổ gà…)…

Những trường hợp kể trên có thể ảnh hưởng đến khả năng cho bé bú trực tiếp nhưng vẫn có cách khắc phục để bé vẫn được bú sữa mẹ. Bạn có thể vắt/hút sữa mẹ rồi trữ đông và hâm lại sữa để cho bé bú. Phương pháp này giúp bạn đảm bảo con vẫn có nguồn dinh dưỡng tốt nhất dù không bú mẹ trực tiếp.

Giải đáp thắc mắc: Sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu?

sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu

Để đảm bảo sữa mẹ sau khi vắt hoặc hút vẫn an toàn và giữ nguyên dưỡng chất, bạn cần bảo quản và hâm sữa đúng cách. Khi bảo quản sữa ở nhiệt độ phù hợp trong khoảng thời gian cho phép, bé sẽ vẫn có được nguồn sữa mẹ an toàn dù bạn không cho bé bú trực tiếp.

1. Sữa mẹ vắt ra ủ nóng được bao lâu thì an toàn? 

Thời gian bảo quản sữa mẹ vắt ra ủ ấm có thể dao động và tùy thuộc vào yếu tố nhiệt độ và chất lượng của sữa tại thời điểm mang đi bảo quản.

Sữa mẹ mới vắt

  • Nhiệt độ phòng (dưới 26ºC): trong 6-8 giờ.
  • Trong tủ lạnh (dưới 5ºC): tối đa 72 giờ nếu bảo quản ở khu vực phía sau, nơi có nhiệt độ thấp nhất trong tủ lạnh.
  • Trong ngăn đông tích hợp bên trong tủ lạnh (dưới -15ºC): trong 2 tuần.
  • Trong ngăn đông có cửa riêng (dưới -18ºC): trong 3 tháng.
  • Trong tủ đông (dưới -20ºC): trong 6-12 tháng.

Sữa mẹ đã trữ đông, sau đó rã đông trong tủ lạnh nhưng chưa qua hâm nóng

  • Nhiệt độ phòng (dưới 26ºC): tối đa 4 giờ (cho đến cữ bú tiếp theo của bé).
  • Trong tủ lạnh: tối đa 24 giờ nếu bảo quản ở khu vực phía sau tủ, nơi có nhiệt độ thấp nhất trong tủ lạnh.

Sữa mẹ đã trữ đông, sau đó rã đông bên ngoài tủ lạnh trong nước ấm

  • Nhiệt độ phòng (dưới 26ºC): chỉ dùng cho đến khi kết thúc cữ bú của bé.
  • Trong tủ lạnh: trong 4 giờ hoặc cho đến cữ bú tiếp theo.

Lưu ý

Cha mẹ tuyệt đối không đông lạnh lại sữa mẹ đã từng trữ đông và hâm nóng để đảm bảo chất lượng sữa, tránh các vấn đề về tiêu hóa cho trẻ. 

Vi khuẩn có thể sống ở cả hai môi trường nhiệt độ nóng và lạnh nhưng phát triển tốt nhất ở điều kiện ấm, ẩm và đặc biệt là môi trường giàu protein. Vì vậy, sữa mẹ có thể bị hỏng nếu ủ trong máy hâm sữa thời gian dài. Vậy sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu thì vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng mà không bị hư?

Thời gian ủ sữa mẹ trong máy hâm tùy thuộc vào mức độ vi khuẩn tổng thể trong môi trường. Tuy nhiên theo nguyên tắc chung, thời gian có thể ủ sữa mẹ trong máy hâm sữa cụ thể là:

  • Với sữa mẹ mới vắt: Tối đa 4 giờ sau khoảng thời gian này, bạn nên sử dụng hết sữa hoặc trữ đông hay bỏ lượng sữa còn lại.
  • Sữa mẹ đã được trữ đông rồi rã đông: Với sữa mẹ đã được trữ đông rồi rã đông chỉ nên ủ trong máy hâm trong tối đa khoảng 30 phút đến 1 giờ. Sau khoảng thời gian này, nếu sữa chưa được sử dụng hoặc chưa dùng hết cũng nên bỏ để tránh các vấn đề đáng tiếc về tiêu hóa, dinh dưỡng… Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần lưu ý không được trữ đông lại hoặc hâm nóng lại sữa mẹ đã bảo quản lạnh và rã đông.

2. Dấu hiệu giúp bạn nhận biết sữa mẹ đã hỏng

sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu

Nếu vẫn lo lắng không chắc sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu thì vẫn an toàn cho bé, bạn có thể học cách nhận biết dấu hiệu sữa mẹ đã bị hư hỏng. Các yếu tố giúp bạn xác định sữa mẹ đã hư là: 

  • Mùi hương: Sữa mẹ mới vắt hoặc hút thường có mùi ngọt, ngọt nhẹ hoặc lợ. Vậy nên, nếu bạn thấy sữa mẹ có mùi chua hoặc mùi thiu thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy sữa đã hỏng. 
  • Vị: Bạn có thể nếm thử để kiểm tra vị của sữa sau một thời gian trữ đông. Nếu nhận thấy sữa có vị chua thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy sữa đã bị hỏng. 
  • Ngoại quan: Sữa mẹ mới vắt thường có màu trắng, vàng nhạt, màu trắng kem hoặc trắng ngả xanh. Bên cạnh đó, sữa có thể tách thành một lớp lỏng và một lớp đặc sau khi bảo quản trong tủ lạnh một thời gian. Nếu bạn lắc sữa vài lần sau khi đã rã đông mà sữa vẫn tách thành hai lớp thì có thể sữa đã hỏng.

Bí quyết bảo quản sữa mẹ đã vắt đúng cách

sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu

Ngoài việc đi tìm lời đáp cho thắc mắc sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu, các bố mẹ cũng nên lưu ý đến việc bảo quản sữa mẹ đã vắt đúng cách để đảm bảo nguồn dưỡng chất quý giá cho trẻ. Do đó, theo các chuyên gia, để đảm bảo sữa mẹ luôn an toàn và đủ dưỡng chất cho bé, bạn cần bảo quản sữa đúng cách ngay khi vừa vắt hoặc hút. Cụ thể: 

1. Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

Nếu muốn bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh, bạn cần cho sữa vào ngay trong túi hoặc bình trữ sữa sau khi vắt sữa xong. Bạn có thể chia sữa vào các túi hoặc bình nhỏ với dung tích từ 60-120 ml để giảm thiểu thời gian làm lạnh cũng như thời gian rã đông khi muốn cho bé bú. Đồng thời, cách chia sữa thành nhiều phần nhỏ cũng giúp hạn chế tình trạng bé không bú hết số sữa đã rã đông.

Sau khi đã chia sữa vào túi hoặc bình trữ, bạn dán nhãn hoặc ghi ngày và giờ vắt bên ngoài dụng cụ trữ sữa. Bạn cũng cần ghi tên của bé lên dụng cụ trữ sữa nếu gửi bé đi nhà trẻ. Tiếp theo, bạn cho sữa vào tủ lạnh hay tủ đông ngay lập tức để đảm bảo độ tinh khiết.

2. Cách bảo quản sữa mẹ khi không có tủ lạnh

Nếu không có sẵn tủ lạnh hoặc tủ đông để bảo quản sữa mẹ sau khi vắt, bạn có thể bảo quản sữa trong phòng có nhiệt độ khoảng 25°C. Trong trường hợp này, thời gian bảo quản tối đa là 6 giờ. Ngoài ra, bạn cũng nên để sữa ở nơi không có ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhiệt khác.

Lưu ý khi bảo quản sữa mẹ

  • Đối với trường hợp bị cúp điện trong thời gian dài và không thể tiếp tục trữ đông sữa trong tủ lạnh, bạn có thể bảo quản sữa trong thùng cách nhiệt cùng đá viên.
  • Bảo quản sữa thành từng túi hay bình riêng sao cho mỗi phần sữa vừa đủ cho một lần bú của bé. Bạn có thể chia mỗi túi hoặc bình trữ sữa khoảng 60 – 120 ml sữa và sau đó điều chỉnh lại theo sức bú của bé.
  • Tránh đổ đầy túi hay bình trữ sữa vì túi/bình sữa sẽ phồng ra khi trữ đông nên có thể bị tràn và gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

Khi nắm rõ nhiệt độ và thời gian bảo quản sữa mẹ chuẩn chỉnh, bạn đã giải đáp được thắc mắc sữa mẹ ủ trong máy hâm được bao lâu thì an toàn cho bé. Nếu tuân thủ thời gian này và chú ý kiểm tra dấu hiệu sữa bị hư, bạn sẽ có thể đảm bảo được chất lưỡng sữa mẹ cho bé dù không cho con bú trực tiếp đấy. Bên cạnh đó, nếu có những băn khoăn cần được giải đáp trong quá trình chăm sóc bé, các bố mẹ hãy tham gia cộng đồng Nuôi dạy con trên Hello Bacsi đặt câu hỏi để được các chuyên gia giải đáp nhé! 

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Breastfeeding FAQs: Safely Storing Breast Milk https://kidshealth.org/en/parents/breastfeed-storing.html Ngày truy cập: 09/08/2024

How To Store Your Breast Milk Safely https://health.clevelandclinic.org/how-to-store-your-breast-milk-safely-infographic Ngày truy cập: 09/08/2024

Breast milk storage: Do’s and don’ts https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/breast-milk-storage/art-20046350 Ngày truy cập: 09/08/2024

How To Warm Breast Milk? https://cherubbaby.com.au/blogs/news/how-to-warm-breast-milk#:~:text=The%20safety%20of%20breast%20milk,%2C%20store%2C%20or%20discard%20it Ngày truy cập: 09/08/2024

Your Guide to Warming Up Breast Milk https://www.parents.com/baby/care/american-baby-how-tos/how-to-heat-a-bottle/ Ngày truy cập: 09/08/2024

Expressing and storing breastmilk https://raisingchildren.net.au/babies/breastfeeding-bottle-feeding-solids/expressing-working-travelling/expressing-breastmilk Ngày truy cập: 09/08/2024

Phiên bản hiện tại

21/10/2024

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 21/10/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo