Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất dành cho bé. Nguồn dưỡng chất này được hình thành ngay từ thời gian đầu người mẹ mang thai và phát triển dần khi bé yêu ra đời. Vậy sữa mẹ được hình thành như thế nào?
Trong thời kỳ đầu mang thai, bầu vú của mẹ đã bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi từ bên ngoài lẫn bên trong. Đây là sự biến đổi cần thiết để tạo nên nguồn dinh dưỡng sau này cho bé. Những dấu hiệu đó là gì? Sữa mẹ được sản xuất như thế nào? Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giải đáp những câu hỏi này cho bạn một cách cụ thể nhất.
Bầu ngực mẹ bầu thay đổi như thế nào khi mang thai?
Trước khi đi tìm lời đáp cho thắc mắc sữa mẹ được sản xuất như thế nào, mời bạn cùng tìm hiểu về những thay đổi của bầu vú khi mang thai.
Nếu đang mang thai, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi lớn từ bên trong nhũ hoa. Những biến đổi về thể chất, ví dụ như bầu ngực trở nên mềm mại, to ra, còn màu sắc núm vú và quầng vú thì đổi khác là một trong những dấu hiệu sớm nhất cho thấy bạn đã thụ thai và bầu vú đang bắt đầu quá trình sản xuất sữa mẹ.
Các chuyên gia đã từng tin rằng, sự thay đổi màu sắc của quầng vú giúp trẻ sơ sinh dễ nhận biết vú của mẹ hơn, nhưng không có bằng chứng để chứng minh cho điều này. Mắt trẻ sơ sinh thực chất chỉ nhắm nghiền khi bú mẹ nên chúng không thể nhìn thấy quầng vú rõ được.
Một tín hiệu khác cho thấy sữa mẹ đang dần hình thành để chuẩn bị cho bé bú là khi những nốt sần trên quầng vú trở nên to hơn và rõ hơn, thường là trong tam cá nguyệt đầu tiên. Những vết sần này được gọi là tuyến Montgomery. Nó tiết ra chất dầu bôi trơn núm vú, ngăn ngừa khô, nứt và nhiễm trùng khi mẹ cho bé bú.
Sữa mẹ được sản xuất như thế nào?
Sữa mẹ được sản xuất như thế nào?
Sự thay đổi đáng kể nhất không phải là những biến đổi có thể nhìn thấy được bên ngoài cơ thể mẹ bầu mà chính là những gì diễn ra bên trong vú. Sự phát triển của nhau thai kích thích cơ thể giải phóng hormone estrogen và progesterone, từ đó kích thích hệ thống sinh học phức tạp giúp cho quá trình sản xuất sữa được chuẩn bị từng bước một.
Trước khi mang thai, mô nâng đỡ, tuyến sữa và chất béo bảo vệ tạo thành một phần lớn bầu vú. Ở mỗi người, số lượng các mô mỡ sẽ khác nhau và đó là lý do tại sao bộ ngực phụ nữ có nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau.
Bầu vú sẽ căng phồng dần lên khi bạn mang thai được 6 tuần. Các ống sữa chính – một mạng lưới các kênh được thiết kế để vận chuyển sữa qua vú – đã được hình thành ngay từ khi bạn ra đời. Các tuyến sữa sẽ nằm yên cho đến khi bạn bước vào giai đoạn dậy thì, với sự tăng vọt nồng độ estrogen, làm cho chúng phát triển và to lên. Trong thời kỳ mang thai, những tuyến này chuyển sang giai đoạn phát triển với tốc độ cao hơn.
Cho đến lúc sinh con, mô tuyến vú sẽ mở rộng đáng kể. Đây là nguyên nhân làm cho bầu ngực của mẹ trở nên lớn hơn bao giờ hết. Mỗi bầu vú có thể nặng gần 700 gram. Các ống phân nhánh ra thành các kênh nhỏ hơn gần thành ngực gọi là ống dẫn sữa. Ở cuối mỗi ống dẫn là một nhóm nhỏ các nang vú, có hình dạng giống như chùm nho. Một cụm các nang vú được gọi là tiểu thùy. Một cụm tiểu thùy được gọi là một thùy. Mỗi vú chứa từ 15–20 thùy, với một ống dẫn sữa cho mỗi thùy.
Được thúc đẩy bởi hormone prolactin, các nang vú sẽ lấy protein, đường và chất béo từ máu của mẹ và tạo ra sữa mẹ. Một mạng lưới các tế bào bao quanh các nang vú có khả năng ép các tuyến và đẩy sữa ra vào các ống dẫn đến một ống dẫn sữa lớn hơn. Hệ thống ống sữa sẽ phát triển hoàn toàn vào khoảng thời gian 2 tháng cuối của thai kỳ, do đó bạn có thể có sữa cho em bé bú ngay cả khi bé sinh non.
Các giai đoạn sản xuất sữa mẹ
Cụ thể là trong thời gian mang thai và sau khi sinh vài ngày, ngực của bạn sẽ sản xuất ra sữa non. Đây là loại sữa thường có màu vàng đậm hoặc hơi cam, có kết cấu đặc và dính, giàu dưỡng chất cùng các kháng thể. Lượng đạm trong sữa non nhiều hơn sữa trưởng thành. Việc cho trẻ bú mẹ ngay trong 1 giờ đầu sau sinh được xem là rất quan trọng, giúp con nhận đủ các kháng thể và dưỡng chất thiết yếu. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng việc cho con bú thường xuyên giúp cơ thể bạn sản xuất ra nhiều sữa hơn.
Sau khi em bé được sinh ra và nhau thai được đưa ra ngoài, lượng hormone thai kỳ giảm xuống cho phép hormone prolactin bắt đầu hoạt động. Lúc này, prolactin “phát tín hiệu” cho bầu ngực biết rằng đã đến lúc cần sản xuất một lượng sữa nhiều hơn. Cụ thể:
- 3 – 5 ngày sau sinh, bạn có thể cảm thấy bầu ngực tiết ra nhiều sữa hơn dù lúc này bé không bú nhiều hay bú thường xuyên. Lưu ý là việc cho con bú thường xuyên có thể đẩy nhanh quá trình tăng sản xuất lượng sữa.
- Sau sinh khoảng từ ngày 5 – 14, cơ thể bạn bước vào giai đoạn sản xuất sữa chuyển tiếp dần từ sữa non sang sữa trưởng thành.
- Từ khoảng 2 tuần sau sinh, lượng sữa mẹ tiết ra sẽ tiếp tục tăng, đổi màu trắng và loãng hơn, gọi là sữa trưởng thành. Số lượng sữa nhiều hơn làm 2 bầu vú bà mẹ đầy, căng cứng. Người ta gọi là hiện tượng “xuống sữa” hay “sữa về”.
Để có thể bú hết sữa hoặc bú đủ, bé phải ngậm bắt núm vú đúng cách và bú tốt. Lúc này, cơ thể bạn sẽ phản ứng lại tín hiệu bú của bé bằng cách giải phóng hormone oxytocin. Điều này dẫn đến việc cơ thể giải phóng một lượng sữa lớn hơn — một quá trình được gọi là “tiết sữa”. Nếu bé không bú hết, mẹ nên vắt sữa để làm cạn bầu vú của mình. Tránh tình trạng “để dành sữa” vì sẽ khiến lượng sữa tiết ra ít dần đi.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc sữa mẹ hình thành như thế nào khi mang thai. Bạn có thể đọc thêm nhiều bài viết hữu ích khác cho thai kỳ trên chuyên mục Mang thai của HelloBacsi.
[embed-health-tool-due-date]