backup og meta

Cha mẹ cho trẻ ăn sữa chua sai cách: Lợi bất cập hại!

Cha mẹ cho trẻ ăn sữa chua sai cách: Lợi bất cập hại!

Nhiều gia đình ở Việt Nam có thói quen cho trẻ ăn sữa chua mỗi ngày. Hiện nay, sữa chua được bán ở khắp mọi nơi với những mùi vị khác nhau. Việc ăn sữa chua đều đặn mỗi ngày mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, trẻ ăn sữa chua thường xuyên có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Việc cho trẻ ăn sữa chua ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của con? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Cho trẻ ăn sữa chua có tốt không?

Sữa chua là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, được nhiều nhà dinh dưỡng khuyên dùng, đặc biệt là đối với trẻ em. Phần lớn trẻ đều có xu hướng không thích các loại thức ăn “có lợi cho sức khỏe” như rau và trái cây. Tuy nhiên, sữa chua có thể là một ngoại lệ. Trẻ em không những thích sữa chua mà còn thích cả những hương vị khác nhau của chúng nữa.

Lợi ích khi cho trẻ ăn sữa chua

Mọi người đều biết sữa chua rất có lợi cho sức khỏe và còn được xem như một trong những cách tăng sức đề kháng cho bé tuy nhiên không phải ai cũng biết hết những lợi ích mà sữa chua mang lại, đặc biệt là đối với trẻ em. Dưới đây là một số lợi ích của việc cho trẻ ăn sữa chua:

1. Cho trẻ ăn sữa chua cung cấp nguồn canxi dồi dào cho sự phát triển của trẻ

Sữa tươi luôn được xem là loại thực phẩm thiết yếu hàng đầu đối với trẻ em vì rất giàu canxi. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng thích và cũng hấp thu được sữa tươi. Trong khi đó, sữa chua có hàm lượng canxi cao, thậm chí hơn cả sữa tươi. Chỉ một cốc sữa chua cũng có thể cung cấp 450mg canxi cho trẻ. Lượng canxi này tác động trực tiếp đến sự phát triển của xương và làm xương khỏe hơn. Ngoài canxi, trong sữa chua còn chứa rất nhiều các khoáng chất khác như kali, phốt pho và rất giàu vitamin D.

2. Có thể chế biến nhiều món ăn phong phú từ sữa chua

cho trẻ ăn sữa chua đúng cách

Nếu bé nhà bạn không thích ăn sữa chua truyền thống, đừng quá lo lắng. Các mẹ có thể biến tấu và phối hợp sữa chua với các loại thực phẩm khác để tạo ra các món ăn lạ miệng cho bé, ví dụ như nước sốt salad, sữa chua dầm hoa quả hoặc ăn lạnh như kem. Bằng những cách biến tấu khác nhau, bạn có thể thay đổi hương vị của sữa chua truyền thống và làm cho trẻ thích thú hơn.

3. Là “nhà” của các lợi khuẩn

Sữa chua được tạo ra bằng cách lên men sữa tươi nhờ hoạt động của các vi khuẩn. Các vi khuẩn này tăng sinh số lượng và giúp hình thành nên sữa chua. Đa số các loại vi khuẩn trong sữa chua đều là lợi khuẩn, vì vậy, có thể nói, sữa chua chính là nguồn cung cấp dồi dào các lợi khuẩn. Nếu ăn sữa chua thường xuyên, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ được bổ sung các lợi khuẩn, điều này giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn và khỏe mạnh hơn.

4. Giàu protein

Đối với những người ăn chay trường, việc làm thế nào đảm bảo đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể luôn là một điều đáng quan tâm. May mắn là sữa chua có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này. Lượng protein có trong một hũ sữa chua ngang ngửa với một quả trứng, có thể giúp bạn đảm bảo lượng protein cần thiết cho cơ thể. Sữa chua là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào, giúp con bạn đủ sức để hoạt động cả ngày dài.

5. Cho trẻ ăn sữa chua giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả

Thói quen ăn uống kém khoa học và việc ăn quá nhiều đồ ăn vặt là hai trong nhiều lý do dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ em ngày nay. Nếu bạn đang lo lắng về sức khỏe của con, hãy bắt đầu thay đổi thói quen cũng như chế độ ăn uống của trẻ ngay bây giờ. Cho trẻ ăn sữa chua giúp trẻ cảm thấy no sớm hơn bình thường. Đây là một cách tốt để giúp trẻ ăn ít hơn nhưng vẫn đảm bảo cung cấp được đầy đủ năng lượng cần thiết trong ngày.

Rủi ro khi cho trẻ ăn sữa chua

Có thể nói, sữa chua mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, cũng có nhiều rủi ro và bất lợi có thể gặp phải khi cho trẻ ăn sữa chua, gây ra do quá trình chế biến cũng như do sự dị ứng của cơ thể trẻ đối với loại thực phẩm này.

  • Sữa chua bán sẵn không phải lúc nào cũng chứa ít chất béo hoặc calo. Loại sữa chua “nhà làm” chứa một lượng lớn cả hai loại chất này. Ăn nhiều sữa chua đôi khi có thể dẫn đến tăng cân, thay vì giảm cân. Kết quả sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng béo phì ở trẻ và có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe khi trưởng thành. Nếu con bạn đang gặp các vấn đề kể trên, bạn nên cho trẻ sử dụng các loại sữa chua không đường, chúng vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết, vừa hạn chế lượng chất béo và calo dư thừa mà trẻ có thể hấp thụ.
  • Một số trẻ em mắc phải hội chứng không dung nạp lactose. Những trẻ mắc hội chứng này thường thiếu hoặc không có khả năng tiêu hóa các loại chế phẩm từ sữa, từ đó gây hạn chế rất nhiều trong chế độ ăn uống của trẻ, đặc biệt là khi chúng còn nhỏ. Nếu con bạn mắc phải hội chứng này, bạn nên cân nhắc đến việc cho trẻ ăn sữa chua vì loại thực phẩm này có thể gây nên một số vấn đề cho trẻ như đau bụng, chướng bụng hoặc tiêu chảy. Sữa chua làm từ sữa dê hoặc sữa đậu nành có thể là những lựa chọn thay thế có ích cho trẻ.
  • Các loại sữa chua được bán trên thị trường luôn chứa một lượng đường nhất định. Việc cho trẻ ăn sữa chua quá nhiều có thể tăng lượng đường mà cơ thể hấp thụ nhưng chúng ta lại không nhận ra, từ đó có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe ở trẻ. Nếu con bạn thích ăn sữa chua, hãy chọn cho bé loại sữa chua không có hoặc chứa ít đường để bé có thể thoải mái ăn uống mà bạn không cần lo lắng quá nhiều.
  • Nhiều loại sữa chua bán trên thị trường có chứa hormone tăng trưởng. Đây thường là những hormone được con người tiêm vào gia súc nhằm thúc đẩy chúng phát triển nhanh và tạo ra nhiều sữa hơn. Hầu hết các thương hiệu sữa chua đều cam kết không chứa các hormone tăng trưởng này trong sản phẩm của mình. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, ăn sữa chua có thể dẫn đến một số vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, chẳng hạn như bắt đầu dậy thì sớm, tăng nguy cơ ung thư và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
  • Cần lưu ý là bạn chỉ nên cho trẻ ăn sữa chua khi con được từ 7, 8 tháng tuổi trở lên. Ở những giai đoạn sớm hơn, hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa phát triển ổn định, ăn thực phẩm chua có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan này.

Công thức chế biến món ngon với sữa chua cho trẻ

Nếu con bạn là “fan trung thành” của sữa chua, bạn nên trang bị cho mình một số công thức chế biến sữa chua để tạo ra các loại đồ ăn hoặc thức uống vừa lạ vừa quen cho bé.

1. Sinh tố sữa chua hoa quả

Cho trẻ ăn sinh tố sữa chua hoa quả

Đây là món đồ uống đơn giản mà bạn có thể chuẩn bị ngay tại nhà. Việc kết hợp sữa chua và hoa quả vừa giúp bổ sung năng lượng, chất xơ cũng như vitamin cần thiết cho bé. Bạn có thể chuẩn bị loại thức uống này để trẻ ăn nhẹ giữa các bữa ăn chính.

Nguyên liệu cần thiết:

  • Sữa chua
  • Dâu tây ướp lạnh
  • Nước cam ép
  • Chuối

Các bước thực hiện sinh tố sữa chua hoa quả cho trẻ ăn:

  • Bước 1: Cho tất cả hoa quả và nước ép cam vào máy xay. Xay cho đến khi thu được hỗn hợp mịn.
  • Bước 2: Thêm sữa chua và tiếp tục xay đều cho đến khi mịn hoàn toàn.
  • Bước 3: Đổ hỗn hợp ra ly, trang trí bằng một vài lát chuối cắt khoanh tròn và cho bé thưởng thức.

2. Kem sữa chua kèm dâu tây

Cho trẻ ăn kem sữa chua kèm dâu tây

Trẻ thường thích ăn kem sữa chua (frozen yogurt) và luôn đòi phải có ngay lập tức. Không cần lo lắng, bạn có thể làm kem sữa chua ngay tại nhà mà không cần tốn quá nhiều thời gian. Hãy “dự trữ” trong nhà một hộp kem sữa chua tự làm và đáp ứng ngay nhu cầu ăn uống của trẻ.

Nguyên liệu cần thiết:

  • Sữa chua
  • Các loại hoa quả
  • Mật ong
  • Nước chanh ép
  • Vanilla

Các bước thực hiện kem sữa chua kèm dâu tây cho trẻ ăn: 

  • Bước 1: Trộn lẫn tất cả nguyên liệu trừ dâu tây vào một cái tô
  • Bước 2: Cho thêm chút đường vào trộn đều nếu con của bạn thích ăn đồ ngọt
  • Bước 3: Trang trí hoa quả phía trên kem sữa chua. Nếu còn bạn còn nhỏ, bạn nên cắt hoa quả ra thành những lát mỏng để tránh trẻ bị nghẹn khi ăn.
  • Bước 4: Đặt thành phẩm vào ngăn lạnh trong vài giờ, sau đó có thể cho bé thưởng thức.

3. Làm pancake sữa chua cho trẻ ăn

Cho trẻ ăn pancake sữa chua

Nếu bạn đang đau đầu vì không biết nên chuẩn bị bữa ăn sáng thế nào để vừa ngon miệng, vừa đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, hãy thử ngay công thức làm pancake sữa chua dưới đây.

Nguyên liệu cần thiết:

  • Việt quất
  • Bột mì
  • Bột nở
  • Bột quế
  • Vanilla
  • Trứng đã đánh đều
  • Sữa chua
  • Sữa tươi
  • Một ít muối

Cách làm pancake sữa chua cho trẻ ăn:

  • Bước 1: Cho bột mì, bột nở, muối và bột quế vào một tô lớn, trộn đều.
  • Bước 2: Trộn vanilla, trứng và sữa chua trong một tô khác.
  • Bước 3: Cho từ từ tô sữa chua vào tô bột, trộn đến khi đều hẳn.
  • Bước 4: Để chảo lên bếp cho nóng, phết bơ lên mặt chảo, cho một ít bột pancake vào chảo. Chỉnh lửa vừa, chờ đến khi mặt bánh nổi bong bóng thì lật bánh lại, để yên thêm khoảng 3 – 4 phút.
  • Bước 5: Cho bánh ra đĩa, cho thêm sữa chua và mật ong lên mặt bánh.

Sữa chua vẫn luôn là một món ăn tốt cho sức khỏe với nhiều lợi ích đa dạng, đặc biệt là đối với trẻ em. Tuy nhiên, bạn cần phải cẩn trọng khi cho trẻ ăn sữa chua vì ăn quá nhiều loại thực phẩm này cũng có thể gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng đến trẻ. Nếu trẻ không chịu ăn sữa chua, bạn có thể áp dụng một số các công thức mà Hello Bacsi đã gợi ý để chế biến cho con những món ngon khác nhau từ sữa chua.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Your baby’s first solid foods – NHS https://www.nhs.uk/conditions/baby/weaning-and-feeding/babys-first-solid-foods/ Ngày truy cập: 20/03/2023

Health benefits of yogurt among infants and toddlers aged 4 to 24 months: a systematic review | Nutrition Reviews | Oxford Academic https://doi.org/10.1093/nutrit/nuz009 Ngày truy cập: 20/03/2023

Infant dietary intake of yogurt and cheese and gastroenteritis at 1 year of age: The Japan Environment and Children’s Study | PLOS ONE https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0223495 Ngày truy cập: 20/03/2023

Feeding Your 8- to 12-Month-Old (for Parents) – Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/parents/feed812m.html Ngày truy cập: 20/03/2023

Evaluation of yogurt effect on acute diarrhea in 6-24-month-old hospitalized infants https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16848109/ Ngày truy cập: 20/03/2023

Disadvantages to Eating Yogurt for Kids

https://www.livestrong.com/article/546450-disadvantages-to-eating-yogurt-for-kids/

Ngày truy cập: 07/07/2019

When can my baby eat yogurt?

https://www.babycenter.com/404_when-can-my-baby-eat-yogurt_1368506.bc

Ngày truy cập: 07/07/2019

Yoghurt for Kids – Benefits, Risks and Recipes

https://parenting.firstcry.com/articles/yogurt-for-kids-benefits-risks-and-recipes/

Ngày truy cập: 07/07/2019

Phiên bản hiện tại

20/03/2023

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 20/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo