Bạn sắp đến ngày vượt cạn và đang thắc mắc về ngày đầu tiên sau sinh của bé sẽ diễn ra như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Sau nhiều tháng mang thai và chờ đợi, cuối cùng cũng đến ngày bạn được gặp bé cưng của mình. Với nhiều cặp vợ chồng mới có con đầu lòng, họ thường không biết giây phút được gặp bé và ngày đầu tiên sau khi bé chào đời sẽ như thế nào. Để hiểu rõ về vấn đề này, hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây nhé.
Bé mới sinh ra sẽ trông như thế nào?
Trong trí tưởng tượng, bạn có thể nghĩ trẻ sơ sinh đều rất mạnh khỏe nhưng thực tế nhiều bé có cơ thể nhỏ và ướt át khi chào đời. Đầu của bé có vẻ hơi nhọn vì phải đi qua cổ tử cung, nhưng hình dạng đó chỉ là tạm thời và sẽ tròn lại sau vài ngày. Bạn cũng có thể thấy ngạc nhiên khi cảm thấy đầu của bé tương đối to so với phần còn lại của cơ thể.
Chân tay bé hơi cong vì bị gập lại khi còn ở trong bụng mẹ. Sau nhiều tháng phát triển, cơ thể bé càng lớn càng bị giới hạn trong không gian của tử cung mẹ nên chân tay cong là hoàn toàn bình thường. Chân tay bé sẽ thẳng ra khi bóp nắn thường xuyên.
Chú ý một chút vào bàn chân và bàn tay nhỏ xíu của bé, bạn sẽ thấy móng tay móng chân của bé khá mỏng. Với một số bé khác, móng lại mọc tương đối dài. Da của bé là một trong những vẻ bề ngoài dễ nhận thấy nhất. Bạn sẽ thấy có chỗ đỏ, chỗ hồng hoặc tím trong ngày đầu tiên sau sinh.
Một số bé mới sinh có chất sáp trắng trên da. Chất sáp này có tác dụng bảo vệ làn da bé khi phải tiếp xúc với nước ối trong tử cung mẹ. Lớp chất sáp này sẽ được rửa sạch sau vài lần tắm. Đặc biệt, với những bé sinh non, da của bé còn có rất nhiều lông mềm vốn phát triển từ khi còn ở trong bụng mẹ. Phần lông tơ này thường biến mất sau khoảng 1 – 2 tuần.
Những vết mẩn đỏ hoặc đốm trắng nhỏ xíu thường xuất hiện trên da trẻ sơ sinh và thường biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần sau sinh. Các bác sĩ sẽ theo dõi bé trong vòng 12 – 24 giờ để chắc chắn rằng những vết đỏ đó không gây nguy hiểm đến bé.
Ngoại hình của bé sẽ thay đổi đáng kể trong vài tuần sau sinh theo sự phát triển của bé. Tay chân có thể dang rộng hơn, màu da cũng có thể thay đổi và những vệt trên da cũng dần biến mất.
Một số xét nghiệm trong ngày đầu tiên của bé
Ngày đầu tiên sau khi chào đời, bé sẽ được đánh giá thông qua chỉ số Apgar để biết được tình trạng sức khỏe của bé. Phương pháp kiểm tra này cho biết khả năng phản xạ của bé và có vấn đề gì nguy hiểm với bé không. 5 yếu tố được kiểm tra là: nhịp tim, nhịp thở, màu sắc da, hoạt động và sự phối hợp của cơ, phản ứng với các kích thích bên ngoài.
Điểm chỉ số của bé sẽ được tính từ 0 – 2 rồi cộng điểm của 5 chỉ số đó để xác định chỉ số Apgar. Chỉ số này được đánh giá sau một phút bé chào đời và 5 phút sau sẽ được tiến hành đo lại. Bước kiểm tra đơn giản này giúp bác sĩ biết được liệu bé có cần hỗ trợ về hô hấp không. Nếu đạt điểm từ 7 – 10, bé hoàn toàn bình thường và không cần phải kiểm tra thêm nữa. Nếu điểm của bé thấp hơn thì cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm để kiểm tra, ví dụ như cho bé thở bằng oxy.
Bên cạnh đó, bé còn phải trải qua một số bài kiểm tra khác như:
- Làm sạch lỗ mũi cho bé bằng ống hút
- Đo chiều cao, cân nặng và vòng đầu
- Tra thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ mắt để tránh nhiễm trùng.
Các nhân viên y tế sẽ lau khô và quấn khăn quanh người bé. Quy trình này thường diễn ra rất nhanh chóng và khi bạn biết được thì các bé đã được đặt vào vòng tay bạn để tạo sự tiếp xúc đặc biệt giữa bạn và bé. Sau khi cho bé bú sữa non lần đầu tiên, thường khoảng sau 10 – 30 phút, bé cần làm thêm một số thủ tục để kiểm tra.
Tại một số bệnh viện, trong khi người mẹ nằm nghỉ ngơi ở phòng sinh, bé sẽ được đưa đi tắm. Bé còn được tiêm vắc xin viêm gan B nếu bạn đồng ý.
Những thủ tục kiểm tra thường sẽ có sự khác nhau giữa các bệnh viện. Bé có thể được xét nghiệm máu để kiểm tra lượng đường huyết. Nếu lượng đường quá thấp hoặc phát hiện ra các vấn đề nào khác thì bé cần phải được chăm sóc ngay.
Ngoài ra, bé cũng được xét nghiệm máu sàng lọc trước khi ra viện để xem bé có bị mắc bệnh phenylketonuria niệu (bệnh di truyền hiếm gặp gây mất chức năng chuyển hóa phenylalanin), suy giáp bẩm sinh… Việc phát hiện và xác định nguyên nhân sớm có thể giúp bác sĩ chẩn đoán sớm và đưa ra phác đồ điều trị. Bác sĩ cũng sẽ khuyến nghị bạn nên cho bé thực hiện sàng lọc về khả năng nghe trước khi ra viện để loại bỏ những bệnh có khả năng xảy ra với bé từ sớm.
Với những ca sinh thường, thời gian trung bình ở trong viện là khoảng 48 giờ còn trường hợp sinh mổ là 96 giờ.
Một số hành động của bé trong ngày đầu tiên
Nhiều bố mẹ thường bất ngờ vì không biết bé có hoạt động gì sau khi chào đời. Ngày đầu tiên sau sinh, đôi mắt của bé sẽ hơi mở một chút và bé dành nhiều thời gian để ngắm nghía các gương mặt, đặc biệt là bố mẹ. Bé cũng có thể ngọ nguậy hoặc phản ứng với giọng nói của bạn. Bé có thể sử dụng tất cả các giác quan gồm ngửi mùi và chạm tay vào đâu đó để xác định và tương tác với bạn.
Trẻ sơ sinh có thể khóc, ngủ hoặc bất chợt nhìn vào mắt bạn. Mặc dù tầm nhìn còn hạn chế nhưng mắt bé vẫn có thể nhìn thấy gì đó ví dụ như mặt bạn trong khoảng cách từ 20 – 40cm. Bé có thể nắm ngón tay bạn nếu bạn đặt ngón tay mình vào tay bé, thậm chí bé còn có thể mút ngón tay bạn.
Sau những giây phút tỉnh táo, đa số các bé đều buồn ngủ trong 24 giờ tiếp theo. Tuy nhiên, cứ khoảng 2 – 3 giờ, bạn nên đánh thức bé dậy để bé quen với thời gian biểu này và để cho bé bú. Đối với bà mẹ cho con bú mẹ, đây là cách để kích sữa về.
Cho bé bú
Nếu quyết định cho bé bú thì bạn có thể cho bé bú ngay sau khi bé được đặt trong vòng tay bạn. Mặc dù sữa mẹ có thể chưa về đủ trong 1 – 2 ngày đầu, đặc biệt là những mẹ mới sinh con lần đầu nhưng bé cũng sẽ nhận được chất dinh dưỡng từ dòng sữa non.
Một số phụ nữ có sữa non khá ít và nhạt màu trong khi một số khác thì lại đặc và có màu vàng. Khi bé ngậm vào đầu ti, hành động này sẽ kích thích hormone trong cơ thể tiết ra sữa. Hành động cho con bú lần đầu tiên gần như là bài thực hành cho cả mẹ và bé.
Một số bé (đặc biệt là bé sinh non và nhẹ cân) thường khó ngậm được ti mẹ hoặc không mút được sữa mẹ. Các y tá có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này. Ban đầu, bạn nên cho bé bú sau mỗi 2 – 3 giờ. Nếu cho bé bú bình thì bạn cũng có thể bắt đầu cho bé bú trong khoảng thời gian một vài giờ sau sinh.
Cảm xúc của bạn
Có con là một sự thay đổi lớn trong cuộc đời của mỗi người. Nếu bạn đang trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, cũng đừng quá ngạc nhiên. Cảm xúc của bạn có thể thay đổi đột ngột và không biết trước được. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có một số thay đổi về mặt thể chất. Đây là lúc bạn cảm thấy mệt mỏi và thiếu ngủ.
Mỗi người sẽ có cách giải quyết khác nhau. Nhiều người dường như quên hết mọi khó khăn, mệt mỏi trong giai đoạn sinh nở ngay khi nhìn thấy bé yêu. Tuy nhiên, lại có nhiều người trải qua cảm giác buồn phiền hoặc nghiêm trọng hơn là bị rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh.
Nếu vợ chồng bạn gặp phải những vấn đề sau sinh, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của y tá hoặc các chuyên gia y tế. Bạn cũng có thể gọi điện thoại cho bạn bè thân thiết và người thân trong gia đình để chia sẻ về bé cưng của mình.
Hãy để cho người thân gặp mặt bé trong ngày đầu tiên. Ông bà hoặc anh chị em ruột sẽ có mối liên hệ với bé ngay. Tuy nhiên, hạn chế tiếp khách vì bố mẹ và bé đều cần thời gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế tiếp khách trong những tuần đầu tiên để tránh lây nhiễm cho bé.
Nếu bé có vấn đề
Nếu bé có vấn đề về sức khỏe, đây sẽ là một thời điểm khá khó khăn. Bác sĩ sẽ đưa ra những phương án điều trị để bạn lựa chọn. Nếu bạn có bất cứ lo lắng nào, hãy trực tiếp nói chuyện với bác sĩ để hiểu rõ hơn.
Khi bé chào đời, bạn sẽ bắt đầu một giai đoạn hoàn toàn mới. Hãy dành thời gian để ở bên bé và tận hưởng một khởi đầu mới này nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]