Các cơ quan nội tạng trong cơ thể con người luôn ẩn chứa nhiều điều thú vị. Với trẻ nhỏ, đây chắc chắn sẽ là một đề tài khoa học đem đến nhiều điều bổ ích.
Trẻ nhỏ luôn tò mò, mong muốn được học hỏi và tìm hiểu thế giới xung quanh. Việc tìm hiểu về chức năng, cấu tạo của các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể là một trong những đề tài thú vị mà cha mẹ có thể chia sẻ với trẻ để giúp trẻ biết cách chăm sóc và thêm yêu cơ thể mình. Thế nhưng, với đề tài này, bạn sẽ nói với trẻ điều gì đây? Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây nhé.
Mỗi cơ quan trong cơ thể đều đảm trách một chức năng riêng biệt để duy trì sự sống cho cơ thể. Các cơ quan này được bao bọc bởi một lớp da. Trên da có nhiều lông nhỏ, mọc không đều nhau. Trong da có mạch máu, đầu mút các dây thần kinh và tuyến mồ hôi. Da có chức năng bảo vệ các cơ quan trong cơ thể tránh được những ảnh hưởng có hại của môi trường bên ngoài, góp phần giữ nhiệt độ cơ thể không đổi. Dưới da là lớp mỡ, dưới lớp mỡ là cơ và xương. Cơ tạo nên hình dạng ngoài của cơ thể, xương làm thành cái khung bảo vệ cơ thể và các nội quan.
Não bộ
Đây là cơ quan còn nhiều chức năng bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn chưa khám phá hết. Não bộ là một phần của hệ thần kinh, là trung tâm điều khiển toàn bộ cơ thể với hơn 100 tỷ tế bào. Bộ não không có các thụ thể đau, nói cách khác, não nhận tín hiệu đau nhưng nó không thể cảm thấy đau. Không những vậy, não còn là một bộ nhớ với dung lượng lên đến 100 terabyte, tương đương với một siêu máy tính. Con người thực tế mới chỉ sử dụng một phần nhỏ khả năng của não. Thậm chí trong lúc ngủ, chúng ta cũng chỉ sử dụng khoảng 10% bộ não.
Trái tim
Trái tim là một phần của hệ tim mạch, chịu trách nhiệm đưa máu đến các mô. Mỗi trái tim tạo ra áp lực lớn đủ để làm máu văng xa tới trên 9m, tương đương chiều cao một tòa nhà 3 tầng. Mỗi ngày, một trái tim khỏe mạnh phải bơm khoảng 2.000 lít máu đi qua toàn bộ chiều dài hệ thống mạch máu trong cơ thể (khoảng 96.500 km).
Trái tim trẻ em có kích cỡ bằng một nắm tay của người lớn. Trong khi đó, tim người lớn thường có kích cỡ bằng 2 nắm tay người đó.
Phổi
Phổi là một cơ quan của hệ hô hấp, có nhiệm vụ vận chuyển khí oxy từ môi trường bên ngoài vào nuôi các tế bào trong cơ thể và đẩy khí cacbonic độc hại ra ngoài. Trọng lượng riêng của phổi rất nhẹ, có thể nổi trên mặt nước. Mỗi ngày có khoảng 10.000 lít không khí đi qua phổi, chính vì vậy, phổi rất dễ bị vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng, bụi mịn trong không khí… xâm nhập gây ho khan hoặc ho có đờm, khó thở. Để phổi luôn khỏe mạnh, chúng ta cần có biện pháp bảo hộ để hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như khói bụi, khói thuốc lá, mùi hóa chất…
Dạ dày
Dạ dày là cơ quan có dung lượng lưu trữ khá lớn và có thể thay đổi thể tích từ 1 lít thành 4 lít tùy thuộc vào mức độ no đủ. Chức năng chính của dạ dày là tiếp nhận, lưu trữ chất dinh dưỡng của cơ thể và chuyển hóa các chất trong thức ăn. Theo nghiên cứu, axit trong dạ dày mạnh đến mức có thể hòa tan cả một số kim loại, đặc biệt, khi đói, độ axit này còn cao đến mức có thể hòa tan nhựa tổng hợp. Để bảo vệ chính nó không bị tự tiêu hóa, dạ dày có nhiều lớp và cứ sau 2 tuần, lớp lót mới lại được tái tạo hoàn toàn.
Ruột non và ruột già
Ruột non và ruột già nằm giữa thực quản và hậu môn, nằm gọn bên trong khoang bụng của cơ thể người. Thế nhưng, ít người biết rằng, chiều dài của ruột non và ruột già cộng lại có thể lên đến 3 – 7m. Khi thức ăn được đưa từ dạ dày xuống, ruột non tiếp tục quá trình phá hủy thực phẩm bằng cách sử dụng các men tiết ra từ tuyến tụy và mật từ gan. Nhờ vào sự vận động của các cơ ruột, thức ăn được vận chuyển một cách trơn tru đi suốt chiều dài ruột non và xuống ruột già. Nhờ vậy mà phần lớn các chất dinh dưỡng, nước và muối khoáng được hấp thu ở ruột non. Ruột già sẽ giúp hấp thu nước, muối khoáng có giá trị còn sót lại trong thức ăn và loại bỏ các phần chất bã không sử dụng ra ngoài dưới dạng phân.
Thận
Thận là một phần của hệ nội tiết. Chức năng chính của thận là thanh lọc các chất thải ra khỏi máu. Ví dụ, nitơ là một sản phẩm thải từ quá trình dị hóa protein. Nitơ có hại cho cơ thể, vì vậy thận sẽ loại bỏ chất này ra khỏi máu và bài tiết dưới dạng nước tiểu. Để thực hiện nhiệm vụ, mỗi quả thận có ít nhất một triệu, có thể lên đến hai triệu bộ lọc nhỏ, được gọi là nephron (đơn vị thận). Con người không thực sự cần tới 2 quả thận, chỉ một quả cũng đủ khả năng lọc máu tốt. Trong trường hợp đứa trẻ sinh ra chỉ có một quả thận, bộ phận này sẽ phát triển bằng trọng lượng của 2 quả thận cộng lại.
Bàng quang
Bàng quang là nơi lưu trữ nước tiểu. Cơ quan này trông giống như một cái túi rỗng và có thể co giãn rất nhiều. Thể tích nước tiểu mà bàng quang có thể chứa tương đương một lon nước có thể tích 560 ml. Bàng quang của người trưởng thành có hình dạng và kích thước trông giống như một quả lê.
Gan
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất cơ thể và cũng là cơ quan đảm nhận nhiều nhiệm vụ nhất. Gan có màu đỏ sẫm, nặng khoảng 1,4 – 1,6kg, chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể người lớn và 5% trọng lượng cơ thể trẻ em. Các nhà khoa học cho biết gan có thể thực hiện 100 công việc lớn nhỏ khác nhau. Một lá gan có thể tự xử lý những tổn thương nghiêm trọng. Thậm chí, gan còn có thể tự phục hồi dù bị cắt đi tới 75%. Ngoài ra, người Hy Lạp cổ đại còn tin rằng gan lưu trữ tất cả cảm xúc của con người.
Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích về chức năng của các cơ quan nội tạng để chia sẻ với trẻ. Khi chia sẻ với trẻ những kiến thức này, đừng quên kết hợp nhắc nhở trẻ việc chăm sóc cơ thể và duy trì các thói quen lành mạnh bạn nhé.
Ngân Phạm / HELLO BACSI
[embed-health-tool-vaccination-tool]